Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

VNTB- Tự nhiên Ba X hóa Khổng Minh? - Nguyễn Tường Thụy

(VNTB) - Cư dân mạng đang kháo nhau rất sôi nổi về sức khỏe “tổng tịch” Nguyễn Phú Trọng. Người thì bảo cảm nắng qua loa, người thì bào nặng, có người lại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đã “chuyển sang từ trần”, không biết thế nào. Còn báo chí chính thống không một lời hé răng, chỉ biết kiên trì đợi lệnh để đăng theo một bản tin mẫu. Tuy nhiên, bàn về nguyên nhân, dư luận gần như có sự thống nhất rằng, tai nạn của tổng Trọng ắt là do Ba X ra tay. Sự khẳng định này căn cứ vào mối thù sâu sắc giữa Ba X và ông tổng mà người nào quan tâm đến thế cuộc đều biết. Tự nhiên, Ba X được ca ngợi biết nuôi chí báo thù “quân tử trả thù 10 năm cũng không muộn”, thậm chí còn so sánh Ba X với Gia Cát Lượng, một nhà chính trị quân sự lỗi lạc của Trung hoa thời Tam Quốc.<!>
Lẽ thường với lãnh đạo cấp cao đang mang trọng trách mà được cất đi gánh nặng lúc về hưu thì đó là một sự mong đợi. Đây chính là lúc đầu óc được thanh thản, nghỉ ngơi dưỡng già. Hàng ngày yên tâm vui thú cảnh điền viên bên gia đình, tìm đến bạn cũ để hàn huyên, làm những công việc thường nhật như Obama đi chợ mua rau chẳng hạn. Ông nào có đam mê và năng khiếu thì viết hồi ký.
Nhưng lãnh đạo ta không phải thế. Về hưu rồi nhưng vẫn “buông rèm chấp chính”, vẫn muốn phủ bóng của mình lên những người kế nhiệm, vẫn muốn chi phối chính trường. Dĩ nhiên, ông nào chết lúc đương nhiệm thì không có chuyện này. Đây là căn bệnh ham quyền lực của lãnh đạo thường thấy ở những nước cộng sản. Vì vậy, lần đầu có lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu, phải sinh ra Hội đồng cố vấn cho các ông ấy ngồi để hiện diện, như những thái thượng hoàng, đáp ứng nhu cầu làm “lãnh tụ suốt đời”. Thành lập Hội đồng cố vấn là theo mô hình của Ủy ban cố vấn bên Trung Quốc ra đời năm 1982 (tàu sao ta vậy). Hội đồng này ở ta sinh ra năm 1986, ban đầu gồm 3 ông: Thọ, Chinh, Đồng. Nghe kể, có ông làm cố vấn, biết bộ CT họp nhưng không mời ông, thế là ông đeo kính đen (vì đã lòa), chống batoong đến. Mấy ông Bộ CT sợ xanh mắt. Cũng có ông có sĩ diện nhưng nói dỗi: Người ta có “vấn” đâu mà “cố”.
Hội đồng cố vấn tồn tại được 4 khóa, đến đại hội 9, năm 2001 thì bỏ. Tại Đại hội này, BCHTW bỏ phiếu phế truất ông Phiêu, mặc dù BCT đã đồng ý để lại. Lịch sử còn ghi nhận việc BCHTW chống lại quyết định của Bộ CT ít nhất 1 lần nữa ở Hội nghị TW6 (khóa 11): Bộ CT đòi kỷ luật ông Dũng nhưng bị BCHTW bác.
Ông Phiêu bị loại, đòi bỏ Hội đồng cố vấn, tức là bỏ luôn chức cố vấn (sẽ có) của mình và của mấy ông khác, theo kiểu tôi nghỉ anh cũng nghỉ. Vậy là từ đấy, mấy ông lãnh đạo hưu là hưu, không còn chức gì nữa. Mấy chuyện này nghe cánh nhà báo nói, không rõ thực hư thế nào.
Tuy Hội đồng cố vấn giải thể nhưng việc buông rèm chấp chính vẫn có trên thực tế mà Ba X cũng không ngoại lệ. Việc thao túng chính trường sau khi nghỉ là có thật và các ông làm được đến đâu, tùy theo uy tín và thực lực của mình. Vì vậy, mấy ông đương chức không thể coi thường, sơ hở tí có thể mấy cụ cho “biết thế nào là lễ độ” ngay. Tới mức tự tin, thế lực như ông Trọng cũng vẫn phải gặp nguyên lãnh đạo cấp cao để xin ý kiến.*
Trở lại với Ba X. Như đã nói, “sự cố” về sức khỏe của ông Trọng tại Kiên Giang vừa qua, dư luận cho là do Ba X chủ mưu. Có mấy lý do để người ta nghi ngờ việc này: Một là mối thâm thù giữa Ba X với ông Trọng, hai là tuy quê gốc ở Cà Mau nhưng Ba X công tác và thành danh từ KG, nhà thờ họ cũng ở KG nên nơi đây được coi là đất của Ba X, ba là con Ba X đang là người quyền lực nhất vùng đất này.
Vì vậy, dư luận cho rằng Ba X chủ mưu vụ gây nên “sự cố” về sức khỏe của Trọng có vẻ rất logic. Một kịch bản được đưa ra dựa theo các sự việc đã xảy ra để khớp lại và cho rằng đã thực hiện quá hoàn hảo:
Theo đó, người của Ba X nhử cho tổng Trọng về KG bằng cách xin thành lập thành phố Phú Quốc để bắt ông ta vào dẹp, gọi là kế “điệu hổ ly sơn”. Bố trí vào thăm xưởng đông lạnh trước rồi để ông Trọng đầu trần ra trời nắng 37 độ, không cho ai che ô, lịch làm việc lại dày đặc nên đột quỵ là điều không tránh khỏi. Đến cả những người khiêng cáng cũng được bố trí công phu, sắp xếp tỉ mỉ. Nghĩa là, một kịch bản hết sức hoàn hảo và được thực hiện chính xác đến từng chi tiết.

Ở một đất nước có quá nhiều bí mật, sức khỏe lãnh đạo cũng trở thành bí mật quốc gia thì biệc bàn tán, xì xào là điều không tránh khỏi. Nghe bàn về kịch bản cũng vui vui, thể hiện khả năng phân tích và trí tưởng tượng của mỗi người. Nhưng tôi không cho rằng, Ba X có thể làm được điều đó. Tại Hội nghị 6 (khóa 11) Sang Trọng từng cay đắng gạt nước mắt vì không kỷ luật được Ba X nhưng đến đại hội 12, Ba X cay đắng còn hơn thế, buộc phải rời chính trường. Tại đại hội này, ông ta phải “xếp giáo quy hàng” một cách ngoan ngoãn, về làm “người tử tế”.
Ba X rời chính trường không được như những lãnh đạo khác mà bị loại như một kẻ thua cuộc. Uy tín của ông ta không còn gì, bị kết tội tàn phá đất nước, làm kiệt quệ nền kinh tế. Nạn tham nhũng dưới thời Ba X là chưa từng có. “Củi” do Ba X tạo nên cung cấp cho tổng Trọng một khối lượng nhiên liệu khổng lồ mà vài đời tổng bí thư như ông Trọng đốt cũng không hết.
Có điều, do quá chán ngán chế độ, lo đất nước rơi vào tay Trung Quốc nên người ta mong có một sự thay đổi. Không hy vọng được vào một sự thay đổi có trật tự theo hướng dân chủ, người ta trông vào một cuộc chính biến, rồi muốn ra sao thì ra, dẫu sao cũng là một sự thay đổi trong khi không khí xã hội quá ngột ngạt. Vì Ba X là đối thủ của tổng Trọng và Ba X cũng khó mà thoát việc bị cho vào lò nên người ta thường trông vào ông ta. Mỗi khi có một biến cố, như thêm những đàn em bị bắt, họ hay nhắc đến Ba X như là một sự trông chờ, khuyến khích hay cảnh báo.

Nhưng Ba X lại là người chỉ có tài phá chứ không phải là người có tài trí, bản lĩnh. Uy tín của ông ta một thời chỉ là từ sự ban ơn mưa móc, lấy của đất nước chia nhau, chứ không phải là uy tín của người vì dân vì nước. Vì vậy quân của ông ta cũng chỉ là đám xôi thịt, gió chiều nào che chiều ấy, lại hèn nhát, cứ ra tòa là khóc tu tu thì lấy đâu ra kẻ dám làm, dám hy sinh về nghĩa.
Vì vậy, khó có thể tin rằng, Ba X lập mưu hãm hại tổng Trọng và đã thành công. Hình như, người ta đánh giá quá cao Ba X, đồng nghĩa với việc tổng Trọng quá chủ quan, mất cảnh giác.
Nếu ông Trọng có bị sao thì có lẽ đấy chỉ là sự may rủi, rủi về phía này thì may cho bên kia. Mọi người bàn tán, phân tích, tưởng tượng cũng chẳng chết ai. Có hay không một kế hoạch ám hại tổng Trọng, chẳng có cơ sở nào khẳng định hay bác bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét