Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Tưởng niệm 30 Tháng Tư, các dân cử gốc Việt nói về ‘đoàn kết trong cộng đồng’ - Ngọc Lan/Người Việt

Từ trái, ông Michael Minh Võ - nghị viên thành phố Fountain Valley, ông Charlie Nguyễn Mạnh Chí - nghị viên thành phố Westminster, Luật Sư Andrew Đỗ - giám sát viên Orange County, ông Tạ Đức Trí - thị trưởng thành phố Westminster, bà Kimberly Hồ - phó thị trưởng thành phố Westminster, và Luật Sư Nguyễn Quốc Lân - chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Tưởng niệm 30 Tháng Tư năm nay, cũng đánh dấu 44 năm cộng đồng người Việt có mặt và phát triển tại miền Nam California nói riêng và trên toàn nước Mỹ nói chung. Sự lớn mạnh của cộng đồng thể hiện ở việc ngày càng có nhiều tổ chức hội đoàn cùng đứng ra tổ chức các sự kiện quan trọng, đặc biệt như các hoạt động tưởng niệm Tháng Tư Đen.
<!>Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của cộng đồng còn thể hiện rõ rệt nhất qua sự có mặt của đông đảo dân cử gốc Việt hiện diện trong chính trường Hoa Kỳ ở đủ các cấp.
Tuy nhiên, càng đông tổ chức, càng đông dân cử, thì càng có nhiều tiếng nói trái chiều, càng có những mâu thuẫn tưởng chừng đến mức khó hòa giải. Trước hiện tượng đó, có người cho rằng đây là biểu hiện của sự mất đoàn kết, chia rẽ; có người lại nhìn nhận đó là chuyện thường tình trong một xã hội dân chủ.
Vậy, các dân cử gốc Việt suy nghĩ ra sao về vấn đề này?
Không có chia rẽ, chỉ có khác biệt
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, chủ tịch học khu Garden Grove, cho rằng “không có sự chia rẽ giữa dân cử với cộng đồng.”
“Dân cử thì mỗi người mỗi ý, mỗi người một khái niệm, không ai giống nhau. Khác biệt nhau thì phải có, nhưng vấn đề là họ có tìm ra mẫu số chung để làm việc với nhau hay không. Có một số người làm việc với nhau được, một số người không làm việc chung được. Điều đó mình phải chấp nhận, nhưng không thể coi đó là sự chia rẽ,” ông phân tích.
Thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí thì cho rằng “vẫn có sự đoàn kết tương đối giữa các nghị viên.”
“Điển hình là chưa có khi nào mà 11 dân cử gốc Việt cùng ngồi lại tổ chức Lễ Tưởng Niệm 30 Tháng Tư như năm nay. Các dân cử các cấp từ tiểu bang đến quận hạt, địa phương cùng phối hợp làm việc để mà thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh của thế hệ đi trước, đó có thể nói là một sự đoàn kết tương đối,” ông Trí nói.
Ông nói thêm về ý nghĩa của sự đoàn kết giữa các dân cử gốc Việt, “Đa số đồng hương thầm lặng trong cộng đồng đều nhìn thấy sự đoàn kết của các dân cử, là những người phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta cũng khó tránh khỏi một số điều trái ngược nhau trong một xã hội tự do dân chủ như xã hội Mỹ. Nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng là đa số đồng hương đều muốn thấy các dân cử hòa thuận với nhau. Nếu các dân cử không đồng ý với nhau điểm nào thì có thể bày tỏ sự không đồng ý bằng một phương thức tôn trọng nhau, đồng hương muốn nhìn thấy chuyện đó, và chuyện đó có thực hiện được hay không thì tùy theo cá nhân của mỗi người.”
Luật Sư Lân cũng giải thích về lý do vì sao các dân cử gốc Việt tổ chức lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư năm nay: “Chuyện các anh chị em dân cử tổ chức lễ tưởng niệm năm nay bắt đầu từ việc một nhóm cộng đồng bằng cách này hay cách khác họ đánh phá nhóm dân cử này, thành ra khó mà có thể ngồi xuống làm việc chung với họ. Giống như mình chơi với người mà lúc nào cũng tung cát vô mắt mình thì làm sao mình chơi được.”
Nghị Viên Tài Đỗ của thành phố Westminster cũng cho rằng “không có vấn đề gì khi có những mâu thuẫn xảy ra giữa các tổ chức cộng đồng.”
“Theo tôi thấy, cộng đồng nào cũng vậy, cũng có những bất đồng ý kiến. Cho nên nói chia rẽ hay không chia rẽ thì theo tôi không là vấn đề, vì mỗi người có lựa chọn của mình, người ta thích ai thì họ đi với nhóm đó, người ta thích sinh hoạt với nhóm nào cũng là do ý thích của họ, tôi không thấy có vấn đề gì để gọi là chia rẽ hết,” ông Tài nói.
Ông giải thích, “Đối với tôi, chuyện có nhiều hội đoàn đứng ra tổ chức 30 Tháng Tư theo tôi cũng là điều bình thường. Cũng như hội chợ Tết cũng vậy, hai, ba người cùng tổ chức một ngày thì điều đó cũng là bình thường. Chỗ nào làm người ta cảm thấy vui vẻ khi tới, an toàn khi tới thì người ta tụ tập về đó nhiều hơn, còn chỗ nào không có chương trình phong phú khiến người ta chán thì tự động người ta không đi nữa. Với người Mỹ cũng y như vậy.”
Nghị Viên Tài Đỗ cho rằng, “Nếu cái gì cũng chỉ có một, độc quyền, độc tài thì cách phục vụ sẽ xuống, còn khi có nhiều tổ chức, có cạnh tranh công bằng, thì luôn luôn có những điều tốt hơn.”
Ông cũng chia sẻ, “Trong vấn đề chính trị có rất nhiều điều khiến người ta dè dặt, không biết dính líu đến người này thì có ảnh hưởng đến chuyện tranh cử này nọ hay không. Cho nên tất cả mọi người đều có nỗi lo sợ của họ, nhưng đối với tôi thì chuyện đó rất là bình thường. Sự mâu thuẫn là bình thường, không có vấn đề gì. Tôi sẵn sàng làm việc với mọi người, tôi không cảm thấy mình có xung đột với ai hết.”
‘Mâu thuẫn sâu xa khó hàn gắn’?

Dân Biểu Tyler Diệp tại Hạ Viện California. (Hình: Tyler Diệp cung cấp)

“Các hội đoàn cũng như các dân cử gốc Việt có những mâu thuẫn sâu xa khó hàn gắn.” Đó là nhận xét thẳng thừng của Dân Biểu Tyler Diệp, dân cử gốc Việt cao cấp nhất hiện nay tại California.
“Tôi bắt đầu sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam từ năm 2005. Từ đó đến nay, tôi thấy càng ngày các tổ chức hội đoàn cũng như các dân cử gốc Việt càng có những mâu thuẫn sâu xa khó hàn gắn, chứ không thấy có sự đoàn kết nào hơn, cho dù rằng mỗi năm ai cũng vỗ ngực nói đoàn kết này đoàn kết kia nhưng rốt cuộc đoàn kết đâu không thấy, mà thấy đánh phá nhau thì nhiều,” ông Tyler nêu cảm nhận.
Lý do của nhận xét này, theo ông Tyler xuất phát từ chỗ “có một số người không biết thông cảm với đối phương, nên khi thấy người khác làm một điều gì không đúng tuy rất nhỏ, thì họ cũng xé ra to. Mà ở đời thì cái gì cũng có qua có lại. Mình đánh phá người ta, thì người ta cũng sẽ nghĩ đến chuyện đáp lại, cứ chồng chất như vậy, đến cuối cùng cũng không ai nhớ được là sự mâu thuẫn đã bắt đầu từ đâu.”
Nghị Viên Diedre Thu-Hà Nguyễn của thành phố Garden Grove cũng có suy nghĩ “thời gian gần đây, có sự không hòa thuận giữa các dân cử cũng như cộng đồng của chúng ta.”
“Tôi cảm thấy được điều đó. Tôi cảm thấy cộng đồng mình đang có sự chia rẽ, đặc biệt 30 Tháng Tư năm nay có rất nhiều hội đoàn khác nhau cùng tổ chức, cùng giờ cùng ngày, điều đó cũng tạo cho người dân cảm thấy không biết nên tham dự bên nào, ủng hộ bên nào,” Nghị Viên Thu-Hà nói.
“Hiện nay có nhiều người hợp lại gọi là ‘nhóm dân cử gốc Việt’ để tổ chức sự kiện này sự kiện khác thì theo tôi dân cử không phải là một tổ chức. Dân cử là chức vụ mà người dân tín nhiệm bầu cho mình, để mình làm việc theo nguyện vọng của cử tri. Dân cử là người của chính quyền, là thuộc về cộng đồng chung,” cô nói.
Cô bày tỏ, “Là một người trẻ, tôi rất mong muốn thấy tương lai chúng ta có được một sự đoàn kết, nhưng mà sự đoàn kết đó phải là sự tự nguyện của từng cá nhân, đặt công việc chung của cộng đồng lên trên hết để mà đoàn kết. Chứ hiện tại thì bên nào cũng có đường hướng riêng thì rất khó cho đồng hương, cho cộng đồng tại miền Nam California của mình.”

Nghị Viên Diedre Thu-Hà Nguyễn (trái) và Nghị Viên Phát Bùi của thành phố Garden Grove tại một lễ tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư, 2019.(Hình: Facebook Phát Bùi)

Mâu thuẫn chỉ có hại?
Theo ông Tyler, sự mâu thuẫn mà ông nhìn thấy “không hề có lợi, mà chỉ có hại mà thôi.”
“Cái lợi, nếu có, thì hy vọng là người khác có thể dẫn chứng ra được, chứ riêng tôi thì tôi chưa thấy cái lợi ở đâu hết mà trước mắt chỉ thấy cái hại không thôi,” ông nói.
Ông phân tích, Có những chuyện không đáng lên tiếng, nhưng người ta vẫn lôi ra để chỉ trích lẫn nhau, rồi sự thật cũng không được tôn trọng nữa. Và cứ thế dân chúng phần nhiều cũng nản lòng.”
“Cái hại nữa là vì mâu thuẫn nên ai cũng muốn tranh giành với nhau để làm chuyện này chuyện kia, không ai chịu ngồi chung với nhau, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Như chuyện gần đây nhất là chuyện làm đám tang cho một người cũng khiến cộng đồng xào xáo lên, mà điều đáng buồn là lúc người đó còn sống thì không ai để ý đến đời sống của họ, nhưng khi họ qua đời thì người ta lại tranh giành nhau,” ông nói thêm.
Ông cũng cho biết, “Vào lúc mới thắng cử, tôi thật tâm muốn thực hiện việc hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng. Nhưng chỉ mới vỏn vẹn 4-5 tháng sau lời phát biểu đó thì tôi thấy chuyện đó khó quá để thành hiện thực, vì từ những việc như tặng bằng khen, từ những việc như cư xử với nhau trong hội đồng thành phố,… có quá nhiều những lời qua tiếng lại, mà nhìn tới cùng thì các đồng nghiệp hay các dân cử chỉ tranh cãi vô những chuyện không đâu vào đâu cả.”
Ông lo lắng, “Bây giờ để nói rằng bằng cách nào để cho những người này ngồi lại với nhau thì thực sự là rất khó, và trong cộng đồng chúng ta hiện tại không có ai có thể làm trung gian cho việc hòa giải này.”
Luật Sư Lân nêu vấn đề, “Một số người lãnh đạo của nhóm cộng đồng có mục đích riêng của họ là đánh phá triệt hạ những người dân cửbằng cách này hay cách khác, và việc đó thể hiện qua nhiều hành động mà họ làm liên tục trong mấy năm vừa qua, và rõ ràng là hành động của họ có tác dụng làm yếu đi, hay làm mất đi ảnh hưởng về quyền lợi của cộng đồng Việt Nam.”
Tác hại của việc đánh phá này, theo ông Lân, “Thiệt hại ở chỗ người ngoài không biết chuyện cứ tưởng là cộng động này chia rẽ, chính giới của Mỹ tưởng rằng các dân cử tách rời ra với cộng đồng, tai hại là như vậy, nó yếu đi sức mạnh của cộng đồng. Nhưng trên thực tế thì nhóm này lại không đại diện cho cộng đồng, họ không hành xử với mục đích nhìn ra bức tranh lớn hơn, mục tiêu lớn hơn là bảo vệ sức mạnh, biểu tượng của cộng đồng, họ không muốn làm như vậy. Họ chỉ muốn trả thù cá nhân mà che đi quyền lợi cộng đồng. Và đó là lý do vì sao các anh chị dân cử không thể nào làm việc với họ được.”
Ông nói thêm, “Ở đây ai cũng có mục tiêu chống Cộng, nhưng mỗi người có quan điểm và cách làm việc khác nhau, mà sự khác biệt đó không biến họ thành Việt gian hay Việt cộng. Cái sai của những người nhân danh cộng đồng là thấy người nào khác quan điểm, mục đích với họ thì họ cho người ta là Việt gian. Đó là sai. Mọi người nên biết chấp nhận là mỗi người có quan điểm khác nhau, nhưng cuối cùng cũng đi đến mục tiêu giống nhau.”

Nghị Viên Tài Đỗ (cầm micro) tại một sinh hoạt tưởng niệm 30 Tháng Tư, 2019. (Hình: Facebook Phát Bùi)

‘Cạnh tranh với nhau là chuyện bình thường’
Với Nghị Viên Phát Bùi của thành phố Garden Grove thì cho rằng, “Cộng đồng ở đây có sự cạnh tranh và phe nhóm của một số người, cá nhân tôi không chia rẽ với ai cả. Trong những lúc tranh cử thì dĩ nhiên có sự cạnh tranh với nhau, đó là chuyện bình thường trong sinh hoạt dân chủ ở Mỹ.”
“Nếu chúng ta nhìn sự đoàn kết theo nghĩa mọi người cùng chung một mối, mọi người cùng tiếng nói, cùng cách nhìn thì không khác gì chuyện độc tài cộng sản. Tôi nghĩ rằng những sự không đồng ý kiến, không đồng chính kiến là một sinh hoạt tốt cho một chế độ dân chủ tự do, quan trọng là chúng ta ngoài vấn đề cạnh tranh đánh phá nhau trong lúc tranh cử ra thì chúng ta nên làm việc với nhau,” ông Phát nói.
Ông cũng cho rằng, “Khi chúng ta có cái nhìn khác nhau, đối chọi nhau thì đó chưa phải là chia rẽ. Khi chúng ta tẩy chay nhau thì đó mới là chia rẽ. Tuy nhiên, với cái nhìn của tôi thì tôi thấy ở đây có sự cạnh tranh, chứ chưa thấy có bằng chứng gì cụ thể để gọi là tẩy chay nhau hay chia rẽ.”
Ông cũng nói thêm rằng, “Cá nhân tôi không tẩy chay bất kỳ ai. Khi ai làm vì có lợi cho cộng đồng thì tôi tham gia, còn ai làm gì có hại cho cộng đồng thì tôi lên tiếng phản đối, cái nhìn của tôi đơn giản như vậy thôi.”
Ông Phát cũng nêu lên sự bất bình trong vai trò của một chủ tịch cộng đồng khi cho rằng tổ chức  Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali đã nộp đơn xin thành phố Westminster tổ chức lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư từ Tháng Mười năm 2018, và được chấp thuận vào Tháng Ba năm nay. Tuy nhiên, vào cùng ngày giờ mà Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali tổ chức thì “một số dân cử gốc Việt cũng tổ chức Lễ Tưởng Niệm 30 Tháng Tư với một chương trình ca nhạc.”
“Họ có thể tổ chức ngày khác để mọi người đều có thể tham dự thì tốt hơn,” ông Phát nói.
Nói về ý kiến của một số cử tri cho rằng “không bầu cho ứng cử viên gốc Việt nữa trong kỳ bầu cử tới” ông Phát bày tỏ, “Tôi nghĩ rằng người Việt của chúng ta bỏ phiếu cho một cá nhân nào thì đều phải cân nhắc dựa trên căn bản là người đó có làm được những điều mang lại lợi ích cho cộng đồng chúng ta, họ phục vụ cho cử tri thì chúng ta bỏ phiếu cho người đó.”
“Tôi nghĩ là người dân sáng suốt lắm, họ sẽ nhận định quá trình làm việc của một ứng cử viên nào đó để họ bỏ phiếu cho người xứng đáng với lá phiếu của họ. Tôi không có chủ trương là người Việt phải bỏ cho người Việt. Vì làm như vậy chẳng lẽ người Việt quốc gia lại bỏ phiếu cho người Việt thân Cộng hoặc là những người có lập trường không rõ ràng. Và ngược lại? Cho nên tôi nghĩ là người dân biết chọn người có thành tích phục vụ quyền lợi cho người dân thì chúng ta bỏ phiếu cho người đó,” ông nói.
Dân cử nên hành xử sao cho đúng?
Có những điều lệ, điều luật trong sinh hoạt chính trị dòng chính mà dân cử gốc Việt không thực hiện.

Cựu Dân Biểu Trần Thái Văn (Hình: Người Việt)

“Cộng đồng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, và hướng đi theo sự phát triển lớn mạnh đó bao giờ cũng gây ra những thảo luận, tranh cãi, thì đó là điều tốt cho xứ sở dân chủ và trọng pháp, không có gì ngạc nhiên hết,” cựu Dân Biểu Trần Thái Văn  nhận xét.
Là người được xem là có thâm niên sinh hoạt chính trị trong dòng chính lâu đời nhất so với tất cả các dân cử gốc Việt khác, cựu dân biểu Trần Thái Văn nêu suy nghĩ.
“Tôi không nhìn thấy vấn đề gì trầm trọng đến nỗi như mọi người nghĩ về tình hình cộng đồng cũng như dân cử gốc Việt hiện nay. Đây chỉ là giai đoạn thuyên chuyển cho sự trưởng thành và lớn mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Nói chung đây là hiện tượng trong một cộng đồng đa dạng và có nhiều thế hệ khác nhau, không riêng gì về tuổi tác mà cả về kiến thức, cách nhìn, kinh nghiệm trong sinh hoạt cộng đồng có những khác biệt thì dễ gây ra nhiều sự bàn thảo hay tranh cãi. Nhưng đối với tôi thì tôi thấy việc đó là điều tốt.”
“Tuy nhiên, về phương diện dân cử có một số điều lệ, không phải là điều luật, mà là tiền lệ để các dân cử phải tương nhượng và kính nể nhau để cùng làm việc mà tôi muốn nhìn thấy trong các dân cử gốc Việt. Đây không phải chỉ áp dụng trong dân cử Việt Nam với Việt Nam, mà kể cả các dân cử Mỹ hay các cộng đồng khác cũng vậy,” ông diễn giải.
Theo ông, “Thứ nhất, là không nên xía vào công việc của các dân cử thành phố khác. Nghĩa là mình chỉ nên lo cho khối cử tri và công dân của thành phố mình. Đây là điều lệ rất rõ ràng, thành phố của you you lo, thành phố của tui tui lo, không có nói ra nói vô gì hết. Đây là điều lệ căn bản, không nên vi phạm. Vấn đề thứ nhì là giữa các dân cử với nhau, nếu không ủng hộ nhau được vì có sự khác biệt về phương diện chính trị, hay thành kiến cá nhân không hợp nhau, thì tối thiểu đừng có đả kích lẫn nhau hay thọc gậy phá nhau. Điều răn này khá rõ, nhất là khi quyền lợi không mâu thuẫn gì với nhau.”
Ông nói tiếp, “Chuyện các dân cử không ủng hộ nhau rất là thường, nhưng trong một sinh hoạt của nền dân chủ Mỹ, ngay trong Quận Cam cũng đã có mấy trăm dân cử các cấp khác nhau, từ dân biểu liên bang trở xuống tới quận hạt địa phương, đâu phải ai cũng đồng lòng để có thể làm việc chung với nhau, nhưng không vì thế mà đâm thọc lẫn nhau trong công việc hàng ngày.”
“Đó là điều lệ và điều luật mà nếu nói các dân cử nên hành xử như thế nào cho đúng thì tôi muốn thấy nó phải đúng như vậy,” ông nhấn mạnh. (Ngọc Lan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét