Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

MƯA BÊN ĐỜI - Truyện Đỗ Bình


Tử Sĩ
 Từ độ quê nghèo yên khói lửa,
Mẹ ngồi khắc khoải đếm sương khô.
Núi sông phảng phất mùi thây rữa,
Vất vưởng hồn oan chẳng nấm mồ!
 ĐB
Mưa Paris chiều nay làm tôi gợi nhớ về những chiều mưa trên quê hương, những cơn mưa chợt nắng Sài Gòn, những ngày mưa lê thê Phố Huế,  mưa lạnh trên Cao Nguyên và cơn mưa phùn Hà Nội của thuở xa xưa lúc còn bé. Đang thả hồn bay bổng trong những kỷ niệm đẹp hồn tôi bỗng se lại vì chợt nhớ cơn mưa chiều năm ấy. Những hình ảnh cũ hiệm ra như một khúc phim của một quãng đời tưởng đã nhạt phai theo thời gian nhưng nó vẫn ẩn trong tiềm thức. Chiều năm ấy màu hoàng hôn đầy mây xám, trời đổ những cơn mưa tầm tã làm giăng mờ con đường rừng dẫn đến trại tù. Mưa trút nước trắng xóa lớp hàng kẽm gai rào quanh trại như muốn xóa bỏ những móc nhọn đang vây hãm những người bị mất tự do. Trời nhá  nhem tối tiếng mưa lẫn tiếng gío hú tạo thành một âm thanh rờn rợn tê tái khiến cảnh sắc trại tù thêm thê lương ! <!>

Hồi còn ở trại tù Suối Máu và trại An Dưỡng tôi gặp lại rất nhiều bạn thời đi học cũng như bạn cùng đơn vị, ngày ấy tôi đã gặp một người bạn thuộc lớp đàn anh của tôi trong ngành CTCT, anh có bằng cao học Văn Khoa trước khi vào lính. Đang đảm trách trưởng khối của một đặc khu chẳng hiểu bị đổi hay anh thích phong trần nơi chiến trường nên xin thuyên chuyển ra đơn vị tác chiến và được đưa về ban tham mưu bộ chỉ huy chiến thuật nhưng chẳng đảm trách nhiệm vụ gì, mặc dù cấp bậc của anh ngang với tiểu đoàn trưởng! Anh Nghiêm Đặng dáng người cao dong dỏng nghệ sĩ nhưng trong màu áo trận đậm nét phong sương của núi rừng trông anh có vẻ oai hơn. Anh ít nói, cử chỉ từ tốn,  thích trầm tư như triết gia phong cách ngược hẳn với một người lính nhanh nhẹn xông xáo. Anh có tài thổi Harmonica thỉnh thoảng giúp vui văn nghệ nên được tất cả mọi người trong đơn vị qúy mến. Sau hiệp định Paris chiến tranh ngày càng khốc lệt, đã có biết bao người ngã xuống nơi chiến trường nhưng anh không tìm cách ở hậu cứ nấn ná nơi văn phòng có rất nhiều việc để làm, mà thường theo chúng tôi đi hành quân. Anh và tôi có chung một nhiệm vụ ra chiến trường vũ khí anh mang theo là cây bút và mớ kiến thức về chính trị thì chắc không phải muốn làm người hùng mà chỉ muốn làm giống các bạn trong đơn vị tác chiến. Cuộc hành quân kéo dài liên miên cũng may trong nhiều trận đánh khốc liệt đạn đã tránh nên anh còn lành lặn sau cuộc chiến. Có lần đơn vị dừng quân bên ngoài một thành phố nhỏ nghỉ dưỡng được ít ngày, thời gian đó các bạn tôi quây quần bên nhau uống rượu đàn hát.  Nghiêm Đặng cũng có mặt, anh thích uống rượu vui văn nghệ thì làm sao mà bỏ lỡ cơ hội này. Anh uống rất nhiều nên đã ngà ngà say và nằm võng ngủ gần đó. Riêng tôi vì không biết uống rượu nên chỉ ngồi chơi với anh em, hòa nhập vào không khí văn nghệ thưởng thức những tiếng đàn hát tiếng cười nói thật vui nhộn. Đến qúa nửa khuya Alpha Ẩn một cây văn nghệ tham gia, anh là một đại đội trưởng thâm niên có nhiều huy chương chiến trận. Ẩn hát một bản nhạc tiền chiến nổi tiếng một thời, ca khúc có giai điệu thật dìu dặt nhưng Alpha N Hữu Chung men rượu đã thấm, chếch choáng say nên đệm không đạt khiến nhạc phẩm mất một phần tinh hoa! Bỗng dưng tiếng anh Nghiêm Đặng gắt lên như xé âm thanh:
«Thôi xin ông đừng đàn nữa tôi điếc ráy rồi!» 
Chúng tôi cứ ngỡ anh Nghiêm Đặng đã ngủ nhưng anh vẫn còn thức nằm nghe các anh em đàn hát. Nghe anh hét Chung đang chơi đàn bỗng nhiên xìu mặt, nó cũng là dân cựu Văn Khoa đã  tốt nghiệp cử nhân và là một đại đội trưởng gan dạ. Nó nửa đùa nửa thật cười nói :«Thôi cha! Anh biết đàn đâu mà dám chê tui ?.. Xin niên trưởng để chúng em yên!».
Cả nhóm cuời ồ lên và tiếp tục đàn hát. Không thấy anh Nghiêm Đặng trả lời, tôi nghĩ anh say, nhưng lại thấy anh ngồi dậy im lặng trên võng nghe hết bản nhạc rồi đứng lên tiến đến tôi miệng nở nụ cười và chậm rãi nói: 
«Cậu lấy cho tớ cây mượn đàn .» 
Tôi hơi ngạc nhiên tưởng anh đùa vì quen biết anh đã lâu ở Sài Gòn không hề thấy anh chơi đàn. Tôi hơi ngần ngừ nhưng vì nể anh tôi cũng mượn cây đàn của Chung đang chơi. Chung vì nể tôi nên đã trao đàn mà lòng không vui! Cả nhóm trố mắt nhìn anh ôm đàn, có lẽ họ nghĩ là anh Nghiêm Đặng đang muốn diễu ? Tôi biết anh hát nhạc tiền chiến rất hay và nghĩ anh ôm đàn làm dáng để hát góp vui. Nhìn cách ôm đàn và so lại dây hơi lâu mà không cần nhấn nhiều vào phím, sau đó lại xuống dây số 6 thành Rề, tôi giật mình vì chỉ những nhạc sĩ có lỗ tai nhạy bén âm độ và đạt mức chuẩn âm mới lên dây đàn kiểu này. Tôi ra dấu bảo các bạn im lặng, Nghiêm Đặng rít mạnh mẩu điếu Basto xanh dính trên môi một hơi và trịnh trọng vào nhạc. Những ngón tay trái của anh như đoàn vũ ballet lướt trên cung bậc diễn tả bản Capricho Arabe của danh sư Francisco Tarrega một cách tài tình, đây là một bản nhạc khó, kỹ thuật cao của guitare trong dòng nhạc cổ điển Tây Phương.  Nghiêm Đặng chơi tiếp một số bản khác. Hay quá , một sự việc không thể ngờ được! Rất tiếc các ngón tay của anh vẫn chưa mềm để có thể diễn tả đến mức tuyệt vời những hình nốt trong cấu trúc bác học của dòng nhạc cổ điển Tây Phương. Đáng lẽ anh cần phải để các ngón tay quen dần dạo qua một số bài đơn giản trước khi chơi bản Capricho Arabe của F. Tarraga! Có lẽ do lâu ngày không cầm đàn nay cầm lại khiến anh hứng quá và chơi liên tục chứ anh không có ý định khoe hay biểu diễn. Các bạn không ai bảo ai giữ im lặng tạo một không gian thật tĩnh để lắng nghe tiếng đàn và đêm càng khuya chỉ còn tiếng đàn dìu tâm hồn người nghe vào một thế giới riêng thật huyền ảo của âm nhạc. Tiếng đàn đang réo rắc bỗng ngưng lại vì anh Nghiệm Đặng đặt đàn xuống lấy trong túi ra gói thuốc Basto xanh rút một điếu thuốc se se nhẹ hai ngón tay chậm rãi gõ điếu thuốc vào lưng bàn tay trái, sau đó gắn lên môi rồi móc trong túi lấy chiếc bật lửa Zippo mồi thuốc. Cử chỉ của anh chậm chạp làm chúng tôi sốt ruột! Anh rít mạnh một hơi rồi tiếp tục ôm đàn dạo tiếp đoạn nhạc cổ điển, dòng nhạc liên tục chuyển sang nhạc Việt với những nhạc phẩm nổi tiếng mang tính nghệ thuật cao của một số nhạc sĩ tiền chiến và đương thời đã được các nhạc sĩ tài danh về guitare soạn hòa âm guitare. Cứ như thế chúng tôi thay nhau mồi thuốc khi điếu thuốc của anh sắp tàn để dòng nhạc được liên tục cho đến 3 giờ sáng mới chấm dứt. Về sau tôi hỏi anh tại sao chơi đàn giỏi thế mà dấu, anh cười buồn trả lời :
« Cũng tại mê đàn tớ mới mất mối tình đầu, và sống độc thân đến nay gần 40 mà chưa vợ !» 
Tôi tôn trọng chuyện riêng của anh nên không hỏi gì thêm. Sau biến cố tháng tư năm 75 tôi từ Tổng y viện Cộng Hòa ra và đi tù. Gặp lại anh Nghiêm Đặng trong tù anh em chúng tôi  vừa mừng vừa tủi, tôi trông anh gầy hốc hác do thiếu ăn mà còn phải lao động nhiều, nhưng phong cách vẫn nghệ sĩ. Anh nắm tay tôi trìu mến ái ngại cho tình trạng sức khỏe của tôi đang chống cặp nạng! Tôi cười bảo anh yên tâm tôi chịu đựng được !Anh khoe với tôi đang cho một con chim sẻ ăn cơm. Tôi cười hỏi :
«Ở tù cơm không có mà ăn, anh nuôi chim lấy đâu cho nó ăn ?!» 
Anh cười :
« Nhín một chút sẽ có hạt cơm cho nó ăn ngay, hơn nữa nó ăn được cả bo bo !»
Tôi bảo :
« Đã ở tù rồi anh lại nuôi nó chẳng khác nào anh nhốt tù nó ?»
Anh Nghiêm Đặng :
«Cậu không hiểu, ở đây làm bạn với chim vui hơn người ; mình thích nó hơn. Còn ở đất nước mình chỗ đếch nào mà chẳng là nhà tù….mình có nhốt nó đâu ?»
Tôi và anh ở chung không lâu thì bị biên chế trong đợt ra Bắc lần đầu , dù có tên trong danh sách chuyển trại nhưng vì những vết thương cũ của tôi bị nhiễm trùng nên được nằm điều trị bệnh xá trại, ở đó có nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đại tá Đông cũng bị hoãn đưa ra Bắc vì bệnh nặng. Họ xếp tôi vào loại là bệnh mãn tính nên không có thuốc chữa do đó tôi phải rời viện trở về lán lao động. Về trại, các bạn bảo tôi trông giống bộ xương khô biết đi và tưởng tôi đã đi «đứt» nhưng tôi vẫn sống, vẫn lết từ trại nầy sang trại tù khác dù sức khỏe càng ngày càng tệ. 

Ngày tháng cứ dần trôi và sự gian khổ cũng dần quen, người được thả về thì ít người bị bệnh thiếu thuiốc ra nghĩa trang ngày càng nhiều ! Sự chuyển trại cứ vẫn liên tục, dù bị chuyển đến đâu các bạn thấy tình trạng sức khỏe của tôi đều thương nên đã lãnh thế những công tác lao động nặng như vào rừng cưa cây, đập đá núi làm đường,... anh em để tôi làm những việc nhẹ ở lán. Có lần tôi và người bạn được giao đi lãnh cơm vì tôi không còn đi bằng cặp nạng nữa, vết thương cũ đã tạm lành nhưng con mắt bị nhiễm trùng vì không được thuốc chữa thì trở nặng, gần như mù ! Còn người được phân công khiêng cơm với tôi là bạn cũ, anh ấy bị cụt một chân phải đi bằng chiếc chân gỗ. Ngày trước anh ấy là một người anh hùng rất can đảm trong chiến trường đã giành được chiến thắng. Nhưng cũng ở nơi đó anh đã để lại một phần thịt xương thịt của mình trên ngọn núi 1062  cùng với bao chiến hữu khác nằm yên nghỉ muôn đời nơi chiến trường Thường Đức năm xưa! Mới ngày nào khi rời ghế đại học tâm hồn chúng tôi đầy mơ mộng, đầy hoài bão về một tương lai rộng mở, thế nhưng chiến tranh càng khốc liệt thì sự tử vong càng nhiều, đất nước rất cần thanh niên dấn thân đi bảo vệ quê hương, giữ gìn sự tự do an bình cho tổ quốc đang bị lâm nguy. Tiếng gọi quê hương đã thúc dục chúng tôi lên đường nhập ngũ tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông, chúng tôi thay vì ở văn phòng đã tình nguyện ra những đơn vị tác chiến hiên ngang xông pha trận mạc. Thế sự thay đổi khiến thế đời cũng dổi thay nên hôm nay hai chúng tôi làm kiếp tù nhân đang khiêng thau cơm nặng cho các bạn tù khác ở lán. Cái thau đựng cơm được gò bằng tôn chế biến lại trông nó có vẻ to tưởng đựng được nhiều, nhưng đến khi chia ra cho mỗi người cũng chỉ được lưng chén! Chúng tôi đang khiêng hau cơm về gần đến lán  thì đoàn tù lao động cũng vừa trở về chưa đến lán nhưng đã thấy thau cơm, các bạn đã reo lên vì đói !….Người bạn khiêng thau cơm đi phía trước của tôi chẳng biết vì xúc động bởi những tiếng reo của các bạn hay vì đường trơn ướt mà chiếc chân gỗ không chịu quen nặng nên đã bước lệch khiến hai người té sấp xuốngđường ! Trong đoàn tù có những tiếng rú lên mà thanh âm nghe não nuột :

-Trời ơi ! Cơm đổ rồi !
Tôi nghe tiếng thét mà rụng rời cùng với những tiếng chân vội vã chạy đến như đang dẫm vào hồn tôi! Sự áy náy trách nhiệm tạo cảm giác hụt hẫng, trống vắng nhưng trong đầu vẫn vang lên âm thanh lảnh lót : «Đổ cơm rồi» ! Tôi bỗng cản thấy đau nhói vì chẳng một tiếng thở dài xót thương cho hai kẻ thương binh bị té xấp ! Có lẽ trong số bạn tù chẳng ai còn tâm trí nghĩ đến tình chiến hữu thuở nào ! Phải chăng khi con người trong cơn đói lả thì miếng ăn đã ám ảnh che lấp tình đồng loại ? Cái đói đã khiến người tù không đủ hơi sức kêu thành tiếng khác, ngoài sự ám ảnh của cơn đói vọng lên âm thanh từ vô thức « đổ cơm rồi» ! Những khoảng khắc giao động của cảm xúc lắng xuống, một số bạn tù ùa nhau chạy lại kẻ thì đỡ tôi, người thì vực Qúy Dù. Một số khác xúm nhau nhặt từng hột cơm văng xuống dưới rãnh hiên lán rồi đem rửa từng hạt cơm như đãi cát tìm vàng. Mặc dù không trông thấy rõ nhưng tôi vẫn cảm nhận được cơn đói hằn trên khuôn mặt anh em khiến mắt tôi tuôn trào như cơn mưa chiều đang giăng mờ! 
Dù trong tình trạng vết thương cũ chưa lành hẳn, tôi không chịu làm việc nhẹ nữa. Kể từ hôm đó tôi cùng anh em vào rừng cưa cây, tôi còn quyết định để một nửa phần cơm chiều của mình dành cho bữa cháo sáng. Tôi nghĩ: "Đây cũng là cách chuộc lỗi đã tắc trách làm đổ thau cơm của anh em". Bạn cùng tổ lúc đầu còn áy náy khi thấy tôi nhịn bớt phần cơm mình để có phần cháo sáng, nhưng dần dần thành quen, không còn ai thắc mắc. Tình trạng thiếu ăn ở trong tù ngày càng trầm trọng! Hạt cơm trong tù qúy và hiếm lắm! Ai đã từng trải qua cơn đói lả mới thấy giá trị của miếng ăn! Cơn đói đã trở nên gối đầu, nghĩa là ăn bữa nay mà cái đói nó dồn từ vài bữa trước. Nhiều buổi chiều lao động về đói quá tôi đã ăn hết phần cơm để dành dể nấu cháo. Sáng ra vài bằng hữu không thấy cháo đâm nổi quạu! Tôi ngạc nhiên và tự hỏi tại sao lại nổi quạu ? Và chợt nghĩ :"Hình như các bạn ấy ngỡ bổn phận của tôi là phải có cháo sáng cho họ ăn…Thế mới biết một việc được lập đi lập lại nhiều lần dù ở trong tù hay bất cứ ở nơi đâu cũng thành thói quen !”
Tôi bùi ngùi thở dài, trong lòng vừa có chút xót xa vừa cảm thấy ưng ức! Rồi lại nghĩ:
" Mình thì bệnh tật, lại thường hay phát biểu bị quy là chống đối, và bị kỷ luật, có lẽ mình sẽ bỏ xác trong tù ! Mình có ăn thêm một chút thì cũng chỉ kéo dài sự sống, thêm chuỗi ngày đau khổ,nhưng nhín chút cháo sáng lại là chút niềm vui nhỏ mỗi ngày…cũng ấm lòng cho ít bạn bè". Tôi lại tiếp tục nhịn, nhịn riết rồi cũng quen. Niềm vui nhỏ đó thoáng nhanh, chỉ một thời gian không lâu chúng tôi lại bị biên chế, nhóm bạn ấy và tôi bị phân tán đi khắp nơi. Sau này ở hải ngoại gặp lại một số bạn tù, các bạn kể trong số những người bạn cũ, có ngưòi đã chết vì bệnh, người thì kiệt sức ngủ yên nơi góc rừng khe núi. Nghe kể lòng tôi xót xa! Các bạn tôi và tôi chẳng còn ai thèm những hạt cơm rơi nữa, nhưng tôi vẫn nhớ hạt cơm rơi trong chiều mưa.Tôi có gặp lại Nguyễn H. Chung,nhưng anh Nghiêm.Đặng thì không! 
Paris đã vào mùa xuân nhưng tiết trời còn lạnh, chiều nay ngồi trong căn phòng ấm nhìn những hạt mưa rơi lòng tôi chợt cảm thấy buồn! Cơn mưa chiều đã gợi nhớ những hình ảnh những người bạn năm xưa ; mà nay có người còn kẻ mất ! Những kỷ niệm vui buồn của một thời khói lửa, và những năm tháng ngậm ngùi sau cuộc chiến về thân phận con người!

« Đời buồn như chiếc lá,
lặng rơi bên hiên nhà.
Mưa vô tình ngập lối
Cuốn trôi mảnh hồn ta !»

Đỗ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét