Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Tàu sân bay Mỹ thứ hai sẽ thăm Việt Nam trong năm 2019 ? - Mai Vân

media
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, ngày 05/03/2018.REUTERS/Kham - Washington hy vọng đạt được thỏa thuận với Hà Nội về một chuyến thăm hữu nghị thứ hai của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam ngay trong năm 2019 này. Ý định này đã được một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ tiết lộ vào hôm qua, 03/04/2019 nhân một buổi hội thảo về hợp tác chiến lược Mỹ-Việt.Theo hãng tin Anh Reuters, trong buổi nói chuyện tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (CSIS) ở Washington, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương Randall Schriver đã nhắc lại sự kiện là vào năm ngoái 2018, lần đầu tiên từ sau chiến tranh Việt Nam, một tàu sân bay Mỹ đã ghé cảng Việt Nam, và Hoa Kỳ « rất hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với phía Việt Nam về một chuyến thăm thứ hai trong năm nay ».<!>
Ông Schriver cho biết thêm : « Chúng tôi đang thảo luận với phía Việt Nam. Chúng tôi hy vọng đây có thể sẽ trở thành hoạt động định kỳ thể hiện mối quan hệ song phương. Đó sẽ là dấu hiệu của một mối quan hệ chiến lược chín chắn.. »
Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson đã ghé Đà Nẵng vào tháng 3/2018. Sự kiện đó đã được xem là biểu tượng cho quan hệ chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng trong khu vực.
Vấn đề Trung Quốc và Biển Đông đã được ông Schriver gợi lên hôm qua khi ông cho rằng mỗi quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, kể cả nước nhỏ nhất, phải được tự do xác định hướng đi riêng, tự do phát triển mà không bị các nước mạnh bức hiếp.
Ông Schriver đã nêu lên ví dụ của Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo đá trong tay họ tại Biển Đông để bày tỏ quan ngại: « Khu vực đang ngày càng phải đối mặt với một Trung Quốc tự tin và quyết đoán hơn, sẵn sàng chấp nhận xích mích để theo đuổi lợi ích của mình ».
Ngoài khả năng đang thảo luận về một chuyến ghé cảng Việt Nam thứ hai của tàu sân bay Mỹ, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ còn cho biết là Hoa Kỳ hy vọng có thể sớm bàn giao cho Việt Nam một tàu tuần duyên thứ hai để giúp Việt Nam bảo đảm an ninh hàng hải.
Trong lãnh vực này, hôm 29/03 vừa qua, Mỹ đã bàn giao 6 chiếc xuồng tuần tra Metal Shark trị giá 12 triệu đô la cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, hoàn tất lời cam kết cung cấp cho Việt Nam 18 phương tiện tuần tra loại này.

Mỹ : Viện Công Nghệ MIT ngưng hợp tác với Hoa Vi và ZTE

media
Logo của ZTE tại Triển lãm Di động Toàn cầu Barcelona ngày 25/02/2019.REUTERS/Sergio Perez/File Photo
Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng của Mỹ vào hôm qua, 03/04/2019 đã thông báo ngưng hợp tác với hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc Hoa Vi và ZTE. Quyết định này được đưa ra vào lúc chính quyền Hoa Kỳ đang điều tra về hai tập đoàn này.
Trong một bức thư trên trang web của MIT, phó chủ tịch đặc trách nghiên cứu Maria Zuber cho biết là MIT sẽ không chấp nhận ký hợp đồng mới hay triển hạn hợp đồng hiện có với Hoa Vi và ZTE, hay với những chi nhánh của hai tập đoàn Trung Quốc này. Lý do là vì Hoa Vi và ZTE đang bị nhà chức trách liên bang điều tra do vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
MIT là viện đại học danh tiếng cuối cùng ngưng hợp tác với Hoa Vi để tránh bị mất tài trợ của chính phủ Mỹ.
Bà Maria Zuber cho biết là công cuộc hợp tác với Trung Quốc, Nga và Ả Rập Xê Út phải tùy theo những quy định mới, cho nên MIT cần xem xét lại.
Theo AFP, những đại học khác như UC Berkeley, Stanford University cũng đã ngưng quan hệ với Hoa Vi. Không chỉ ở Mỹ, đại học Oxford của Anh cũng đã cắt quan hệ và ngưng nhận tài trợ của Hoa Vi vào năm nay.

Philippines : Tàu cá Trung Quốc tại các đảo tranh chấp là « bất hợp pháp »

media
Ảnh minh họa: Đội tàu cá Trung Quốc ở cảng Đàm Môn (Tanmen), Hải Nam. Ảnh chụp ngày 05/04/2016.Reuters
Chính quyền Manila ngày 04/04/2019 đã lên án sự hiện diện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc tại khu vực đảo có tranh chấp ở Biển Đông là « phi pháp ».
Bộ Ngoại Giao Philippines trong một thông cáo ghi rằng « Sự hiện diện của tàu đánh cá Trung Quốc tại khu vực đảo Pagasa (tức đảo Thị Tứ thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa cũ, bị Philippines chiếm đóng vào đầu thập niên 70) là bất hợp pháp. Những hành động như thế rõ ràng là một sự vi phạm chủ quyền của Philippines ».
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Philippines còn cho rằng « chiến thuật bầy đàn » này khiến người ta không khỏi lo ngại về ý đồ của những chiếc tàu cá đó, trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một hình thức gây áp lực với Philippines, nhằm ngăn chận nước này tiến hành một số công trình cải tạo cơ sở hạ tầng ở đảo Thị Tứ. Theo bộ Ngoại Giao Philippines, « những hành động này, tuy là chính phủ Trung Quốc phủ nhận, nhưng đã được Bắc Kinh ngầm thông qua ».
Những lời chỉ trích này được đưa ra sau vụ 275 tàu đánh cá và tuần duyên Trung Quốc ùa sang khu vực đảo Thị Tứ, mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Theo AFP, hiếm khi nào chính quyền Manila có những lời lẽ chỉ trích công khai như vậy nhắm vào Bắc Kinh, kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành tổng thống Philippines. Ông Duterte luôn tìm cách gạt sang một bên các cuộc đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo. 

Tổng thống Algeri gởi thư « giã biệt » và « xin lỗi » người dân

media
Tổng thống Bouteflika trao thư từ nhiệm cho lãnh đạo Hội Đồng Bảo Hiến Tayeb Belaiz ngày 02/04/2019.Algerian State TV/Handout via REUTERS
Hãng thông tấn Algeri APS hôm qua, 03/04/2019, công bố thư « giã biệt » và « xin lỗi » người dân của tổng thống Algeri. Ông Abdelaziz Bouteflika trước đó một hôm đã thông báo từ nhiệm dưới áp lực của đường phố và quân đội trong suốt 6 tuần qua.
Trong một lá thư lời lẽ đầy xúc động gởi đến người dân, ông viết : « Tôi rời chính trường không chút buồn bã, cũng không sợ hãi cho tương lai đất nước (…) Tôi mong mỏi đồng bào hãy tiếp tục đoàn kết, đừng bao giờ chia rẽ ».
Tổng thống từ nhiệm Bouteflika lấy làm tiếc rằng đã không thể hoàn tất nhiệm kỳ tổng thống mà không gởi đến được cho người dân một thông điệp sau cùng. Do vậy, ông mong muốn người Algeri hãy «tha thứ » cho ông về « những thiếu sót » trong bổn phận mà ông không hề mong muốn « cho dù rất thiết tha với việc phục vụ người dân Algeri ».
Trong suốt 20 năm cầm quyền, ông Bouteflika lấy làm tự hào là chưa có một người tiền nhiệm nào đã « tận tụy và trung thành » phục vụ và đóng góp nhiều cho đất nước như ông, khi đưa Algeri đi vào thế kỷ XXI trong một tình thế tốt nhất với những « tiến bộ đáng kể, trong mọi lĩnh vực, có lợi cho người dân ».
Ông viết : « Tôi đã dành trọn 20 năm phục vụ cho đất nước và Thượng Đế chứng giám cho sự thành tâm và lòng trung thành của tôi ». Và đương nhiên, ông nhìn nhận rằng những gì ông làm chưa thể làm hài lòng tất cả mọi người.
« Con người luôn có những sai lầm. Tôi mong đồng bào tha thứ vì những thiếu sót, qua cử chỉ hay lời nói và mọi chuyện đều có một kết cục, tôi xin gởi lời giã biệt, dù rằng điều này không mấy gì dễ đối với tôi để bày tỏ với đồng bào bằng cả tấm chân tình của tôi ».

Nghị Viện Anh thuận dời ngày Brexit để tránh « no deal »

media
Các nghị sĩ Anh Quốc trong cuộc bỏ phiếu về việc dời ngày Brexit, 03/04/2019.Reuters TV via REUTERS
Hôm qua, 03/04/2019, Quốc Hội nước Anh đã thông qua một điểm sửa đổi, chấp thuận dời ngày Brexit với một tỷ lệ sát sao 313 phiếu thuận và 312 phiếu chống. Mục đích của cuộc bỏ phiếu này là nhằm tránh việc Anh Quốc « chia tay » với Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận.
Đây cũng chính là mục tiêu của cuộc thương lượng giữa thủ tướng Anh với lãnh đạo phe đối lập, Jeremy Corbyn, bắt đầu từ hôm qua và sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay.
Tuy nhiên, theo nhận định của đặc phái viên Anissa Eljabri tại Luân Đôn, người ta khó trông đợi có một phép lạ:
« Đằng sau những lời lẽ sáo rỗng của thông cáo, là một bầu không khí lạnh nhạt giữa hai nhà lãnh đạo. Thủ tướng Anh không nói gì, nhưng lời lẽ của ông Corbyn, lãnh đạo Công Đảng chưa cho thấy có gì là hứa hẹn. ʺThủ tướng Anh phải chấp nhận là thỏa thuận về Brexit của bà đã chết. Rằng bà phải đi theo hướng của Công Đảng. Bà ấy đã không làm những điều mà mà tôi mong muốn »… Tóm lại, các cuộc thảo luận này là « cần thiết » nhưng « không có kết quả ».
Thủ tướng May và lãnh đạo đối lập Corbyn có hai lập trường đối lập nhau về Brexit. Công Đảng hồi đầu tuần này thậm chí còn tuyên bố, để duy trì thị trường chung, cần phải bảo đảm 4 tự do về lưu thông, trong đó có tự do đi lại của người dân. Đảng đối lập còn đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Một hố sâu chính trị với nữ thủ tướng cho đến tận lúc này vẫn còn nghe theo những người chủ trương Brexit ʺcứngʺ. Phe hữu giận dữ chỉ trích cuộc thương lượng. Tờ báo bảo thủ Daily Telegraph chạy tít ʺCorbyn ở vị trí người điều khiểnʺ.
Chính phủ Anh đang tìm kiếm một giải pháp. Nghị Viện cố đạt được đồng thuận. Các cuộc bỏ phiếu thăm dò ý định đã chấm dứt. Nhưng trong đêm qua, hai cuộc bỏ phiếu được tiến hành : Thứ nhất, các nghị sĩ đã bác bỏ việc ra đi không có thỏa thuận và điều này được ghi trong luật. Thứ hai, họ cũng muốn dời ngày Brexit. Điều này có thể thực hiện, theo như phát biểu của bộ trưởng Tài Chính hôm qua. Và đương nhiên mong muốn này còn phải được 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chấp thuận ». 

Châu Âu có thể linh động cho nước Anh dời ngày chia tay

media
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và trưởng đoàn thương thuyết về Brexit của Liên Hiệp Châu Âu Michel Barnier tại Nghị Viện Châu Âu ngày 03/04/2019.REUTERS/Francois Lenoir
Thủ tướng Anh Theresa May muốn yêu cầu Châu Âu cho thêm thời gian và dời ngày chia tay cho đến ngày 22/05/2019, tức trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Bruxelles dù lưỡng lự nhưng cũng có thể chấp nhận. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, cuộc thảo luận giữa thủ tướng Anh và lãnh đạo đối lập về Brexit là một điểm lạc quan.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Bénazet, giải thích :
"Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu từng gợi lên rõ ràng khả năng No Deal, tức ra đi không thỏa thuận vào đêm 12 tháng Tư, đúng 0 giờ. Đối với ông Jean-Claude Juncker, đây là một kịch bản rất khả dĩ, vì phương thức duy nhất thay thế tình thế này là Hạ Viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit từ đây đến ngày 12/04.
Tuy nhiên, có những lý do có thể khiến Châu Âu chấp nhận cho Luân Đôn thêm thời hạn, như theo ý kiến của thủ tướng Ireland Leo Varadkar. Trước tiên là Châu Âu không thật sự đóng cửa cho một thỏa hiệp và trong trường hợp không có thỏa thuận ra đi, thì Châu Âu vẫn có thể chấp nhận việc nước Anh ở lại trong liên minh thuế quan như đề nghị của phe đối lập.
Kế đến, Châu Âu muốn tránh bằng mọi giá việc phải khoác lấy trách nhiệm của một thất bại hay của việc đã đẩy Anh ra khỏi cửa.
Vấn đề hiện nay là phải cân nhắc giữa một bên là những người muốn đấu đến cùng để có một thỏa thuận cho đến giờ phút chót, như thủ tướng Đức Angela Merkel, và bên kia là những người, như tổng thống Pháp Macron, lo ngại rằng việc tiếp tục thương lượng về Brexit sẽ gây nhiễu cho cuộc vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu. Phe này không muốn Châu Âu trở thành con tin trong cuộc khủng hoảng chính trị Anh Quốc."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét