Nạn nhân: Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, công an phường Đông Hải
quận Hải An Tp Hải Phòng bị giết vào khoảng hơn 21 giờ ngày 14/7/2007
khi đang đi tuần tra.
Các bị cáo:
Ba bị cáo bị truy tố về tội giết người và cướp tài sản:
Nguyễn Văn Chưởng: sinh năm 1983, trú quán phường Đông Hải, quận Hải
An, Hải Phòng, quê ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; bị
kết án tử hình.
Hai bị cáo: Đỗ Văn Hoàng, chung thân, Vũ Toàn Trung, 23 năm tù giam.
Một bị cáo bị truy tố về tội che giấu tội phạm: Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng), 2 năm tù giam;
Một bị cáo tội không tố giác tội phạm: Nguyễn Thị Lan Phương, 12 tháng, án treo.
Có 5 đoàn luật sư tham gia bào chữa:
Văn phòng luật sư Đức Quang, Hà Nội,
Văn phòng luật sư Hà Đăng, Hà Nội,
Văn phòng luật sư Việt Thành, Hà Nội,
Văn phòng Luật sư Chu Văn Chiến, Hải Dương,
Văn phòng luật sư Tân Long, Quảng Ninh,
Phiên tòa đã qua 3 cấp xử: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm.
Báo chí: Nhiều tờ báo đã đăng bài về vụ án như Tiền Phong, Gia
đình Pháp luật, Cựu chiến binh Việt Nam, Đời sống & Pháp luật… Báo
Gia đình Xã hội đã đăng 7 kỳ về vụ kỳ án này. Ngoài ra còn rất nhiều báo
điện tử như VTC New, Báomới.com, Việt Báo, Dân Việt, Xã hội,
phunutoday…
Thân nhân: Ông Nguyễn Trường Chinh và bà Nguyễn Thị Bích, bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Nhiều tình tiết chưa sáng tỏ
Lên tiếng bảo vệ cho một tử tù là điều hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải
có lương tâm và trách nhiệm với thái độ khách quan. Vì nếu bênh vực sai
tức là đồng lõa với tội phạm, bênh vực đúng, được cơ quan tư pháp lắng
nghe để sửa án, minh oan là đã góp phần cứu một sinh mạng. Sinh mạng là
cái quí nhất đối với mỗi người và với cộng đồng.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy vụ án chưa được
giải quyết thuyết phục. Nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, tử tù có
nhiều nhân chứng xác nhận ngoại phạm và việc tra tấn bức cung dẫn đến
những lời khai không thống nhất. Từ đó, mất đi tính khách quan của vụ
án.
Vụ án hoàn toàn không xác định được vật chứng để xác định tội phạm mà
chỉ căn cứ vào lời khai của một bị cáo và một nhân chứng rồi kết tội.
Điểm mấu chốt trong vụ án này là, nếu xác định được trong thời điểm xảy
ra án mạng, Nguyễn Văn Chưởng có mặt tại huyện Kim Thành (Hải Dương) thì
Chưởng vô tội. Còn nếu không, vẫn phải xác định bằng các chứng cứ khác
một cách công tâm, khách quan.
Vụ án này rất phức tạp. Chúng tôi không có tham vọng đề cập đến tất
cả các khía cạnh mà chỉ đề cập mấy vấn đề nổi cộm nhất của vụ án.
Trước hết nói về bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng:
Nhiều người dân ở xã Bình Dân xác nhận tối hôm có án mạng, Nguyễn Văn
Chưởng về quê cùng với một người bạn (Trịnh Xuân Trường) cùng nơi cư
trú ở Hải Phòng. Thế nhưng nhiều nhân chứng đã bị khủng bố để rút lời
khai và nhiều nhân chứng không được triệu tập đến tòa.
Bà Nguyễn Thị Bích, mẹ Chưởng: Đơn kiến nghị bà viết ngày 5/8/2014 có
xác nhận của UBND xã Bình Dân viết tối hôm xảy ra án mạng ở HP thì
Chưởng có rủ thêm một người bạn là Trịnh Xuân Trường về nhà vào lúc 20
giờ 15 phút. Ngày 5/10/2008, trong đơn gửi Tòa án tói cáo bà vẫn khẳng
định như thế.
Thế nhưng bản án sơ thẩm ngày 12/6/2008 ghi: “Nguyễn Thị Bích khai
tại Cơ quan điều tra khẳng định ngày 14/7/2007 bị cáo Nguyễn Văn Chưởng
không có mặt ở Kim Thành, Hải Dương”. Khi hỏi lại, bà cho chúng tôi biết
không hiểu sao họ lại viết sai cho bà, như vậy là trắng trợn vu khống,
nói sai sự thật cho tôi. Ông Chinh cho biết thêm, khi đến cơ quan điều
tra, bà Bích bị chửi mắng, sỉ nhục rất thậm tệ.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Bảy (vợ Chưởng) khai: tối ngày
14/7/2007, Chưởng đi đâu về đến hơn 1 giờ sáng. Khi về, chị thấy quần áo
Chưởng bị ướt, cùng đi với Chưởng có Trung và Phương. Trung, Phương đến
ngủ tại quán nhà chị, đến 8 giờ sáng ngày 15/7/2007, Chưởng và Trường
về quê ở Kim Thành, Hải Dương.
Về việc này, ông Nguyễn Trường Chinh nói: Cháu nói với tôi ban đầu
cháu khai tối 14/7/2007, lúc 18 giờ Chưởng về quê. Nhưng công an bảo mày
phải ghi theo thế này, nếu không tao đánh lòi con mày ra, tao nhốt mày ở
đây cả đôi luôn (lúc đó, Chị Bảy đang mang thai cháu Nguyễn Thị Thanh
Hải được 5 tháng, nay cháu đã 8 tuổi). Con có chửa mà ở tù thì con sợ
lắm nên con phải viết theo công an để được thả ra.
Đến khi ra tòa, Nguyễn Thị Bảy đã bác bỏ lời khai trên.
Cháu Nguyễn Thị Thanh Hải khi bố bị bắt còn đang nằm trong bụng mẹ, lớn lên đi đi kêu oan cho bố.
Nhân chứng Trịnh Xuân Trường là người cùng về xã Bình Dân với Chưởng
xác nhận lúc 18h30, Trường về cùng Chưởng, về đến nơi vào khoảng 8h15
tối. Bố của Trường là ông Trịnh Xuân Rinh xác nhận Chưởng có vào nhà ông
xin phép cho Trường về quê chơi, lúc đi là gần tối.
Vũ Văn Cương là bạn học của Đoàn, sau khi đi dự phiên tòa nói: “Tôi
thấy lời khai của Trường, Đoàn, Bảy là không đúng sự thật vì khoảng 6
giờ sáng ngày 15/7, tôi đến nhà Đoàn báo Đoàn chiều đi đám ma thì đã
thấy anh Chưởng đang ngồi nói chuyện với anh Đoàn tại nhà, còn Trường
thì đang ngủ trên giường nhà anh Chưởng tại xã Bình Dân”.
Sau khi anh Nguyễn Quang Tuất làm giấy xác nhận sự có mặt của Chưởng ở
xã Bình Dân vào tối 14/7/2007 thì bị ép viết lại vì anh sợ bị bắt tù.
Để đe khủng bố tình thần anh Tuất, công an đã xích tay anh vào ghế, dọa
bắt giam, làm việc căng thẳng suốt một ngày. Ông Chinh kể: Họ dắt Đoàn
ra với bộ dạng mặt mũi sưng vù, đe anh Tuất: Mày nhìn thằng Đoàn mà khai
cho chính xác”. Cuối cùng, đến 6 giờ chiều anh Tuất phải viết “không
nhớ rõ thời gian gặp Chưởng”. Ông Chinh cho biết hai ngày sau, anh Tuất
có gọi điện cho ông xin lỗi, nói cháu rất ân hận vì mình muốn làm đúng
mà bị người ta bóp méo, cháu rất sợ, xin bác tha lỗi cho cháu…
Sau đó vì day dứt lương tâm nên anh khai lại như lúc đầu ở nhiều bút
lục khác. Anh còn chủ động đến báo Tiền Phong gặp các phóng viên trình
bày về sự có mặt của Nguyễn Văn Chưởng tại xã Bình Dân tối hôm xảy ra vụ
án một cách rất tỉ mỉ. Các phóng viên còn cảnh báo: Nếu trình bày sai
sự thật, anh phải chịu trách nhiệm hình sự thì anh quả quyết: “Em khẳng
định những điều em trình bày là đúng sự thật” và viết giấy cam đoan để
lại.
Anh Tuất kể: “Nịnh không được, họ còng tay tôi vào ghế, tay kia bắt
viết tường trình. Thấy tôi chưa viết theo đúng ý, 3 người lấy cung đấm
liên tục vào đầu tôi. Họ chửi bới, dọa bắt cả nhà tôi bắt bỏ tù nếu
không viết theo ý họ” (Theo Đời sống & Pháp luật)
Những người làm chứng cho sự có mặt của Chưởng ở quê vào tối hôm
14/7/2007 còn có Phạm Văn Khương, Bùi Xuân Chung, vợ chồng chị Lục Thị
Nhiễu, Vũ Thị Mến. Vì chị Nhiễu và chị Mến cũng bị đe dọa nhưng không
gan bằng anh Tuất nên đã nhận “không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng” nên
được về sớm.
Những người gặp Chưởng tối hôm 14/7/2007 kể khá tỉ mỉ các tình tiết
như “hôm đó là 1/6, tôi có đưa cho vợ tôi 10 nghìn đồng tiền cũ bảo mua
cái gì đó để thắp hương”; “khoảng 20 giờ 30, cháu Đoàn có vào quán tôi
để xem tin nhắn trên mạng, sau đó một lúc thì cháu Chưởng đến tìm em”
(Lời ông Phạm Văn Khương); “khoảng 20h30’ ngày 1/6/2007 âm lịch, tôi có
gặp anh Nguyễn Văn Chưởng tại sân mẫu giáo thôn 2, trong lúc tôi đang
cho các cháu thiếu niên tập…” (lời nhân chứng Bùi Xuân Chung)
Ông Chưởng nói với chúng tôi: Việc cháu Chưởng về tối hôm ấy cả làng
rất nhiều người biết chứ không chỉ bấy nhiêu. Ông có đề nghị Tòa triệu
tập Trịnh Xuân Trường, Bùi Quang Tuất, Bùi Xuân Trung, Nguyễn Văn Khương
và Bùi Văn Cương nhưng không được chấp nhận (trong bản án không thấy
ghi có nhân chứng nào).
Như vậy, về những người làm chứng, ban đầu họ xác nhận là có gặp
Chưởng về quê tối hôm xảy ra vụ án. Sau đó, do bị đe dọa mà họ phải thay
đổi lời khai. Có người ân hận mà sau lại khai lại như ban đầu. Mặc dù
thế, Tòa vẫn căn cứ vào những lời khai lại theo hướng buộc tội để bác bỏ
những lời khai trở lại như lúc đầu.
Nếu cơ quan điều tra có thái độ khách quan, trên tinh thần tìm ra đâu
là sự thật thì điều tra viên đã không khủng bố tinh thần những người
làm chứng, bắt người làm chứng khai theo ý mình. Nếu vì nể gia đình mà
họ xác nhận thì cơ quan điều tra không thiếu gì nghiệp vụ để bác bỏ.
Chẳng hạn tách họ ra, hỏi riêng từng người, hỏi lắt léo, qua đó sẽ tìm
ra mâu thuẫn nếu họ làm chứng sai để đấu tranh với họ một cách thuyết
phục. “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”, việc tìm ra mâu thuẫn giữa
các lời khai gian dối là một việc làm không khó đối với nghiệp vụ của
công an điều tra. Hà cớ gì mà phải tìm mọi cách để bắt nhân chứng khai
theo ý mình. Quá đó, có thể thấy, cơ quan điều tra đã áp đặt tội cho
Nguyễn Văn Chưởng ngay từ khi bắt đầu giai đoạn điều tra.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét