Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Cỏ Nhà Bên Xanh Hơn? - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa


Sáng Chủ Nhật cuối cùng của tháng Tư, sau một đêm dài thao thức, tôi ra quán Cà-phê Nhân sớm, mong được gặp người bạn nào đó để trò chuyện.  Quán mở cửa nhưng vắng người, tôi là khách đầu tiên và đợi một hồi lâu mới có một thanh niên trạc độ ba mươi tuổi rụt rè bước ra hỏi,
            “Thưa bác cần dùng gì ạ?”
            “Anh cho tôi ly cà-phê sữa ít sữa.  Ông Nhân đâu mà hôm nay không ra khách?” tôi gọi ông chủ quán bằng tên ghi trên bảng hiệu.
            “Dạ bác cháu bận việc gia đình, cháu và nhà cháu tạm thay bác trông cửa hàng ít lâu,” anh ta trả lời như đọc bài.
            “À ra vậy, rồi ai cũng bỏ xứ này mà đi,” tôi đã đoán ra ông chủ đi đâu.
<!>
Tôi nhẩn nha ngồi đọc báo, một mình lục lạo chồng báo hơn mười tờ.  Gần một tiếng đồng hồ sau thằng Thống mới xuất hiện.  Thấy tôi, nó mừng rỡ và kéo ghế ngồi đối diện,
            “Anh thầy giáo sáng giá của ba viện đại học uy tín Sài thành mà hôm nay hết chuyện chơi ngồi nghiên kíu trang ba các tờ báo hàng ngày ‘chơi’ toàn truyện ma, truyện dâm, và truyện tình cảm tâm lý xã hội ướt át.  Không sợ Tây nó cười hay sao?”
            “Ai cười hở mười cái răng!  Tao thà đọc ba cái chuyện ba láp này hơn là xem tin tức . . . mình trên trang nhất hay mấy bài bình . . . loạn đâm bang (lung tung, không đâu vào đâu) trong trang hai của mấy con ếch ngồi đáy giếng,” tôi ngẩng đầu lên.
“Tờ” báo hàng ngày là một tờ giấy thật lớn gập lại thành bốn trang lớn.  Trang cuối cùng in các đoạn tiếp theo của tin tức đưa lên trang nhất mà không đủ chỗ và khoảng còn lại đăng đủ thứ quảng cáo trên đời:  cáo phó, phân ưu, và cảm tạ của đám tang; chúc mừng “chia vui” với đám cưới; thuốc men như thuốc mọc tóc, thuốc ợ chua, và tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn; và bói toán như xem chỉ tay, bói bài, và xem tử vi.  Thằng Thống chỉ tay vào các tít lớn chạy dài trên trang nhất và thở dài,
            “Ai mà không mệt mỏi và chán ngán khi đọc các bài báo tường thuật hay nghe trực tiếp truyền thanh màn cãi nhau như mổ bò ở Quốc hội cả ngày hôm qua?  Mười một giờ đêm vẫn chưa ngã ngũ, hôm nay lại cãi tiếp.”
Hôm qua Quốc hội lưỡng viện nhóm họp khoáng đại dưới quyền chủ toạ của ông Chủ tịch Thượng nghị viện và thảo luận đề nghị đưa Tướng Xxxx Man lên thay thế Tổng thống Yyyy Hoan để thương thuyết với “phe bên kia” và mang lại một “nền hòa bình trong danh dự.”  Hạ nghị viện có 159 dân biểu, Thượng nghị viện có 60 nghị sĩ, và trong tổng số 219 chỉ có 136 đại biểu hiện diện.  Một số đại biểu cho rằng sự nhường chức như thế là “vi hiến” vì không chiếu theo hiến pháp nền Đệ nhị Cộng hòa, và một số khác không đồng ý về người thay thế.
Tôi buồn bã nhìn thằng Thống và hỏi lửng lơ,
            “Mày thấy tình thế ra sao?  Còn chút hy vọng nào không?”
            “Hy vọng cái con khỉ!  Ngoài mặt trận thằng Cộng năm mặt giáp công tiến vào, đô thành không còn lực lượng phòng thủ và gần như bỏ ngỏ.  Bên trong ông già Hoan bị áp lực của thằng Mỹ và thằng Pháp, và Quốc hội bị mấy thằng Việt Cộng nằm vùng đội lốt ‘thành phần thứ ba’ giật dây; ai cũng đòi ép ông già gân nhường chức cho Tướng Man.  Ông mập này có liên hệ với phe kia từ lâu, thế nào cũng lên cầm quyền, và sẽ lập chính phủ mới; khi đó chính là lúc đời mình tàn trong ngõ hẹp.”
            “Bi đát đến thế sao?” tôi ngầm đồng ý nhưng chờ bạn giải thích.
            “Đến nước này, bộ mày tưởng thằng Cộng sẽ đồng ý dừng quân cái rụp, bắt tay bông-giua (bonjour) với ông mập, và tử tế cam kết không nuốt trọn miền Nam hay sao?  Ông ta chỉ có một con đường duy nhất là giơ tay đầu hàng, và trước sau gì tụi mình cũng sẽ phải nghe con hát,
Đêm qua em mơ gặp bác Hà
Râu bác dài tóc bác bạc phơ
Em âu yếm hôn đôi má bác
Vui bên bác là em múa hát.
        (Theo Xuân Giao)
Tôi nhăn mặt rầy thằng bạn thân,
            “Mày chưa có vợ, tao chưa có con; ăn nói ác đức vừa vừa thôi chứ!  Ông Hà nợ gia đình tao một món nợ máu:  Hai mươi năm trước, ông ta và chính quyền miền Bắc bức tử ông nội tao để cướp đoạt nhà cửa ruộng vườn và của cải.”
            “Vậy thì lo tìm đường đi mau kẻo trễ!  À, hồi nãy tao ghé nhà mày không thấy mới chạy ra đây, để cho mày biết tin tức về kế hoạch hát-cu (HQ) của tụi mình.”  “Kế hoạch” đó chỉ là bàn tính mơ hồ làm sao ra khỏi Sài gòn bằng tàu Hải quân của hai đứa tôi.
            “Mày có manh mối gì chưa?”
            “Anh Nghiêm có người bạn thân là anh Khôi làm thiếu tá Hải quân.  Hôm qua anh Khôi đến nhà cho biết binh chủng Hải quân lâu nay chuẩn bị di tản, tình hình đến lúc chín muồi để tiến hành, và anh ấy căn dặn phải sửa soạn sẵn sàng, ới lên một tiếng là dzọt liền.”
Anh Nghiêm là anh lớn của thằng Thống; hai anh chị đều là giáo sư trung học và thường trò chuyện thân mật với tôi khi tôi tới nhà chơi với thằng Thống.  Tôi mừng khấp khởi.
            “Vậy mình có đường sống rồi!”
            “Đừng vội mừng mà hố to ‘em’ ơi.  Đối với anh Khôi, gia đình anh Nghiêm gồm vợ chồng và bốn đứa con, tao, và hai đứa em tao.  Tao chưa dám gộp thêm Diễm Sương vì tụi tao chưa chính thức đính hôn, không biết nàng có thuận đi hay không.  Tao không thể mở miệng xin kéo thêm gia đình mày vào, vì một trăm phần trăm sẽ bị từ chối thẳng thừng.”
            “Khi đến lúc ra đi, mày cho tao địa điểm, và tụi tao sẽ gặp mày ở đó.  Tụi minh sẽ cố gắng năn nỉ anh Khôi bằng cách này hay cách khác; không được thì liều mình bám theo tới bến tàu đậu.  Cùng lắm thì bỏ mạng trên đường di tản – hơn là ở lại mà hàng ngày uất hận nhìn chân dung kẻ thù,” tôi biết con đường dự định sẽ rất phiêu lưu và mạo hiểm..
Vụ ra tàu Hải quân chưa phải lo ngay, tôi có việc cấp bách khác cần làm hơn.  Nhờ lời bàn luận cay đắng mà chính đáng của bạn, tôi nhận ra đã đến ngày N và đã đến lúc phải đếm ngược tới giờ G – thời điểm giải tán Công ty Martinet và phân chia tài sản cho nhân viên.  Tôi về nhà bàn với Quỳnh Châu rồi hai đứa sang nhà bác Mạnh hàng xóm sát vách, bác là Tổng Giám đốc Điều hành hoạt động của công ty.  Bác ngạc nhiên khi thấy vợ chồng tôi sang thăm vì hai nhà rất ít khi qua lại; cha chỉ sang nhà bác khi cần dùng nhờ điện thoại, gọi xong cha về ngay, và bác cũng không giữ khách; và tôi và bác thì gặp nhau ở văn phòng.
Hai bác Mạnh và cha mẹ quen biết nhau từ hồi nhỏ ngoài Quảng Bình.  Bác trai là tỉnh trưởng quân nhân đầu tiên của hai tỉnh lớn dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, sau đó giải ngũ và bước vào lãnh vực kinh doanh, và quản trị Công ty Martinet cho o Tín.  Bác mến phục và tiến cử tôi làm kỹ sư cố vấn cho công ty, và nhờ đó tôi được o thương yêu và tin cậy.  Cuối năm ngoái, với đề nghị thiết tha của bác, trước khi sang Pháp chữa bệnh o ủy nhiệm tôi giữ chức Quyền Chủ tịch Tổng Giám đốc (và chủ công ty), nhiệm vụ trở thành vĩnh viễn khi mất.
Sau khi nghe tôi trình bày ý định, bác Mạnh hơi ngạc nhiên,
            “Bác sẽ thi hành quyết định của con, nhưng có nên đợi đến giờ phút chót?”
            “Các văn kiện phát ngân và chuyển nhượng tài sản chỉ có giá trị pháp lý dưới luật pháp Việt nam Cộng hòa.  Không thể đợi đến lúc chính phủ đầu hàng và đất nước chuyển qua một chính thể vô phép không chấp nhận quyền tư hữu,” tôi lắc đầu.
            “Bác đồng ý.  Theo ý con, giờ G là lúc nào?”
            “Lúc Quốc hội lưỡng viện chấp thuận trao quyền cho Tướng Man.  Bác và chị Bích chuẩn bị mọi thứ cho con.”  Chị Bích giữ chức vụ Quản lý Văn phòng.
Bác Mạnh tính đứng dậy tiễn khách, nhưng tôi nán lại nói thêm,
            “Tuyệt đối bác và chị Bích không để lại bút tích trên các văn kiện con sẽ ký, một mình con chịu trách nhiệm thôi.  Khi thấy không còn gì để cướp đoạt, bọn kia thế nào cũng tìm cách truy tố ‘thủ phạm’ đã ‘tẩu tán tài sản nhân dân.’”
            “Bác ghi thêm cho con đồng ký tên với danh nghĩa người hôn phối của ảnh,” Quỳnh Châu nhắc nhở, và nàng quả quyết giải thích, “Nếu thoát khỏi nơi đây, tụi con sẽ qua Mỹ.  Theo luật lệ các tiểu bang bên đó, mọi thứ thuộc sở hữu của chồng là của chung, chồng an bài thế nào cũng cần chữ ký đồng tình của vợ mới hoàn toàn hợp pháp.”
            “Vợ chồng con thật chu đáo, suy cùng nghĩ cạn mọi bề,” bác Mạnh tấm tắc khen.
            “Thật ra, Châu muốn phúc đồng hưởng họa đồng chịu, trong trường hợp tụi con bị kẹt lại,” tôi nắm chặt tay nàng.
Tám giờ 54 phút tối hôm đó, Quốc hội biểu quyết thông qua quyết nghị, “Yêu cầu ông Yyyy Hoan trao quyền cho Tướng Xxxx Man để mưu cầu hòa bình cho dân tộc.”  Chương trình giải tán Martinet tiến hành suôn sẻ với tất cả 33 nhân viên (kể cả tôi) hiện diện.  Số hiện kim trong két sắt được chia đều cho 32 nhân viên, tôi không có phần vì đã xin ứng trước để giúp sinh viên chiến nạn.  Các “bất động sản” không thể đổi thành tiền thì phân chia và chuyển nhượng cho nhân viên muốn nhận lãnh.  Sau khi tiễn hết nhân viên ra về, bác Mạnh rầu rĩ nói với tôi,
            “Trong đời bác có một ước mơ:  Con trai bác được một phần trăm tài năng và đức độ của con là bác mãn nguyện.  Nhưng trời không thương bắt bác sinh ra thằng Yên.  Xót xa thất vọng về nó bao nhiêu, bác kính trọng con bấy nhiêu.”
Thằng Yên con đầu lòng của bác Mạnh kém tôi một tuổi, thi Tú tài I rớt rồi bỏ học, và trốn lính.  Nó phi xì-ke (hút ma túy) và ở quanh quẩn trong nhà chờ ai vô ý bỏ ra món gì đáng giá là chớp ngay và bán lấy tiền mua xì-ke.  Đôi ba lần tôi bắt gặp nó trèo tường sang nhà tôi định ăn trộm, nhưng tôi vờ không biết và bỏ qua cho nó.  Trái lại, cô em Thu Cúc kế nó là một thiếu nữ khả kính; nàng học năm thứ hai trường Văn khoa, tính tình hiền dịu dễ mến, và như bác gái, xinh đẹp tuyệt vời.  Quỳnh Châu ngỏ ý gán ghép nàng với thằng Sang, mẹ gạt đi,
“Đẹp đẽ có ích lợi chitốt gỗ hơn tốt nước sơn.  Mua heo lựa nái, cưới gái lựa dòng, con nớ rồi cũng mất nết giống như mụ mẹ hắn.  Không được !”
Bác Mạnh ngần ngừ suy nghĩ và cuối cùng vỗ vai tôi,
            “Trước khi từ biệt, bác nói cho con biết tại sao vợ chồng bác và cha mẹ con cư xử lạnh nhạt với nhau nhiều năm nay.”
            “Con thường thắc mắc nhưng không dám hỏi chuyện người lớn.  Sao vậy bác?”
            “Ngày xưa ở ngoài làng, bác với cha con học cùng trường, gia nhập quân đội và đi học sĩ quan một lượt, và là hai chàng thanh niên độc thân các cô gái làng mơ ước được lấy làm chồng.  Về phía nữ giới, bác gái và mẹ con trội hơn hết:  Bác gái nhan sắc mặn mà, và mẹ con giỏi giang về việc buôn bán và quán xuyến việc nhà; kẻ kia tám lạng người này nửa cân.  Hai chàng ngắm nghé hai cô, nhưng không biết ai ưng ai; thời xưa trai gái không được quyền tiếp xúc hay bày tỏ tình cảm riêng tư mà phải chịu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.  Rồi chú đẻ (cha mẹ) bác đem khay cau trầu rượu đi hỏi bác gái cho bác trước.  Gia đình bác gái thuận ngay, hai bác làm lễ cưới, và sau đó cha mẹ con thành hôn.  Một nỗi khúc mắt khó hiểu giữa hai bên nảy sinh từ đó và vấn vương mãi đến nay.”
Đêm ấy là lần cuối cùng tôi gặp bác Mạnh.  Vài năm sau, tôi nghe nói bác mất tích khi vượt biên cùng với người con thứ ba là em trai kế Thu Cúc.  Mỗi khi nhắc tới ngày 30 tháng Tư, mẹ bĩu môi kể lại,
            “Sáng bữa nớ, trong lúc lửa cháy đạn bay và người người lo chạy loạn, ôông mụ Mạnh tỉnh bơ nằm ôm nhau . . .”

Tôi không thể biết tại sao cha mẹ và hai bác Mạnh lãnh đạm với nhau.  Vì tự ái đua tranh hay nghĩ rằng, nói theo câu ngạn ngữ Mỹ, cỏ bên kia rào lúc nào cũng xanh hơn (“The grass is always greener on the other side of the fence”)?  Bốn người lớn con cái đầy đàn mà để một chuyện đố kỵ thời son trẻ ngầy ngà cả đời thì thật đáng tiếc.  Nhưng tôi nói gì được bây giờ?
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                           Ngày 9 tháng Giêng, 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét