Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Nga can thiệp quân sự vào Venezuela: Kịch bản Syria tái diễn? - Thánh Đạt

Nga can thiệp quân sự vào Venezuela: Kịch bản Syria tái diễn? - 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: RT)
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Venezuela khiến nhiều người lo ngại về kịch bản can thiệp quân sự của Nga, Mỹ và các nước vào quốc gia Nam Mỹ như từng xảy ra với Syria. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Moscow có thể sẽ không tái diễn kịch bản này. Kể từ khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela hôm 23/1 và thách thức chính quyền Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, sự đối đầu giữa Nga và Mỹ có xu hướng căng thẳng hơn. Washington cùng châu Âu và một loạt quốc gia Mỹ Latinh công khai ủng hộ ông Guaido, trong khi Nga và Trung Quốc phản đối sức ép từ Mỹ và và khẳng định ông Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của Venezuela.<!>
Trong cuộc họp báo hôm 29/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga hiểu rằng Mỹ công khai ủng hộ việc lật đổ chính quyền Tổng thống Maduro và Washington đã kêu gọi các thành viên của phe đối lập tại Venezuela “không nhượng bộ cho tới khi chính quyền (Maduro) từ bỏ quyền lực”.
Tổng thống Vladimir Putin cũng đã lên tiếng khẳng định sự ủng hộ của ông với “đối tác chiến lược” Venezuela và cảnh báo hệ quả “thảm khốc” nếu Mỹ đưa quân tới hỗ trợ phe đối lập tại Venezuela.

Đề xuất vai trò hòa giải tranh chấp của Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moscow và một số nước khác sẽ nỗ lực để đối phó với các ý đồ của Mỹ tại Venezuela.
“Chúng tôi và các thành viên có trách nhiệm khác của cộng đồng quốc tế sẽ làm tất cả mọi cách mà chúng tôi có thể để ủng hộ chính quyền hợp pháp (Nicolas Maduro)”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Ngoài Nga, một số quốc gia khác nằm trong nhóm ủng hộ chính quyền Maduro gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria.
“Về mặt chính trị, Điện Kremlin muốn khẳng định rằng bất kỳ chế độ chính trị nào, dù hoạt động thiếu hiệu quả đến đâu, cũng không nên bị chính người dân lật đổ”, nhà phân tích chính trị Aleksandr Morozov nhận định.

maduro.jpg
Tổng thống Maduro phát biểu trước lực lượng quân đội Venezuela hôm 30/1. (Ảnh: Getty)

Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ thiệt hại rất lớn nếu chính quyền Maduro sụp đổ.

“Việc đánh mất mối liên kết với Venezuela sẽ là đòn giáng rất mạnh vào Nga. Ông Putin sẽ nỗ lực tối đa để ngăn chặn kịch bản thay đổi chế độ (tại Venezuela)”, Pete Duncan, giáo sư chính trị Nga tại Đại học London, cho biết.

Từ giữa thập niên 1990, Nga đã nhắm mục tiêu tới Mỹ Latinh để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez, người tiền nhiệm của Tổng thống Maduro, Nga trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Venezuela với các mối liên kết trên mọi lĩnh vực từ dầu khí, vay vốn cho tới vũ khí quân sự.

Theo Giáo sư Duncan, kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2000, Tổng thống Putin đã thắt chặt quan hệ với các đối tác tại Mỹ Latinh để đối trọng với tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như nâng cao vị thế cường quốc của Nga.

“Một lý do chính giải thích cho sự ủng hộ của Nga dành cho ông Maduro, cũng tương tự như lý do Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đó là niềm tin rằng không thế lực bên ngoài nào được phép can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền”, Anton Barbashin, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Wilson, nhận định.

Giới quan sát thường xem Cuba là đồng minh then chốt của Nga tại Mỹ Latinh, tuy nhiên Vladimir Rouvinski, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Đại học Icesi ở Colombia, cho rằng Nga chưa bao giờ nỗ lực để khôi phục cấp độ lòng tin với Cuba như thời Liên Xô trước đây. Thay vào đó, lòng tin giữa Nga và Venezuela được đánh giá ở mức “vô song”, thậm chí Caracas còn được coi là “tài sản cuối cùng” của Moscow tại Mỹ Latinh.

Tổng thống Putin cũng tìm thấy “đồng minh” tại Venezuela. Cố Tổng thống Chavez trước đây và Maduro ngày nay đều có chung quan điểm với Tổng thống Putin, đó là phản đối “sự bá quyền” của Mỹ.

Kịch bản Syria tại Mỹ Latinh?

Nga can thiệp quân sự vào Venezuela: Kịch bản Syria tái diễn? - 2
Lãnh đạo đối lập Juan Guaido (giữa), tổng thống lâm thời của Venezuela, biểu tình phản đối Tổng thống Maduro. (Ảnh: AP) 

Giới phân tích lo ngại rằng một kịch bản Syria có thể xảy ra ở Mỹ Latinh và Venezuela có thể trở thành một Syria thứ hai. Nga từng thành công trong việc triển khai quân đội tới Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống khủng bố và phiến quân đối lập. Câu chuyện này có thể lặp lại tại Venezuela, tuy nhiên tình hình tại quốc gia Nam Mỹ không giống với quốc gia Trung Đông.

Không giống Syria, Venezuela ở cách xa Nga hàng nghìn km. Tại Nam Mỹ, Nga cũng không có các đồng minh khu vực như Iran tại Trung Đông để Moscow có thể trông cậy trong quá trình triển khai chiến dịch tại Venezuela như những gì từng diễn ra tại Syria. Ngoài ra, nền kinh tế Nga cũng đang gặp nhiều khó khăn về dài hạn, do vậy Điện Kremlin không có nhiều phương tiện cũng như sự ủng hộ từ công chúng Nga để có thể tiến hành một “cuộc phiêu lưu” quân sự tốn kém ở nước ngoài.

Một số hãng truyền thông của Nga và quốc tế tuần trước đưa tin Moscow đã cử lực lượng gồm khoảng 400 tay súng được cho là lính đánh thuê tới Venezuela để bảo vệ Tổng thống Maduro và những tài sản trọng yếu của chính phủ. Lực lượng này được cho là được cử đến Venezuela theo hợp đồng giữa Nga với các nhà thầu quân sự tư nhân. Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitri S. Peskov, đã phủ nhận thông tin này, khẳng định Moscow không can thiệp vào công việc của nước khác theo cách bí mật như vậy.

Giới phân tích nhận định Nga không cần triển khai lính đánh thuê tới Nam Mỹ vì quân đội Venezuela cho đến nay vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro. Hơn nữa, giới chức Nga cũng nhiều lần nói rằng Moscow không nhận được đề nghị chính thức nào từ Venezuela về việc đưa quân tới nước này.

Ngoài khoảng cách địa lý và vấn đề chi phí, có một số lý do khác khiến giới phân tích cho rằng kịch bản Nga đưa quân tới Venezuela sẽ không xảy ra như với Venezuela.

Tại Syria, Nga có thể tác chiến từ xa, chẳng hạn triển khai không quân hoặc phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian. Trong khi đó, Iran cũng có thể tham gia hỗ trợ bằng cách triển khai lực lượng bộ binh để giúp đẩy lùi các phiến quân tại Syria.

Khác với Syria, tình hình bất ổn tại Venezuela hiện nay chưa chạm đến “ngưỡng” chiến tranh. Nga hay bất kỳ nước nào khác không thể triển khai máy bay ném bom chiến lược để giải tán biểu tình và Điện Kremlin cũng không thể đưa quân tới Venezuela để đối phó với những cuộc đụng độ trên đường phố tại thủ đô Caracas hay bất kỳ thành phố nào khác.

Ở Trung Đông, Nga vẫn có những người bạn khác ngoài Syria. Còn tại Mỹ Latinh, ngoại trừ Cuba và Nicaragua, hầu hết các chính phủ khác đều không ủng hộ Tổng thống Maduro. Do vậy, bất kỳ sự can thiệp nào của Nga vào Venezuela có thể đối mặt với nguy cơ bị các nước Mỹ Latinh liên kết với nhau để đối phó với Moscow.

Một nguy cơ nữa mà Nga có thể phải đối mặt nếu can thiệp vào tình hình Venezuela là các lệnh trừng phạt của Mỹ. Washington nhiều khả năng sẽ không “bỏ qua” cho bất kỳ nước nào can thiệp công khai vào khu vực mà Mỹ vẫn xem là “sân sau” truyền thống.

Thành Đạt

Theo New York Times, Al Jazeera

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét