Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Rủi Ro Sức Khỏe Mùa Đông - Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, M.D.


Mưa thuận gió hòa với thời tiết bốn mùa là món quà quý giá mà tạo hóa tặng cho vạn vật.
Mùa xuân trăm hoa đua nở, lòng người hớn hở mừng đón Chúa xuân. Mùa hạ mọi sinh hoạt như bừng dậy với “trời hồng hồng, nắng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài sân”. Mùa thu trời trong xanh, se se lạnh với heo may đưa nhẹ vào lòng. Mùa đông băng giá để vạn vật dưỡng sức nghỉ ngơi.
Nhưng mùa đông cũng có thể gây ra một số rủi ro cho sức khỏe, nếu con người không biết cách thích nghi, đối phó.<!>
Cảm Lạnh
Cảm Lạnh hay Common Cold do hơn 100 loại virus khác nhau gây ra. Bệnh xuất hiện suốt năm nhưng vào ngày đông tháng giá lại thường có nhiều hơn.
Virus lởn vởn trong không khí, xâm nhập cơ thể qua lỗ mũi rồi xuống phổi, lan vào huyết quản. Chúng tiếp tục sinh sản và đưa tới một số dấu hiệu triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ho, đau họng, nghẹt mũi, nhức cơ bắp, xương khớp.. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, bải hoải trong người, không muốn làm việc gì. Nhiệt độ cơ thể hơi tăng.
Bình thường, bệnh tình kéo dài trên dưới 10 ngày rồi tự giảm dần dù không điều trị. Đôi khi chỉ cần nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, đặc biệt là nước trái cây. Nếu cơ thể đau nhức khó chịu dùng thêm mấy viên thuốc chống đau như acetaminophen, thuốc giảm ho, nghẹt mũi. Thực ra các thuốc này cũng  không giúp bệnh mau hết mà chỉ có tính cách hỗ trợ.
Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa Cảm lạnh. Tuy nhiên ta có thể giới hạn lây lan bệnh bằng cách:
-Tránh tiếp xúc quá gần với người bệnh.
-Rửa tay thường xuyên để khỏi đưa virus vào mũi miệng.
-Duy trì nhiệt độ trong nhà nhà ở mức vửa phải, đừng quá nóng để tránh khô mũi, virus dể xâm nhập.
- Dinh dưỡng, vận động cơ thể và ngủ nghỉ đầy đủ để tăng khả năng chống cự, miễn dịch với virus.
 Cúm
Cúm hay flu là bệnh của mùa đông vì đây là lúc mà tác nhân gây bệnh xuất hiện nhiều . Với thời tiết lạnh, với lễ hội cuối năm cũ, đầu năm mới, mọi người thường tụ họp gặp gỡ liên hoan, tạo cơ hội cho virus dễ dàng lan rộng.
Bệnh xảy ra rất mau với một số triệu chứng như nóng sốt, ho, đau nhức cơ thể, đau họng, sổ mũi. Các triệu chứng này thường kéo dài cả tuần lễ, khiến cho bệnh nhận cảm thấy suy nhược, uể oải, đặc biệt là với quý vị cao niên, các em bé và người đang có một số bệnh mãn tính về tim, phổỉ.
Bệnh do loại virus cúm nhóm A và B gây ra. Virus có nhiều trong nước mũi, nước miếng bệnh nhân. Khi hắt hơi, ho, bệnh nhân nhả virus trong không khí và người khác hít vào là mang bệnh. Virus cũng dính và sống vài ngày trong vật dụng của người bệnh.
Khi bị cúm, bệnh nhân nên nghỉ ở nhà để dưỡng bệnh đồng thời cũng giới hạn sự truyền bệnh. Uống nhiều nước, ngủ nghỉ, ăn uống đầy đủ.
Thuốc đặc trị thông dụng hiện nay gồm có Tamiflu, Relenza. Thuốc cần được bác sĩ biên toa và dùng càng sớm càng tốt để có công hiệu.
Cúm có thể chủng ngừa và cần chủng mỗi năm. Lý do là vào mỗi mùa cúm thì virus hơi đổi dạng khác với virus năm trước.
Mỗi năm nên chủng ngửa vào tháng 10 để có đủ thời gian tạo ra tính miễn dịch với cúm xuất hiện vào tháng 11 kéo dài tới tháng 3, tháng 4 năm sau.
Chích ngừa được đề nghị áp dụng hàng năm cho:
- Người cao tuổi và các em bé từ sáu tháng trở lên;
- Những người vì nghề nghiệp dễ mắc hay truyền bệnh cúm như nhân viên các cơ sở y tế, nhà dưỡng lão;
- Những người mà bệnh cúm có thể gây nhiều tử vong, như đang có các bệnh kinh niên về tim, phổi, ho suyễn, tiểu đường, bệnh kinh niên về thận;
- Người mắc bệnh xơ gan vì nghiện rượu;
- Người suy yếu miễn dịch như ung thư máu, đang chữa ung thư bằng phóng xạ, hóa chất.
- Phụ nữ đã có thai từ ba tháng trở lên cần được chích ngừa cúm với loại siêu vi trùng đã làm giảm cường lực.
Từ năm 2009, có dịch cúm mới lạ A/H1N1, còn gọi là cúm Heo, cho nên chủng ngừa cúm mới lạ này cũng đang được áp dụng, đặc biệt là với phụ nữ đang có thai, người sống với hoặc đang chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, nhân viên y tế, người từ 6 tháng tới 24 tuổi và người từ 25 tuổi tới 64 tuổi có rủi ro mắc bệnh A/H1N1 vì đang có bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch.
Giảm nhiệt độ cơ thể
Bình thường, nhiệt độ cơ thể là 36.o C- 37.4 o C (97o- 99.4o F). Với thời tiết lạnh của mùa đông, nhiệt độ này giảm theo, đôi khi xuống tới 95? F và có thể gây thiệt mạng, nếu không được điều trị, đối phó.
Một số nguy cơ đưa tới giảm thân nhiệt là: nhà ở không đủ sưởi ấm, mặc quần áo không đủ chống lạnh; kém dinh dưỡng; tác dụng một số dược phẩm; đang mắc bệnh kinh niên tim mạch, hô hấp, gan; uống nhiều rượu…
Nạn nhân có một số dấu hiệu như lờ đờ, mệt mỏi, kém tập trung, người lạnh giá, run rẩy, ngón chân ngón tay trắng bệch, cơ bắp cứng nhắc; rối loạn nhịp tim và nhịp thở. Để lâu, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, đe dọa tới tính mệnh.
Giảm thân nhiệt là trường hợp y tế khẩn cấp, bệnh nhân cần được bác sĩ chăm sóc ngay tại bệnh viện.
Trong khi chờ đợi, để nạn nhân nằm nơi ấm áp kín gió, sưởi ấm ngực, bụng bẹn với chăn thường hoặc chăn điện, uống một chút nước hơi nóng.
Cóng giá
Cóng giá hoặc Frosbite là sự tổn thương mô bào do giá lạnh. Các vùng hay bị cóng giá, tê cứng là mũi, tai, trán, ngón tay ngón chân. Tổn thương có thể là chỉ ở phần da ngoài hoặc sâu vào trong với mất cảm giác nóng lạnh, đau đớn. Khi tiếp xúc thời gian lâu với thời tiết giá lạnh, cần để ý tới rủi ro này.
Nạn nhân cần được cấp thời điều trị tại bệnh viện để tránh tổn thương trầm trọng cho mô bào, đôi khi phải cắt bỏ.
Trong khi chờ đợi đưa đi bệnh viện, để nạn nhân nằm nới ấm áp, kín gió, phủ ấm với chăn mền dày.
Không nên thoa bóp vùng bị cóng để tránh gây tổn thương thêm cho tế bào cũng như tránh nhiễm trùng.
Trên đây là một số rủi ro quan trọng. Ngoài ra, còn có một số rủi ro nhẹ nhàng hơn như là:
Tăng huyết áp.
Khi thời tiết lạnh, mạch máu sẽ co hẹp để giảm lưu lượng máu, nhờ đó giảm thất thoát thân nhiệt.
Mạch máu thu hẹp đưa tới tăng sức cản của động mạch, huyết áp hơi tăng kèm theo tăng nhịp đập của tim. Sự tăng huyết áp này không kéo dài  nhưng với người đang bị bệnh cao huyết áp thì cũng cần lưu ý, để phòng tránh hậu quả xấu.
Rủi ro cơn suy tim
Sáng sớm trời lạnh, mặc quần áo mỏng manh mà ra ngoài nhà nhặt tờ báo là rất hay bị cơn suy tim, vì bị trúng cơn lạnh. Theo thống kê, cơn suy tim vào mùa đông nhiều gấp đôi mùa hè và tử vong vì heart attack cũng cao hơn các mùa khác.
Có nhiều lý do được nêu ra:
-Trời lạnh, mạch máu co hẹp để giảm thất thoát thân nhiệt. Với người đang có rủi ro máu cục, sự hẹp mạch máu này sẽ làm giảm máu nuôi tim, do đó cơn suy tim xảy ra.
-Với căng thẳng trong việc mua sắm. sửa soạn và tham dự các lễ hội mùa đông khiến nhiều người rơi vào tâm trạng vội vàng, lo âu, trầm cảm là những rủi ro gây ra bệnh tim, trong đó có cơn suy tim.
-Tiệc tùng, ăn uống rượu chè linh đình vào dịp Tết, Giáng sinh, Lễ Tạ ơn tăng rủi ro cho người đang có bệnh tim mạch.
-Áp dụng quyết tâm đầu năm với vận động thể thao quá sức, cào từng núi tuyết trước nhà, trên mui xe, chịu trận nằm nhà với cảm lạnh, cúm người cúm heo cũng tăng rủi ro cơn suy tim.
Tăng sức nặng cơ thể
Theo kết quả nghiên cứu do nhóm Harris Interactive thực hiện, khoảng thời gian giữa lễ Thanksgiving tới Ngày Tết dương lịch, dân trưởng thành Hoa Kỳ ăn uống nhậu nhẹt nhiều hơn thường lệ tới 62 lần, do đó họ trở nên béo phì, một nguy cơ khác đưa tới cơn suy tim.
Ngoài ra, vào mùa đông, con người tự nhiên cũng cảm thấy ăn ngon miệng hơn và cũng dễ lên cân.
Ngủ nhiều hơn
Nhiều động vật như gấu, dơi, chồn… đi vào giấc ngủ mùa đông (hibernation) để thích nghi với giá lạnh cũng như để tiết kiệm nhiên liệu vì khó kiếm thực phẩm vào thời điềm này. Chúng nằm bất động như chết và rất khó khăn thức dậy.
Con người không có giấc ngủ mùa đông tương tự, nhưng họ cũng ngủ nhiều hơn là vào các mùa khác. Vì ngày ngắn đêm dài lại ít ánh nắng nên giấc ngủ không bị khích động, sẽ kéo dài. Ngoài ra, khi ngủ lâu thì hormone hỗ trợ ngủ melatonin tăng tiết, làm cho ta chỉ muốn ngủ vùi, ngủ tiếp.
Giảm tính miễn dịch
Giá lạnh mùa động cũng làm giảm khả năng miễn dịch, chống cự với bệnh tật của cơ thể, đưa tới dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Lý do là vào thời điểm này, con người ít vận động, có nhiều căng thẳng tinh thần, ăn uống thất thường, tâm trạng hay bị trầm buồn, thiếu ánh nắng mặt trời…
Da khô, ngứa
Vì vào mùa lạnh có sự giảm máu lưu thông tới ngoài da, tuyến nhờn trên da kém hoạt động, không khí khô làm bốc hơi ẩm trên da, ít uống nước, lò sưởi trong nhà ở nhiệt độ quá cao, tác dụng phụ dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc chống dị ứng.
Da khô đưa tới da ngứa, gãi mãi đến rách da mà không đã rồi còn có thể gây ra nhiễm trùng da.
Tránh da khô bằng cách uống nhiều nước, thoa kem ẩm da nhiều lần trong ngày nhất là sau khi tắm, dinh dưỡng đầy đủ.
Kết luận
Mỗi mùa trong năm đều có những ảnh hưởng tốt và xấu khác nhau lên sức khỏe. Đó là thử thách của thiên nhiên. Nếu ta biết sống, biết cách đối phó với những khó khăn đó thì đời sống sẽ thuận buồn suôi gió, sức khỏe sẽ ổn định để an hưởng “ tứ thời, bát tiết”, bốn mùa và tám ngày tiết quan trọng trong năm về thay đổi khí hậu. Đó là  lập xuân, xuân phân; lập hạ, hạ chí; lập thu, thu phân và lập đông, đông chí.
Tưởng cũng là điều lý thú vậy.
 Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, M.D.

Một vài cách chữa bệnh đơn giản
1.- Bình thường có thể cạo gió.
Cạo gió là đả thông kinh mạch để cho khí huyết lưu thông trở lại, không bị tắc nghẻn
Trên lưng có 4 dãy huyết đạo kéo dài từ cổ vai đến lưng. Tước hết, cạo hai đường huyện đạo gần xương sống trước, sau đó cạo hai đường bên ngoài, sẽ thấy các huyện đỏ lên. Sau cạo đứng là cạo xiên để kính tất cả các huyệt đạo đỏ lên. Chớ cạo ở vùng cổ, rất nguy hiểm.
Trước khi cạo và sau khi cạo phải bôi dầu nóng nhiều vào
2.- Xông với nước lá
 Nấu một nồi nước lớn với lá sả, lá cây dầu khuynh diệp, lá chanh, lá cam, lá quít, lá bưởi hay ngải cứu vv... rồi trùm chăn xông trong phòng kín gió. Xông xong, lau mồ hôi khô, và mặc quần áo ấm ngay rồi uống vài viên thuốc cảm với nước trà gừng nóng,
3.- Uống thuốc chóng cảm: thuốc tây y hay đông y. Vitamine C sẽ giúp phục hồi mau chống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét