Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

MỘT CUỘC TRẢ THÙ - Truyện của Phương Lan

Trời mới hửng sáng, Hùng đã đem bộ đồ nghề của chàng bày ra trên lề đường.  Cũng chẳng có gi nhiều, một thùng đựng kìm, kéo và những dụng cụ sửa xe, dăm bảy sợi dây mắc xích, mầy chục cái căm xe đạp, vài cái ruôt cao su, một chậu nước và hai cái bơm lốp xe.  Chỉ có thế, nên sau 10 phút, Hùng đã sửa soạn xong xuôi.  Chàng trải xuống đất một tấm vải bố dầy, trên đó chàng để một cái ghế xếp, một chai nước uống, và một cái bọc đựng những vật dụng cần thiết mà lát nữa chàng sẽ phải dùng đến.  Hùng xoa tay có vẻ hài lòng, rồi mới treo tấm bảng làm bằng bìa cứng có kẻ mấy chữ viết tay "SỬA XE ĐẠP VÀ XE GẮN MÁY" lên môt cái đinh đóng trên một thân cây gần đó, rồi ung dung, chàng ngả cái ghế xếp ra ngồi đọc báo.<!>
Đây là một góc phố vắng vẻ, ít người qua lại, và xe cộ củng chẳng có nhiều. Nếu có ai quan sát, chắc họ sẽ buồn cười lắm cho anh chàng sửa xe gà mờ này, ngồi ở đây từ sáng tới chiều, may lắm cũng chỉ có được dăm ba người khách là cùng.  Thật ra thì Hùng có cần khách đâu, bộ đồ nghề chàng mua rẻ của một người thợ mới dẹp tiệm, cũng chỉ để mà mắt thiên hạ, cho chàng có lý do để ngồi lâu ở chỗ này.  Mục đích chính của chàng là đang rình hai người ở cái nhà bên kia, cái nhà có cái cổng sơn xanh, đối diện xeo xéo bên kia đường.  Hùng kéo cái nón nỉ sụp xuống gần tới mắt, rồi mới nhìn sang cái nhà chàng đang rình, cửa sổ vẫn đóng kín.  Hùng cố tưởng tượng ra khung cảnh đầm ấm bên trong, giờ này chúng nó đang làm gì? đã ngủ dậy, đang ăn sáng, hay còn nằm trong chăn ấm, ôm ấp, hôn hít?  Nghĩ tới đây, lòng chàng sôi lên một cảm giác căm hờn, dĩ vãng bỗng hiện về, dĩ vãng của một thời êm đẹp xa xưa...
Dạo đó Hùng và Khoa là đôi bạn thân cùng học ở trường Quốc Gia Hành Chánh, cả hai đều yêu say mê cô nữ sinh Thu Thủy, hoa khôi trường Gia Long, nhưng chỉ có Hùng được lọt vào mắt xanh của nàng.  Ra trường, Khoa xin chuyển ngành, đi dạy học, còn Hùng được bổ đi làm tỉnh trưởng ở một tỉnh miền Trung.  Cuối năm đó, Hùng và Thu Thủy đã làm đám cưới, và ba năm sau, Hùng được thuyên chuyển về Sài Gòn, làm trưởng ty cảnh sát ở một quận trong đô thành.  Nghĩ rằng có thể ở đây lâu dài, Hùng dốc gần hết vốn liếng dành dụm được, để mua một căn nhà xinh xắn ở đường Bùi Thị Xuân.  Chàng ra sức biến căn nhà thành một cái tổ ấm xinh đẹp, và hai vợ chồng đang tính đến việc có con, thì xảy ra biến cố tháng 4 năm 1975 và Hùng bị bắt đi cải tạo. 
Mấy năm đầu còn ở trong Nam, Thủy vẫn đi thăm chàng đều đặn, nhưng từ khì bị chuyện trại ra Bắc, thì thơ từ cứ thưa dần, ngắn dần, tuy thơ nào cũng hứa hẹn tình nghĩa.  Còn thơ của mẹ chàng thì mập mờ không rõ ràng, bà chẳng bao giờ đề cập đến gia đình riêng của chàng, mà chỉ khuyên chàng nên giữ gìn sức khoẻ, thế nào cũng có ngày về.  Mà ngày về cũng tới thật, sau chín năm, qua đủ mọi trại cải tạo, rút cục Hùng cũng được tha về.  Cầm giấy ra trại trong tay, Hùng mừng như vừa được tái sanh lần nữa, chàng cấp tốc đáp chuyến xe lửa xuyên Việt, từ Bắc vô Nam để về nhà.  Hùng tưởng tượng không biết vợ chàng sẽ phản ứng thế nào khi thấy chàng bất thình lình xuất hiện nơi ngưỡng cửa? có thể nàng sẽ kêu rú lên mừng rỡ, có thể nàng sẽ oà khóc, rồi ngả đầu vào vào vai chàng thổn thức, và Hùng sẽ ôm nàng vào lòng vỗ về, an ủi..  Cả hai sẽ kể cho nhau nghe những nỗi nhớ thương trong khoảng thời gian dài xa cách. 
Nghĩ tới đây, Hùng cảm động nhớ lại hồi mới lấy nhau,cả hai đã thế non hẹn biển cho dù vật đổi sao rời, nhưng tình vợ chồng sẽ không bao giờ thay đổi, lúc nào trong tim của họ cũng chỉ có hình bóng của nhau.  Chàng vì hoàn cảnh phải đi tù, nàng vẫn một lòng thủy chung như nhứt, như lời nàng hứa hẹn trong thư và lần đi thăm chàng ở trại cải tạo Suồi Máu.  Mấy lúc sau này thư từ cứ thưa dần, chắc tại chàng cứ bị di chuyển luôn luôn, nay trại này mai trại khác, thư từ thất lạc là chuyện thường, ấy là chưa kể có khi bị kiểm duyệt xé bỏ.  Có khối người cả nửa năm chẳng nhận được thư từ của gia đình, đến đợt thăm nuôi, gặp mặt mới vỡ lẽ là thư có gởi, nhưng không tới.  A, còn chuyện thăm nuôi, chính Hùng đã viết thơ cho Thủy, nói là không cần thiết, chàng không muốn người vợ yếu đuối của chàng phải xa xôi lặn lội, thân gái dặm trường vượt núi qua đèo, bao nhiêu nguy hiểm, để chỉ đổi lấy vài giờ gặp gỡ.  Ôi, tội nghiệp người vợ yêu dấu của chàng biết bao! khi xa nhau, nàng còn trẻ lắm, mới vừa rời ghế nhà trường.  Bây giờ gặp lại, nàng đã trên 30, còn chàng đã gần 40 tuổi.  Chúng ta không còn trẻ trung, nhưng cũng chưa già lắm đâu, cuộc đời còn lại, anh sẽ đền bù cho em, cho bõ những năm tháng mỏi mòn đợi mong.
Hùng lan man nghĩ đến những dự tính tương lai. với mảnh bằng cử nhân, nếu không được đi dạy học, chàng sẽ dùng số vốn vẫn gởi mẹ chàng năm xưa để mua một trại gà nho nhỏ, hai vợ chồng sẽ ráng sức lao động để kiếm sống.  Thế rồi họ sẽ có con, những đứa trẻ bụ bẫm theo nhau ra đời, đừng nhiều con quá, đẻ nhiều vất vả, hai đứa đủ rồi, nhiều lắm là ba, nhất định không hơn.. Nghĩ đến những đứa con kết tinh của tình yêu, Hùng sung sướng mỉm cười một mình.
Ba ngày trên xe lửa, ba ngày dài đằng đãng mà Hùng có cảm tưởng dài như ba thế kỷ, rồi cũng qua đi, rốt cuộc chàng cũng về tới nhà.
*        *          *
Đứng trước căn nhà của mình sau chín năm xa cách, Hùng cảm động đứng im một lúc ngắm nghía.  Cảnh vật vẫy y như lúx xưa, không có gì thay đổi, vẫn giàn bông giấy màu hồng quân ngay trước cửa, vẫn cánh cổng sắt sơn màu xanh, bây giờ đã loang lổ vì nhiều chỗ bị tróc sơn.  Sau háng rào là một mảnh sân nhỏ, ở góc trái có một cây mai già, vào mùa xuân hoa nở vàng rực cả ngõ.  Dưới gốc cây mai, xưa kia chàng bày lu bù những chậu kiểng, nhưng bây giờ biến đâu mất cả... Cũng phải thôi, Hùng nghĩ thầm, Thuỷ là đàn bà, biết gì về trồng tỉa, để mai mốt đây, chàng sẽ sắm lại.  Hùng chợt có cảm giác háo hức như hồi chàng mới mua căn nhà này để sứa soạn đón vợ về.
Hồi hộp, Hùng đẩy cánh cổng sắt, toan bước vào, nhưng chàng chợt sững người khi nhìn thấy một ổ khóa to tướng nơi cánh cửa, thì ra Thủy không có nhà.  Hùng tặc lưỡi, phải chi được báo trước, Thủy sẽ ở nhà để đón chàng, thú vị biết mấy.  Nhưng Hùng được thả bất thình lình, chính chàng cũng không biết trước, làm sao báo tin?  Nhưng thôi, bất ngờ sẽ vui hơn, chịu khó đợi một lúc vậy.  Hùng tần ngần không biết nên vào sân ngồi chờ, hay đi đâu một chốc, lát nữa sẽ quay lại?  Chợt một bàn tay đập nhẹ vào vai chàng, Hùng giật mình quay lại, mỉm cười khi thấy bà Năm, người hàng xóm cũ đã đứng sau lưng chàng từ lúc nào.
          - Trời ơi! ai như cậu Hùng... Phải cậu đó không? cậu về hồi nào?
          - Chào bác Năm, cháu mới về tới.  Hùng lật đật trả lời, rồi hỏi tiếp, bác Năm! vợ cháu không có nhà à?
          - Đi vắng rồi.  Cậu vô đây tránh nắng một lúc đi!
Vừa nói, bà Năm vừa thân mật kéo tay chàng dắt vô nhà.  Rót cho chàng một ly nước lạnh, đợi chàng uống xong, bà nheo mắt ngắm chàng một lúc rồi mới nói, giọng cảm động:          
          - Trông cậu vừa đen vừa ốm đi nhiều lắm, lại già hơn xưa.
          - Chín năm rồi mà bác.  Hùng cũng cảm động nói, bà con xóm mình vẫn mạnh giỏi cả chứ?
          - Vẫn thường, tôi năm nay cũng ngoài bẩy mươi rồi, còn ông nhà tôi mới mất năm ngoái vì bệnh tiểu đường.
          - Cháu xin chia buốn với bác.  Bây giờ bác Năm sống với ai?
          - Với gia đình đứa con gái lớn của tôi, trông con cho hai vợ chồng nó đi làm.
          - Vậy tốt quá, bác có con cháu an ủi cũng đỡ buồn.
Ngưng một lúc, Hùng mới chậm rãi hỏi:
          - Bác có hay gặp vợ cháu không? cô ấy vẫn mạnh chứ?
          - Vẫn thường.  Bà Năm bỗng nói giọng ngại ngùng, nhưng... bây giờ mọi việc đều thay đổi cả rồi.
Tim Hùng đập mạnh một cái, chàng ngồi thẳng người lên, hồi hộp hỏi:
          - Thay đổi là.. thế nào ạ?
          - Cậu đi lâu quá, ở nhà.. cô ấy.. cô ấy đã có chồng khác rồi.
Hùng nghe như có tiếng sét vừa nổ ngang đầu, cả trời đất bỗng tối xầm lại.  Hùng run rầy ôm đầu, lẩm bẩm lập đi, lập lại như một người điên:
          - Vợ tôi đã có chồng khác.. đã có chồng khác... Có phải bác vừa nói vậy không, bác Năm?
          - Ừ, sự thật là thế đó, cậu à.  Bà thở dài, tôi biết nói ra thì cậu sẽ đau lòng lắm, nhưng..
Hùng xua tay ra hiệu cho bà dừng nói thêm nữa.  Thế là hết. bao nhiêu mộng ước, bao nhiêu hy vọng bỗng chốc xụp đổ tan tành.  Một cảm giác đau đớn, tuyệt vọng dâng lên bóp nghẹt con tim, Hùng nghẹn ngào rồi bật lên khóc nức nở như một đứa trẻ.  Bà Năm vội vã chạy tới, ôm vai chàng dỗ dành như dỗ dành một đứa con thơ:
          - Cháu cứ khóc đi cho hả cơn uất ức, xong rồi thì thôi.  Tình đời đen bạc buồn mà làm gì, thời cuộc tạo nên nhiều hoàn cảnh trớ trêu, những truòng hợp như vầy xảy ra nhiều lắm, không phải chỉ một mình cháu đâu...
Bà nói nhiều lắm, nhưng Hùng không còn nghe thấy gì nữa, chỉ thấy chóng mặt.  Chàng như người đang sống trong mơ, có thật như thế chăng? người vợ mà chàng yêu quí nhất đời, người vợ đã từng thề thốt sẽ trung thành với chàng trọn đời, thế mà chỉ sau mấy năm đã thay lòng dổi dạ.  Người con gái chàng tưởng ngây thơ, đã đánh lừa chàng bằng những lời hứa hẹn giả dối.  Thứ đồ lừa lọc, quân bạc tình, chàng còn sống sờ sờ đây, mà nó đã ôm cầm sang thuyền khác... Thì ra trên đời này làm gì có tình yêu? làm gì có sự thủy chung? mà chỉ có dục vọng thấp hèn, dối trá, lừa đảo...
Đột nhiên Hùng cảm thấy mệt mỏi, rã rời như bao nhiêu sức sống trong người chàng đều tiêu tan hết.  Hùng ngồi thẫn thờ một lúc, rồi mới nén lòng hỏi tiếp:
          - Họ lấy nhau được bao lâu rồi bác? người chồng sau của cô ấy tên gì?
          - Cũng lâu rồi, chừng năm, sáu năm gì đó.  Ông ấy tên Khoa, làm giáo sư.
Hùng giật bắn mình, ngồi thẳng dậy.  Không tin ở tai mình, chàng lắp bắp hỏi lại:
          - Tên Khoa? bác nói cái gi Khoa?
          - Nguyễn Tiến Khoa.  Nghe đâu ông này đã theo đuổi cô ta lâu lắm, từ hồi còn con gái lận.
Hùng choáng váng thả rơi người xuống ghế như cũ, mắt chàng hoa lên và mặt mày xây xẩm, vì hết bị những bất ngờ này đến bất ngờ khác.  Thì ra chúng nó vẫn thông đồng với nhau để lừa gạt chàng.  tên bạn thân đã thừa cơ hội chàng vắng mặt để cướp vợ chàng, còn con đàn bà trắc nết đang tâm phản bội chồng.  Đã thế chúng còn ngang nhiên chiếm đoạt nhà cửa, tài sản của chàng để cùng nhau hưởng hạnh phúc.  Trong lúc đó, ở trong trại tạo, chàng như một người mù, không hay biết một tí gì cả.
Hùng nghiến răng, cố nén căm hận xuống tận đáy lòng, chàng đứng lên, nói với bà chủ nhà tốt bụng:
          - Cám ơn bác Năm đã cho cháu biết sự thật.  Bây giờ cháu phải đi..
          - Cậu không chờ cô ấy về à?
Hùng lắc đầu, cố gượng nột nụ cười méo mó:
          - Không cần đâu bác ạ.  Thôi chào bác, cháu đi.
Bà Năm đưa chàng ra tới cửa, nhìn theo dáng đi nghiêng ngả của chàng cho tới khi khuất hẳn nơi góc phố, mới quay vào, mắt bà hơi rớm lệ.  Hùng biến mất từ hôm đó.

*        *          *
Tình cảm của Hùng thay đổi rất nhanh chóng, từ hy vọng thành tuyệt vọng, bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu ước mơ đều tan thành mây khói cả.  Bây giờ trong lòng chàng chỉ có hận thù, chàng thù kẻ đã cướp vợ chàng, chiếm đoạt tài sản của chàng, thù luôn người vợ phản trắc.  Nhất định chúng nó phải đền tội, nhất định chúng nó phải chết một cách điêu đứng, chàng mới hả dạ.
Hùng về quê, hỏi xin lại mẹ số vốn chàng đã gởi bà lúc trước, nói dối là để đi lập nghiệp, nhưng kỳ thực là để sửa soạn cho một cuộc báo oán.
Ít tháng sau, khu phố Bùi thị Xuân thỉnh thoảng xuất hiện một ông già tóc bạc phơ, bày đồ nghề sửa xe ngay trên lề đường.  Ông ngồi đó từ sáng tới chiều, có khách thì ông chăm chỉ làm việc, khách trả bao nhiêu, chẳng bao giờ ông phàn nàn.  Không có khách, thì ông ngồi đọc báo, hoặc kéo xụp cái nón xuống che mặt.  Người đi đường tưởng đang ông ngủ gật, thật ra thì ông chẳng ngủ tí nào, trái lại rất tỉnh táo để theo dõi nhũng người mà ông đang rình.  Những người đó là cặp vợ chồng nhà bên kia, còn người ngồi rình chính là Hùng.  Chàng hoá trang khéo lắm, không ai có thể nhận ra được, mái tóc giả đội trên đầu, hàng ria mép cũng giả, tất cả đều bạc phơ.  Cặp kính lão, cái nón nỉ luôn luôn kéo xụp xuống che gần hết trán, thêm bộ quần áo dính đầy dầu mỡ, Hùng đã trở thành một người khác hẳn, một ông già sửa xe chính hiệu.  Chàng ngồi đó để rình giờ giấc đi về, và những sinh hoạt hàng ngày của cặp gian phu dâm phụ bên kia.  Rình được rồi, thì Hùng biến mất, và hôm nay mới xuất hiện để hành động.
Hùng tính toán lỹ lắm, việc giết người nếu thi hành vào ban đêm có thể sẽ dễ dàng hơn, nhưng ngặt nỗi chuyến tàu vượt biên sẽ ra khơi vào 6 giờ chiều nay.  Nếu giết người vào đêm hôm trước, thì sẽ phải đợi đến hai mươi tiếng mới có thể đi thoát, lâu quá, có thể người ta sẽ phát giác kịp, đi báo công an, và chàng sẽ bị bắt.  Đàng này, nếu  thi hành vào lúc gần trưa, sớm ra là buổi chiều mới bị phát giác, thì chàng đã xa chạy, cao bay, lênh đênh trên biển khơi được rồi.
Tất cả mọi việc đều được Hùng nghiên cứu kỹ lưỡng, sắp đặt cho có thứ tự, lớp lang hẳn hòi, đâu ra đó.  Hôm nay thứ ba, chúng nó không đứa nào đi làm cả, vô cùng thuận lợi.  Cái xe chở hàng cũ chàng mới mua lại của một người cũng sắp đi vượt biên, đã được đổ đầy bình xăng, máy móc đã được kiểm soát kỹ lưỡng, giấy lên tầu đã sẵn sàng, chỉ việc ra tay... Xong việc, chàng sẽ ung dung đi bộ ra đầu phố, chiếc xe đã được đậu sẵn nơi đó.  Trên xe, chàng đã cẩn thận chất vài cần xế rau cải, làm như sắp sửa đi giao hàng.  Lên xe rồi, chàng chỉ việc lái thẳng ra Vũng Tàu, ở đó chiếc tàu vượt biên đã sẵn sàng để ra khơi...
Hùng nhìn đồng hồ tay, chàng chỉ có vài tiếng để hành động.  9 giờ rưỡi , tim Hùng bắt đầu đập mạnh, chàng thò tay vào túi áo, kiểm lại dụng cụ giết người: một con dao nhíp có cái chuôi có thể gập lại, lưỡi dao mỏng dính nhưng sắc như nước, đủ để cắm ngập vào tim tên phản bạn và con vợ trắc nết.  Hôm nay nhất định phải ra tay, nếu không thì sẽ không bao giờ còn có cơ hội nữa.  Bây giờ là lúc thuận tiện nhất, mọi người đã đến sở làm, trẻ con đang ở trường, vắng người sẽ dễ hành động.  Chàng chỉ việc bấm chuông và nói láo là má Khoa ỏ dưới quê gởi chàng một gói đồ nhờ đưa cho hắn, và nhắn có chút việc.  Khi chàng nói đúng tên má hắn và quê quán -điều này quá dễ, vì chàng đã từng là bạn cũ của hắn-  Khoa sẽ tin ngay và mở cửa cho chàng.  Chỉ cần lọt vào trong nhà, Hùng sẽ hành động ngay tức khắc, một mũi dao đâm liền vào tim Khoa là xong việc.  Còn Thuỷ, nếu không chết giấc vì khủng khiếp, thì cũng không kịp thì giờ để tri hô lên đâu, vì chàng sẽ lập tức kết liễu mạng sống của nàng, cũng nhanh chóng như kết liễu đời tên phản bạn, cho hai đứa xuống âm phủ một luợt cho có đôi.  Sau đó chàng chỉ việc trút bỏ thật nhanh đầu tóc, ria mép giả, và bộ quần aó vấy máu, thay bằng bộ quần áo sạch sẽ đem theo, thế là Hùng đã thành một người khác.  Chàng sẽ ung ung bước ra ngoài, sau khi đã khoá chặt cửa, để hàng xóm tưởng chủ nhà đi vắng, Hùng sẽ đàng hoàng bước đi như một người bình thường, ra đến đầu phố, leo lên xe là thoát nạn.
Hùng nhìn lại đồng hồ một lần nữa, đã gần 10 giờ.  Hùng đứng bật dậy, bước nhanh sang bên kia đường, con dao giết người nằm trong túi, bộ quần áo để thay nằm trong cái bọc đang cầm nơi tay.  Hùng tự nhủ phải bình tĩnh, nhưng chàng vẫn hơi run khi bấm chuông, thì ra giết người không dễ như chàng tưởng.  Có tiếng chân người, và Hùng hồi hộp chờ đợi. 
Chàng chưng hửng khi thấy người ra mở cửa không phải là Khoa, cũng không phải là Thủy, mà là một đứa bé gái chừng năm, sáu tuổi.  Con bé không đề phòng gì cả, mở bét cả hai cánh cửa, và Hùng bước vào bên trong.  Qua phút ngỡ ngàng, Hùng chăm chú nhìn đứa bé, hỏi:
          -  Cháu là ai?
Con bé tròn xoe mắt không hiểu. Thấy câu hỏi của mình có vẻ ngớ ngần, chàng chữa lại:
          - Cháu tên gì?
Lần này thì nó trả lời ngay:
          - Cháu tên Thanh Bình.
Hùng nhìn quanh, thoạt đầu chàng tưởng mình vô lầm nhà, nhưng nhìn kỹ lại, thấy hình của Khoa và Thủy treo đầy trên tường, thì ra họ đã có con.  Đứa bé này là con của kẻ thù, nhưng kẻ thù không có nhà, Hùng phân vân tự hỏi có nên hay không bắt đứa bé này phải chết thay cho cha mẹ nó?  Tàn nhẫn quá! nhưng nếu không, chẳng lẽ cuộc báo oán mà chàng chuẩn bị rất công phu, lại chẳng đem đến một kết quả nào ư? đâu còn dịp nào nữa?  Chi tiết bất ngờ này làm chàng bực mình hết sức.  Cau mày, Hùng hỏi gần như quát:
          - Cha mẹ mày đi đâu hết rồi?
Con bé hoảng sợ lùi lại, nép sát vào góc tường, nó e dè ngó Hùng như muốn tìm hiểu vì sao ông khách bỗng dưng nổi nóng.  Ánh mắt ngây thơ của nó làm Hùng dịu lại, tuy nhiên chàng vẫn nói giọng cay độc:
          - Ta chưa làm gì mày đâu, đừng sợ.  Lại đây cho ta hỏi, có phải hai người trong hình này là ba má mày?
          - Dạ phải.
          - Vậy đúng rồi.  Hùng lẩm bẩm một mình, ta cần biết rõ để lát nữa sẽ quyết định số phận của mày, nếu ba má mày không về.
          - Sao bác biết má chaú sẽ không về?  Con bé bỗng oà lên khóc, rụt dè nắm lấy áo Hùng, bác ơi! chaú nhớ má cháu lắm, bác làm ơn dắt cháu đi thăm má cháu, đuợc không bác?
Hùng chưng hửng:
          - Má cháu ở đâu mà đi thăm?
          - Ở trong nhà thương, ba cháu cũng đang ở đó với má cháu.
          - Thật à?  Má cháu đi nhà thương hồi nào?
          - Hồi khuya, má cháu trở bệnh nặng, ói ra máu nhiều lắm..
Hùng thở ra, chi tiết này chàng cũng không ngờ tới:
          - Cháu có biết má cháu bị bệnh gì không?
          - Dạ không, nhưng bác sĩ nói má cháu không còn sống bao lâu nữa.
          - Má cháu bệnh đã lâu chưa?
          - Năm ngoái má cháu bị mổ, khỏi rồi.  Nhưng mấy tháng nay, không hiểu má cháu lo lắng chuyện gì, nên đau trở lại.
Hùng bỗng bật lên câu hỏi mà chàng thắc mắc từ nãy giờ:
          - Cháu vẫn ở đây hả? sao bác chưa bao giờ thấy cháu?
          - Mấy tháng nay má cháu bệnh, nên gởi cháu cho bà ngoại ở dưới quê.  Ngoại mới đưa cháu lên thăm má chiều hôm qua
Hùng à lên một tiếng, bây giờ thì chàng hiểu cả.  Thở ra một hơi dài, Hùng gỡ tay con bé, chậm rãi đi về phía xa lông và ngồi xuống, chàng lặng lẽ ngắm nó.  Con bé trông thật xinh và dễ thuơng với mái tóc hơi quăn, đôi mắt nai tơ, má núm đồng tiền và cái miệng giồng y hệt má nó.  Hùng chạnh lòng, chàng vẫn hằng ao ước có những đứa con kháu khỉnh như đứa bé này đây, lẽ ra nó phải là con của chàng.  Cả cái nhà này nữa, đáng lẽ cũng thuộc về chàng, thế mà...
Hùng chợt nhớ tới mục đích của chàng khi tói đây, nhưng bây giờ tình thế đã khác hẳn, Hùng hoang mang không biết phải hành động như thế nào nữa.. Con bé vẫn đứng im, một giọt nước mắt còn đọng trên mi, dáng điệu lo lắng thật tội nghiệp, nó lo má nó sẽ không về với nó nữa.  Hùng thở dài, vẫy nó tới gần, dịu giọng hỏi:
          - Cháu mấy tuổi rồi?
          - Cháu lên năm.
          - Ở nhà một mình không sợ sao?  Cháu có đói không?
Nó lắc đầu:
          - Cháu có đồ ăn trong tủ lạnh.  Ba má cháu dặn có chuyện gì, cứ sang nhờ hàng xóm.
Hùng nhếch môi cười nửa miệng:
          - Gọi hàng xóm à? không kịp đâu!
Con bé ngơ ngác không hiểu gì cả, nó đưa tay lên dụi mắt, và Hùng chợt trông thấy một vật gì lấp lánh nơi cổ nó...
          - Cái gì vậy? lại đây bác xem.  Ồ! một sợi dây chuyền vàng à?
Tim Hùng chợt nhói lên, khi nhìn thấy mặt dây chuyền, hình một đôi chim đang bay về phía mặt trời mọc sau đỉnh núi.  Sợi dây này đúng là của Hùng đã tặng cho má nó năm xưa..
          - Sợi dây này là của má cháu, phải không?  Chàng buôt miệng hỏi.
          - Sao bác biết?
Hủng mỉm một nụ cười cay đắng:
          - Bác biết chứ, bác còn biết cả sự tích của sợi dây này nữa kia.
          - Thế bác có biết má cháu không?
Hùng bật cười:
          - Bác mà cháu hỏi có biết má cháu không?  Bác biết nhiều lắm, bác biết cả ba cháu nữa...
          - Sao bác cười?
Hùng trả lời một câu không ăn nhằm gì đến câu hỏi của nó:
          - Bác cười thì cháu nên mừng đi, bởi không thì bác đang hận đó, mà bác hận thì nguy hiểm lắm.
          - Cháu không hiểu gì cả.  Bác kể cho cháu nghe sự tích của sợi dây chuyền này đi!
          - Ừ, để bác kể.  Hùng chậm rãi nói, sợi dây này xưa kia là của bà cố của bác, tặng cho bà nội của bác làm của hồi môn, khi bà nội bác đi lấy chồng.  Bà cố của bác đã giao cho một người thợ khéo nhất vùng, chạm  khắc tỉ mỉ.  Cái mặt của sợi dây tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi.  Sợi dây này hên lắm, ai đeo nó cũng gặp may, nếu không làm điều ác.  Khi bà nội bác già rồi thì tặng lại cho mẹ bác.  Mẹ bác không có con gái, nên đưa bác để bác..  Ờ.. để bác tặng cho.. con dâu của bà ấy.  Nguời ta gọi đó là của gia truyền.
          - Thế sao má cháu lại có?
          - Thôi đừng hỏi nữa, cháu không hiểu được đâu.  Bác chỉ muốn hỏi tại sao má cháu lại không đeo?
          - Má cháu vẫn đeo đấy chứ, má cháu quí nó lắm.  Má cháu mới cởi, đưa cháu hôm qua, dặn cháu phải giữ cần thận, vì có thể má cháu sẽ không có dịp đeo lại nũa.
          - Tại sao má cháu lại nói thế?
          - Má cháu đau nặng lắm, không chắc đã qua khỏi.  Má cháu nói tại má chá làm điều không phải, nên trời phạt.
Hùng nhìn đứa bé, những lời thật thà của nó nghe thật đau lòng, thì ra má nó cũng có những ray rứt, hối hận, không phải hoàn toàn vô lương tâm.  Hùng nghe hả dạ một chút, nhưng đồng thời cũng thấy tội nghiệp con bé.  Nó còn nhỏ quá, mà sắp thành một đứa bé mồ côi.  Chắc nó không hiểu được những hận thù trong lòng người lớn, và nó cũng không ý thức được những hiểm nguy mà nó đang đối diện.  Nó không biết rằng nó đang đứng trước một người đao phủ, một ông thần chết.
Hùng nhìn đồng hồ, đã 11 giờ... Gần trưa rồi, cha nó chắc cũng sắp về.  Kẻ thù của chàng sắp về tới...  Hùng mím môi lại, nhưng lạ quá, ý chí muốn trả thù duờng như không còn mãnh liệt như lúc trước.  Hùng nhìn đứa bé ngây thơ đang đứng trước mặt, thấy tim mình se lại.  Không, chàng không thể để đứa bé sắp mất mẹ này lại mất luôn cả cha.  Nó không làm gì nên tội, không thể bắt nó phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của cha mẹ nó, gánh chịu hậu quả của sự trả thù...
Phải tha thứ, phải tha thứ... Hùng lập đi lập lại nhiều lần câu nói đó trong đầu, và thấy lòng lắng xuống.  Thần kinh của chàng bị căng thẳng từ sáng đến giờ, bỗng giãn ra, khiến chàng cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.  Hùng nói với nó bằng một giọng dịu dàng:
          - Cháu yên tâm, sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu. À còn cái dây chuyền đó, cháu có thích nó không?
          - Cháu thích lắm, nhưng sợi dây này là của bác mà, bác có muốn lấy lại không?
          - Ồ không, không! cháu cứ giữ, người nào đeo nó luôn luôn là kẻ may mắn.
          - Bác ơi, sợi dây này còn hên không?
          - Còn chứ, bởi vì nếu không có nó, cháu sẽ gặp nguy hiểm đấy, có thể bị chết không chừng..
          - Sao vậy bác? tại sao cháu lại bị chết?  Cháu tưởng chỉ có má cháu sắp chết thôi, còn cháu, cháu có đau ốm gì đâu?
          - Ừ, cháu không chết đâu.  Cả má cháu nữa, bác cũng mong cho má cháu không chết.
Ngưng một lát,Hùng mới tiếp tục:
          - Thanh Bình à, cháu có cái tên đẹp lắm, mà cháu có biết tên cháu có ý nghĩa gì không?
          - Dạ biết!  Con bé gật đầu, má cháu nói Thanh là thanh thản, Bình là bình an.  Má cháu mong cho cháu có một cuộc đời thanh thản và bình an.
          - Ừ, cháu sẽ được bình an, bác hứa mà.
Nói xong, Hùng dứng dậy:
          - Bây giờ thì bác phải đi, kẻo trễ giờ.
Chàng cúi xuống vỗ đầu con bé, nhìn vào đôi mắt nai tơ của nó, thong thả nói:
          - Nói với ba má cháu, có bác Hùng tới chơi, nhưng không có gì phải lo lắng cả.  Má cháu cứ an tâm dưỡng bệnh, bác sắp đi xa và không bao giờ trở lại đây nữa.
Nói xong, Hùng bước ra phía cửa, đi ngang bộ bàn ăn, chàng dừng lại, rút từ trong túi áo ra con dao nhíp sáng loáng, chàng cẩn thận gấp cái chuôi lại cho con bé khỏi nghịch đứt tay, rồi mới đặt xuống bàn, mỉm cười hiền lành:
          - Cho bác gởi ba má cháu vật này, bác không cần dùng tới nữa.
Hùng bước nhanh ra cửa, sau khi ngoái nhìn lại lần chót, hình ảnh đứa bé gái ngây thơ với đôi mắt thiên thần, và sợi dây chuyền vàng lấp lánh nơi cổ.  Hùng khẽ huýt sáo một bản nhạc êm dịu, chàng đi bộ ra đầu phố, lòng cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn bao giờ hết
 
PHƯƠNG - LAN
( trich trong tập truyện Còn Chờ  một Kiếp Sau)    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét