Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Góc nhìn của người lính củ: Điệu Boléro thăng tiến nhờ các anh Lính VNCH - NguoiViet

Đầu năm 1974, tôi đóng đồn ngay con lộ đá dẫn vào Ba Kè (cách đó chừng 2 cây số), Vĩnh Long. Đồn nằm sát mặt lộ, chung quanh là cây dừa nước và sình lầy. Đó có thể là một ưu ái của ông đại đội trưởng hay tiểu đoàn trưởng, nhưng tôi lờ mờ không biết. Đồn được làm bằng thân dừa và những bao cát của quân đội Mỹ được xếp chồng chất lên nhau, rất sơ sài và mong manh. Có khi tôi đã nghĩ chỉ cần một trái B.40 chính xác là “thầy trò” 7, 8 người rủ nhau đi “tầu suốt,” không hẹn ngày trở lại. Nhiệm vụ trong ngày của trung đội chúng tôi là sáng hôm sau phải dậy sớm, rà mìn từ ngã ba Ba Kè vào đồn thứ hai cách đó khoảng một cây số, sau đó bàn giao và đi “lội nước” quanh vùng để giữ an ninh cùng với đại đội.<!>
Đại đa số lính VNCH thường nghe chương trình Dạ Lan mỗi đêm. Tôi cũng vậy. Đêm đêm, tôi và anh hạ sĩ (tên Tường) trực máy truyền tin PRC-25 nằm cạnh nhau trên chiếc giường tre, giữa là cái máy radio nhỏ. Gần như đêm nào chúng tôi cũng đợi nghe chương trình Dạ Lan cho vơi bớt nỗi buồn xa nhà từ 7 giờ đến 9 giờ tối (1). Bên cạnh tiếng kêu “rè rè” của máy truyền tin, chúng tôi chờ nghe bản tin chiến sự và tiếng hát của các “em gái hậu phương.”

Sau tiếng nhạc hiệu, chương trình bắt đầu. “Đây chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái hậu phương, nói chuyện với các anh trai tiền tuyến.” Tiếp theo là tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh trong bản 10 thương của Phạm Đình Chương. “Một thương tóc xõa mơ màng… Hai thương em ăn nói dịu dàng mà lại có duyên… Ba thương má lúm đồng tiền… Bốn thương đôi mắt như sao hiền mùa thu…” Sau đó là đủ thứ mục tùm lum. Nào là tin tức thời sự, chiến sự khắp bốn vùng chiến thuật, bình luận, thư của anh trai, thư của em gái, xen vào là những bản nhạc phần lớn mang giai điệu boléro (2). Đời lính thường giản dị, đơn sơ như sông nước, núi rừng, ruộng lúa phì nhiêu, có khi như máu chảy, xương rơi, xông pha ngày đêm bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc.
Người lính không thích ngồi suy nghĩ vu vơ, lẩm cẩm, nên điệu boléro rất thích hợp. Tôi thích nhất bản “Đom Đóm” (Phượng Linh). Dù đang ngồi trên vọng gác, tai mắt đang theo dõi giặc, vẫn không thể bỏ qua những cung bậc ngọt ngào, day dứt “Đom đóm đâu ra chiều hôm thật nhiều. Tiền đồn ven biên anh vừa lên phiên đổi gác…”
Rồi chương trình cứ diễn ra, các bản nhạc được các ca sĩ trình bày. Đại khái như “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” (Lam Phương), “Xuân Này Con Không Về” (Trịnh Lâm Ngân), “Những Đồi Hoa Sim” (Dzũng Chinh), “Hai Mươi Bốn Giờ Phép” (Trúc Phương), những bản tình ca nói về lính của Nguyễn Văn Đông, của Duy Khánh, của Trần Thiện Thanh, vân vân.

Boléro không sang cả, quý phái như Tango, không dìu dặt như Valse, không quá chậm rãi và gợi tình như slow và không suồng sã như một số điệu “giật” mới… nhưng boléro có thể làm chết lòng người nghe một cách êm ái, du dương.
Boléro như một dòng suối hiền lành, trong mát. Tôi thấy ấm áp khi nghe boléro, như muốn gục đầu trong lòng mẹ ngủ một giấc đầy mộng mị.

Điệu boléro đã đến giản dị như thế và cũng không đòi hỏi, cần đền bù. Boléro không cần tiền hô, hậu ủng mà vẫn uy nghiêm, khí thế.
Những nơi nào không phải giữ “bí mật,” lại có anh lính VNCH hát vu vơ một bản boléro dễ dãi, rồi chốc chốc dừng chân chờ bè bạn đi tới.

Boléro đi tới đâu, anh lính VNCH đi tới đó, dù gian khổ. Hay nói ngược lại, anh lính đi tới đâu, boléro xuất hiện ở đó, dù trong rừng già, đồi cao, suối khe hay thung lũng.
Không phải chỉ có những anh lính VNCH mới mở nghe chương trình Dạ Lan, ngay cả đến hàng vạn những bà vợ lính, gia đình lính cũng say sưa với chương trình này. Đài Phát Thanh Quân Đội đã thành công. Tôi có cảm tưởng khắp miền Nam đều nghe Dạ Lan, chờ đợi cô, dù không biết cô là ai, trong khi ở miền Bắc, các thanh niên phải bỏ cha mẹ, anh em, người yêu, lên đường “diệt Mỹ-Ngụy” hoặc “sinh Bắc, tử Nam” không có ngày về. Tình cảm bị bó chặt, bị kìm kẹp trong “Tiếng Chày Trên Sóc Bombo,” “Cô Gái Vót Chông” hay “Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn…” Chán nhỉ?
Chương trình Dạ Lan đã đến với các anh chiến sĩ miền Nam như thế. Có người đi hành quân ở vùng không cần giữ “bí mật tuyệt đối,” miệng còn có thể lẩm bẩm một bản nhạc vừa nghe được, hay suy nghĩ phải viết gì thêm trong thư gởi em gái hậu phương…

Có thể nói ai ai cũng biết và có cảm tình với chương trình này.

Sau 1954, nhất là sau 1975, điệu boléro chẳng những không chết, “nó” còn tươi mát trong lòng mọi người hơn bao giờ. Các ca sĩ miền Bắc nổi tiếng nhờ điệu boléro, các chương trình âm nhạc mượn danh boléro để có khách,
Boléro nhờ vậy cũng tiến triển không ngừng, không những ở trong nước, mà còn ở ngoài nước nữa. Nhạc vàng, nhạc sến, nhạc lính… dù được gọi là gì đi nữa, “nó” đều mang dấu tích của một thời. (Hà Việt Hùng)
*****
(1) Chương trình này do Đại Tá Trần Ngọc Huyến thành lập tại Đài Phát Thanh Quân Đội năm 1964 – 1975, và tùy giai đoạn, có sự đóng góp của một số các vị khác, để khuyến khích và nâng cao tinh thần chiến đấu của QLVNCH các cấp.
(2) Điệu boléro: Một điệu nhạc phát xuất từ các quốc gia Châu Mỹ La Tinh (Latin America) tới VNCH từ năm 1950. Mỹ La Tinh gồm các vùng phía Nam của Hoa Kỳ.

Nguon: nguoiviet.com
-- 

Không có nhận xét nào: