Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Bình luận Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - VnExp

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979
Nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?
LTS: Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai nước, như cắt giảm viện trợ, thúc đẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi hương, hay giúp Khơ-me đỏ Campuchia tiến hành chiến tranh biên giới phía Tây Nam. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?
<!>
Câu hỏi này cần phải được giải thích từ nhiều nguyên nhân, phân tích từ nhiều góc nhìn. Bắc Kinh từng lu loa họ phát động “cuộc chiến tranh phòng vệ” nhằm đem lại hòa bình cho khu vực biên giới, vốn đã trở nên hỗn loạn từ năm 1977, ảnh hưởng tới đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, ngày càng có nhiều bằng chứng được các học giả nước ngoài công bố, cho thấy Bắc Kinh có những mục đích chiến lược xa xôi, ấp ủ từ lâu.
Cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 do Bắc Kinh khơi mào còn nhằm thử phản ứng của Liên Xô và qua đó đánh giá khả năng tác chiến của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).
Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết đầu tiên trong chuyên đề Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, mời quý vị độc giả tham khảo và chia sẻ thêm các góc phân tích về cuộc chiến. 
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai nước, như cắt giảm viện trợ, thúc đẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi hương, hay giúp Khơ-me đỏ Campuchia tiến hành chiến tranh biên giới phía Tây Nam. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?
Biên giới Việt – Trung đêm ngày 17/2/1979 trong khi một bên vẫn vui sống hòa bình thì phía bên kia một lực lượng phản ứng nhanh gồm 8 đơn vị bộ binh (20 lữ đoàn) và các đơn vị hỗ trợ, tổng cộng 300.000 binh sĩ (lúc đỉnh điểm lên tới 800.000) đã được tập hợp, được trang bị 1.000 xe tăng, ít nhất 1.500 khẩu pháo.
Rạng sáng hôm đó, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km.
Đối mặt với quân Trung Quốc, ban đầu chỉ là lược lượng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Việt Nam.
Đồi núi được biến thành pháo đài với đường hầm, hố chông.
Bằng kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, Việt Nam đã chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích.
Sau ba tuần giao tranh, Trung Quốc đột ngột tuyên bố đạt được các mục tiêu và quyết định rút quân.
Kể từ năm 1979, đã xảy ra ít nhất 6 cuộc xung đột lớn ở biên giới (vào tháng 7/1980, tháng 5/1981, tháng 4/1983, tháng 4/1984, tháng 6/1985 và tháng 12/1986 kéo dài đến tháng 1/1987). Tất cả đều do phía Trung Quốc khiêu khích, hoặc lên kế hoạch nhằm đạt các mục tiêu chính sách đối ngoại lớn hơn.
Vụ nã pháo vào Cao Bằng tháng 7/1980
Trong 6 tháng đầu năm 1980, cả Trung Quốc và Việt Nam đều ghi nhận một số lượng ngày càng tăng các sự cố biên giới.
Đầu tháng 7, hai bên đã trao đổi công hàm phản đối các hành động của nhau.
Ngày 4/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam cáo buộc pháo Trung Quốc đã bắn nhiều lần vào lãnh thổ Việt Nam từ ngày 28/6, làm nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương. Ngày hôm sau, lực lượng biên phòng Trung Quốc cho biết đã bắn hàng trăm quả pháo sang Cao Bằng trong một vụ tấn công kéo dài 3 ngày.
Trong công hàm ngày 6/7, Trung Quốc giải thích các hành động của mình là nhằm đáp trả “những khiêu khích vũ trang không ngừng” ở khu vực biên giới của họ.
Các sự kiện trong giai đoạn này đã dẫn tới việc một phóng viên đưa tin rằng “căng thẳng ở biên giới đã đạt tới đỉnh điểm”. Sau đó, cũng nhanh như nó đã bắt đầu, cuộc xung đột chìm xuống.
Ngày 12/9, Việt Nam nhắc lại đề nghị tiến hành đối thoại hòa bình.
Tận hôm 23/6, Trung Quốc mới cho biết sẽ nối lại các cuộc hòa đàm tại Hà Nội “ngay khi xuất hiện một nhân tố tích cực ủng hộ đàm phán, dù rất nhỏ”.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc tìm cách giành lợi thế trong cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan bằng cách quấy rối Việt Nam trong khi Moscow đang bận bịu ở chỗ khác.
Cuộc bắn pháo của Trung Quốc tháng 7 năm đó cũng có thể được xem như một cách đáp trả đối với đề nghị nối lại đàm phán của Việt Nam về bình thường hóa quan hệ, vốn đã đổ vỡ từ tháng 12/1979, cũng như một đề xuất khác của Việt Nam, theo đó hai bên nên thực hiện ngừng bắn nhân dịp năm mới.
Nói cách khác, Trung Quốc cố tìm cách chứng tỏ quyết tâm gây sức ép với Việt Nam để buộc quân đội Việt Nam phải rời khỏi Campuchia. 
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979
Chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra vào ngày 17.2.1979.
Vụ chiếm núi ở Lạng Sơn và Hà Tuyên tháng 5/1981
Ngày 2/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xuất ngừng bắn nhân dịp Năm mới, song bị giới chức Trung Quốc bác bỏ vào ngày 20/1. Tuy nhiên, hai bên đã tiến hành trao đổi tù binh. Trong những tháng tiếp theo, khu vực biên giới tương đối yên tĩnh.
Tháng 5, một cuộc xung đột lớn khác đã xảy ra với cường độ lớn chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 và 3/1979.
Ngày 5 và 6/5, các lực lượng địa phương của Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng một dải đất hẹp ở biên giới, chiếm đồi 400 thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, và chiếm một số ngọn đồi chiến lược khác (mang số 1800 a, 1800b, 1688 và 1059) tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên. Giống như trước đây, Trung Quốc giải thích các hành động của mình là đáp trả các sự cố biên giới do Việt Nam khởi xướng trong quý đầu năm đó.
Việt Nam đã đáp trả bằng việc truy đuổi quân Trung Quốc sang tận lãnh thổ của họ.
Ngày 22/5, Trung Quốc rêu rao đã sát hại 85 người Việt Nam. Cùng ngày, nguồn tin Việt Nam cho biết một lữ đoàn Trung Quốc đã chiếm đóng và lập quyền kiểm soát một quả đồi ở huyện Vị Xuyên.
Giao tranh giảm dần và ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại đề nghị nối lại đối thoại.
Cũng như tháng 7/1980, cuộc giao tranh ác liệt tháng 5/1981 do phía Trung Quốc gây ra, nhằm phục vụ mục đích chính trị xa xôi.
Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đã nhanh chóng kết nối tình hình leo thang xung đột này với chính sách Campuchia của Trung Quốc. Nhiều kế hoạch sau đó đã được tiến hành nhằm sáp nhập 3 nhóm kháng chiến chính của Campuchia thành một mặt trận thống nhất chống Việt Nam.
Theo quan điểm này, các cuộc tấn công dọc biên giới phía Bắc được thiết kế nhằm buộc Việt Nam phải tăng cường phòng thủ.
Các nhà ngoại giao cũng ghi nhận rằng Hội thảo quốc tế tài trợ cho Campuchia đã được lên kế hoạch và sẽ làm theo mục đích của Trung Quốc, theo đó Việt Nam bị mô tả là một “kẻ hiếu chiến”. Sau đó, việc Trung Quốc tỏ ra cứng rắn trong chính sách “gây đổ máu cho Việt Nam” cũng là nhằm phục vụ lợi ích của họ và can ngăn ASEAN thông qua một chính sách hòa giải tại hội nghị ngoại trưởng tại Manila (Philippines) sau đó.
Theo quan điểm này, hành động của Trung Quốc sẽ lôi kéo các nước khác rằng việc họ không ngừng gây sức ép đối với Việt Nam chỉ là cách để buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Cuối cùng, Trung Quốc đã thúc đẩy việc ngăn Việt Nam tăng cường quân đội tại Campuchia vì đã phải tập trung lực lượng lên biên giới phía Bắc.
Sau các vụ đụng độ tháng 5/1981, căng thẳng biên giới Việt – Trung ở mức tương đối thấp cho đến tháng 4/1983. Dường như các sáng kiến cải thiện quan hệ Xô – Trung, cũng như các cuộc tiếp xúc giữa Trung Quốc và Việt Nam dẫn tới quãng thời gian tạm yên ắng này.
Các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ Xô – Trung xuất hiện từ tháng 9/1981, thậm chí trước đó, khi Liên Xô gửi một công hàm tới Trung Quốc đề nghị mở lại các cuộc thảo luận về vấn đề biên giới. Tổng Bí thư Brezhnev đã đẩy mạnh nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong một tuyên bố quan trọng ở Tashkent ngày 24/3/1982.
Tháng 5, một bài bình luận dài trên tờ Pravda tuyên bố đã đến lúc cải thiện các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ Xô – Trung được mong đợi từ lâu.
Giới lãnh đạo Trung Quốc khi đó cũng công khai cách tiếp cận mới đối với Liên Xô tại một cuộc Đại hội Đảng đầu tháng 9, khi thông báo nối lại các cuộc đàm phán cấp cao thường kỳ.
Tháng 7, Việt Nam thông báo ý định rút quân một phần khỏi Campuchia.
Thái Lan đã đề xuất các hiệp ước không gây hấn với từng nước trong ba nước Đông Dương, cũng như thiết lập một “vùng an toàn” dọc biên giới với Campuchia do các lực lượng của Thái Lan và Campuchia cùng kiểm soát. Thái Lan cũng đề xuất “bước hai” hướng đến hòa bình. Cuộc rút quân của Việt Nam khỏi Campuchia đã diễn ra vào tháng 7.
Tháng 9/1982, lần đầu tiên Việt Nam gợi ý một thỏa thuận ngừng bắn nhân ngày quốc khánh của từng nước.
Tháng 10/1982, Việt Nam cho biết sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về bình thường hóa quan hệ “ở bất cứ cấp độ nào, ở bất cứ địa điểm nào và càng sớm càng tốt”.
Cũng trong tháng 10, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch bí mật gồm 5 điểm nhằm giải quyết vấn đề Campuchia. Liên Xô ban đầu phản đối sáng kiến này, gợi ý thay vào đó rằng Trung Quốc nên tiếp xúc trực tiếp với Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Liên Xô, hy vọng một phản ứng tích cực trước thềm hoặc trong khi diễn ra vòng đàm phán về bình thường hóa quan hệ tiếp theo dự kiến vào tháng 3/1983 ở Moscow.
Ngày 16/4, viện dẫn “các cuộc tấn công không tương xứng”, pháo binh Trung Quốc lại mở cuộc tấn công 4 ngày sang biên giới Việt Nam, tạo ra một “đợt thủy triều thù địch cao nhất” kể từ các vụ đụng độ tháng 5/1981.
Cũng như các vụ đụng độ quân sự lớn trước đó, các nhà quan sát ngoại giao đã nhanh chóng chỉ ra rằng các hành động quân sự của Trung Quốc chẳng liên quan nhiều đến tình hình quân sự tại biên giới với Việt Nam, mà liên quan nhiều hơn đến tình hình tại Campuchia.
Các sự kiện tháng 4/1983 đã được nhà báo Đông Dương Nayan Chanda gọi là “cuộc phòng vệ mang tính biểu tượng”. Chanda cũng dẫn lời các nhà phân tích quân sự phương Tây khi viết: “Người Trung Quốc dường như không có ý định tấn công mục tiêu nào cụ thể. Mục đích chỉ thuần túy là ghi điểm chính trị”.
Sau cuộc xung đột trên, cả Việt Nam và Trung Quốc đã quay lại bàn đối thoại.
Tháng 10, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chấp nhận lời mời của người đồng cấp Trung Quốc tham dự một buổi chiêu đãi chính thức tại Liên hợp quốc nhân kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc.
Vụ chiếm đất đai tại huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên tháng 4/1984
Sự yên tĩnh bị phá vỡ vào tháng 4/1984 khi pháo binh Trung Quốc lại dội như mưa sang Việt Nam. Đây là cuộc tấn công lớn nhất kể từ năm 1979.
Theo sau đó là một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc tại nhiều quả đồi của Việt Nam tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên.
Việt Nam gọi cuộc cuộc nã pháo này là một “cuộc chiến phá hoại”. Cuộc chiến do Trung Quốc khơi mào giờ đã trở thành “cuộc bành trướng lãnh thổ”.
Trong thời gian từ 2-27/4, hơn 60.000 quả pháo được cho là đã bắn sang 16 huyện biên giới. Quân đội Trung Quốc sau đó phát động các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam ở tỉnh Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hoàng Liên Sơn. Một đại chiến sự đã diễn ra ở đồi 636 và 820 ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn ngày 6/4.
Ngày 28/4, hơn 500 quả pháo đã tiếp tục được bắn sang nhiều địa điểm ở Việt Nam. Bộ binh Trung Quốc, gồm 3 trung đoàn thuộc lữ đoàn số 40 đã tấn công và chiếm 3 cao điểm ở Hà Tuyên. Cuộc tấn công này được báo chí gọi là “cuộc xâm phạm nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ năm 1979”. Một tài liệu sau này nói rằng các lực lượng Trung Quốc cũng đã chiếm một cụm cao nguyên  (đồi 1250, 1509, 1030, 772 và 233) ở huyện Vị Xuyên và Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên.
Các báo cáo chính thức của Việt Nam trong thời gian từ 2/4-2/6, cho biết Việt Nam đã tiêu diệt một trung đoàn Trung Quốc = 9 tiểu đoàn và “vô hiệu hóa” 5.500 binh sĩ. Tháng 8, Việt Nam đã nâng con số này lên 7.500 trong vòng 4 tháng trước đó.
Ngày 13 và 16/4, Liên Xô đã cảnh báo Trung Quốc bằng cuộc tập trận trên biển đầu tiên với Việt Nam. Cuộc tập trận diễn ra dưới dạng một cuộc đổ bộ của hải quân Liên Xô gần cảng Hải Phòng.
Trung Quốc đáp lại bằng việc cử một đội tàu đi qua quần đảo Trường Sa. Về phần mình, họ cũng tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ trên đảo Hải Nam.
Ngày 5/5, cả tờ Pravda và Izvestia đều kêu gọi Trung Quốc chấp thuận đề nghị của Việt Nam tiến hành “các cuộc đàm phán nghiêm túc, với một quan điểm giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ song phương bằng các biện pháp hòa bình”.
Đầu tháng 7, Tân Hoa Xã thông báo “Trung Quốc không muốn lao vào một cuộc mạo hiểm quân sự có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch hiện đại hóa của mình”. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình trước thềm chuyến thăm Mỹ đã tuyên bố tình hình dọc biên giới Việt Nam khá yên bình.
Cuối tháng 6, có thông báo rằng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham sẽ thăm Moscow.
Giải thích về cuộc nã pháo sang Việt Nam tháng 4/1984 Giới chức Trung Quốc một lần nữa đổ lỗi cho Việt Nam. Nhưng cũng giống như các vụ trước, các nhà quan sát nước ngoài nhận định hành động này của Trung Quốc có liên quan tới vấn đề Campuchia.
Trung Quốc chọn mục tiêu của mình một cách kỹ lưỡng. Trung Quốc cố chứng tỏ rằng các mục tiêu của họ chỉ giới hạn ở việc buộc Việt Nam đi đến thỏa thuận về Campuchia. Trung Quốc cũng giành lợi thế đúng lúc Tổng thống Mỹ Reagan thăm Bắc Kinh tháng 4 để chứng tỏ sự quyết tâm của mình trong việc gây sức ép với Việt Nam. 
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979
Chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra vào ngày 17.2.1979.
Vụ nã pháo sang Vị Xuyên tháng 6/1985
Trong hầu như cả năm 1985 và những tháng đầu năm 1986, các tỉnh biên giới Việt Nam đã trở thành mục tiêu của nhiều đợt pháo kích tăng cường. Trong tháng 6, khi gần vào mùa khô năm 1984-1985, các lực lượng Trung Quốc đã phát động các cuộc tấn công đặc biệt mạnh tay nhằm vào huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên.
Các đơn vị biên phòng Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng chiến thuật “chiếm đất”. Từ tháng 5/1985, họ đã bắt đầu thả mìn nhựa vào các con sông chảy xuống Việt Nam. Cuối năm 1986, Việt Nam đã ghi nhận 100 vụ nổ mìn ở nhiều tỉnh khác nhau, làm 30 người thiệt mạng và 60 người bị thương.
Nhiều tài liệu của Việt Nam cho biết hơn 1 triệu quả đạn súng cối đã được bắn vào một khu vực rộng 10km2 của huyện này riêng trong năm 1985. 100 quả đồi chiến lược (như 233, 300, 400, 468, 500, 673, 685, 812, 900, 1100, 1509, đồi Quan Sát và đồi Co Ich), nhất là quanh khu vực giao lộ Thanh Thủy, đã trở thành mục tiêu của liên tiếp các vụ bắn phá và tấn công trên bộ. Trong giai đoạn từ ngày 27/5 – 13/6, các lực lượng của Trung Quốc đã bắn 226.900 quả pháo xuống Vị Xuyên.
Từ ngày 1-7/6, các lực lượng của Trung Quốc đã tiến hành 6 vụ tấn công lên đồi 400 và 1509. Một báo cáo trong nửa đầu năm cho thấy Trung Quốc đã cử hơn 60 trung đội đến trung đoàn tiến hành các vụ tấn công vào nhiều địa điểm ở Việt Nam.
Một tài liệu đánh giá hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 1985 cho biết Trung Quốc đã chọn huyện Vị Xuyên là một mục tiêu “trả đũa”, nhằm đáp lại cuộc tấn công thành công của Việt Nam tại biên giới Thái Lan – Campuchia.
Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam trong buổi phát ngày 26/12/1985 đã điểm lại các sự kiện trong năm đó, nhấn mạnh vấn đề như sau: “Trung Quốc tiếp tục một cuộc chiến tranh chiếm đất ở biên giới chống Việt Nam một cách tàn bạo, đặc biệt là khu vực biên giới của huyện Vị Xuyên, Hà Tuyên. Có thể nói chưa bao giờ ngừng tiếng pháo cối của Trung Quốc tại đây kể từ năm 1984. Các cuộc nã pháo tàn bạo và các chiến thuật tác chiến mới được sử dụng trong việc chiếm các quả đồi của chúng ta”.
Trong 4 ngày, từ 5-8/9, gần 60.000 pháo hạng nặng đã dội sang Vị Xuyên.
Bất chấp vụ bắn pháo tháng 6, sự cải thiện quan hệ Việt – Trung đã được ghi nhận trong quý IV/1985. Ngày 1/9, Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm đã gửi thư chúc mừng người đồng cấp Trường Chinh nhân dịp Quốc khánh thứ 40 của Việt Nam. Sau khi ghi nhận “quan hệ truyền thống lâu đời” giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông Lý nói về vấn đề bình thường hóa.
Nhưng ngay sau đó, một đợt giao tranh ngắn trong tuần đầu tháng 12, khi các lực lượng Trung Quốc một lần nữa được cho là đã tham gia hoạt động “chiếm đất” ở Vị Xuyên. Việt Nam cáo buộc Trung Quốc bắn hơn 60.000 quả pháo xuống tỉnh Hà Tuyên, trong đó 34.900 quả được bắn riêng trong ngày 2/12. Cùng lúc đó, Việt Nam thông báo đánh bại 5 vụ tấn công trên bộ tại đồi 685 ở Hà Tuyên, tiêu diệt 470 lính Trung Quốc.
Tân Hoa Xã trong một bài xã luận đã kết nối tình hình chiến sự tăng cường ở biên giới với một cuộc tập trung lực lượng Việt Nam tại Campuchia chuẩn bị cho một chiến dịch mùa khô khác.
Các cuộc nã pháo tháng 12/1986 - 1/1987
Trong suốt năm 1986, Trung Quốc duy trì sức ép với Việt Nam bằng việc tăng cường nã pháo. Đến giữa năm, gần 25.000 quả pháo đã được bắn sang lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1985, Vị Xuyên hứng chịu 20 sự cố bắn pháo riêng rẽ, liên quan đến hơn 800.000 quả pháo, trong tổng số khoảng 1 triệu quả được bắn sang Việt Nam.
Giữa năm 1986, Việt Nam cho biết 4/5 đạn pháo của Trung Quốc đã được bắn và rơi vào Vị Xuyên. Ngày 14/10/1986, làng Thanh Thủy ở Vị Xuyên đã “hứng” 35.000 quả pháo. Vụ bắn phá lớn nhất xảy ra tháng 1/1987, khi trong một ngày, pháo binh Trung Quốc bắn tới 60.000 quả pháo vào Vị Xuyên.
Các báo cáo cho thấy giao tranh trên bộ giảm dần từ tháng 7/1986. Tháng 10, tại vòng đàm phán Xô – Trung lần thứ 9, Trung Quốc cuối cùng đã được Liên Xô nhất trí thảo luận vấn đề Campuchia, vấn đề “nước thứ ba” vốn là một điều cấm kỵ trước tới nay.
Ngày 13/7, Việt Nam đã thả 72 thuyền nhân Trung Quốc từng xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Ngày 1/8, Hội Chữ thập Đỏ tại Lạng Sơn đã gửi “chia buồn” tới người dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sau một trận bão. Ngày 13/8, Việt Nam thông báo nhân dịp Quốc khánh của Trung Quốc và Việt Nam, sẽ thả 27 tù nhân Trung Quốc. Những trao đổi đã được tiến hành ngày 6/9, khi Trung Quốc thả 34 người Việt Nam và Việt Nam thả 26 người Trung Quốc.
Ngày 3/10, một đội bóng bàn của Việt Nam đã sang Trung Quốc tham dự giải bóng bàn châu Á lần thứ 8 ở tỉnh Quảng Đông. Và ở các cấp cao hơn, cụm từ “kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp” khi nói về Trung Quốc đã không còn được nhắc lại.
Bất chấp các diễn biến tích cực trên, giao tranh vẫn tái diễn ở biên giới Việt – Trung. Ngày 14/10, Việt Nam thông báo rằng Trung Quốc đã bắn 35.000 quả pháo sang Việt Nam và các lực lượng Trung Quốc đã nối lại “các chiến thuật chiếm đất” ở đây.
Ngày 27/11, báo Nhân Dân của Việt Nam đăng một bài xã luận dài về quan hệ Việt Trung, trong đó viết: “Mới đây, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhắc lại sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc nối lại các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc bất cứ ở đâu, vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ cấp nào, nhằm tìm một giải pháp chính trị được hai bên chấp nhận, nhằm khôi phục sớm nhất các quan hệ bình thường giữa hai nước cũng như tình bằng hữu lâu năm giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, thiện chí trên chỉ có một chiều.
Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đáp lại bằng hàng trăm nghìn quả pháo và ra lệnh một loạt vụ tấn công quân sự vào huyện Vị Xuyên… Chúng tôi một lần nữa tái khẳng định rằng luôn quý trọng tình bằng hữu lâu năm với nhân dân Trung Quốc và muốn khôi phục quan hệ thân thiện và bình thường giữa hai nước vì lợi ích của hòa bình và ổn định tại châu Á, và của hai dân tộc”.
Bốn mươi năm đã trôi qua, xung đột biên giới Việt-Trung vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải mật. Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia phân tích độc lập chứng minh rằng, Trung Quốc khơi ra cuộc xung đột biên giới 1979 nhằm các tham vọng chính trị xa xôi, có cả vấn đề Campuchia tại thời điểm đó.
Diệu An tổng hợp
(Bài viết có sử dụng tư liệu Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War của học giả Carlyle Thayer. Ông đã trình bày nghiên cứu này tại Hội Nghị "An Ninh và Kiểm Soát Vũ Khí tại Bắc Thái Bình Dương", Đại học Quốc gia Canberra tháng Tám năm 1987)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét