Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

LHQ vach tran cuoc bach hai nhan quyen, xa hoi dan su va tu nhan chinh tri tai VN

 
PARIS, ngày 29 tháng 3 năm 2019 (VCHR) – Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) chào đón và hoan nghênh bản “Nhận xét Kết thúc” của Uỷ ban Nhân quyền LHQ công bố hôm nay về tình hình Việt Nam thực thi Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Bản phúc trình Nhận xét nêu lên những vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) thúc giục Việt Nam khẩn cấp tiến hành các lời khuyến cáo của Uỷ ban Nhân quyền LHQ, khởi đầu bằng sự chấm dứt mọi cuộc đàn áp, khủng bố chính trị và duy trì các quyền cơ bản cho người dân.<!>

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR đưa lời bình luận : “Uỷ ban Nhân quyền LHQ vừa mạnh mẽ định giá các chính sách và thủ tục mà Việt Nam sử dụng để đàn áp các quyền dân sự và chính trị, đồng lúc tăng cường sự kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Cộng đồng Thế giới cần ghi nhó lời Nhận xét Kết thúc của các Chuyên gia LHQ để tác động Nhà cầm quyền Việt Nam hiểu rằng : Những liên hệ mậu dịch không thể tiếp tục nếu Việt Nam không chịu cam kết cho một nền pháp lý chân thật và thực hiện cuộc cải cách chính trị”.

Bản “Nhận xét Kết thúc” là kết quả sau cuộc xem xét lần thứ 3 của Uỷ ban Nhân quyền LHQ về thành quả Việt Nam thực thi ICCPR tại khoá họp lần thứ 125 hôm 11-12 tháng 3 năm nay, 2019, ở Điện Willson LHQ Genève. Ông Võ Văn Ái, người phản biện Phúc trình Hà Nội trong khoá họp giữa Uỷ ban Nhân quyền LHQ với các Tổ chức Phi Chính phủ, cho biết nhiều điều nêu ra trong bản “Nhận xét Kết thúc” của LHQ rút từ bản Phúc trình Phản biện của VCHR kèm theo Danh sách đề xuất (LOI) của Uỷ ban từ hồi tháng Tư năm nay.

Bản Nhận xét của LHQ nêu lên những vấn nạn nhân quyền. Đặc biệt, 18 Chuyên gia LHQ tại khoá họp xem xét nêu cao 26 lĩnh vực, và đưa ra 44 khuyến cáo cần cải cách. Trước ngày 29 tháng 3 năm 2021, Việt Nam sẽ phải phúc trình cho Uỷ ban Nhân quyền LHQ về sự thực hiện các khuyến cáo này trên 3 lĩnh vực – Án tử hình, Tự do ngôn luận, và Người hoạt động Bảo vệ Nhân quyền.

Ông Võ Văn Ái cho biết : “Cụ thể, các Chuyên gia LHQ khuyến cáo Việt Nam phải bảo đảm đa nguyên chính trị, tổ chức bầu cử minh bạch và đích thực, thăng tiến tự do truyền thông và tôn trọng quyền Công đoàn và các tổ chức Phi chính phủ được độc lập, thì mới có thể thực hiện toàn vẹn Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Con đường độc đạo cho những khuyến cáo trên đây thành hiện thực, là Việt Nam phải bãi truất ngay Điều 4 trên Hiến pháp hiện hành, điều ấn định quyền độc tôn chính trị cho Đảng Cộng sản, mà người công dân các giới đã đồng thanh đòi hỏi huỷ bỏ trong cuộc tham khảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013”.

Dưới đây là môt vài khuyến cáo chủ yếu của Uỷ ban Nhân quyền LHQ :

Thực thi ICCPR tại Việt Nam : Uỷ ban ghi nhận sự “xung khắc” giữa Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) với nền pháp lý bản địa. Hiến pháp Việt Nam không hợp nhất tất cả các quyền được bảo đảm trong ICCPR và nhiều điều luật của Việt Nam giới hạn việc thi hành ICCPR, đáng kể như lý do “an ninh quốc gia”. Không có toà án nào tại Việt Nam nhắc đến ICCPR và đặc biệt công dân Việt Nam không được thông tin về các quyền của mình. Các Chuyên gia LHQ thúc giục Việt Nam mau chóng xem xét lại khung pháp lý để bảo đảm các quyền trong ICCPR được pháp luật Việt Nam bảo vệ ;

Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng (FoRB) : Các Chuyên gia LHQ nhận thấy Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mới năm 2016 giới hạn quá đáng quyền tự do tôn giáo khi áp đặt cơ chế “đăng ký” cùng thủ tục tiến hành và giới hạn các sinh hoạt tôn giáo vì lý do “an ninh quốc gia”; các thành viên cộng đồng tôn giáo, đặc biệt các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký, phải đối diện với sự theo dõi, sách nhiễu, giam cầm, tịch thu tài sản, bắt buộc chối bỏ tôn giáo đang theo, áp lực theo giáo phái đối nghịch hoặc bị tấn công bạo hành nhiều khi dẫn đến tử vong. Kêu gọi Việt Nam tuân thủ Điều 18 của ICCPR và chấp nhận những khuyến cáo của các Báo cáo viên đặc biệt LHQ về Tự do tôn giáo để bảo đảm việc “đăng ký” chỉ là sự chọn lựa chứ không là điều bắt buộc, đồng thời mau chóng tìm những biện pháp ngăn chận mọi hành động xâm phạm quyền tự do tôn giáo.

Các Chuyên gia LHQ đã phản ảnh sự quan ngại của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nhấn mạnh trong Phúc trình Phản biện về cơ chế “Hộ khẩu” được sử dụng như công cụ kỳ thị tôn giáo và dân tộc trong những cộng đồng thiểu số ;

Tự do ngôn luận : Uỷ ban lấy làm tiếc “những giới hạn nghiêm khắc” tự do ngôn luận và biểu đạt tại Việt Nam, kể cả việc sử dụng các điều 109, 116, 117 và 331 trong Bộ Luật Hình sự và những điều luật khác về “an ninh quốc gia” nhằm phạm tội hoá các hành xử chính đáng quyền tự do ngôn luận ; Nhà nước kiểm soát và giới hạn truyền thông, kể cả Luật Báo chí mới năm 2016, cấm đoán mọi phê phán chính quyền ; Luật An ninh Mạng năm 2018, với những điều chỉnh khác, cấm đoán việc sử dụng Internet để chống đối hay phê phán Nhà nước, và sự kiện thành lập Lực lượng 47 ; bắt bớ tuỳ tiện, giam cầm, xử án bất minh, và kết án các bloggers, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, nhà báo và các luật gia phê phán Nhà nước, nhà cầm quyền hay công an. Uỷ ban thúc giục Việt Nam khẩn cấp xét lại các pháp lý có tính hạn chế, chấm dứt vi phạm quyền tự do ngôn luận ngoài luồng và trực tuyến, và “thăng tiến truyền thông đa nguyên được tự do hoạt động không bị Nhà nước xâm lấn” ;

Tự do lập hội và biểu tình ôn hoà : Các Chuyên gia LHQ biểu tỏ sự quan tâm về những phúc trình cho biết việc sử dụng bạo hành và bắt bớ tuỳ tiện để đàn áp những cuộc biểu tình của dân oan hay công nhân đòi hỏi quyền của họ, hoặc hãng đúc thép Formosa gây hại sinh thái. Đồng thời tiếc cho sự hạn chế việc lập hội và quyền tự do công đoàn theo ước vọng độc lập của họ, kể cả thành lập hội nhân quyền, và bảo đảm điều chỉnh nguồn tài trợ ngoại quốc không làm cản trở việc tiếp nhận quỹ trợ cấp ;

Tham dự viêc công cộng: Uỷ ban lấy làm tiếc rằng các đảng phái chính trị khác với Đảng Cộng sản Việt Nam không được phép hoạt động, và người công dân không được quyền tự do bầu cử và ứng cử, vi phạm Điều 25 của ICCPR. Uỷ ban thúc giục Việt Nam bảo đảm “tổ chức các cuộc bầu cử chính đáng một cách minh bạch và thiết lập chính trị đa nguyên”, cũng như kiềm chế việc sử dụng Luật Hình sự làm nguyên cớ bài trừ các ứng cử viên đối lập ra khỏi tiến trình bầu cử ;

Những nhà hoạt động Bảo vệ Nhân quyền (HRDs): Các Chuyên gia LHQ ghi nhận “sự gia tăng đàn áp những nhà hoạt động Bảo vệ Nhân quyền và các diễn viên xã hội dân sự, những người phải đối diện với hăm doạ, sách nhiễu, bạo hành thân thể nhằm nản chí họ bỏ cuộc đấu tranh chính đáng”. Các Chuyên gia cũng viện dẫn những giới hạn tuỳ tiện như cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu hay từ chối cấp chiếu khán, hoặc cưỡng bức các nhà hoạt động Bảo vệ Nhân quyền lưu vong ra nước ngoài. Trong Phúc trình Phản biện của Uỷ Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nêu ra ít nhất 8 trường hợp các tín đồ tôn giáo hay nhà hoạt động nhân quyền nổi bật bị cưỡng bức lưu vong ra nước ngoài ngay khi vừa rời khỏi nhà tù, kể từ lần kiểm điểm UPR Việt Nam năm 2014. Việt Nam cần kiềm chế việc áp đặt cấm xuất cảnh, chấm dứt cưỡng bức công dân lưu vong ra nước ngoài và tôn trọng quyền tự do đi lại, cư trú, như Điều 12 (4) trong ICCPR bảo đảm, là lời các Chuyên gia LHQ nhấn mạnh ;

Án tử hình: Các Chuyên gia LHQ biểu đạt sự quan tâm nghiêm trọng về số lượng cao người bị án tử hình và đã hành quyết tại Việt Nam, số người lãnh án tử hình chưa tới ngưỡng cửa “tội phạm nghiêm trọng” chiếu theo ICCPR, xét xử bất minh thường dẫn tới án tử hình và sự thiếu sót dữ liệu thích đáng của Nhà nước. LHQ thúc giục Việt Nam sửa chữa Bộ Luật Hình sự để giảm thiểu số tội phạm bị ghép án tử hình, đình chỉ tạm thời án tử hình, và tức khắc “công bố số người bị án tử hình và số đã hành quyết, sự khác biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, và tội phạm của họ”.

Nhiều vấn đề các Chuyên gia LHQ nêu lên bao quanh điều kiện giam giữ tồi tệ các tù nhân vì lương thức và người hoạt động Bảo vệ Nhân quyền, kể cả việc cùm chân cùm tay, biệt giam lâu ngày, ngược đãi, tra tấn, không chăm sóc y tế, quản giáo sai tù nhân đánh đập, chuyển trại tù xa cách thân nhân, gia đình gây cản trở việc thăm nuôi, đối xử kỳ thị giữa tù thường phạm và tù nhân vì lương thức.

Suốt cuộc xem xét, mặc dù nhiều chứng cứ cụ thể do các tổ chức Phi chính phủ cung cấp, và mặc dù đã có Thông tư 37 của Bộ Công an ban hành năm 2011 cho phép giam riêng vô thời hạn cho những kẻ phạm tội an ninh quốc gia, thế nhưng Phái đoàn Việt Nam từ chối trọn gói :

“Việt Nam khẳng định các can phạm và người bị kết án xâm phạm an ninh quốc gia được đối xử bình đẳng như bất kỳ người phạm tội hình sự nào khác. Các chế độ, chính sách đối với phạm nhân được quy định chung mà không hề có sự phân biệt.

“Việt Nam cũng không có biệt giam, không có khái niệm biệt giam trong hệ thống pháp luật.

“Việt Nam khẳng định không có tình trạng chuyển nơi giam giữ phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam ra xa khỏi nơi cư trú hoặc gia đình phạm nhân một cách vô cớ mang tính phân biệt đối xử, hoặc với mục đích gây khó khăn cho việc gặp gỡ thân nhân, hoặc mang tính chất trừng phạt phạm nhân.

“Người bị giam giữ được hưởng đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn tạo điều kiện để thăm gặp, được liên lạc với thân nhân theo quy định của pháp luật. Không có việc gây khó khăn hoặc gây trở ngại đến quyền thăm gặp thân nhân của phạm nhân”.


Ông Võ Văn Ái nhận xét : “May mắn thay, các Chuyên gia LHQ y cứ sự quan tâm và khuyến cáo của họ trên các sự kiện cụ thể, thay vì dựa theo sự khoa trương rỗng tuyếch của Phái đoàn Hà Nội. Bản Nhận xét Kết thúc của Uỷ ban Nhân quyền LHQ là công cụ quý báu cho những ai muốn tìm hiểu tình trạng Nhân quyền và ưu tư hành động cho việc thực thi Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (UCCPR) tại Việt Nam”.
 

 
Vietnam Committee on Human Rights (VCHR)
Comité Vietnam pour la Défense des Droits de l'Homme
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam

48 rue Parmentier - 94450 Limeil Brévannes (France)
Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85 - Fax : Paris (331) 45 98 32 61
E-mail : queme.democracy@gmail.com
Web : http://queme.org - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
 
Facebook
 
Twitter
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét