Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

Tạ Xuân Quan - Tam Kỳ

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời
Chẳng rõ do tình cờ hay cố ý, ga xe lửa Tam Kỳ được xây dựng gần sát mốc cây số trung tâm của cung đường sắt Sài Gòn- Hà Nội? Vì lẽ đó, có người cho rằng địa danh Tam Kỳ có thể xuất phát từ vị trí địa lý “nằm giữa ba kỳ” Nam, Trung, Bắc.
Thực ra, địa danh Tam Kỳ có từ rất lâu đời. Trong một văn bản năm 1767 thời vua Lê Cảnh Hưng hiện còn lưu tại làng Hương Trà, Tam Kỳ đã từng ghi tên “Tam Kỳ tân lập xã” với tự dạng chữ Kỳ được ghi gồm bộ Sơn (tả) và chữ Chi (hữu). Chữ Kỳ ấy hiểu theo nghĩa được ghi trong từ điển Hán Việt là “ngả rẽ”.
<!>
Căn cứ vào những ghi chép trong Phủ biên tạp lục được viết vào nửa sau thế kỷ XVII thì đường thiên lý vào phía nam khi chạy qua địa giới Tam Kỳ rẽ thành ba ngả: hoặc theo đường hành quân vòng lên ngả Suối Đá (vùng Tiên Phước bây giờ); hoặc qua “tuần đò Tam Kỳ” vượt quán Phú Khang đến sông Bầu Bầu (phía bắc huyện Núi Thành bây giờ); hoặc vòng xuống vùng hạ bạn, theo sông Phước Yên (sông Trường Giang hiện nay) vào phía cửa Đại Áp ( cửa Kỳ Hà bây giờ).

Chẳng rõ duyên nợ từ địa hình “ba ngả rẽ” ấy có vận vào sau này thế nào? Chỉ biết một thời, cả phố Tam Kỳ xưa trải theo chiều dài quốc lộ chỉ toàn là ngã ba. Vì thế, có người gọi nơi đây là “thị xã của các ngã ba”; một cách gọi rất sát vì mãi đến thập niên 80 của thế kỷ XX, chẳng có ngã tư nào!

Image result for xe đò tam kỳ đà nẵngBắt đầu từ phía bắc là ngã ba Chiên Đàn dẫn lên làng Chiên Đàn là lỵ sở của huyện Hà Đông xưa. Gần ngã ba này có ngôi đình Chiên Đàn rất nổi tiếng. Xưa, nơi đây có Văn Thánh Chiên Đàn thờ Khổng Tử cùng các bậc tiên nho và làm nơi sinh hoạt của Văn hội Nho học. Qua ngả ba này một quãng có tấm bảng “khuynh cái hạ mã” (dỡ lọng xuống ngựa) để nhắc nhở khách qua đường thể hiện sự tôn kính đối với nơi thờ tự thánh hiền.

Xế về phía nam khoảng 1,5km là ngã ba Phương Hòa còn gọi là ngã ba Cống Quẹo dẫn lên làng cổ Phương Hòa. Nơi đây có đình Phương Hòa được xây dựng hồi cuối thế kỷ XIX. Đình này cùng với đình Mỹ Thạch ở làng đối diện là hai ngôi đình tiêu biểu của hệ thống đình làng cổ khu vực Tam Kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Hiện nay, cả hai ngôi đình được trùng tu và xếp hạng di tích.

Image result for văn thánh chiên đàn
                                                                                               tháp chàm chiên đàn
Vào sâu nội thị, gần bến xe cũ Tam Kỳ (nay là siêu thị ), có ngã ba Hen. Sở dĩ có tên này vì nơi đây có tấm bảng mang chữ “Hen” khá to với dòng quảng cáo bên dưới về phương thuốc chữa hen suyễn gia truyền của đông y sĩ Thanh Phong có nhà ở vừa là nơi chữa bệnh và bán thuốc gần đó.

Cách ngã ba Hen khoảng 500 mét về phía nam là ngã ba có nhánh rẽ lên phủ đường Tam Kỳ xưa. Phía đối diện, xưa có một lò mổ gia súc (Abattoir) do người Pháp xây dựng; do đó, người địa phương gọi là ngã ba Ba Toa. Khoảng sau năm 1963, lại có tên ngã ba Bình Minh vì gần đấy có một lò bánh mì mang tên ấy. Khi nhánh rẽ lên phía tây được đặt tên đường Tiểu La thì ngã ba này lại đổi tên thành ngã ba Tiểu La và tên ấy tồn tại mãi đến bây giờ.

Vào phía nam khoảng 150m nữa là ngã ba rẽ lên đường Huỳnh Thúc Kháng. Người địa phương gọi đây là ngã ba Chợ Mới vì đối diện ngã ba này là một ngôi chợ được thành lập từ trước 1945 để chia sẻ áp lực mua bán với Chợ Cũ (nằm ở địa điểm nay là khách sạn Tam Kỳ). Ngã ba này rẽ thẳng lên ga Tam Kỳ.

Image result for ngã ba trường tàu tam kỳ
Tam Kỳ có một ngã ba không gắn với chợ mà gắn với “trường” được người địa phương quen gọi là ngã ba Trường Tàu. Địa danh “Trường Tàu” là cách gọi nôm chỉ khu vực có trường Dục Trí dạy tiếng Hoa. Trường Dục Trí nằm trong khuôn viên Quỳnh Phủ hội quán do cộng đồng người Hoa gốc Hải Nam thành lập. Ngã ba Trường Tàu có nhánh rẽ xuống khu Chợ Vạn- nơi từ xưa, sách Đại Nam nhất thống chí gọi là Chợ Man - rồi chạy thẳng xuống vùng biển Tam Ấp (nay là khu vực bãi tắm biển Tam Thanh).

Ngã ba bà Hòa (gần cầu Tam Kỳ) rẽ xuống sẽ gặp “đường sưa” rất đẹp của làng Hương Trà, phường Hòa Hương. 

Image result for cầu tam kỳ
Có thể kể một ngã ba gắn liền với một tộc họ đến Tam Kỳ từ thời mở nước. Đó là ngã ba Trường Xuân gần kề với nhà thờ tộc Lê, làng Trường Xuân mà tiền hiền là ông Lê Tấn Trung, tương truyền là một hoàng thân của vương triều được vua Lê Thánh Tông phái ở lại trấn nhậm vùng đất này sau cuộc nam chinh. Tại ngôi từ đường này có treo đôi câu đối ca ngợi công lao hiển hách của vua Lê Thái Tổ: “Kinh Triệu huân danh chương Việt sử/ Nhung công hách liệt chấn Minh triều”. (Tạm dịch nôm: Lê tộc nêu danh trong sử Việt/ (bằng) Võ công lừng lẫy diệt quân Minh).

Một ngã ba khác có tên là ngã ba Bến Sạn gắn với hoạt động thương mại thời chín năm kháng chiến chống Pháp. Đây là nơi tập kết hàng hóa để đưa lên Bến Thương thuyền (gần khu vực Cầu Mới Tam Kỳ hiện nay). Bến này tập trung các thuyền buôn trước đỗ ở bến Chợ Vạn trên nhánh sông Bàn Thạch; vì sợ máy bay Pháp bắn phá nên dồn cả về phía sông Tam Kỳ.
Image result for hoa sưa an thổ tam kỳImage result for hoa sưa an thổ tam kỳ
đường sưa An Thổ, Tam Kỳ

Cũng có thể kể thêm ngã ba An Thổ dẫn lên làng An Thổ là nơi từng có nhiều khu vườn đẹp nổi tiếng; ngã ba Thư viện nằm cạnh thư viện thị xã Tam Kỳ cũ và ngã ba Thu Hương (sát tiệm uốn tóc Thu Hương xưa) được nhiều người lớn tuổi nhớ rõ vì ở góc ngã ba này có một cây mai cổ thụ sum suê, mùa xuân trổ hoa vàng óng. “Cây mai Thu Hương” một thời được xem như biểu tượng của tết ở Tam Kỳ. Điểm đặc biệt nhất của cây mai này là gần như năm nào chủ nhân cũng canh chừng tỉa lá đúng kỳ để hoa trổ đúng Tết âm lịch. Từng có lời đồn, một người sành cây cảnh muốn mua để đào cây mai này đem về trồng ở Đà Nẵng. Ông ta đã ra giá vài chục lượng vàng, một giá rất cao thời đó, nhưng chủ nhân cây mai Thu Hương quyết không bán và tuyên bố đầy tự hào: “Bạc vàng dễ kiếm; lão mai khó tìm! ”.

Image result for hoa sưa an thổ tam kỳImage result for hoa sưa an thổ tam kỳ
hoa sưa vàng tam kỳ

Giữa nơi vừa kể trên và “Trường Tàu” là một ngã ba chưa rõ tên. Đường rẽ từ ngã ba này dẫn xuống một giếng Chăm cổ có tên nôm là “Bốn Trụ”. Phía đông nam ngã ba này là di tích đình làng Tam Kỳ xưa. Có người dựa vào tên bà Lan, một phụ nữ ở Bình Định ra mở cửa hàng buôn vải sát đấy để định danh cho ngã ba này, nhưng không phổ biến lắm!

Chỉ có một ngã ba mang tên người được biết nhiều: đó là ngã ba bà Hòa gần cầu Tam Kỳ có nhánh rẽ xuống “đường sưa” rất đẹp của làng Hương Trà (thuộc phường Hòa Hương hiện nay). Xưa, ở ngã ba này có hiệu tạp hóa của bà Hòa và chồng là ông Vĩnh Mậu. Ông bà này đã đi tiên phong trong việc sản xuất nhiều mặt hàng mới tại địa phương, đặc biệt là hai sản phẩm chuối ép sấy khô (Bananes tapeés) và chuối bột (Bananes farines tapeés). Hai sản phẩm này đã tham dự hội chợ ở Huế năm 1937 rồi được ban tổ chức chọn đưa sang tham dự Hội chợ đấu xảo Marseille tại Pháp vào cuối năm 1938 và đã giành được huy chương cùng Bằng tưởng lệ (Brevet d'invention). Để ghi nhớ việc này, một viên quan phủ Nam triều đương thời đã tặng gia đình ông bà Vĩnh Mậu đôi câu đối như sau:“Trà cẩm sơn hà phò chánh nghị/ Ba tiêu tâm đức khởi tân tri”. (Tạm diễn nôm ý: Uống chén trà mang hương núi sông: sảng khoái bàn điều chính đáng/ Nhấm nháp vị ngọt của trái chuối: biết thêm nhiều điều mới).

Một ngã ba khác ở Tam Kỳ hầu như được cả nước biết tiếng: đó là ngã ba Nam Ngãi. Nơi đây là điểm nối quốc lộ 1A với tỉnh lộ lên Tiên Phước, Trà My. Trước năm 1945, gần đấy có dãy công sở do người Pháp thiết lập: Nhà Dây thép, Sở Bang tá, Sở Lục lộ, Nhà Thương, Đồn Đại lý…Thời ấy, nơi đây có tên là ngã ba Cầu Cống vì có một cái cống lớn mà người địa phương xem đó như “cây cầu”. Đến thời kỳ tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, đường sá tạm phá hủy từng quãng để ngăn đường tiến của giặc, “Cầu Cống” cũng bị phá và thay vào đó là một mặt cống được lát bằng tre như cái sạp. Do đó, địa danh “ngã ba Cống Sạp” được hình thành. Hòa bình lập lại, cống tre được thay bằng cống xi măng, lại gọi bằng tên ngã ba Cầu Cống. 

Image result for ngã ba nam ngãi, tam kỳ                                                                                                                                                        ngã ba nam ngãi, tam kỳ, quảng nam

Đến khoảng năm 1959-1960, hai anh em ông Nguyễn Đăng Toản và Nguyễn Đăng Lạng, người Quảng Ngãi ra Quảng Nam kinh doanh. Hai ông này lập nhà in mở đầu cho việc ấn loát tại Tam Kỳ. Họ đã mở ở ngay ngả ba này một nhà sách mang bảng hiệu Nam Ngãi. Từ đấy, người ta căn cứ vào tấm bảng hiệu này như một bảng chỉ đường. Ngã ba ấy đã “định danh” vì mãi đến sau khi nơi đây mở thành ngả tư, người địa phương vẫn quen gọi chỗ này là“Ngã ba Nam Ngãi”.
                                                                      PHÚ BÌNH - TẠ XUÂN QUAN
                                                                                                                                                              (từ: Fb biên trần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét