Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Ðọc lại ‘Mẫu Hệ’ – nỗi đau còn đó - Nguyễn Lương Vỵ

Bìa tác phẩm Mẫu Hệ. (Hình: Tác giả cung cấp)
Tôi đọc “Mẫu Hệ” một cách chậm rãi và liên tục bởi sự cuốn hút của cốt truyện. Ngay đầu sách, tác giả ghi mấy dòng khiêm tốn trong “Lời Mở”:

“ngó đất ngó trời
ngó trước ngó sau
ngó trên ngó dưới
ngó quanh ngó quẩn
động lòng viết chơi
truyện là hư cấu”

Tiếp theo, tác giả lại thêm: “Mọi nhân vật, không gian, thời gian trong truyện đều là sản phẩm của tưởng tượng” Ðó là cách nói cẩn trọng và tự trọng của nhà văn. Văn chương, dẫu là sản phẩm của hư cấu, tưởng tượng, cũng phải dựa vào hiện thực sinh động của cuộc sống, cùng với trải nghiệm, cảm nhận, cảm xúc của tâm hồn mình thì mới trở thành văn chương được.
<!>Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc xong trên 400 trang của “Mẫu Hệ” là: Tác giả đã làm tròn vai trò là người dẫn chuyện, với tư cách là một nhân chứng của một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch của miền Nam. Truyện xảy ra kể từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975 cho đến khi có chương trình “Ra Ði Có Trật Tự” (Orderly Departure Program – Viết tắt là ODP), còn gọi là chương trình “Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo” (Humanitarian Resetlement Program – Viết tắt là HR. Trong đó, có chương trình Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program – Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo – Viết tắt là HO) của Hoa Kỳ, được khởi sự vào đầu tháng 1, 1980.
Cặp nhân vật chính của truyện là vợ chồng Nại Hiên và Soại. Trước 30 tháng 4, 1975, Nại Hiên tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm, trở thành cô giáo trung học đệ nhị cấp; Soại là sĩ quan cấp úy của quân lực VNCH. Truyện như những thước phim quay chậm về cuộc “di tản” khốc liệt, bi thương của người dân miền Trung kể từ những tháng đầu năm 1975, lúc quân đội Cộng Sản miền Bắc khởi động tấn công Tây nguyên (chủ yếu là Pleiku, Buôn Mê Thuột). Giữa tháng 3, 1975 các tỉnh đầu giới tuyến của miền Nam như Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Ðà Nẵng bị thất thủ… rồi miền Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ kể từ ngày 30 tháng 4, 1975.
Từ miền Trung, Nại Hiên cùng ba đứa con nhỏ, theo đoàn người “di tản” vào Sài Gòn trong những ngày lửa đạn khủng khiếp ấy, để rồi sau 30 tháng 4, 1975, Nại Hiên cùng 3 đứa con nhỏ phải đành lòng rời xa Soại về lại quê nhà để có nơi nương tựa. Soại phải ở lại Sài Gòn để chờ ngày trình diện “học tập cải tạo” theo lệnh của chế độ mới, “chính quyền cách mạng,” “bên thắng cuộc”!
Nại Hiên trở về quê nhà với hy vọng sẽ được lưu dụng lại nghề dạy học ở trường cũ. Một cô giáo trẻ, tuổi chưa đầy 30, một nách 3 đứa con còn nhỏ dại, phải hứng chịu biết bao nghịch cảnh, nhất là chính sách phân biệt đối xử của cái gọi là “chủ nghĩa lý lịch” bất nhân từ chủ trương của “chính quyền cách mạng,” đối với công chức, sĩ quan “chế độ cũ.” Mặc dầu phải ráng nuốt nhục, im miệng chịu đựng, hầu mong được trở lại nghề cũ, dạy học nuôi con, nhưng mọi cố gắng để vượt qua số phận của Nại Hiên cũng đành thúc thủ buông tay. Cô giáo ngày xưa buộc phải bỏ nghề sư phạm, lao vào cuộc mưu sinh mới, với cái nghề rất lạ lẫm với chính mình: Buôn bán! Rất lạ lẫm nhưng Nại Hiên cũng đành nghiến răng chấp nhận vì cuộc sống của 4 mẹ con.
Soại ở lại Sài Gòn và ngày trình diện “học tập cải tạo” đã đến. Soại cứ tưởng cuộc trình diện này, nếu có “học tập cải tạo” thì chỉ trên mươi ngày là xong, theo thông báo của “chính quyền cách mạng,” nhưng sự thật không phải vậy. Anh và các bạn cùng cảnh ngộ như anh đã đi tù thật sự chứ không phải là “học tập cải tạo” như anh nghĩ một cách đơn giản. Anh chỉ biết chấp nhận số phận nghiệt ngã như tất cả đồng đội của anh. Những người tù không có án lệnh của tòa, nên cũng chẳng biết được thời gian mãn hạn tù, chỉ biết đẩy đưa theo số phận. Soại ở tù gần 6 năm mới được thả. Anh thầm cám ơn số phận đã mỉm cười với mình, được trở về sum họp với vợ con.
Nhưng… Ðằng sau chữ nhưng lại là nỗi đau dằn xé khôn nguôi trong lòng Soại. Với xã hội, một sĩ quan trẻ đầy hoài bão cho tương lai của ngày xưa, nay trở thành một người tù, một người “có tội với nhân dân,” một “ngụy quân” bị “bên thắng cuộc” phỉ báng, phân biệt đối xử thô bạo, tuy đã “được cách mạng khoan hồng” trả tự do, nhưng phải sống trong mặc cảm tự ti của một “công dân hạng hai” (hay hạng ba, hạng tư gì đó!), tương lai thì mờ mịt. Với gia đình, Soại là chồng, nhưng từ ngày ra tù, anh phải sống phụ thuộc vào Nại Hiên, coi hàng, chở hàng giúp vợ, thi thoảng có rảnh thì thăm bạn bè cũ, cà phê tâm sự cho đỡ buồn, hầu như bế tắc hoàn toàn trong tâm hồn và cuộc sống.
Nại Hiên, hình ảnh điển hình của người phụ nữ Việt Nam bởi những đức tính: Nhẫn nhục, kiên nghị, thông minh và được thừa hưởng truyền thống lễ giáo vốn có của gia đình. Nhưng Nại Hiên vẫn là con người bằng xương bằng thịt của đời thường, tuổi đời còn trẻ, có đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố, nhất là ở vào thời điểm nghiệt ngã nhất, bi kịch nhất của gia đình, cũng như hàng triệu gia đình ở miền Nam đồng cảnh ngộ. Nhẫn nhục, kiên nghị, thông minh đã giúp cho Nại Hiên có đủ sức xoay xở, đương đầu với cuộc sống mới đầy khắc nghiệt để mưu sinh, nuôi nấng và chăm sóc các con. Nhưng với nhựa sống tràn đầy, sự khát khao của một phụ nữ còn trẻ nhưng phải sống cảnh đơn chiếc cô độc, cùng với sự nhạy cảm của một cô giáo, Nại Hiên cũng đã có lúc rung động trước tình cảm của Hòa dành cho mình (Hòa là anh bộ đội trẻ gặp trên chuyến xe đò mà Nại Hiên cùng 3 con trở về quê, đã tận tình giúp đỡ nàng trong suốt hành trình. Sau nầy, Hòa trở thành một cán bộ cùng quê với Nại Hiên), nhưng Nại Hiên đã kịp nhận ra cái không đồng điệu của hai người, nhất là quan điểm chính trị rất tệ hại, giáo điều, ngu xuẩn của Hòa (thậm chí, có lúc Nại Hiên đã nhìn Hòa bằng cái nhìn bi phẫn, đuổi thẳng Hòa, vì cho rằng Hòa cũng là thủ phạm đã tiếp tay, gây ra những bi kịch mà Nại Hiên và những người đồng cảnh ngộ phải gánh chịu sau biến cố 30 tháng 4, 1075), tuy rằng qua tiếp xúc, Nại Hiên vẫn cho rằng Hòa là người tốt bụng, thật sự muốn giúp đỡ mình. Thường thì sự khác biệt giữa quan điểm, quan niệm về cuộc sống, cuộc đời nói chung, rất khó cho sự dung hợp, đồng điệu trong nhịp đập của lý trí và tình cảm. Nhất là khi trái tim không lên tiếng thì tâm hồn không thể hòa điệu được.
Trong cuộc bươn chải làm ăn sau nầy, Nại Hiên quen với Quốc, một thanh niên còn trẻ, cháu của một người bạn. Quốc đã đánh thức, làm rung động trái tim và tâm hồn cô quạnh của một người phụ nữ còn trẻ như Nại Hiên. Soại đã trở về, nhưng tình cảm vợ chồng không còn nồng nàn như trước nữa, do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất là do cơn lốc kinh hoàng của lịch sử, Nại Hiên phải chịu biết bao nhiêu nỗi khổ nhục để mưu sinh, sống đơn chiếc, thay chồng nuôi 3 con thơ dại. Soại đã ra tù, trở về với gia đình, nhưng Soại bây giờ là một người đàn ông thất thế, bế tắc trong cuộc sống, nên không thể là trụ cột trong gia đình như ngày xưa. Tình vợ chồng, do cả hai đều có mặc cảm, thiếu sự chia sẻ, cảm thông, dần dần dẫn đến sự xa cách, rạn nứt là điều không thể tránh khỏi.
Phần cuối của truyện, đây là một “nếp gấp” rất khéo tay, tế nhị của nhà văn khi “thước phim ngắn” thuật lại cảnh Soại đi với Phượng (người bạn gái) đến một rạp chiếu phim, bắt gặp Nại Hiên đang ngồi thân mật với Quốc. Soại liền dắt Phượng rời chỗ ngồi, đi đến ghế khác để khuất tầm nhìn, im lặng, không giải thích điều gì với Phượng. Thật ra, Soại đã linh cảm, biết được mối quan hệ không bình thường giữa Nại Hiên và Quốc từ lâu và có lần, do không kiềm chế được, Soại đã mắng thẳng vào mặt Nại Hiên với những lời lẽ rất nặng nề, rồi sau đó bỏ đi luôn, đến nhà bạn tá túc, tìm quên trong những cuộc nhậu để mong xoa dịu nỗi đau.
Cận cảnh nầy được xếp gần chương cuối cùng của truyện, khi Vân, người chị bà con đến thăm Nại Hiên để báo một tin rất quan trọng: Chương trình HO đã được khởi động, các sĩ quan quân lực VNCH đã bị “bên thắng cuộc” cầm tù trên 3 năm, sẽ được chính phủ Hoa Kỳ xét bảo lãnh tái định cư. Chị Vân khuyên Nại Hiên phải gặp Soại để giải hòa, hàn gắn tình vợ chồng để làm hồ sơ tái định cư cho gia đình, lo cho tương lai của các con.
Ðoạn đối thoại ở cuối truyện giữa Vân và Nại Hiên:
“- Em phải bắt xác nó về mới được, ai chẳng có sai lầm. Em cố làm sao cho nó hiểu, vì hoàn cảnh nghèo cực nên em mới có những hành động bất nhẫn với nó. Bây giờ thì em ân hận lắm rồi. Ðàn ông thì hay nhẹ lòng, thằng Soại chị biết, nó tuy tính xốc nổi nhưng hiền lành, chân chất. Em nói với nó, vì tương lai mấy đứa con thì nó sẽ xuôi theo thôi. Nếu em làm hồ sơ được, em cho chị gửi con bé út của chị đi theo, cứ khai là con em. Chị biết ngày trước em có kể, hồ sơ của em và Soại hồi chế độ cũ là có bốn con, em khai thêm một đứa để ăn lương. Bây giờ làm, em cứ khai như vậy. Nhờ em nói với Soại cho chị gửi con bé. Có thiếu tiền chị giúp cho. Em phải đóng vai vợ hiền cho thật xuất sắc mới kêu gọi được tình thương của nó. Em nhớ nghe, chuyện này vừa giúp chị mà giúp cả em nữa đó.
Giọng Nại Hiên có chút quả quyết:
– Chị yên tâm đi. Tính chồng em không biết thì biết tính ai. Em cố gắng làm cho chị vui lòng. Khi em nắm được ảnh trong tay, em bảo gì lại chẳng được. Em sẽ đóng vai đào thương, vừa mùi vừa lẳng nữa. Ảnh chẳng chạy vào đâu khỏi tay em hết.”
(Mẫu Hệ, tr.412)
Truyện khép lại. Người đọc có thể tự hiểu được số phận của vợ chồng Nại Hiên và Soại theo nhiều hướng: Sau khi phải hứng chịu nhiều nghiệt ngã, tai ương, chương trình HO sẽ giúp họ được đổi đời nơi xứ người với một tương lai tươi sáng, cuộc sống gia đình sẽ được hạnh phúc. Cũng có thể, Nại Hiên nhượng bộ, làm lành với Soại để cuộc ra đi định cư nơi xứ người được êm thấm. Nhưng sau đó, do rạn nứt tình cảm giữa hai người không thể hàn gắn được, hai người sẽ phải chia tay…
“Mẫu Hệ,” với nghệ thuật dẫn truyện lôi cuốn người đọc, tái hiện được hiện thực sinh động bằng bút pháp tỉnh táo nhưng nhạy cảm, nhất là những mẫu đối thoại dung dị nhưng lột tả được tính cách từng nhân vật. Cốt truyện được thu nhỏ trong gia đình của Nại Hiên và Soại, nhưng bối cảnh không gian, thời gian và những nhân vật phụ khác trong truyện, đã cho người đọc hình dung một cách khá rõ nét về những bi kịch của miền Nam trong thời điểm lịch sử đó.
“Mẫu Hệ,” tuy chưa đạt tới tầm cao văn chương như nhà văn đã khiêm tốn tỏ bày trong “Lời Mở” ở đầu sách, chỉ là do ngó nhìn bốn phương tám hướng vào thời điểm lịch sử đó mà nhà văn “động lòng viết chơi,” nhưng khi đọc xong truyện, gấp sách lại, người đọc vẫn còn rung động tâm can. Nỗi đau vẫn còn đó! Như vậy, nhà văn đâu phải “động lòng viết chơi,” mà viết bằng tất cả tâm lực, rung cảm của mình, không phải là “hư cấu” mà trung thực bằng những điều mắt thấy tai nghe của một người vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đầy bi thương ấy.

Ðây cũng chính là giá trị nhân văn của “Mẫu Hệ” vậy.
Nguyễn Lương Vỵ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét