Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Người phụ nữ gốc Việt chế tạo thiết bị giúp lái xe F1 bằng suy nghĩ - Khánh Lynh

Tần Lê, người phụ nữ gốc Việt đang điều hành công ty đọc sóng não tại Mỹ. Ảnh: NVCC.
Tần Lê, người phụ nữ gốc Việt đang điều hành công ty đọc sóng não tại Mỹ. Ảnh: NVCC.
Tần Lê, giám đốc điều hành một công ty ở Mỹ, đang hướng tới việc tạo ra nhiều ứng dụng thông qua nghiên cứu não người.Cô gái Việt ở Mỹ chế tạo thiết bị có thể đọc được suy nghĩVới công nghệ điện não đồ (EEG), được kết nối với xe qua một hệ thống máy tính, chiếc mũ giúp đo điện não của người đội và cho phép họ điều khiển xe bằng ý nghĩ. Nhờ chiếc mũ này, Mendes có thể điều khiển xe tăng tốc, phanh, rẽ phải hay trái trong suốt chặng đua. EMOTIV còn hợp tác với Hội đồng Ôtô tự động Hoàng gia Anh (Royal Automotive Council) để tạo ra chiếc xe điều khiển theo mức độ chú ý của tài xế (Attention Powered Car), tức là khi tài xế tập trung thì chiếc xe vận hành bình thường, nhưng nếu họ xao lãng thì xe sẽ tự động giảm tốc.Năm 2017, Rodrigo Mendes, một người bị bại liệt ở Brazil đã tự lái được chiếc xe của giải đua công thức một (F1) nhờ sử dụng chiếc mũ đọc sóng não, sản phẩm của EMOTIV. Đây là công ty của người phụ nữ gốc Việt Tần Lê, có trụ sở ở San Francisco, Mỹ.
<!>Được thành lập từ năm 2011, các sản phẩm chính của của công ty do Tần Lê sáng lập bao gồm mũ đọc sóng não Emotiv Insight có 5 chân cảm biến, Emotiv EPOC+ có 14 chân cảm biến. Các sản phẩm giúp người dùng xác định được 6 trạng thái khác nhau như vui vẻ, tập trung, thích thú, nghỉ ngơi, có trải nghiệm tích cực hay tiêu cực. Những chiếc mũ đọc sóng não gọn nhẹ, không dây và phù hợp túi tiền của mọi người với mức giá khởi điểm là 299 USD. Hiện có hơn 80.000 người ở khắp 120 quốc gia trên thế giới tiếp cận được với các thiết bị của EMOTIV. 
Tháng 6/2018, công ty ra mắt thêm dòng mũ EPOC Flex có 32 chân cảm biến. Các nhà khoa học của EMOTIV hướng tới mục tiêu điều trị các bệnh liên quan đến cấu trúc và chức năng não như trầm cảm, động kinh, mất trí nhớ (Alzheimer).
Từ 2009, Tần Lê được xếp vào danh sách các Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới. Năm 2010, Tần có tên trong Fast Company về Những phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ. Cô cũng được vinh dự nằm trong danh sách của Forbes về 50 gương mặt cần biết trong năm 2011, trong đó có hai người gốc Á.
Năm 2016, Tần Lê trở thành một trong những gương mặt tham gia diễn thuyết tại Hội nghị Những người phụ nữ quyền lực nhất thế hệ kế tiếp của tạp chí Fortune. Cô được bình chọn là top 2 phụ nữ quyền lực nhất về Công nghệ thông tin tại Australia và New Zealand. Năm 2018, Tần Lê nhận được giải thưởng Trao đổi nghiên cứu đổi mới vì có thành tựu nổi bật trong sáng tạo và đổi mới cá nhân, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp và vì lợi ích của xã hội. Cũng trong năm ngoái, chân dung của cô được đặt trong Phòng trưng bày chân dung Quốc gia của Australia, cùng 19 gương mặt đại diện tiêu biểu khác của toàn châu Úc.
Năm 1998, Tần Lê được trao giải Nhân vật tiêu biểu trong năm của Australia. Cô giành được giải thưởng này khi mới 20 tuổi, nhờ những đóng góp trong công tác cộng đồng.
"Tôi đã nghĩ rất nhiều về việc mình không đi được con đường của số đông thì phải tạo ra con đường riêng để tiến lên", Tần kể lại.
Nhờ sở thích ham đọc và học nhanh từ khi học chuyên ngành luật trong trường đại học, Tần tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực mới. Cô băn khoăn không rõ tương lai của con người sẽ như thế nào, mọi người sẽ sống thọ hơn, các bộ phận trên cơ thể đều có thể thay thế được nhờ tiến bộ của y học, nhưng riêng não là cơ quan không thay thế. Tần đã nghĩ rất nhiều về việc xây dựng một nền tảng giúp hiểu được bộ não của con người, giúp phát huy hết tiềm năng của nó. Hơn thế, Tần còn muốn công nghệ này phải là công nghệ dành cho tất cả mọi người.
Rất nhanh chóng, cô gái trẻ đã đến gặp sếp ở hãng luật Freehills để xin nghỉ việc. Là người trực tiếp tuyển Tần về làm, ông sếp rất quý cô và khuyên không nên nghỉ hẳn, vừa đảm bảo có thu nhập cao vừa theo đuổi được đam mê. Tuy nhiên Tần gửi lời cám ơn, nói rằng cô muốn dành toàn tâm toàn ý cho lựa chọn mới của mình. Freehills lúc bấy giờ đã là một trong các công ty luật của Australia có quy mô lớn trên toàn cầu.
"Tôi từ bỏ công việc có thu nhập tốt để tìm lối đi riêng, dù khi đó chưa có tầm nhìn rõ ràng. Ngành luật không phải hướng tôi muốn theo đuổi thì tại sao tôi lại tiếp tục? Hướng đi khác chưa chắc đúng, nhưng ít nhất nó không phải con đường mình biết sai mà vẫn đi", Tần chia sẻ.
Ở tuổi 26, Tần lập công ty riêng ở Australia, cùng các cộng sự chuyên tâm vào nghiên cứu về các tiềm năng của não bộ. Bốn năm sau, nhận thấy Mỹ có sẵn "hệ sinh thái dành cho công nghệ cao", cô chuyển đến San Francisco để có thể hiện thực hóa những dự định dài hạn của mình. Môi trường ở Mỹ cũng khiến Tần phải học cách trở nên linh hoạt hơn, nhạy bén hơn.
Người cha lỡ chuyến tàu
Năm 1981, vào ngày cả gia đình quyết định rời Việt Nam, ba của Tần đã không đi được cùng vợ con, phải ở lại Sài Gòn. Vì thế bà Mai, mẹ cô trở thành trụ cột của gia đình khi đến Melbourne, Australia.
Có bằng cấp ở Việt Nam nhưng không được công nhận, mẹ Tần phải làm việc chân tay ở các trang trại và dây chuyền lắp ráp ôtô để kiếm tiền. Người phụ nữ hai con miệt mài làm việc, gần như quên đi cuộc sống của riêng mình.
"Tôi và em tuy còn bé nhưng đã biết mẹ rất vất vả, vì từ lúc mẹ ra khỏi nhà cho tới lúc về trời đều tối. Mẹ không có thời gian ở cạnh mình nên chúng tôi tự bảo nhau phải cố gắng dọn dẹp nhà cửa và học hành chăm chỉ", Tần nhớ lại.
Sau một thời gian ổn định cuộc sống, bà Mai quyết tâm đi học tiếng Anh, lấy được bằng thạc sĩ và trở lại công việc bàn giấy. Bà ứng cử vào Hội đồng thành phố Footscray năm 1993, năm sau bà được bầu làm Phó thị trưởng thành phố Footscray thuộc tiểu bang Victoria. Năm 1997 bà được bầu làm thị trưởng đầu tiên của thành phố Maribyrnong, một trong 72 thành phố của bang Victoria. Đó cũng chính là cách bà Mai làm gương để các con nỗ lực vươn lên trong xã hội của Australia.
Dù bận mải nhiều việc nhưng bà Mai rất để tâm đến việc "canh chừng", không để Tần và em gái nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, bắt buộc phải nói tiếng Việt để giữ nguồn gốc.
"Nếu tôi và em gái chỉ dùng một từ tiếng Anh khi nói chuyện với nhau, mẹ rất phật ý và la mắng chúng tôi ngay. Bà rất nghiêm khắc trong chuyện này", Tần nói. Bà Mai cũng giữ thói quen nấu các món ăn truyền thống, nấu cỗ đón Tết Nguyên đán để các con không quên văn hóa Việt.
Khi Tần về Việt Nam, cô đã tìm được người cha bị lỡ chuyến tàu năm xưa. Ba cô đã có gia đình mới, sinh được hai cô con gái mà ông đặt tên là Tần em và Minh em, theo tên hai cô con gái đầu. Tần rất vui vì cô và các em rất thân thiết với nhau. Mẹ và em gái của Tần hiện vẫn sống ở Melbourne, bà Mai mỗi năm về thăm Việt Nam một lần. Bà ngoại của Tần thì đã qua đời.
Tần Lê và mẹ. Ảnh: NVCC.
Tần Lê và mẹ. Ảnh: NVCC.
Văn phòng ở Việt Nam
Ngoài trụ sở chính ở Mỹ, công ty của Tần Lê hiện có văn phòng ở Australia và Việt Nam.
"Việt Nam là một phần trong tôi, là quê hương nên tôi muốn phát triển công ty ở đây dù có khá nhiều trở ngại", Tần chia sẻ. Làm việc ở Việt Nam cũng là cơ hội để Tần hiểu nhiều hơn về văn hoá Việt do lúc rời khỏi Sài Gòn năm 1981, Tần còn quá nhỏ để có ghi nhớ những ký ức lúc ấy.
Lần đầu tiên cô trở lại Việt Nam là năm 1999, đến cả Hà Nội và Sài Gòn, với tư cách Đại sứ thiện chí của Australia. Việt Nam là một điểm dừng trong số 5 quốc gia trong chương trình này. Dù khung cảnh khác so với Melbourne nhưng Tần ngay lập tức có cảm giác thân thiết và gần gũi với mọi người xung quanh vì cô có thể nói được tiếng Việt. Khi đó, Tần biết ơn mẹ rất nhiều vì đã nghiêm khắc với mình lúc bé, giúp cô nói được ngôn ngữ khi trở về quê hương.
Phân tích thị trường Việt Nam, Tần cho biết đây là thị trường đang phát triển và hứa hẹn nhiều tiềm năng. Với lĩnh vực nghiên cứu não người, thị trường Việt Nam giúp công ty của cô thực hiện mục tiêu đảm bảo các ứng dụng phải gần gũi với tất cả mọi người trên thế giới, không chỉ dành cho người giàu có và ở các nước phát triển.
"Càng nhiều người xây dựng công nghệ thì nó càng trở nên tốt hơn, dựa trên các trải nghiệm và tư tưởng khác nhau. Như thế, công nghệ mới phản ánh được thực tế trên thế giới, chứ không phải của riêng một nhóm giàu có tưởng tượng ra", Tần lý giải. Tại văn phòng ở Việt Nam, Tần trân trọng các nhà nghiên cứu người Việt vì họ chăm chỉ, tư duy tốt và sẵn sàng học hỏi điều mới.
Theo đánh giá của cô, trong tương lai, lĩnh vực nghiên cứu sóng não sẽ giúp các quốc gia giải quyết được gánh nặng do các bệnh liên quan đến não mà hiện nay đang chiếm đại đa số. Ước tính cứ ba người thì có một người mắc phải, tương đương hai tỷ người, gây thiệt hại kinh tế khoảng 2 nghìn tỷ mỗi năm.
Sau khi chuyển trọng tâm sang xây dựng nền tảng khoa học vững chắc, hiện EMOTIV đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng các bài nghiên cứu được xuất bản với con số hơn 4.000 bài . Điều đó cho thấy các nhà khoa học ở công ty nghiên cứu đa dạng và bao quát trên quy mô toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu của EMOTIV đang tập trung nghiên cứu để hiểu hơn về các trạng thái của nhận thức và tinh thần, từ đó giúp ứng dụng vào ba nhóm hoạt động chính: đảm bảo an toàn (lái xe, công việc sử dụng các thiết bị lớn), hỗ trợ học tập (giúp tập trung và tăng hiệu quả) và đảm bảo sức khỏe của con người. Với những người làm văn phòng, công ty của Tần Lê tập trung nghiên cứu để giúp họ đạt hiệu quả cao nhất, chẳng hạn như khoảng thời gian nào giúp họ tập trung cao độ trong công việc theo từng độ tuổi.
"Đây chính là định hướng của EMOTIV, chúng tôi cần phải xây được nền tảng khoa học sâu và rộng, sau đó mới tìm ra các ứng dụng phù hợp và hữu dụng cho con người. Tôi không muốn tạo ra nhiều ứng dụng mà thiếu căn cứ khoa học", Tần chia sẻ.
Khánh Lynh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét