Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

TIẾNG ỒN ÀO CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦM LẶNG! - Nam Lộc (Vietbao)

blank
Tiềng ồn ào của người thầm lặng, là nhịp đập của những trái tim nhân ái. Là tiếng vỗ tay của những người thưởng ngoạn và là những điện thư chia sẻ đầy tình người. Là những bài viết nói lên sự thật, không mỉa mai, cay cú, và nhất là không bịa đặt hay mạ lị! Tiềng ồn ào của những người thầm lặng, là phần thưởng tinh thần lớn lao dành cho anh chị em chúng tôi gồm 5 người: Nam Lộc, Trịnh Hội, Diễm Liên, Nguyên Khang và Vi Yên (một thực tập sinh đến từ VN), cùng với các thiện nguyện viên và thành viên của VOICE tại nhiều địa phương, trong chuyến lưu diễn qua 5 quốc gia Âu Châu để gây quỹ định cư người tỵ nạn VN đang sống vất vưởng ở Thái Lan cũng như để hợp tác với các cá nhân cùng hội đoàn sở tại, thúc đẩy và vận động với những quốc gia ở Âu Châu cùng quốc hội Liên Âu về tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương VN.
<!
Trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ở thành phố Oslo, Na Uy ngày thứ Năm 28 tháng Hai, 2019, và bắt đầu với cuộc hội thảo về nhân quyền và luật an ninh mạng ở VN hiện nay (Conference on Human Right and Cyber Law in VN), đồng thời tham dự liên hoan phim tài liệu quốc tế (Oslo International Documentary Film Festival), mà trong đó cuốn phim “Mẹ Vắng Nhà ” do VOICE thực hiện đã hân hạnh được chọn để trình chiếu. Qua tối hôm sau là chương trình nhạc hội “Tiếng Nói và Tương Lai” (Our Voice, Our Future) cùng chủ đề “Hát Cho Đồng Bào Tôi” để gây quỹ giúp định cư người tỵ nạn VN.

Đồng bào tôi ở đây là những người Việt đang sống bình yên tại hải ngoại, đang vất vưởng ở Thái Lan, hay đang bị ngược đãi ở quê nhà! Đồng bào tôi, là những người đã và đang can đảm đứng lên phản đối nhà cầm quyền CSVN đuổi nhà, cướp đất. Phản đối tập đoàn Formosa thải độc giết ngư dân, phản đối chính quyền địa phương đàn áp tôn giáo, hay tố cáo những kẻ lãnh đạo đang bán nước cho ngoại bang v..v... Thế nhưng nhiều người trong số đó đang bị công an, bộ đội truy lùng và bắt bớ. Họ phải trốn sang Thái Lan và phải tự sống còn trong các hoàn cảnh thật khắc nghiệt, khó khăn và thiếu thốn! Ai là người đang giúp họ hiện nay? Ai là người sẽ mang cho họ một tia hy vọng nhỏ nhoi là được đi định cư ở một nước thứ ba, trong lúc mọi quốc gia trên thế giới đều đóng kín cánh cửa nhân đạo đối với người tỵ nạn VN? Và quan trọng hơn cả là làm thế nào để người Việt không còn phải bỏ nước ra đi, không còn phải ngửa tay xin tỵ nạn dù 44 năm đã trôi qua, nhưng vẫn không chấm dứt? Tất cả những vấn nạn trên đã được thể hiện trong các buổi nhạc hội  và thảo luận mang đầy ý nghĩa và dào dạt tình đồng hương.

blank
VOICE Norway với màn hợp ca mở đầu “Trả Lại Cho Dân”

Cac bạn trẻ trong tổ chức VOICE ở Na Uy không xa lạ gì với chúng tôi. Hầu hết đều là những thuyền nhân bị bỏ lại ở Phi Luật Tân, nhưng sau cùng đã đến được bến bờ tự do nhờ vào cuộc vận động của LS Trịnh Hội. Tuy nhiên người giúp cho họ được định cư tại quốc gia hiền hòa và phú cường này lại là một nữ luật sư trẻ, tên là Trần Kiều, người Na Uy gốc Việt. Cô đã hy sinh nhiều năm để qua sống cùng đồng bào tại PLT, cố vấn luật pháp cũng như giúp đỡ họ trong các thủ tục giấy tờ. Nhưng quan trọng hơn cả, vì chính cô là người đã tích cực đấu tranh cho quyền lợi của gần 200 người Việt tỵ nạn được định cư tại Na Uy vào những năm giữa thập niên 2000, khi mà người Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định dứt khoát, nhận họ vào Hoa Kỳ. Việc làm của nữ LS Trần Kiều mang tính cách lịch sử, vì chính cô là người đã thuyết phục quốc hội Na Uy ban hành một bộ luật di trú đặc biệt để cho người Việt còn lại ở Phi được đến Na Uy.

Sau khi hoàn tất sứ mạng và lý tưởng giúp đỡ những đồng hương thiếu may mắn, cô Trần Kiều trở về Oslo, lập gia đình với một viên chức ngoại giao người bản xứ, có hai con và theo chồng sống cuộc đời di chuyển qua nhiều quốc gia. Tuy nhiên hôm nay biết chúng tôi đến Oslo, và trước khi theo chồng đi nhậm chức đại diện chính phủ Na Uy tại vùng lãnh thổ Palestine ở Do Thái, cô đã cùng gia đình đến tham dự để anh em trùng phùng sau 14 năm xa cách. Hội trường đã không còn một ghế trống, nhiều người phải đứng để theo dõi chương trình. Và năm nào cũng vậy, rất nhiều thiện nguyện viên đã nấu nướng toàn bộ thức ăn để bán tặng vào quỹ định cư tất cả tiền thu được, cả vốn lẫn lời! Đồng thời nhiều ân nhân khác cũng đóng góp công sức, tài chánh hoặc tham gia vào các cuộc đấu giá thật sôi nổi và tích cực.           

Sáng hôm sau, thứ Bẩy ngày 2 tháng 3, 2019, chúng tôi phải lên đường để đến Đan Mạch sớm hầu tham dự chương trình ca nhạc gây quỹ tổ chức vào lúc 6 giờ chiều tại thành phố Odense, cách Copenhagen khoảng 2 tiếng đồng hồ lái xe. Cũng tương tự như Oslo, hội trường ở đây tuy lớn hơn, nhưng vẫn không đủ chỗ cho mọi người ngồi tham dự. Anh chị em VOICE Denmark cùng những thiện nguyện viên trẻ tại đây đã làm việc không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, để vừa tổ chức buổi nhạc hội, vừa sắp đặt những cuộc vận động chính trị, cùng hội thảo với các viên chức chính quyền và dân cử Đan Mạch. Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Frankfurt, Đức Quốc củng đã bay đến để tham dự và trao đổi cùng anh em chúng tôi. Theo ban tổ chức thì đây được xem là một cuộc tập họp đông đảo và nhận được sự đóng góp tài chánh dồi dào nhất từ trước đến nay của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại quốc gia này.

blank
VOICE Denmark và các thiện nguyện viên trong BTC

Tuy nhiên đối với tôi thử thách lớn nhất vẫn là cuộc hội thảo, tiếp xúc và gặp gỡ với những đồng hương quan tâm đến tổ chức và việc làm của VOICE cũng như về tình trạng nhân quyền và hoàn cảnh của các tù nhân lương tâm đang còn sống ở VN. Buổi họp mặt này đã được diễn ra vào buổi sáng Chủ Nhật mùng 3 tháng 3, 2019 tại Copenhagen. Khách tham dự thuộc mọi thành phần, thuộc nhiều lứa tuổi và đặt ra nhiều câu hỏi, họ quan tâm đến những tin đồn ác ý và bịa đặt được phát tán vô trách nhiệm trên các mạng YouTube. Sau khi LS Nguyễn Văn Đài chia sẻ và trả lời những thắc mắc liên quan về đề tài nhân quyền và tù nhân lương tâm ở VN, thì đến lượt LS Trịnh Hội trình bầy chi tiết về tổ chức VOICE cùng các hoạt động của họ hiện nay. Những con số, những thống kê về hiện tình kinh tế, chính trị và nhân quyền ở VN, dựa vào các báo cáo của nhiều quốc gia trên thế giới, đã được mổ sẻ một cách rất kỹ lưỡng và rõ ràng. Các chương trình đào tạo thực tập viên cùng phát triển xã hội dân sự ở VN cũng được LSTH giải thích thật cặn kẽ. Theo sau là phần xuất hiện của một nhân chứng sống, cô Vi Yên, là một trong số hàng trăm thực tập sinh (intern) đã được VOICE đào tạo và sau đó trở về nước để phục vụ cho lý tưởng và tranh đấu cho một thể chế tự do, dân chủ và nhân quyền trên quê hương VN. Vi Yên, Trịnh Hội và cá nhân tôi cũng đã trả lời trực tiếp tất cả các câu hỏi do cử tọa đưa ra kể cả những thắc mắc liên quan đến việc định cư đồng bào tỵ nạn VN tại Canada mà VOICE đang tiến hành.  Buổi tối hôm đó lại có một cuộc họp mặt khác do một nhà hàng VN nổi tiếng nằm ngay downtown Copenhagen có nhã ý tổ chức để đồng hương tại thành phố này có cơ hội tiếp xúc, trao đổi tâm tình và chụp ảnh kỷ niệm với anh chị em nghệ sĩ. Đặc biệt là toàn bộ số tiền đóng góp cả vốn lẫn lời đều được dùng vào quỹ định cư người tỵ nạn.

blank
Conference on Civil Society in Copenhagen

Qua ngày hôm sau, mùng 4 tháng 3, 2019, thành viên của VOICE đã cùng các nhà hoạt động cộng đồng tại Đan Mạch tham dự các buổi hội thảo rất quan trọng, đó là hội nghị về Xã Hội Dân Sự (Conference on Civil Society), đặc biệt là có sự hiện diện của vị bộ trưởng ngoại giao Denmark. Cũng trong dịp này chúng tôi đã có những cuộc trao đổi trực tiếp với các viên chức cao cấp của bộ ngoại giao Đan Mạch “Head of Section, Department for Asia, Oceania and Latin America” và Vietnam Desk Officer.       

Mùng 5 tháng 3, 2019, phái đoàn lại khăn gói để bay đến Berlin, thủ đô nước Đức, một địa điểm đầy thử thách mà lần đầu tiên VOICE có mặt để sinh hoạt, và cũng tại đây, tôi gặp nhà hoạt động và người tù nhân lương tâm trẻ, cô Lê Thu Hà đến từ Frankfurt. Cộng đồng người Việt ở Berlin chia làm hai khu vực và hai hoàn cảnh tỵ nạn khác nhau. Có người đến từ miền Bắc hay miền Nam nước Việt. Có người là thuyền nhân, có người đi theo diện “hợp tác lao động”. Có người sống ở khu vực miền Tây hay đến từ Đông Bá Linh. Đây cũng là lần đầu tiên có một chương trình sinh hoạt ca nhạc với những bài hát cho quê hương đất nước, cho tự do, dân chủ, nhân quyền và cho những kiếp người tỵ nạn đang vất vưởng ở nơi đất khách, quê người được tổ chức tại Berlin. Tất cả anh chị em chúng tôi kể cả ban tổ chức gồm có bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức cùng một số đại diện của các hội đoàn khác đều hồi hộp đợi chờ, chẳng ai tiên đoán được sẽ có bao nhiêu người đến tham dự, đã thế lại còn tổ chức vào ngày thứ Sáu. Gió thổi rất mạnh và mưa liên tục càng làm cho nỗi lo âu thêm chồng chất!   

Tuy nhiên những cuộc vận động chính trị đã làm át đi cả mưa gió, bão bùng. Liên tục trong 2 ngày 6 và 7 tháng 3, 2019, bà chủ tịch LHNV cùng với các thành viên của VOICE đã được các viên chức của bộ ngoại giao Đức tiếp đón rất tận tình và niềm nở, đặc biệt là cuộc thảo luận với bà Annette Knobloch, phụ trách Á Châu Sự Vụ, và sau đó là buổi gặp gỡ với ông giám đốc phụ trách về nhân quyền, Director of Human Rights Watch in Germany.

blank
Trịnh Hội, Lê Thu Hà, Vi Yên và director of
Human Rights Watch in Germany (bác sị Mỹ Lâm chụp ảnh)

Nhưng rồi “ngày trọng đại” cũng đã đến. Chiều mùng 8 tháng 3, 2019, tôi có mặt tại địa điểm tổ chức Atze Musiktheater rất sớm, nhưng khán giả cũng đã hiện diện khá đông đảo. Họ nhận ra tôi và niềm nở bắt tay thăm hỏi. Từ các cựu quân nhân QLVNCH thuộc nhiều binh chủng, kể cả vị đại tá cao niên thuộc ngành Quân Nhu rất được mọi người quý trọng ở đây, cho đến các bạn trẻ. Từ thuyền nhân tỵ nạn cho đến những người đi từ miền Bắc VN, đặc biệt là “đồng hương” người Bắc Ninh, nơi tôi sinh ra đời. Họ thân mật và vui vẻ đến nhận diện “người cùng làng”! Không khí cởi mở đó làm cho chúng tôi cảm thấy tự tin và phấn khởi. Đúng giờ khai mạc thì khán giả đã tràn đầy kín rạp hơn 600 ghế ngồi, không còn một chỗ trống và nhiều người đã phải đứng ở bên ngoài. Sau lễ chào quốc kỳ cùng bài diễn văn khai mạc của BS chủ tịch LHNVTN/CHLBĐ và một số ca khúc đấu tranh do ca đoàn Hamburg phụ trách, tôi được BTC giới thiệu ra sân khấu để trình bầy về mục đích cùng nội dung của buổi nhạc hội, tình trạng của người tỵ nạn VN hiện nay và nỗ lực phát triển xã hội dân sự của tổ chức VOICE hầu đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho đất nước VN. Tôi lo lắng không biết phản ứng của cử tọa sẽ dành cho mình như thế nào, vì hai thành phần khán giả khác biệt hoàn cảnh, sống dưới các chế độ cũng khác nhau!

blank
Nam Lộc và Trịnh Hội phút tâm tình trước 600 khán giả tại Berlin

Không khí căng thẳng, nặng nề và im lặng, tôi có cảm tưởng như nghe được cả tiếng động nếu có một cây kim rơi xuống đất! Nhưng chỉ sau 5 phút đồng hồ qua những lời tâm tình và chia sẻ đầu tiên thì hội trường như vỡ òa, tiếng vỗ tay kéo dài tưởng như không dứt. Và tôi đã tự thú với những người có mặt ngày hôm đó rằng, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy xúc động mạnh như vậy. Mà không phải chỉ mình tôi, vì sau đó Trịnh Hội, Vi Yên, Diễm Liên và Nguyên Khang cũng cảm nhận như thế. NK nói: cháu hát mà tay chân “nổi da gà”, khán giả quá dễ thương và trân trọng làm mình không muốn rời sân khấu. Cả hai bài Sai Gòn Ơi Vĩnh Biệt và Người Di Tản Buồn của tôi đã được đón nhận một cách nồng nhiệt như chưa từng xẩy ra trước đây. Khán giả cũng đã vỗ tay và hát theo tôi cùng Diễm Liên nhạc phẩm Xin Đời Một Nụ Cười, “vì hai chữ tự do, ta mang đời lưu vong...”! Trịnh Hội với bản Trái Tim Tôi Là Bến của Phan Văn Hưng cũng đã làm xúc động người nghe! Và dĩ nhiên khi Diễm Liên hát Trả Lại Cho Dân thì hội trường như bừng lên khí thế, vang dội nhịp vỗ tay, và mọi người đều cất cao tiếng hát. Không khí đó đã cho chúng ta một hinh ảnh tuyệt đẹp của sự đoàn kết và chia sẻ giữa những người Việt lưu vong sống ở Berlin dù họ đến từ miền Bắc hay miền Nam nước Việt hoặc từ miền Tây hay Đông Bá Linh. Đối với tôi, đó chính là “tiếng ồn ào của những người thầm lặng”! Cám ơn BS Mỹ Lâm cùng tất cả quý vị tình nguyện viên đã tận tình tổ chức và giúp đỡ chúng tôi. 

blank
Diễm Liên cùng khán giả East-West Berlin đồng ca “Trả Lại Cho Dân”

Những kỷ niệm đẹp ở Berlin qua đi thật nhanh, bầu đoàn thê tử lại “khăn gói quả mướp” để sáng hôm sau đáp chuyến bay đến Hòa Lan. Show tổ chức vào ngày thứ Bẩy 9 tháng 3, 2019 nên chưa đến giờ khai mạc khán giả đã ngồi kín hội trường. Không khí hoàn toàn trái ngược với Berlin, bên kia im lặng bao nhiêu, thì Amsterdam ồn ào và nhộn nhịp bấy nhiêu! Lời hỏi, câu chào vô cùng náo nhiệt, nhưng cũng nhờ thế mà các cuộc đấu giá và gây quỹ trở nên sôi nổi, mang đến sự thành công vượt bực về tài chánh. Và cũng nhờ thế mà cuộc hội ngộ bất ngờ giữa các thành viên của VOICE đến từ Anh, Pháp, Bỉ, Thái Lan, Hòa Lan, Phi Luật Tân, Úc Châu và Hoa Kỳ đã diễn ra trong một bầu không khí thật vui vẻ, thoải mái, làm tan đi những giờ phút căng thẳng, nhọc nhằn!

blank
Các thành viên của VOICE ở Âu và Á Châu

Qua ngày Chủ Nhật 10 tháng 3, 2019, chúng tôi bay đến Munich vào sáng sớm để kịp giờ trình diễn dự trù vào lúc 4 giờ chiều. Đây là lần thứ 5 VOICE trở lại thành phố kỹ nghệ trù phú này của nước Đức. Trù phú như lòng người Việt tỵ nạn tại đây đối với các sinh hoạt thiện nguyện của cộng đồng cùng các tổ chức bất vụ lợi, lúc nào cũng tham dự đông đảo và nhiệt tình ủng hộ. Và cũng không kém gì Berlin, không khí và cách sắp xếp ghế ngồi theo hình thức thính phòng, cho nên các nghệ sĩ có được khoảng không gian thật tĩnh lặng để chia sẻ tâm tình, cất cao lời ca tiếng hát và đến từng hàng ghế ngồi của những đồng hương giầu lòng bác ái.

Ngày vui qua mau,thấm thoắt mà đã gần hai tuần lễ xa nhà, sáng thứ Hai 11 tháng 3, 2019 tôi phải rời đoàn để trở về Hoa Kỳ cho những công việc khác đã lỡ hẹn trước. Trong lúc tôi ra phi trường thì các thành viên của VOICE từ nhiều quốc gia đã dùng xe lửa tốc hành để đi Bỉ. Tại đây họ đã tái ngộ với bác sĩ Mỹ Lâm đến từ Berlin và LS Anna đến từ Bangkok, Thái Lan để cùng nhau vận động, tiếp xúc và gặp gỡ các viên chức thuộc quốc hội Liên Âu, trụ sở đặt tại Brussels.

blank
BS Mỹ Lâm, LS Anna, Vy Yên, LS Dương (VOICE France)
và LS Trịnh Hội trước trụ sở Liên Minh Âu Châu

Qua báo cáo hoạt động của VOICE Belgium thì có lẽ đây là những cuộc vận động quan trọng và thành công nhất của chuyến đi. Với gần một chục cuộc họp, liên tục trong 4 ngày. Phái đoàn đã được rất nhiều viên chức thuộc các bộ phân khác nhau của khối lãnh đạo Liên Minh Châu Âu cũng như quốc hội Liên Âu tiếp đón, kể cả bà Cecilia Malmström, European Trade Commissioner, được xem như ngang hàng với chức Bộ Trưởng Bộ Thương Mại của các quốc gia trên thế giới. Là một chính trị gia người Thụy Điển, nhưng bà cũng là người đại diện cho toàn khối EU, liên quan trực tiếp đến Hiệp Ước Tự Do Thương Mại giữa EU và Việt Nam (EV-FTA).  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét