Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Một thời khát sách - Võ Tá Hân

Khi thấy những không gian ngập tràn sách trong ngày hội sách đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn, lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả. Tôi bỗng nhớ về những ngày chật vật gom từng cuốn sách từ nước ngoài về Việt Nam, thời chúng ta còn hiếm sách. Tôi từ Singapore về lại Việt Nam lần đầu vào cuối thập niên 1980. Sài Gòn lúc ấy vắng hoe. Các nhà sách ở đường Đồng Khởi còn tiêu sơ với một ít sách cũ kỹ đặt trên những chiếc kệ thô sơ. Mỗi lần về công tác, tôi thường tìm mua sách mới xuất bản trong tháng, mà gom tất cả cũng chỉ vừa một vali xách tay. Nhận thấy nhu cầu cấp bách cần chuyển tải những kiến thức mới cho giới trẻ, khi về lại Singapore, tôi tìm cách quyên sách để gửi về nước. Ban đầu, tôi viết một lá thư rồi nhân lên 100 bản gửi đến các nơi quen biết, bạn bè, trường cũ… để xin sách. Với cách này, tôi quyên được 1.500 cuốn, gửi tặng Viện Kinh tế Hà Nội và Sài Gòn.<!>
Image may contain: 1 person, smiling, closeupCon số 1.500 cuốn chỉ như muối bỏ biển. Nhiều nhất trong số này là sách do nhà xuất bản Simon & Schuster - Prentice Hall tặng. Qua tìm hiểu, tôi biết họ có một kho sách khổng lồ ở Singapore để phân phối khắp châu Á. Tại kho sách này, tôi khám phá ra một núi sách còn mới nguyên nhưng tồn kho do nhập dư hoặc không bán hết. Nay họ phải mang ra bán giấy vụn để tránh phá giá thị trường. Tôi đã kiên nhẫn thuyết phục để mua lại với giá rẻ hàng tấn sách về chuyên ngành kỹ thuật, y khoa, luật, quản trị kinh doanh, giáo dục...    

Container 17 tấn với khoảng 20 nghìn cuốn chuyển về trong chuyến đầu tiên đã vấp phải khó khăn ngay từ lúc khởi đầu. Khi biết sách sẽ được chuyển về Việt Nam, tôi bị buộc phải nộp danh mục toàn bộ để kiểm duyệt vì sách vở cũng nằm trong danh sách những mặt hàng bị Singapore áp đặt cấm vận vào lúc ấy. Tôi đành khai là gửi giấy vụn thì container sách mới đi trót lọt. Về đến Sài Gòn, số sách đầu tiên được chuyển đến Viện Kinh tế để sắp xếp lại và phân phối, sau đó một buổi lễ tặng sách và một cuộc triển lãm được tổ chức trọng thể. Ông Phan Văn Khải, lúc ấy chưa nhậm chức Thủ tướng, có ghé đến thăm triển lãm và viết một lá thư khen tặng. Chính lá thư ấy là “lá bùa hộ mệnh” giúp cho chương trình “Biển Sách” được thuận buồm xuôi gió về sau.

Việc chuyển sách trong khoảng thời gian ấy quả là gian truân vì tôi bị kẹt giữa ba “làn đạn”: Bị phía Singapore “quan tâm”, bị nhiều nhóm Việt kiều chỉ trích, lại cũng gặp một số vấn đề từ trong nước. Nhưng nó cũng mang đến cho tôi những món quà tinh thần đặc biệt. Đến nay tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được những lá thư từ những người không quen biết gửi đến nhắc lại chuyện sách ngày xưa. Một người gửi điện thư kể rằng: Ông từng là bộ đội. Sau khi giải ngũ, ông tình cờ khám phá ra một thư viện sách quý ở Viện Kinh tế. Từ đó ông đều đặn đến thư viện học hỏi để khởi đầu một cuộc đời mới. Ngày nay ông là tiến sĩ dạy về ngành quản lý.
Một người khác kể, ông từng mượn vợ chiếc nhẫn cưới đi cầm để mua sách. Với những gì học được từ sách, ông tự chế được đĩa vệ tinh, bắt được đài CNN để học tiếng Anh. Nhờ đó, bạn bè lối xóm tấp nập đặt hàng. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông có đủ tiền mua tặng lại cho vợ ba chiếc nhẫn. Tôi không ngạc nhiên khi biết ông là giáo sư trường Bách Khoa, cũng như tôi luôn nghĩ người Việt nói chung vốn rất thông minh và hiếu học. Nếu có may mắn được học hỏi, người Việt sẽ không thua kém bất cứ ai.

30 năm đã trôi qua, những hình ảnh của hội sách hôm nay đã cho thấy sách không còn khan hiếm. Nhưng niềm khát sách trong tôi vẫn nguyên vẹn. Ước vọng của tôi là thế hệ trẻ sẽ đưa sách đi xa hơn và rộng hơn nữa, sẽ có thêm nhiều hội sách tại các thành phố, nhiều thư viện tại các vùng xa xôi hẻo lánh để kiến thức mới được lan tỏa khắp nơi. Bởi “tri thức là chìa khoá vạn năng mở mọi cánh cửa” rồi từ đó có thể giúp cho đất nước chóng giàu mạnh.
Võ Tá Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét