Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng - Đặng Tiến - BanVanNghe.com

Image result for trịnh công sơnImage result for trịnh cung
trịnh công sơn, trịnh cung
Bài báo «Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị» của Trịnh Cung trên mạng Damau.org ngày 01.4.2009 đã gây ra nhiều âm thanh và cuồng nộ.
Là người có dính líu ít nhiều đến nội vụ, tôi đã được bạn bè yêu cầu lên tiếng. Đáp lại những yêu cầu chính đáng ấy – nhất là từ mạng damau.org – tôi xin nói ngay, vắn tắt:
<!>
a) Tôi không đồng ý với bài viết của Trịnh Cung, về đại ý cũng như cung cách diễn đạt. Nhưng theo một châm ngôn, tương truyền của Voltaire: “tôi không tán thành những điều anh nói, nhưng nguyện phấn đấu đến tàn hơi, để anh được nói lên những điều đó”. Điều này, tôi học lóm được nơi các nhà tranh đấu cho dân chủ ở phương Tây.
b) Bài báo của Trịnh Cung nêu lên một câu hỏi chính trị; cuộc tranh luận gay gắt từ lúc đầu, kéo dài đến hôm nay – hơn ba tuần – mang bản chất chính trị, không thấy soi sáng thêm được việc gì, mà càng gây thêm thương tổn.
Có những tranh luận nâng cao, mở rộng tư cách người viết và người đọc. Có những tranh luận làm con người thấp xuống, nhỏ lại. Biết vậy, mà vẫn phải nhận.
c) Trước một án mạng, người điều tra thường đặt câu hỏi: án mạng có lợi cho ai?
Trước hằng loạt bài báo gây thương tổn, tôi thắc mắc: cuộc tranh luận không tốt đẹp này, có lợi cho ai?
Tôi không có câu trả lời. Người nào có được giải đáp, tấc lòng sẽ thanh thản hơn.
Chấm dứt phần chính yếu.
Dưới đây, chỉ là phụ chú.
                                                                                       
Nói là dính líu đến nội vụ vì tôi thân thiết với nhạc sĩ đã quá cố và họa sĩ suýt quá cố. Cách đây hơn tháng, từ Pháp về nước, ghé Sài gòn hơn tuần, tôi đã đến thắp hương cho Sơn hai lần, một lần đi với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vào, một lần với nhà văn Lữ Quỳnh từ Mỹ về, vào chiều 27 tháng hai. Trước và vào ngày đó, tôi có gặp, đi ăn cơm và rong chơi với Trịnh Cung nhiều lần. Để nói rằng giữa chúng tôi, không có vấn đề gì.
Ngoài ra, với những nhân vật chính yếu được nhắc nhở tới, với tôi đều là chỗ “thâm giao” (chữ này của Trịnh Cung). Do đó nhiều người muốn tôi lên tiếng.
A – Tham vọng hay không ?

A1. Tôi thành khẩn cho rằng: Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị. Thậm chí không hiểu biết gì về chính trị. Trịnh Cung cũng vậy thôi. Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền. Cả hai ông họ Trịnh là những công dân giàu lòng ưu ái với đất nước. Vậy thôi.

A2. Bài báo của Trịnh Cung không chứng minh được tham vọng chính trị của nhạc sĩ. Cao điểm của bài là đoạn TCS cuối tháng 4-1975 chờ chức Quốc vụ Khanh. Đây quả là “tham vọng”. Nhưng TC nhớ nhầm thời điểm: chuyện xảy ra khoảng 1970, và do lời Nguyễn hữu Đống kể lại. Đống là ai, thì TC đã nói rõ. Nhưng sự kiện và thời điểm, vẫn theo lời Đống là thế này: khoảng 1970, chiến tranh tàn khốc và trở thành phi lý, vì đã có Hòa hội Paris. Đống và các bạn âm mưu một cuộc đảo chánh trong hòa bình, với lực lượng thanh niên, sinh viên thành phố biểu tình, đốt đuốc tuần hành, và sẽ có những đơn vị quân đội lật đổ chính quyền Thiệu. Âm mưu mà thành công, thì người bạn của Đống (không phải là anh rể), là TCS, sẽ giữ bộ văn hóa, nhạc Kinh Việt Nam (1968) sẽ được dùng làm quốc ca.
Đống cũng còn nói loạt bài Kinh Việt Nam là do anh gợi ý cho tác giả. Tôi cho rằng không đúng.
Đấy là lời Đống, kể cho nhiều người nghe, có lẽ cho TC năm 1992, và cho tôi nghe nhiều lần, lần cuối vào tháng 12.2007 tại nhà tôi, tại Pháp. Trước đó ít lâu, anh có kể cho Nguyễn Đắc Xuân, ông này viết lại nguyên si trên tạp chí Hồn Việt, số 1, tháng 7-2007, mà không mách xuất xứ.
Tôi dài dòng, vì « huyền thoại » này chưa nghe phe phản biện phanh phui. Nguyễn đắc Xuân trong bài dông dài trên mạng , cũng không nói ra minh bạch.

A3. Chi tiết này chứng tỏ TC không am tường chính trị. Những ngày cuối tháng 4-1975, Sài gòn sống trên dầu sôi lửa bỏng. Việc thành lập chính quyền Dương văn Minh với thủ tướng Vũ văn Mẫu là cuộc thương lượng gian nan. Làm sao có chỗ đứng cho phó thủ tướng Nguyễn hữu Đống hay quốc vụ khanh Trịnh Công Sơn ? Làm sao TCS lại là đại diện Phật giáo ? Sơn là phật tử nhưng có hoạt động cho đảng phái Phật giáo ngày nào đâu ? Đại diện Phật giáo lúc ấy là thủ tướng Vũ văn Mẫu. Đại diện Công giáo là Nguyễn văn Huyền, phó thủ tướng hay phó tổng thống gì đó. TC bỏ công đi hỏi Lý Quý Chung làm gì?
Một khi không am tường chính trị và thời sự thì làm sao gán cho người khác tham vọng chính trị ?
Ngoài ra, chính TC cũng nhận xét « không có chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa MTGPMN và TCS… (…) TCS không ở trong một đường dây nào của tổ chức ».
Muốn có tham vọng chính trị thì phải có đảng phái, đoàn thể. Ba tập nhạc phản chiến không đủ chứng minh « ý thức làm chính trị chống chế độ Sài gòn » như TC nói. TCS chỉ chống chiến tranh qua sáng tác âm nhạc, chứ không « làm chính trị chống chế độ ».
Và rồi nhiều bài trong ba tập nhạc phản chiến nói trên hiện nay vẫn không được hát.
Độc giả nào đọc đến đây, nghĩ như tôi rằng TC không am tường chính trị, thì có thể chia sẻ với tôi : cuộc tranh luận này có đáng gì đâu mà phải ồn ào và nặng lời với nhau.

A4. Vậy thì nguồn gốc tranh biện ở đâu?

Nó bắt nguồn từ hiềm khích của TC với TCS, đã có từ lâu, về việc TCS hợp tác với chính quyền sau 1975. Năm 1978, TC đi học tập về, TCS xin được hộ khẩu từ Huế vào lại Sài gòn. Mùa hè 1979, tôi từ Pháp về thăm nhà. Tháng 8.1979, gặp TC tại Sài gòn, tôi hỏi: «Lâu nay ông có gặp Sơn không?». Đáp: «Moa không chơi với nó». Hỏi: «tại sao». Đáp: «Nó thỏa hiệp với chính quyền». Hỏi: «Thì phải làm vậy để sống và sáng tác chớ? ». Đáp: «Nhưng nó không cần làm tới mức đó». Hỏi: «Bây giờ tôi đi gặp nó, ông có đi với tôi không?». Đáp: «Ừ, đi thì đi».

Vậy là tối hôm ấy, hai ông đã tái hợp tại nhà thân nhân tôi, số 4 đường Phan Kế Bính, quận 1, cùng với nhiều bạn họa sĩ, bạn cũ, có thêm người mới nhập tịch là họa sĩ Lưu Công Nhân.
Hai ông Sơn và Cung có lời qua tiếng lại, tôi chỉ nhớ một câu của Sơn: «đời moa chưa bao giờ phổ nhạc thơ ai trừ toa».
Kể chuyện vụn vặt là để cung cấp một thông tin. Mối bất hòa đã âm ỉ từ lâu, không phải bây giờ TC mới nghĩ ra.

A5. Nhưng tại sao hôm nay anh mới nói ra và phát biểu dữ dằn như vậy, lại nhằm ngày giỗ bạn?

Xin thưa: Để giải tỏa những ẩn ức, bức xúc làm cho anh «quằn quại». Ngày TCS mất, TC đang ở Mỹ và lâm bệnh, tưởng là nan y. Trong buổi tưởng niệm TCS do báo Người Việt tổ chức tại quận Cam, đầu tháng tư, năm 2001, anh đã phát biểu hăng say, ca ngợi TCS hết mình, tại một miền đất khách gồm nhiều người căm hận TCS. TC tự cho mình là chí tình và dũng cảm. Bây giờ về lại quê nhà, giữa một rừng hợp xướng tụng ca chối tai thì TC ngột ngạt, ân hận rằng có lúc nào đó mình đã nói quá đà. Những lời mình xưng tụng bạn, thì cũng na ná như bản đồng ca. Còn những u uất của riêng mình, của bè bạn, và của khối quần chúng không có tiếng nói thì không phát biểu được. Vậy TC phải nói, trên một mạng lưới điện tử ở hải ngoại, cho được tự do. Và nói vào ngày giỗ, vì trước kia mình đã phát ngôn vào ngày tưởng niệm. Mình chỉ nói được nửa sự thật, thì bây giờ nói nửa phần còn lại. Do đó hai diễn ngôn, 2001 và 2009 mâu thuẫn, thậm chí đối nghịch. Kỳ thật, đây là hai mặt của một đồng tiền, không mâu thuẫn mà lại bổ sung cho nhau. Nó còn biểu hiện cái lô gíc trong nội tâm, ý thức, và tiềm thức của một TC ẩn ức muốn tự giải thoát ra khỏi «ngục tù trong tôi suốt 30 năm qua» bằng một bài viết với kết luận «không còn một sự lựa chọn nào khác».
Tiếc rằng tâm sự của anh bị phản kích kịch liệt. Một phần lỗi tại anh: bài viết thô tháp, thiếu tập trung, thiếu chính xác. Phần khác, còn nhiều lý do ngoài sự dự đoán của anh.
Khoảng 1956, Nguyễn Tuân lên thượng du, từ Sapa gửi về Tô Hoài một lá thư không ghi ngày tháng, khoảng 100 chữ vu vơ, kèm theo tái bút : «Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó». Bây giờ TC chạm vào tổ ong, đành phải chịu hậu quả.

Nhưng vẫn còn những thắc mắc, ví dụ câu hỏi của Lữ Phương, hay Phương Ngạn trên mạng Eo gió: «phải chăng có một thế lực nào đó đang đứng sau lưng TC, xúi dục ông đi ngược với lương tri?».
Tôi nghĩ trả lời được: Không có thế lực nào xui dục TC (và Phương Ngạn), anh cũng không đi ngược lại lương tri mà trái lại còn tuân theo thôi thúc của lương tri.
Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ngược lại tôi: đằng sau tràng đại pháo oanh kích tự do lên TC, thì có thế lực nào chăng? Thì tôi chịu thua, không trả lời nổi.
Bao nhiêu năm qua, chúng tôi sống như trong mê hồn trận: ngẩng lên thì sợ đầu chạm tổ ong, bước xuống thì sợ chân đạp tổ kiến. Trong một cuộc đời lắm ong nhiều kiến.

A6. Tiện việc, cũng nói qua về cái tên Trịnh Cung: tôi hoàn toàn không biết gì về việc anh mượn họ của người bạn nhạc sĩ để làm bút danh. 

Thời 1962, tôi quen anh, chưa có bút danh này. Bức tranh Mùa thu tuổi nhỏ – được giải thưởng tại cuộc triển lãm quốc tế cuối năm 1962 – ký tên Nguyễn văn Liễu. Sau đó, anh mới lấy bút danh Trịnh Cung, mà chúng tôi gọi đùa là Tử Cung. Thời này TCS dạy học ở Blao và chưa nổi tiếng. TC ở tại số 18 chợ Trương Minh Giảng, trong một căn phòng nhỏ, 3×4m, thường đi chơi với nhóm nhà thơ Ninh Chữ, Hoàng Trúc Ly, triết gia Phạm Công Thiện, thỉnh thoảng có cả Tuấn Huy. Nhóm này không thân với TCS.
Có lần ai đó hỏi về bút hiệu mới – không có ý nghĩa gì cả – thì TC trả lời chọn vì âm vang và tiện cho việc ký tên dưới bức tranh. Tên thật Nguyễn văn Liễu dài quá. Hai chữ Trịnh Cung gọn gàng và dễ ký đẹp. Anh còn cho biết thêm là đã tìm ra bút danh này trong một cầu tiêu khi tạm trú ở nhà ông bác phía Tân Định-Đa Kao gì đó. Tôi tin vào lời kể của đương sự hơn là giả thiết mượn họ của người khác làm bút danh cho mình.
Còn lý do khác: TC là người tự cao, thậm chí kiêu kỳ. Chơi trò gì, chơi với ai, anh cũng thường muốn chơi trội, cao hơn thiên hạ một cái đầu, ai may mắn lắm mới được họa sĩ xếp ngang vai. Nhiều người không ưa anh vì tánh tình, chứ không phải vì chuyện thị phi. Một họa sĩ lừng danh từng thân thiết với TC, trong Hội Họa sĩ Trẻ, sang Paris, tôi hỏi thăm TC, được trả lời «mình không gặp». Hỏi «tại sao? ». Đáp «thằng đó lối lắm».
Từ lời kể của TC, đến những sự kiện tôi chứng kiến, đến tâm tính TC, tôi cho rằng bút danh TC không do vay mượn.
Mà nói cho cùng, dù anh có mượn họ của TCS làm bút hiệu, thì khi anh bất bình cũng phải cho anh phát biểu chứ?

B – Gạn đục khơi trong .

Bài báo của TC nêu lên những nghi vấn về chính trị, nhưng không lấy gì làm thời sự, chỉ khơi lại những chuyện cũ đã xa xưa. Bài đăng trên mạng Damau.org ở hải ngoại. Nhưng lập tức báo Thanh Niên là báo giấy có thế lực lớn trong nước, của đoàn thể, có chỉ đạo, phản ứng thô bạo, lên án TC bằng tiêu đề «Ngậm máu phun người». (Cái gì mà ghê gớm vậy ?)

Tiếp theo là Vietnamnet, báo mạng của nhà nước. Cuộc tranh luận – tranh nhiều hơn luận – mỗi lúc một gay gắt, thấp kém, trong khung chính trị đậm nét.
Nhà văn Lữ Phương giàu kinh nghiệm đã nhận định đúng : «tất cả những gì đáng nói ở đây là nội dung chính trị trong cuộc đời TCS chứ không phải là giá trị của tác phẩm nghệ thuật» (mạng Viet-studies, ngày 6-4). Vậy chẳng nên dài dòng về nghệ thuật, cũng không nên rề rà về chuyện bạn bè tình nghĩa.

B1. Nối vòng tay lớn: Việc TCS lên đài Sài gòn trưa ngày 30-4-1975, hát Nối vòng tay lớn là một sự kiện biệt lập, đã xảy ra trong bối cảnh lịch sử, quân sự, chính trị, tâm lý, phức tạp. Không thể trình bày giản lược như TC đã làm: «hát Nối vòng tay lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS tác giả của ca khúc đã dự báo cho ngày huy hoàng này của quân giải phóng và bi thảm cho VNCH».
Cùng một sự kiện, nhưng mỗi người cảm nhận, tiếp thu một cách khác nhau, giải thích khác nhau. Với thời gian, sự kiện có nơi loãng đi, có nơi đanh lại. Bàn cãi vô ích mà có khi còn làm con người đã xa nhau, càng xa nhau.
Theo tôi thì lúc ấy, TCS mừng hòa bình hơn là mừng chiến thắng. Bài hát làm từ 1968, bày tỏ khát vọng đoàn viên, chứ không dự báo điều gì. Bài hát ấy, những con người ấy, cây đàn ghi-ta ấy, thời điểm ấy, địa điểm ấy, trùng phùng trong một cơ may. Không ai dự báo, tiên liệu hay xếp đặt được.

Sài gòn hôm ấy, buổi trưa ấy, chưa hoàn toàn lọt vào vòng kiểm soát của lực lượng Giải phóng. Đài phát thanh nằm trong tay một nhóm sinh viên và thanh niên. Gọi họ là Việt cộng, là tay sai Cộng sản cũng được, nhưng trên bản chất chính yếu, họ là tuổi trẻ của Sài gòn, của Miền Nam, nói là của VNCH cũng được. Họ không là kẻ chiến thắng, cũng không là người chiến bại: có đánh chác gì đâu mà thắng với bại.
Nối vòng tay lớn nói là khúc hát Khải hoàn, hay tiếng hát Thiên nga, hay tiếng hát Dã tràng, đều được. Sáng tác 1968, và thai nghén trước đó, Nối vòng tay lớn 1968 là khát vọng, tháng 4-1975 là khát vọng, hôm nay tháng 4-2009 vẫn là khát vọng.

Mà dường như vòng tay ai đó mỗi ngày một khép.

Khát vọng hòa bình là tâm thức của một thời đại. Trịnh Cung 1969 có một bức sơn dầu tuyệt vời, tên bằng tiếng Pháp là Le Jeune troubadour (Đứa Trẻ Du Ca), 100 x 80cm, vẽ cậu nhạc sĩ trẻ, ôm đàn ca hát hòa bình đang trở về, một buổi mai thôn xóm, có con chim non về đậu trên mái tóc. Tuổi trẻ, ôi tuổi trẻ của chúng ta, gian nan và thống khổ, sao mà thơ ngây và mơ mộng đến thế !!!

B2. Tôi ra nước ngoài từ 1966, nói chuyện 1975 là dựa vào tư liệu. Về tiếng hát TCS, trưa ngày 30-4, tôi mường tượng ba loại phản ứng :
x-) Những người hân hoan, mừng chiến tranh chấm dứt. Bài hát bày tỏ ước mong đoàn tụ ; ước mong hòa hợp dân tộc không thành, lỗi không phải tại người dân.
y-) Những người công phẫn, oán trách thái độ phản trắc. Bây giờ trong nước hay ngoài nước vẫn còn oán hận.
z-) Những người bàng quan, không đặt vấn đề gì. Chuyện bọt bèo của lịch sử, cái gì đã qua thì cho qua. Hát hay không hát, cũng đến vậy thôi. Bỏ đi Tám.

Mỗi thành phần có tỉ lệ bách phân ra sao thì không rõ, đề nghị độc giả đoán giùm. Vui thôi.
Thành phần x có tiếng nói, dồi dào, trong và ngoài nước;
Thành phần y, chỉ có tiếng nói ngoài nước. Nay có TC, ở trong nước, phát biểu giúp họ một số ý kiến thì cũng là một giải tỏa cho người trong nước.
Thành phần z không quan tâm, cho cuộc tranh luận là lỗi thời vớ vẩn.
Theo tôi, cả ba thành phần đều có cái tình, cái lý riêng, cần được lắng nghe và tôn trọng. Đồng ý hay không, không nhằm nhò gì, nhất là hơn 30 năm sau.


B3. Nhân vụ việc đài phát thanh này, xin bổ sung về Tôn Thất Lập.
Thời điểm tháng 4-1975, anh ở Paris, trong phái đoàn sinh viên yểm trợ MTDTGPMN dự hòa hội. Anh trú ngụ tại nhà bạn Việt kiều cùng lứa tuổi, số 2 Square des Mimosas, thường lui tới hội Huynh đệ Việt nam, số 18 đường Cardinal Lemoine, tôi thường gặp anh ở đây và một vài buổi chiêu đãi hội, hè gì đó. Anh có xuất bản tập nhạc «Cánh chim từ vùng lửa đỏ» 1974 Paris, nay tôi còn giữ trong tay. Tham dự buổi phát thanh 30-4-1975 tại Sài gòn dĩ nhiên không thể có mặt Tôn Thất Lập. Hôm ấy có nhiều người, có cả ký giả nước ngoài. Tôi thử hỏi vài người hiện diện thì không ai nhớ chuyện đuổi TCS ra khỏi đài phát thanh.

B4. Nêu câu hỏi này nọ, là quyền của TC, về bất cứ đề tài gì. Tiếc rằng cách trình bày của anh làm mất hiệu lực vấn đề được nêu lên.
TCS là nhân vật của công chúng. Đánh giá tư cách nhạc sĩ, là quyền của công chúng, trong đó có TC. Anh lại có quyền sử dụng những hiểu biết riêng để minh họa cho lý luận. Nhưng anh không cần viện dẫn cuộc chiến tranh đã qua, vì không có ích lợi gì cho lập luận, mà chỉ khơi lại : «những oán hận dai dẳng vần con chưa dọn sạch, những tâm thức tàn dư của một thời xung đột đã qua, nay vẫn còn đè nặng lên tâm tư nhiều người Việt, từ bên này đến bên kia» như Lữ Phương đã nhận xét. Cụ thể hơn nữa, TC không cần trở lại vị thế sĩ quan cũ, không cần biện minh, kết án, ít nhất là trong đề tài này; con đường anh trải qua, không liên quan gì đến con đường TCS, và nhiều người khác, đã chọn. Đây lại là chuyện tự do và dân chủ.Vả lại, có ai tắm lại được hai lần trong cùng một dòng sông ? Lập luận của anh, do đó không những mất hiệu lực, mà còn cho tạo cảm giác ẩm mốc, « cái mùi chơi trội kiểu chiến tranh tâm lý ở Miền Nam trước 1975 » (Lữ Phương).
Bản chất chính trị của đề tài kéo theo cuộc tranh luận khập khểnh, là việc không tránh được. Nhưng chính anh tạo điều kiện cho nó xuống cấp. Anh không gạn đục khơi trong. Mà đã làm ngược lại
Thông cảm với anh, khi anh đau lòng kết luận « không còn sự lựa chọn nào khác », tôi thành thực nghĩ rằng : vẫn một chọn lựa nội dung ấy, anh còn nhiều cách nói khác ôn tồn hơn.
Bài viết TC, với những sai sót, nhược điểm, chứng tỏ niềm cô đơn ghê gớm của anh. Thời xưa, một người bạn thân thiết đã có câu thơ anh tâm đắc, thường ngân nga:

Cô đơn đỉnh núi gần trời
Nghiêng vai ta khoác nụ cười áo xanh

Niềm cô đơn êm ái ấy, nụ cười áo xanh nọ, thời gian kia, nay đã xa khơi. Có u hoài, là tiếc cho « mùa thu tuổi nhỏ » 1962 xa khơi, chứ không phải TC « cô trung cho một thực thể chính trị bóng ma » như Lữ Phương đã viết, hơi nhanh, hơi gọn. Và Lữ Phưong đặt « giả thuyết » : « TC mượn TCS như một cái cớ để bày tỏ nỗi cô trung chính trị của mình, gửi tới các chiến hữu từ xa như một cách góp phần kỷ niệm những ngày tháng tư đen sắp tới ».
«Giả thuyết» như vậy là ác, là lập trình bản án dụng tâm (procès d’intention). Mà theo tôi vừa không đáng vừa không đúng : TC không có chiến hữu nào cả, nếu có thì đã có người biên tập lại bài báo cho tề chỉnh và tuyên truyền hiệu quả hơn.
Vả lại thời buổi này, người khôn của khó, ai dại gì đi làm « chiến hữu » với TC ?

Ngoài đề

Bài này không có kết luận, nhưng rồi cũng phải kết thúc.
Không biết viết gì nữa, chúng tôi đành xin ra ngoài đề.
Hiện nay, tại Paris đang có cuộc triển lãm lớn về danh họa gốc Nga Kandinsky, ông tổ của nền hội họa trừu tượng, đánh dấu cái nhìn mới về nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX.
Trong hồi ký Nhìn lại Quá khứ, Kandinsky kể rằng, năm 1908, tại Murnau (Đức quốc) một buổi chiều đi chơi về, ông bắt gặp một bức tranh lạ lùng, tuyệt diệu, mà không nhận ra được đề tài. Nhìn kỹ, ông nhận ra là tranh của chính mình nhưng treo lệch theo chiều cạnh, không đúng hướng. Từ đó, ông thôi vẽ theo hình dung, mà sáng tác, lập thuyết trừu tượng.
Chuyện thật và không thật.
Thật vì chính tác giả kể lại
Không thật vì một trường phái hội họa, một khúc quành lớn trong lịch sử mỹ thuyật loài người, không thể nảy sinh từ một sự kiện tình cờ, một bức tranh treo ngược. Hội họa trừu tượng đã manh nha trong tiềm thức nhân loại từ thời tiền sử.
Từ giai thoại này, ta thấy : không thể từ một hay nhiều sự việc, dù có thật, trong một đời người, mà suy ra cuộc sống của người ấy, nhất là một nghệ sĩ.

Rồi từ cuộc sống có thực của người ấy, ta không thể suy diễn ra giá trị nghệ thuật mà họ sáng tạo.
Từ sự kiện đến cuộc đời, rồi từ cuộc đời đến tác phẩm, con cá chép phải vượt qua ba cấp, «vũ môn tam cấp», để hóa rồng.
Rồng là một chủ đề quen thuộc trong văn chương, nghệ thuật đông và tây phương.
Dù rằng, hay chính vì, rồng chưa bao giờ có thật.
Rồng chưa bao giờ có thật.
                                                                Đặng Tiến
                                                                                                                                                                       (từ: truclyhoang.com)

Đọc thêm bài của Trịnh Cung:

Trịnh Công Sơn và Tham Vọng Chính Trị

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/04/trinh-cong-son-tham-vong-chinh-tri.html


Không có nhận xét nào: