Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Không tặc ở Việt Nam: Đối mặt với Lý Tống - tuoitre.vn

Không tặc ở Việt Nam: Đối mặt với Lý Tống - Ảnh 1.
Máy bay Boeing 737 - Ảnh: Internet

TTO - Ở tuổi 90, ông Võ Anh Tuấn, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, vẫn nhớ như in chuyến bay đầu tháng 9-1992 bị Lý Tống khống chế để rải truyền đơn

"Lúc đó tôi là đại sứ Việt Nam ở Nam Tư. Khi nội chiến Nam Tư xảy ra, có quyết định đóng cửa sứ quán, tôi phải về Việt Nam theo hành trình Praha (Tiệp Khắc) - Bangkok - TP.HCM.  Lẽ ra tôi sẽ đi chuyến bay TU-154 của Liên Xô nhưng mấy anh bên hàng không nói mình mới thuê được cái Boeing 737 ngon lắm. Chú đổi vé đi Boeing cho sướng. Nghe vậy tôi đổi vé bay. Ai ngờ chuyến bay đó có chuyện" - ông Tuấn kể.
<!>
Ép tổ lái và rải truyền đơn
Chiếc máy bay Boeing 737 đó cất cánh rời Bangkok để về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Tổ lái được Hàng không Việt Nam thuê của Bulgaria. Theo lịch trình, máy bay cất cánh tại sân bay Bangkok lúc 17h, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18h30.
Khoảng 30 phút trước khi máy bay đến TP.HCM thì Lý Tống bắt đầu hành động. 17h45, khi được phục vụ bữa ăn tối trên máy bay, Lý Tống đã lấy cắp con dao inox trên khay thức ăn. 
Khoảng 20 phút sau khi một nữ tiếp viên đưa nước uống đến, Lý Tống rút dây dù quàng vào cổ cô này, một tay siết chặt, một tay gí dao đẩy vào phòng tiếp viên. 
Lúc này, trong phòng tiếp viên có một tiếp viên người Bulgaria cũng bị Lý Tống uy hiếp và dùng dây dù trói tay chân lại. Lý Tống ép hai tiếp viên nằm xuống sàn máy bay, nếu không hắn sẽ cho nổ bom! 
Sau đó, khi nữ tiếp viên tên Thủy Tiên bước vào thì bị Lý Tống khống chế, gí dao vào cổ ép phải mở cửa buồng lái.
Khi vào được buồng lái, Lý Tống tuyên bố trong túi xách có bom và buộc tổ lái phải làm theo sự điều khiển của hắn. Sau đó, Lý Tống đẩy Thủy Tiên ra khỏi buồng lái, đóng cửa lại và uy hiếp cơ trưởng, cơ phó. Hắn tuyên bố sẵn sàng cho nổ bom nếu tổ lái không làm theo yêu cầu.
Trong lúc này, ở ngoài khoang hành khách, hệ thống đèn bật sáng. 
"Mọi người vui hẳn khi thấy đèn sáng - cựu đại sứ Võ Anh Tuấn nhớ lại - Bình thường khi đèn bật sáng, tiếp viên hàng không sẽ thông báo máy bay đang giảm dần độ cao, chuẩn bị hạ cánh trong giây lát. 
Nhưng 10 phút rồi 15 phút trôi qua không nghe tiếng tiếp viên thông báo gì cả. Trời đã tối. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy rõ đèn đường bên dưới mặt đất chứng tỏ máy bay đã hạ xuống rất thấp. 
Nhưng máy bay không đáp xuống đất mà tiếp tục lấy độ cao bay lên trời. Mọi người bắt đầu lo lắng, xôn xao không biết chuyện gì đang xảy ra...".
Khi đó, nữ tiếp viên Thủy Tiên bị Lý Tống đẩy ra khỏi buồng lái, chạy từ khoang thương gia xuống, thông báo: "Ở trên kia có một hành khách người châu Á đang đe dọa phi hành đoàn". Mọi người nhao nhao hỏi có chuyện gì, cô này nói: "Chắc người đó bị tâm thần". 
Không tặc ở Việt Nam: Đối mặt với Lý Tống - Ảnh 4.
Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn - nhân chứng trên chuyến bay bị Lý Tống khống chế rải truyền đơn - Ảnh: MY LĂNG
Lúc này ông đại sứ nói ngay với vợ và ông chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi cùng chuyến bay: "Không phải bị tâm thần đâu. Máy bay bị không tặc rồi!".
Lúc này trong buồng lái, Lý Tống bắt cơ trưởng phải bay vòng quanh khu vực trung tâm Sài Gòn và mở cửa sổ để hắn rải truyền đơn. 
"Tôi nhìn lên khoang thương gia thấy một người quần áo nai nịt gọn gàng, mặc bộ đồ như dân thể thao nhảy dù, đầu đội mũ giống mũ bảo hiểm, lom khom chạy qua chạy lại ném từng xấp giấy ra ngoài. 
Tôi chụp được một tờ giấy đọc thì thấy ghi: Tổng tư lệnh quân đội nổi dậy miền Nam Lý Tống... Té ra là hắn kêu gọi nhân dân miền Nam nổi dậy chống chính quyền" - ông Tuấn nhớ lại.
Theo yêu cầu của Lý Tống, máy bay phải bay vào khu vực trung tâm thành phố và quần đảo nhiều vòng trên trời. Có lúc máy bay hạ xuống rất thấp rồi gầm rú lấy đà bay vọt lên cao. 
Tình trạng đó kéo dài hơn nửa tiếng khiến hành khách vô cùng căng thẳng, hoảng loạn. Một số người không giữ được bình tĩnh, lấy áo phao cứu hộ ra mặc. 
Tiếp đó, mọi người lại nghe thông báo của cô tiếp viên: "Quý khách chú ý! Đề nghị quý khách cài dây an toàn. Phi hành đoàn sẽ mở cửa máy bay!".
Nhảy dù
"Trời ơi. Tại sao máy bay đang bay trên trời mà mở cửa!? Chuyện gì sẽ xảy ra? Máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp xuống một nơi nào đó? Trong đầu tôi rất nhiều câu hỏi. Mọi người nín thở chờ đợi giây phút xấu nhất sắp xảy ra" - ông Tuấn nhớ lại.
Sau khi rải xong truyền đơn, Lý Tống yêu cầu cơ trưởng phải điều khiển máy bay lên độ cao 2.300m và mở cửa để hắn nhảy dù. 
Ông Tuấn không quên được khoảnh khắc căng thẳng lúc đó: "Chúng tôi bỗng nghe một tiếng "ầm" như bom nổ! 
Một luồng gió cực mạnh từ ngoài tràn vào, cuốn bay tất cả những gì có trước mặt hành khách: giấy, ly uống nước, thức ăn... Máy bay chao đảo dữ dội nhưng không bị rơi, vẫn tiếp tục bay".
Sau khi Lý Tống nhảy dù, cơ trưởng điều khiển máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lẽ ra máy bay hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18h30. Nhưng do bị Lý Tống khống chế, bay lòng vòng trên trời, đến hơn 19h máy bay mới đáp xuống đường băng. 
Lúc này dưới mặt đất, lực lượng công an, xe cứu thương, cứu hỏa... đã triển khai đầy đường băng. Công an không biết Lý Tống đi một mình hay có đồng bọn nên mời tất cả hành khách ở lại điều tra thêm.
"Tôi là đại sứ nên được ngoại lệ - ông Võ Anh Tuấn nói - Sau này tôi nghe phi hành đoàn kể lại, hắn ép tổ lái phải bay qua khu vực quận 8 rồi nhảy dù. Hắn rơi xuống một ao rau muống. 
Thấy một anh dân phòng mặc đồ dân sự đi ngang, hắn kêu lại bảo: tui là Việt kiều mới về nước, giờ về thăm nhà bạn nhưng không nhớ đường. Anh chở tui tới địa chỉ này... tui cho anh 200 USD. Anh dân phòng đồng ý rồi chở hắn ta thẳng tới... đồn công an".
20 năm tù, tha trước thời hạn
lý tống
Lý Tống - Ảnh: Internet
Lý Tống, sinh năm 1946, là trung úy phi công Việt Nam cộng hòa. Sau năm 1975, Lý Tống vượt biên sang Mỹ. Trước tòa, Lý Tống thừa nhận tội lỗi, cho biết ở bên Mỹ nghe dân miền Nam đang nổi dậy chống chính quyền nhưng không có người lãnh đạo nên anh ta phải về để lãnh đạo.
Lý Tống bị kết án 20 năm tù. Năm 1998 được ân xá và cho về Mỹ. Tháng 11-2000, chỉ một ngày trước khi Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam, Lý Tống lại cướp một máy bay của Thái Lan và bay đến TP.HCM rải truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy chống chế độ.
Lý Tống đã bị chính quyền Thái Lan bắt giữ và kết án vì tội cướp máy bay và xâm phạm không phận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét