Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Sài Gòn! Nỗi nhớ và niềm tin - THINH M. LE


1. Trên chiếc xe buýt du lịch, xem lại video ASIA 68 Sài Gòn Nỗi Nhớ đã làm cho những kỷ niệm của một Sài Gòn một thời tráng lệ sống lại trong lòng từng người trong đoàn chúng tôi. Mới chiều hôm qua, cũng trên chiếc xe buýt này, chúng tôi đã có những trận cười rôm rả. Đường từ khách sạn Carter tại Times Square của vị mạnh thường quân Trần Trường - đến khu phố Á Đông bình thường lái xe mất chừng 20 phút, vậy mà hôm qua mất hơn một tiếng. Đường phố New York vào mùa hè, nhiều lộ trình bị kẹt ứ phần vì sửa đường, phần vì xe cộ quá đông. Đoàn Montréal của chúng tôi có 36 người, và mời thêm các em sinh viên, hoa hậu, á hậu của 2 thành phố New York, New Jersey, tham gia, làm chiếc xe buýt 47 chỗ ngồi không còn một ghế trống.<!>
Là những quản trò bất đắc dĩ, chúng tôi tổ chức thi hát, thi đố giữa một nhóm sinh viên trẻ ở New York/New Jersey, và nhóm thân hữu Montréal. Những trận cười ròn rã cứ rộ lên làm cho quãng đường dài đi qua mau chóng.
Giờ đây, trên đường về Montréal, cả đoàn lại có dịp ôn lại những kỷ niệm, những mái trường, góc phố của Sài Gòn xưa. Đặc biệt, trong cuốn DVD giá trị này, những kiểu tóc, nét trang điểm, và trang phục của Sài Gòn năm xưa đã được làm sống lại. Phảng phất trên những khuôn mặt, chúng tôi thấy có nét Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, của Nghệ sĩ Kim Cương, … và giống nhất là khuôn mặt cố Nghệ sĩ Thanh Nga qua nhạc phẩm Mưa của Nhạc sĩ Văn Phụng qua phần trình bày trẻ trung duyên dáng của nữ Ca sĩ Hà Thanh Xuân.
Trong nỗi xúc động, nỗi nhớ Sài Gòn những ngày tháng trăn trở, Sài Gòn hoa lệ, tôi thiếp đi …
* * *
2. “Trả lại em yêu, khung trời Đại học, 
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát. 
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát. 
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt …” 
Lời nhạc du dương, êm ái trong nhạc phẩm Trả Lại Em Yêu của Nhạc sĩ Phạm Duy đã vẽ lên bức tranh thơ mộng nhất, sống động nhất về tuổi học trò và tình yêu người lính chiến trong những năm đầu 1970.
Tuyết và Lý học cùng lớp. Hằng ngày, Tuyết ghé qua nhà Lý khi thì học bài, khi thì chơi chung. Một hôm, tới nhà, Lý giới thiệu anh mình là sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Đà Lạt.. Hình ảnh chàng sinh viên võ bị Phạm Đình Huệ, cao ráo phong độ trong bộ lễ phục Đà Lạt oai phong cứ vẩn vơ trong trí óc Tuyết.
Rồi một lần về phép, lần đầu tiên thấy Tuyết, Huệ xin cưới ngay, chẳng cần đi chơi chung, chẳng cần tìm hiểu nhiều. Lính trận thời chiến nào có nhiều thì giờ để đi chơi với người yêu.
Tuyết nhất định không chịu. Hai người quen nhau phải tìm hiểu ít nhất một năm chứ. Huệ đẹp trai, thành khẩn, và tha thiết. Mãi rồi Tuyết cũng đồng ý làm đám hỏi, và nhất định một năm sau mới làm đám cưới.
Ngay hôm sau khi lễ hỏi, Huệ xin cưới Tuyết. Cả gia đình, cô chú bác của Tuyết đều ngạc nhiên và ba mẹ Tuyết cảm thấy khó xử trước lời cầu hôn cấp bách này. Cuối cùng, gia đình Tuyết cũng đồng ý cho cưới tháng sau, thay vì năm sau như dự tính ban đầu.
Sĩ quan tác chiến, thời chiến tranh nóng bỏng, mỗi tháng chỉ được về thăm nhà hai ngày cuối tuần. Kỷ niệm giữa Huệ và Tuyết là những lần đi ăn tối ngắn ngủi. Hai ngày nghỉ trong một tháng thì có là bao.
Đối với người khác, hưởng tuần trăng mật phải đủ bảy ngày. Riêng Huệ và Tuyết, tuần trăng mật của họ chỉ có năm ngày. Dù sao đi nữa, trong mắt mọi người: Tuyết và Huệ là một cặp rất đẹp đôi: Một người vợ xinh xắn, ngoan hiền sánh bước cùng với người chồng là sĩ quan thành đạt tốt nghiệp từ Trường Võ Bị Đà Lạt danh tiếng.
Đám cưới Tuyết và Huệ đầu năm 1973, cuối năm họ sanh con trai đầu lòng. Tưởng cũng nên nhắc lại, năm 1973 được quân sử ghi lại với những trận giao tranh Quốc-Cộng của “mùa hè đỏ lửa”. Bất cứ người vợ lính nào cũng sống trong lao đao, sợ hãi. Càng yêu thương chồng thì càng lo lắng.
Đầu năm 1975, Tuyết sanh con gái.
* * *
3. Lần đó, tôi cùng với cô Danh và chú Ngọc – Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal tổ chức chuyến du ngoạn và tham gia diễn hành văn hoá quốc tế tại New York, tháng 6, 2012.
Theo phân chia công việc, tôi và anh Đạm cầm biểu ngữ của Cộng đồng Montréal, chúng tôi cần thêm ba người cầm cờ Canada, cờ vàng Việt Nam, và cờ Québéc.
Trong đoàn, nghe nói có ba “bà soeur”, lúc nào cũng đi chung với nhau. Lúc chia phòng, chúng tôi cũng phải chia ba bà ở cùng một phòng.
Ba bà soeur này, nếu rước cờ Canada, Việt Nam, và Québéc thì lý tưởng quá, vì họ hợp ý nhau, và cùng mặc áo dài. Chúng tôi bèn đề nghị việc cầm cờ. Cô Sa và cô Hạnh lưỡng lự, trong khi cô Tuyết thì nhất định không, và càng không khi cô phải cầm cờ Vàng.
Không rõ vì lý do gì, cô Tuyết nhất định không cầm cờ Vàng, dù mọi người thuyết phục cả ngày. Có người suy diễn, "Chắc cô Tuyết có ý định về Việt Nam, và không muốn bị gặp khó khăn, nên cô không muốn đụng chạm". Tối hôm đó, cô về phòng vẫn nhất định không cầm cờ Vàng.
* * *
4. Mặt trận Định Quán, trung tuần tháng 3 năm 1975 (lược trích Người Ở Lại Định Quán – Bảo Định Nguyễn Hữu Chế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/43, Sư đoàn 18 Bộ binh, QLVNCH)
Định Quán là một trong bốn quận của tỉnh Long Khánh, nằm trải dài dọc theo quốc lộ 20, đường đi Đà Lạt. Dân chúng chuyên sống về nghề làm rẫy và làm rừng.. Vào những ngày cuối trung tuần tháng 3 năm 1975, nơi đây đã xảy ra một trận chiến khốc liệt và hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Sau ba ngày giao tranh đẫm máu: 18, 19, và 20, quận Định Quán đã lọt vào tay quân cộng sản Bắc Việt, mở đầu cho những trận huyết chiến về sau tại Ngã ba Dầu Giây, và trận chiến quyết định Xuân Lộc.
Sáng sớm ngày 18 tháng 3 năm 1975, quân cộng sản Bắc Việt với chiến thuật cố hữu: “tiền pháo, hậu xung”, đã mở màn trận đánh bằng những loạt mưa pháo vào Bộ chỉ huy/Chi khu, Ðại đội 377 Địa Phương Quân, và các cứ điểm quân sự khác chung quanh quận. Sau đó, Trung đoàn 141 được tăng cường xe tăng, đã rầm rộ tiến đánh Dinh Quận trưởng và BCH/Chi khu. Mặc dầu quân trú phòng đã kháng cự dũng mãnh, với sự tiếp tay đắc lực của Trung đội Biệt kích thiện chiến của Tiểu đoàn 2/43, nhưng cuối cùng, lúc gần trưa, Quận đường và BCH/Chi khu đã thất thủ. Thiếu Tá Quận trưởng bị bắt sống.. Trung đội Biệt kích đã thoát chạy về đến Tiểu đoàn, mang theo được cả những đồng đội bị thương vong, bảo toàn được lực lượng. Trước đó, Ðại đội 377 ÐPQ trấn đóng trên điểm cao cũng đã bị tràn ngập. Và những đồn bót lẻ tẻ đều bị cộng quân chiếm cứ từ những giờ phút đầu tiên của trận chiến. Quận Ðịnh Quán đã lọt vào tay giặc. Kế hoạch cắt đứt quốc lộ 20 của cộng quân sắp thành công. Nhưng Tiểu đoàn 2/43, Sư đoàn 18 Bộ binh là một bất ngờ đối với chúng, ngoài dự liệu của kế hoạch.
Ngày N-1, từ hậu cứ Tiểu đoàn tại Núi Thị, Xuân Lộc, Long Khánh, Tiểu đoàn được tăng phái một Trung đội Pháo binh 105 ly và toán Công binh chiến đấu, di chuyển đến Ðịnh Quán với nhiệm vụ mở những cuộc hành quân tiểu trừ cộng phỉ, và giữ gìn an ninh quận. Tiểu đoàn vào vị trí, hoàn tất lúc hơn 5 giờ chiều: Ðại đội 1 của Trung úy Nguyễn Văn Hào được phối trí hoạt động khu rừng hướng Ðông; Ðại đội 4 của Trung úy Hà Văn Dương khu vực hướng Bắc; Ðại đội 3 của Trung úy Nguyễn Văn Hùng khu vực hướng Tây; Bộ chỉ huy Tiểu đoàn và Trung đội pháo binh đóng quân trên một ngọn đồi phía Tây Bắc quận, gần sát bên căn cứ pháo binh diện địa, được bảo vệ bởi Ðại đội Chi huy (-Trung đội Biệt kích), và Ðại đội 2.
Trước khi trời tối, tôi và Ðại úy Tiểu đoàn phó Phạm Ðình Huệ, khóa 23B Trường Võ Bị Ðà Lạt, đến quận viếng xã giao Thiếu tá Quận trưởng, đồng thời thông báo những hoạt động của Tiểu đoàn. Cũng vừa lúc Ðại tá Hoàng Ðình Thọ, Trưởng Phòng 3 Quân đoàn đến thăm bằng trực thăng. Chúng tôi cùng đi gặp Ðại tá Thọ. Buổi tối trôi qua thật yên tĩnh. Ðêm đó có gánh hát Cải lương vừa từ Ðà Lạt về lưu diễn. Không khí có vẻ thanh bình! Nhưng các đại đội hoạt động bên ngoài đã ghi nhận được sự xuất hiện khác thường của quân cộng sản Bắc Việt. Toán tiền đồn phục kích của Ðại đội 4 chạm địch, diệt gọn đơn vị tiền sát của địch. Tất cả đều mặc quân phục chính quy, có đeo phù hiệu cấp bực. Ðại đội 1 cũng báo cáo tiêu diệt được một tiểu đội Việt cộng, mà tên chỉ huy có lẻ là một cán bộ cao cấp, tịch thu được một súng ngắn, nhưng khi dương ra thì trở thành cây tiểu liên. Ðây là loại vũ khí mới, lần đầu tiên chúng tôi bắt được trên chiến trường.
Vì là một bất ngờ ngoài dự liệu của kế hoạch, nên những giờ phút đầu tiên của trận chiến, cộng quân đã không có một hoạt động đáng kể nào đối với Tiểu đoàn, ngoài những đợt pháo kích. Tôi đã kịp kéo Ðại đội 3 về phòng thủ chung với Tiểu đoàn. Và hai khẩu pháo 105 ly đã có cơ hội yểm trợ đắc lực cho quân bạn. Nhưng khi các lực lượng Chi khu bị đè bẹp, Quận đường bị chiếm, Tiểu đoàn 2/43 là mục tiêu cuối cùng mà địch phải thanh toán.
Vào lúc quá giữa trưa, địch từ hai hướng Ðông Bắc và Ðông Nam, theo triền dốc tấn công vào Tiểu đoàn. Khu vực này do Ðại đội Chỉ huy đảm trách, cũng là nơi đặt hai khẩu pháo. Nhưng mỗi đợt tấn công đều bị đẩy lui. Cộng quân như những con thiêu thân, lớp trước ngả, lớp sau lại tiến lên. Lực lượng trú phòng đã đốn ngả nhiều tên cộng phỉ. Có lúc chúng tiến sát tuyến phòng thủ, mặt đối mặt, nhưng vẫn không chọc thủng được tuyến để tràn ngập vị trí.
Lối 2 giờ chiều, tôi mất liên lạc vô tuyến với căn cứ pháo binh diện địa, một căn cứ nằm sát cạnh Tiểu đoàn. Có lẽ căn cứ đã bị địch chiếm giữ, hoặc cũng có thể bị bỏ ngỏ. Giờ đây chỉ còn lại Tiểu đoàn 2/43 đơn độc đương đầu với bầy quỷ dữ. Vị trí của Tiểu đoàn liên tục bị tấn công. Cộng sản vốn xem rẻ sinh mạng của con người, chúng lại thuộc nằm lòng câu phương châm: “cứu cánh biện minh phương tiện”, nên luôn luôn dùng chiến thuật biển người trong tất cả các cuộc tấn công. Ðây là chiến thuật mà đàn anh vĩ đại của chúng là Trung cộng đã áp dụng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, và chính chúng đã thực hành tại mặt trận Ðiện Biên Phủ năm 1954 để thắng Pháp.
Ðể sống còn, có lúc tôi đã yêu cầu máy bay đánh bom ngay trên đầu. Thật ra thì tôi chưa thất vọng đến nỗi phải cho đánh bom lên đầu mình để tự sát, nhưng tôi nghĩ rằng với những chiến đấu cơ phản lực hay bán phản lực F-5E, A-37, bay ở một độ cao để tránh phòng không 37 ly dày đặc của địch, thì lời yêu cầu đánh lên đầu tôi, nhưng bay từ Tây sang Ðông, thì những trái bom chỉ có thể rơi ngay sườn Ðông, nơi tập trung quân đông đảo của địch. Nhưng người bạn chiến đấu không quân, quan sát viên bay trên chiếc L19 bao vùng đã vội an ủi:
“Thẩm quyền đừng tuyệt vọng, để tôi cố điều chỉnh chính xác cho Thẩm quyền.”
Và những trái bom tới tấp rơi trên đầu địch đã phá tan đội hình tấn công của chúng. Nhưng trong chiến đấu ta phải chấp nhận tổn thất! Hai trái bom sau cùng đã rơi ngay tuyến phòng thủ. Ðịch chết, ta cũng tổn thất. Vì ta với địch đang ở thế mặt đối mặt. Một đoạn phòng tuyến bị vỡ, nhưng địch cũng đang “tang gia bối rối”, chúng chưa có thể mở đợt tấn công ngay. Và Tiểu đoàn có đủ thì giờ để điều binh nối lại phòng tuyến. Tôi giao cho Huệ, Tiểu đoàn phó, điều binh phòng thủ.
Trong lúc đó tôi vẫn liên lạc tốt với máy bay bao vùng và điều chỉnh những đợt đánh bom kế tiếp. Nhưng không lâu sau đó, cộng quân lại mở đợt tấn công. Lực lượng phòng thủ đã phải chống trả quyết liệt và rất gay go mới giữ vững được phòng tuyến. Tôi thấy tình hình càng lúc càng nguy ngập. Tiểu đoàn đã phải chiến đấu liên tục với địch có quân số áp đảo, đã chịu một số tổn thất, cấp số đạn dược mang theo cũng gần cạn, tinh thần căng thẳng, thể xác mệt mỏi, … Tình trạng không thể kéo dài lâu hơn được nữa. Tôi cho mời vị Trung đội trưởng Pháo binh tăng phái:
– Anh có bao nhiêu trái đạn chống biển người?
– Hai trái, thưa Thiếu tá.
– Vậy hãy xử dụng khi thấy địch dùng chiến thuật biển người.. Nhớ là phải bắn chính xác vào đội hình tấn công của chúng.
– Nhận hiểu, Thiếu tá.
Rồi tôi gọi thẳng Sư đoàn, xin gặp Thiếu tướng Tư lệnh, báo cáo tình trạng của Tiểu đoàn và tình hình địch, đồng thời xin lệnh rút ra khỏi trận địa. Tướng Tư lệnh chấp thuận, cũng là lúc địch mở đợt tấn công dữ dội. Nhưng chúng đã bị chận lại tức khắc bởi hai trái đạn chống biển người. Theo tôi được biết, mỗi trái đạn chứa lối 3 ngàn mũi tên. Hàng ngàn mũi tên đã lao vút đâm thẳng vào quân thù. Lớp trước gục ngã như rạ, lớp sau nao núng, chùn chân, và tìm cách tháo lui. Trận địa trở lại yên tĩnh. Lợi dụng lúc địch còn đang hoang mang hoảng sợ, chưa kịp thời chỉnh đốn đội ngũ, tôi cho lệnh Tiểu đoàn rời vị trí, di chuyển về hướng tây. Và hai đại đội 1 và 4 nằm bên ngoài cũng đi về điểm hẹn. Đó là một cụm đồi không cao lắm ở hướng Tây, cách thị trấn lối vài cây số. Tôi dự định về đây nghỉ ngơi một lúc, rồi đến nửa đêm, sẽ rút xuống cầu Sông La Ngà, nơi có một Tiểu đoàn ĐPQ đang trấn giữ.
Trời lúc đó sắp tối. Tiểu đoàn đang ở trong vòng vây địch. Địa thế là vùng núi non trùng điệp. Tiểu đoàn lại phải mang theo lối 80 thương vong đồng đội của mình. Đây là một việc làm không phải dễ dàng gì. Nhưng nhờ những trái bom đánh gần, hay là bom lạc cũng thế, nhất là hai trái đạn pháo chống biển người, địch quân đang hoảng sợ, đang trong cảnh “tang gia bối rối”, Tiểu đoàn đã rút ra khỏi trận địa một cách bình yên. Nhưng chúng vẫn theo đuôi, bám sát Tiểu đoàn. Cuối cùng chúng tôi đã đến được điểm hẹn.
Đêm hôm đó, một đêm sao đầy trời. Mảnh trăng khuyết chênh chếch trời tây, tỏa chiếu xuống trần gian một thứ ánh sáng nhợt nhạt, thê lương và lạnh lẽo. Gió núi từng cơn rạt rào qua kẽ lá:
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu, tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”
Tôi và Huệ ngồi bên nhau, trên miệng của một cái hố đào vội, tạm dùng làm hầm chỉ huy. Lối 9 giờ, Tướng Tư lệnh gọi tôi và cho biết là chiều hôm nay đài BBC loan tin quận Định Quán đã thất thủ, nhưng Phát ngôn viên chính phủ cải chính là quận Định Quán vẫn còn – vì Tiểu đoàn 2/43 còn (ngày hôm trước khi Tiểu đoàn di chuyển đến Định Quán, tôi được lệnh chỉ huy tổng quát toàn lực lượng tại Định Quán, gồm Tiểu đoàn tôi và lực lượng Chi khu). Đó là lý do người phát ngôn Chính phủ cải chính, và còn nói thêm là hiện quân chính phủ đang tổ chức tái chiếm. Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 quyết định Tiểu đoàn 2/43 phải ở lại trận địa, sẽ có quân tiếp viện để tái chiếm.
Thật là một cái lệnh “chết người”. Nhưng lệnh là lệnh. Là quân nhân, tôi buộc phải thi hành.
Lối 1 giờ sáng ngày 19 tháng 3, tôi cho lệnh Huệ dẫn hai đại đội và đưa hết số thương vong qua ngọn đồi xa hơn về hướng Tây. Chúng tôi định sáng hôm sau sẽ gọi trực thăng đến tản thương và tiếp tế đạn dược. Khi Huệ cùng đoàn quân ra đi, tôi bảo Huệ hãy cẩn thận, hẹn gặp lại vào sáng ngày mai ...
Theo kể lại, khi một Đại đội trưởng thúc dục Huệ rời vị trí, vì địch sắp tràn ngập, Huệ nói:
“Không, tôi phải đợi Bảo Định, tôi phải ở lại. Tôi không thể …”
Câu nói chưa dứt thì một trái đạn 37 ly của giặc thù đã bay tới …
* * *
5. Tiếng Huệ văng vẳng bên tai, “Tuyết ơi ! Em có biết là anh yêu vợ anh lắm không?”
Trong giấc mơ, Tuyết thấy Huệ trong bộ đại lễ trắng oai phong của Trường Võ Bị Đà Lạt. Những lời nhắn nhủ yêu đương đã theo Tuyết suốt 37 năm qua. “Tuyết ơi ! Em có biết là anh yêu vợ anh lắm không?”
Hình ảnh của một buổi chiều cuối trung tuần cuối tháng 3, 1975 hiện lại trong tâm trí Tuyết. Lúc đó, Tuyết đang cho bé Hồng bú. Con bé mới được hơn một tháng tuổi. Ngoài cửa, một người lính lấp ló, e dè. Hỏi han mấy câu, rồi anh đưa hung tin. Tuyết bàng hoàng, toàn thân run rẩy, chết lịm.
Tuyết tiếp tục ngẫm nghĩ mông lung, “Ngày mai đây, người ta đề nghị tôi rước lá cờ Vàng. Lá cờ đã phủ lên xác chồng tôi. Tôi lấy chồng năm 23 tuổi, và năm 26 tuổi đã để tang chồng. Đây có phải là mất mát lớn lao nhất của một đời con gái. Chồng tôi là kẻ chiến bại. Tôi là người thất bại. Đất nước tôi đã thua cuộc. Có thể nào tôi lại đi rước lá cờ này.”
Rồi hình ảnh Huệ lại hiện về. Một suy nghĩ khác lại loé lên, “Không đâu Tuyết ơi ! Sự hy sinh của anh Huệ có giá trị vô cùng. Anh không phải là người thua cuộc, mà chính là người ra đi oai hùng. Anh đã sống và hy sinh xứng đáng với tình thương của mình”.
Nước mắt Tuyết chảy dàn dụa thấm ướt chiếc gối mỏng.
* * *
6. Trong nắng ấm của tháng Sáu, từng phái đoàn từ khắp Canada và Hoa Kỳ diễn hành trên trục lộ chính của New York là Đại lộ 6 - Avenue of America - suốt từ đường 43rd đến đường 57th.
Từng đoàn, từng đoàn diễn hành qua các đường phố. Một rừng cờ Vàng bay phất phới trên xe hoa, trên tay của những khuôn mặt rạng rỡ của những thanh niên, thiếu nữ, các cô chú bác, trong thường phục tươm tất cũng như quân phục chỉnh tề, trong áo dài thướt tha cũng như quốc phục Việt Nam oai nghiêm.
Người ta thấy đoàn Montréal có ba phụ nữ mặc áo dài, ngạo nghễ trên tay chiếc cờ Canada, cờ Québéc, và cờ Vàng ba sọc đỏ. Đặc biệt, lá cờ Vàng đã không chết theo người lính trận năm xưa. Lá cờ Vàng đã sống lại trên đôi tay của Tuyết, bộc lộ niềm hãnh diện của người vợ thủy chung với chồng là người lính Việt Nam Cộng Hoà, và niềm tin vào chính nghĩa quốc gia dân tộc.

California, ngày 25/4/2017
Lê M. Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét