Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Biển Đông dậy sóng - TC không biết làm gì để đối phó với Trump...

Biển Đông dậy sóng: Tướng James Mattis từ chức bộ trưởng Quốc phòng có ảnh hưởng đến đối sách về biển Đông của Hoa Kỳ hay không? Vào đầu tháng Giêng năm nay, tướng James Mattis từ chức khỏi cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và người tạm giữ chức vụ này trong thời gian tới là một cựu nhân viên của hãng Boeing, Patrick M. Shanahan. Shanahan sinh năm 1962 tại tiểu bang Washington, là một kỹ sư cơ khí tốt nghiệp từ đại học Washington ở Seattle, có bằng cao học về quản trị và bằng cao học về kỹ sư cơ khí tại đại học bách khoa lừng danh MIT. Ông từng làm phó Tổng Giám Đốc Boeing, chịu trách nhiệm về chương trình kỹ thuật hỏa tiễn cho hãng Boeing.<!>
Tổng thốngTrump rất tín nhiệm Shanahan, nên vừa đắc cử ông đã bổ nhiệm Shanahan làm trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đứng kế tướng James Mattis. Như vậy có thể nói, Trump đã tính toán dọn đường sẵn cho Shanahan có chân đứng đầy quyền lực trong bộ Quốc phòng từ lâu. Tổng thống Trump cần danh tiếng tướng Mattis lúc đầu khi mới thành lập nội các ở Hoa Thịnh Đốn. Nay, sau hai năm vững thế, có hay không có tướng Mattis, đối với Tổng thống Trump không còn quan trọng nữa.
Trump đặt kỳ vọng vào khả năng quản trị tài ba của Shanahan để cải cách bộ Quốc phòng, vốn toàn là các tướng lãnh có quan niệm bảo thủ về đường lối chiến lược quốc phòng, vẫn tiếp tục muốn duy trì đường lối quốc phòng có từ thời chiến tranh Lạnh, mà trong đó, dàn trải toàn bộ sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở mọi nơi trên thế giới với một kinh phí khổng lồ, mà theo Tổng thống Trump, điều đó không cần thiết.
Tổng thống Trump muốn tâp trung sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đè nặng vào những quốc gia thật sự có đủ khả năng gây huy hiểm cho nền an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ và toàn cầu.
Với quan niệm chiến lược quốc phòng này, người ta thấy tổng thống Trump tìm cách ngưng tài trợ quân sự khối NATO, buộc Đức phải tăng phần đóng góp của mình vào NATO. Tổng thống Trump cho rằng NATO đã quá mạnh và không cần Hoa Kỳ đứng sau hậu thuẫn như sáu mươi năm qua nữa.
Hay gần đây nhất, cũng theo quan niệm chiến lược mới của mình, Tổng thống Trump bất ngờ quyết định rút quân ra khỏi Syria tạo ra một cơ hội để Mattis cùng tổng thống Trump đóng một màn kịch tranh cãi để rồi Mattis từ chức, nhường chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng lại cho Shanahan để điều hành bộ này theo ý chiến lược mới của Trump.
Đường lối quân sự mới của Trump đồng loạt bị chỉ trích từ mọi giới là Trump đã tự chặt bỏ Đồng Minh để khiến sức mạnh quân sự của mình bị yếu đi nhưng trên thực tế, ai ai cũng biết, sức mạnh quân sự và kinh tế quốc phòng của chỉ một mình Hoa Kỳ dư sức cán đán an ninh quốc phòng cho toàn cầu mà không cần đồng minh nào hổ trợ hết.
Càng nhiều đồng minh thì Hoa Kỳ càng tốn kém thêm chi phí tăng viện.
Vào thời đệ nhị thế chiến, một mình Hoa Kỳ vừa cán đán vũ khí tài lực cho quân đội của mình ở ba mặt trận Phi, Âu và Á, lại vừa có thể dư sức viện trợ dồi dào cho Đồng Minh, kể cả Liên Xô, về mọi mặt từ quân cụ, vũ khí tiền bạc để giúp các nước này quật khởi.
Trong thời gian Đệ Nhị thế chiến xảy ra, Hoa Kỳ có thể sản xuất một chiến hạm hiện đại chỉ trong vòng có 42 ngày, một động cơ xe vận tải hãng Ford có thể sản xuất trong vòng một phút. Chỉ tính từ năm 1943 đến 1945, Hoa Kỳ đã sản xuất hơn 124 hàng không mẫu hạm, hơn sáu ngàn chiến hạm đủ loại, 99000 phi cơ tiêm kích và 97000 oanh tạc cơ mà tổng sản lượng của cả Liên Xô lẫn Anh quốc cộng lại cũng không quá 60 000 phi cơ mỗi loại (*).
Giới tướng lãnh quốc phòng kỳ cựu của Hoa Kỳ chống đối quan niệm quốc phòng mới của tổng thống Trump vì không muốn thừa nhận là từ lâu, họ đã bị mắc mưu của Trung cộng, đem dồn không biết bao nhiêu công sức sức mạnh quốc phòng và thời gian để triệt hạ các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, không lo lắng gì đến Trung cộng, mà trên thực tế, các nhóm này thật sự không đủ khả năng để có thể làm mất đi vai trò lãnh đạo toàn cầu và trật tự thế giới mới mà Hoa Kỳ đã thiết lập sau đệ nhị thế chiến.
Khả năng của Trung cộng để có thể sửa đổi trật tự thế giới mới đã tăng vọt rất nhiều kể từ thập niên 1990 trở đi vì giới tướng lãnh bộ Quốc phòng và giới lãnh đạo của Hoa Kỳ đã sai lầm bỏ quên Trung cộng.
Trung cộng từ lâu ủng hộ hết mình Hoa Kỳ về mặt ngoại giao để Hoa Kỳ an tâm dồn toàn lực càn quét các quốc gia chứa chấp khủng bố.
Hoa Kỳ vì thế đã bỏ lửng không kiềm hãm Trung cộng một cách cần thiết kể từ thập niên 1980 vì tin rằng Trung cộng sẽ hành xử như là một “cường quốc có trách nhiêm”, luôn đồng hành với Hoa Kỳ.
Theo chính sách “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình đề ra, Trung cộng lợi dụng Hoa Kỳ lơ là nên đã âm thầm phát triển sức mạnh quốc phòng một cách tối đa cho đến vào cuối thập niên 2000, các chiến lược gia quân sự và tình báo của Hoa Kỳ bắt đầu la hoảng về sức mạnh quân sự của Trung cộng thì giới chức lãnh đạo ở Hoa Thịnh đốn bàng hoàng và tìm đủ cách chiều chuộng để thuyết phục Trung cộng với hy vọng chế độ cộng sản này tiếp tục hành xử có trách nhiệm, đồng hành với Hoa Kỳ trong tương lai.
Thấy được nhược điểm này của Hoa Kỳ, Trung cộng bắt đầu đẩy mạnh các yêu sách của mình về lãnh hải, gia tăng chiếm giữ, xây lấp các đảo tại biển Đông và thúc ép Hoa Kỳ phải chia sẽ quyền lãnh đạo Đông Nam Á với Trung Cộng, mà Hoa Kỳ vốn nào giờ là chủ nhân ông duy nhất ở vùng Đông Nam Á sau đệ nhị thế chiến.
Dưới ba triều Clinton, Bush và Obama, việc Hoa Kỳ nỗ lực thương thảo hòa đàm, nhân nhượng thuyết phục với Trung cộng hết lời, đã không những không làm tình hình căng thẳng quân sự tại biển Đông được cải thiện mà ngược lại, càng làm tình hình căng thẳng nơi này ngày một tồi tệ hơn, nhất là sau khi Trung cộng từ chối thi hành phán quyết của tòa án quốc tế về biển đảo PCA vào tháng Bảy năm 2016. Phán quyết này công nhận Phi có chủ quyền tại các đảo Hoàng Nham. Trung cộng coi thường phán quyết của tòa án quốc tế như vậy mà Hoa Kỳ vẫn không thể làm gì được để răn đe khiến uy tín lãnh đạo của Hoa Kỳ bị suy sụp nghiêm trọng chưa từng thấy.
Luật sư Gordon Chang, chuyên gia lừng danh chuyên phân tích các vấn đề của Trung cộng, trong bài viết với tựa đề: “Forty Years After U.S. Recognition, China Is ‘America’s Greatest Foreign Policy Failure’” (**), tạm hiểu ý là: “Sau hơn 40 năm, Hoa Kỳ (cuối cùng) cũng thưà nhận Trung cộng là bằng chứng của chính sách đối ngoại tồi tệ nhất của mình”, có đoạn viết ông như sau:
“American trade and investment has enriched China, and it is the enrichment of China that has allowed Beijing to build a fearsome military that Luo and others are using to threaten America. Until Luo and his colleagues accept international norms—and that has not happened despite four decades of “engagement”—the U.S. should disengage its economy from China’s.”
Nghĩa là: “Thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ đã làm Trung cộng giàu mạnh lên, và chính sự giàu có này đã cho phép Bắc Kinh có đủ điều kiện xây dựng một quân đội đáng sợ mà tướng Luo và những tướng lãnh khác (của Trung cộng) đang sử dụng để đe dọa ngược trở lại Hoa Kỳ (?!!). Cho nên đến khi nào tướng Luo và các các tướng lãnh khác của Trung cộng chấp nhận tuân thủ các chuẩn mực hành xử của quốc tế, và điều đó đã không xảy ra mặc dù đã có bốn thập kỷ Trung cộng quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, Hoa Kỳ không nên tiếp tục giúp Trung cộng làm giàu nữa.”
Quan niệm hợp tác “hữu nghị” với Trung cộng theo đường lối của Henry Kisinger từ thập niên 1970 đã đẩy nước Mỹ vào thế bị đe dọa như chúng ta thấy ngày nay. Xin lưu ý là Trung cộng cưỡng chiếm được Hoàng Sa cho đến ngày nay, cũng là vì Henry Kisinger gây áp lực buộc Hải quân Hoa Kỳ không can thiệp khi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa lâm chiến với Trung cộng vào tháng Giêng năm 1974. Ngày nay, tàu chiến của Hoa Kỳ vào vùng biển này phải ở thế tác chiến vì thường xuyên bị đe dọa tấn công bởi Hải quân Trung cộng. Henry Kisinger cũng hậu thuẫn Hoa Kỳ quan hệ kinh tế với Trung cộng sau cú phản bội đồng minh Việt Nam Cộng Hòa năm 1975. Rõ ràng, hành động phản bội đồng minh 40 năm trước nay đã trở thành quả báo tại hại nặng nề cho Hoa Kỳ.
Do đó, có lẽ Tổng thống Trump có cùng nhận định với Gordon Chang và nghĩ rằng chiến lược đối phó Trung cộng trước giờ không hiệu quả và cần phải thay đổi. Sức mạnh quân sự Trung cộng hiện nay thật sự là bằng chứng của một đường lối quân sự sai lầm mà ông không muốn tiếp tục.
Vì vậy, Trump nghĩ rằng cần phải đưa ra một chiến lược quốc phòng tập trung toàn lực uy hiếp Trung cộng hơn là tham dự các cuộc chiến lăng nhăng mà Hoa Kỳ bị lôi kéo bởi quan niệm quốc phòng lỗi thời và bởi những Đồng Minh không cần thiết. Trung cộng mới thật sự là mối nguy hại của Hoa Kỳ.
Cũng xin trình bày rõ hơn là đang có những lo lắng từ mọi phía là Trump tìm đủ cách hòa đàm với Chủ tịch cộng sản Bắc Hàn để tìm cách rút bớt quân ra khỏi Nam Hàn.
Theo ý của Tổng thống Trump, sự đe dọa của Bắc Hàn đối với Mỹ chỉ là ảo, là do hệ thống truyền thông thổi phòng. Cũng theo ý của tổng thống Trump, Bắc Hàn thật sự chẳng có thể làm gì được Hoa Kỳ. Còn nếu Nam Hàn muốn nhìn thấy Hoa Kỳ hiện diện quân đội y như trước giờ thì phải gia tăng đóng góp thêm kinh phí. Nền kinh tế Nam Hàn ngày nay không còn nghèo nàn thê thảm hơn cả Việt Nam Cộng Hòa như thập niên 50-60 nữa nên tăng kinh phí trợ giúp cho Hoa Kỳ là điều khả thi.
Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mattis là người cản Tổng thống Trump thi hành những dự định táo bạo này, nhất là đối với Nam Hàn vì cho rằng sự thay đổi đột ngột về chiến lược như vậy sẽ làm chao đảo lan rộng trên toàn thế giới, từ Seoul đến Paris và để nghị nhiều biện pháp ôn hòa hơn để khiến kinh phí hiện diện quân sự khắp nơi trên toàn cầu của Hoa Kỳ được giảm xuống một cách có chừng mực. Tướng Mattis vì vậy được giới truyền thông của Hoa Kỳ ca ngợi là “người vị thành niên duy nhất” trong “bày trẻ con” trong nội các của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, giới tướng lãnh bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải thừa nhận quan điểm của Tổng thống Trump là muốn đối phó với Trung cộng phải tập trung toàn lực là điều đúng đắn. Giới tướng lãnh tuy cố chấp nhưng lại không ngu để nhận thấy Trung cộng hung hiểm và hùng mạnh như thế nào. Sự hiện diện quân sự ở bất cứ nơi nào khác lúc này là không cần thiết đối với Hoa Kỳ vì hiện nay chỉ có Trung cộng mới đủ sức để làm vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ chao đảo.
Do đó, Shanahan trở thành quyền Bộ trưởng bộ Quốc phòng ngay sau tướng Mattis từ chức để thực hiện chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Trump.
Báo chí ở Hoa Kỳ đồng loạt đưa tin ngay trong ngày Shanahan đảm nhiệm trách nhiệm Bộ trưởng, khi họp với giới chức kỳ cựu của bộ Quốc phòng, ông đã nhấn mạnh như sau đối với mọi người: “Remember China, China, China” (**), tạm hiểu ý của quyền tân Bộ trưởng là: “Phải để tâm đến Trung cộng, Trung cộng, Trung cộng.”
Không biết có phải lời nói trên của quyền Bộ trưởng Shanahan trong buổi họp nội bộ của bộ Quốc phòng có sức mạnh bay về đến Việt Nam hay không, nhưng ngay sau đó, cộng sản Việt Nam đột nhiên tuyên bố cứng rắn với Bắc Kinh, trong đó khẳng định công khai Hoàng Sa thuộc Việt Nam và Trung cộng đã cưỡng chiếm quần đảo này một cách trái phép.
Một sự thay đổi khác là chiến hạm Hoa Kỳ lại đâm thẳng vào Hoàng Sa trong thời gian hai tuần qua, bất chấp những hù dọa trực tiếp của Trung cộng lên Đài Loan cùng thời điểm. Hoa Kỳ có vẻ như không còn muốn đánh đổi sự an bình tạm thời của Đài Loan bằng những nhịn nhục quá thương hại mà mình đã phải chịu đựng trong quá khứ về biển Đông.
Còn quá sớm để có thể biết sự thay đổi của đường lối chiến lược quân sự của Hoa Kỳ tại biển Đông sẽ cụ thể như thế nào, nhưng chắc chắc, sự ra đi của Mattis đã khiến chính sách của Hoa Kỳ về biển Đông sang trang mới.
Và ở trang mới về chiến lược này, Trung cộng khó có thể nhìn thấy một sự nhượng bộ nào nữa từ Hoa Kỳ. Ngược lại, Trung cộng lại có thể thấy sự hiện diện lực lượng Không Hải của Hoa Kỳ thường trực hơn và ồ ạt hơn tại vùng này trong một thời gian rất ngắn, bất kể là quan hệ mậu dịch giữa Trung cộng với Hoa Kỳ có được cải thiện hay không.
Hoa Kỳ không cần mối quan hệ mậu dịch với Trung cộng để duy trì quyền lãnh đạo thế giới nhưng lại cần tiêu diệt hoặc kềm hãm tối đa sức mạnh quân sự hung hãn bất chấp luật lệ thế giới của Trung cộng tại biển Đông để duy trì vị thế lãnh đạo của mình.
Tổng thống Trump thấy được điều đó, các tướng lãnh của Hoa Kỳ thấy được điều đó và đương nhiên, giới trí thức của Mỹ như Gordon Chang chẳng hạn cũng thấy được điều đó.
Sau hơn 40 năm sai lầm quá nhiều tại Việt Nam và Đông Nam Á, trong đó có cả phản bội đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, con diều hâu trắng mang tên Uncle Sam đã thức tỉnh và gào lên: ” Remember China, China, China” khiến biển Đông lại dậy sóng.
Nguyễn Trọng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét