Ngày xưa tôi học trung học ở trương Hồ Ngọc Cẩn, thuộc tỉnh lỵ Gia Đinh. Vì học sinh đông mà lớp thiếu, trường tôi phải chia làm hai "xuất" học: buổi sáng dành cho học sinh Trung Học Đệ Nhất Cấp (các lớp Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ), buổi chiều cũng cùng các lớp học trên, nhưng để dành cho học sinh Trung Học Đệ Nhị Cấp (các lớp Đệ Tam, Nhị, Nhất).
Dĩ nhiên, tuy cùng ngồi chung lớp, nhưng học sinh buổi sáng và buổi chiều không bao giờ biết mặt nhau, có lẽ chỉ trừ vào những ngày tổ chức văn nghệ toàn trường.<!>
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng lúc tôi còn học Đệ Ngũ.
Tôi còn nhớ lớp tôi để bản hiệu là 5P1 (Đệ Ngũ ban Pháp Văn 1).
Năm đó ba tôi sắm cho tôi một cây "viết máy" để tôi đi học, để thay cho viết dùng "bình mực không đổ" mà tôi có từ hồi tiểu học. Nhưng dùng viết máy thì lâu lâu phải "bôm" mực.
Hôm đó, trong giờ ra chơi, tôi ở lại trong lớp, đang hỳ hục bôm mực vào viết thì một tai nạn nhỏ xảy ra: một thằng bạn đá banh trúng vào bình mực làm đổ mực đầy vào áo sơ mi trắng của tôi và dính đầy bàn học của tôi trong lớp!
Tôi nhìn chiếc áo sơ mi trắng lem đầy mực mà thấy rầu rầu trong bụng, vì gia tài tôi chỉ có 2 cái sơ mi đồng phục trắng để đi học. Cái kia thì đã bị rách lưng lúc tôi đâm xe gắn máy của ông anh vào hàng rào kẻm gai nhà hàng xóm, lúc tôi tập lái xe gắn máy mấy hôm trước, má tôi chưa vá xong!
Bây giờ lại đến số phận áo này!
Tôi lo chắc thế nào về nhà cũng bị bà già la cho một trận nữa. Điệu này, chắc tôi phải mặc chung áo sơ mi trắng của ông anh cho đến khi má tôi có tiền sắm cho tôi cái khác!
Sáng hôm sau, mặc chiếc áo sơ mi vá lưng vào lớp, tôi ngượng ngùng đi vào chỗ ngồi, vừa lấy tập vở ra khỏi cặp vừa lấm lét nhìn chung quanh, lo không biết tụi bạn ngồi phía sau có "chọc quê" tôi không!
Khi cầm tập vở bỏ vào trong ngăn bàn học như thường lệ, tôi chợt nhìn thấy một mảnh giấy nhỏ ai đã để sẵn trong hộc bàn.
Tôi ngạc nhiên cầm tờ giấy lên thì thấy trong đó có một hàng chữ viết rất ngang ngược:
"Thằng nào làm đổ mực đầy bàn ông thế, bẩn quá!"
Phía dưới hàng chữ còn có hình một cái sọ người nằm giửa hai khúc xương trong thật kinh dị!
Tôi không biết phải phản ứng thế nào nên cầm tờ giấy đưa cho tụi bạn trong lớp xem để tụi nó giúp ý kiến. Có một đứa trong lớp bàn:
"Điệu này chắc chắn là mấy "thằng đệ tam" ngồi bàn mày buổi chiều viết chứ không ai khác. Anh tao nói mấy tụi đệ tam mới lên đệ nhị cấp đứa nào cũng tưởng mình "ngon" nên tụi nó lối lắm!"
Lúc đó tôi nghĩ nếu tôi lờ luôn chắc cũng không sao vì lớp buổi sáng và lớp buổi chiều có bao giờ gặp nhau đâu thì việc gì phải sợ!
Nhưng lúc tan lớp, không hiểu sao tôi lại quyết định viết vài chữ xin lỗi lên tờ giấy rồi bỏ vào hộc bàn trước khi ra về.
Sáng hôm sau, tôi lại còn đem nùi giẻ và xà bông vào rồi cố gắng lau chùi mặt bàn cho bớt mực.
Vài hôm sau, tôi lại nhận được một mảnh giấy khác trong hộc bàn:
"Giỏi lắm, ông có lời khen!"
Tôi thấy anh chàng đệ tam này ngang ngược quá nên không thèm viết gì trả lời.
Mấy tuần sau, có lẽ anh chàng đệ tam này biết mình hơi quá đáng nên một hôm tôi nhận được một mảnh giấy viết có vẻ như muốn nhân nhượng làm quen:
"Tao tên Thành, đệ tam 3A2. Còn mày tên gì?"
Tôi viết lại trả lời: "Tôi tên Hà, đệ ngũ 5P1"
Sáng hôm sau, tôi đọc câu trả lời của Thành mà lòng tức muốn sôi máu:
"Ô hay, bộ hết tên sao mà tên Hà. Trường Hồ Ngọc Cẩn là trường nam, sao mày không nộp đơn vô trường nữ Lê Văn Duyệt bên cạnh mà học!"
Phía dưới, Thành lại còn viết hai chữ "Ha, Ha" như muốn cười chọc tức thêm!
Từ lúc còn tiểu học, tôi đã mang mặc cảm có tên con gái. Có lần tôi hỏi ba tôi nỡ nào đặt tên tôi là "Hà" chi vậy để tụi bạn cứ chọc quê hoài, ông già trả lời là ổng muốn cho tên tôi vần điệu với tên của các ông anh trước của tôi! “Thiệt tình, tía ơi là tía!”
Cho nên khi tên Thành này viết chọc tức như vậy, tôi không dằn được cơn tức giận, nhưng vì tôi còn đệ ngũ , hiền quá không biết cách viết trả đủa mạnh mẻ nào khác, tôi chỉ ôn tồn viết lại:
"Tôi không muốn nói chuyện với anh nữa!
Tôi không muốn nói chuyện với anh nữa!
Tôi không muốn nói chuyện với anh nữa!
......................
Tôi không muốn nói chuyện với anh nữa!
......................
Tôi không muốn nói chuyện với anh nữa!"
cả chục lần như vậy rồi thôi!
Khoảng gần cả tháng sau, tưởng mọi chuyện đã qua, ai ngờ một hôm tôi lại nhận được câu làm lành của Thành:
"Xin lỗi nha, bớt giận đi bạn, huề cả làng nhé!"
Tôi nhất định không viết gì trả lời.
Nhưng anh chàng Thành này dai như đỉa, thấy tôi không trả lời, vài hôm sau viết thêm:
"Sao, có bồ chưa? Tả về em cho ta nghe xem!"
Tôi viết lại: "Thôi đi cha nội, tui mới đệ ngũ mà bồ với bịch gì!"
Thành lại viết, giọng điệu khoe khoang:
"Yếu thế! Hồi học đệ ngũ là tao đã có bồ rồi, chứ đâu phải yếu như mày!"
Tôi lại làm ngơ không trả lời gì!
Một lần khác, Thành lại viết một câu làm tôi giật bắn người:
"Mày thấy cô Ngọc Anh dạy Vạn Vật thế nào? Đẹp quá nhỉ! Mấy cô bạn gái của tao không có đứa nào so được với cổ! Tiếc là năm nay tao không còn học giờ của cổ nữa!"
Ai đã từng đi học ở trường trung học Hồ Ngọc Cẩn mới hiểu được nỗi lòng của biết bao nhiêu thầy trò ở trường này!
Cô Ngọc Anh, một cô giáo trẻ, dạy môn Vạn Vật ở các lớp "Đệ Nhất Cấp" HNC.
Cô nổi tiếng là có một sắc đẹp đài trang quí phái, dáng dấp cô lại rất đoan trang thùy mị.
Cô giảng bài, nói chuyện ôn tồn, kín đáo.
Nụ cười của cô không những làm điêu đứng nhiều thầy, mà lại còn ru hồn không biết bao nhiêu trò lơ lững vào những khoảng không gian chơi vơi vô tận!
Có thằng bạn không biết học ở đâu ra mà có lần nó tả về nụ cười của cô Ngọc Anh "như một sức mạnh phi thường, có thể làm cho không gian tan biến thành thời gian trong khoảnh khắt!"
Cho nên khi Thành nhắc đến cô Ngọc Anh dạy môn Vạn Vật, tâm hồn thơ ngây đệ ngũ của tôi trong khoảnh khắt cũng không tránh khỏi sự va chạm giửa không gian và thời gian đó!
Trở lại chuyện trò chơi thơ từ giửa tôi và Thành, đến cuối niên khóa thì cũng chấm dứt.
Ngày cuối cùng trước khi bãi trường, anh chàng đệ tam Thành này viết cho tôi một bức thơ chót dài hơn thường lệ.
Trong thư, Thành chúc tôi may mắn trong những năm sắp tới và còn dặn dò là lúc lên Đệ Tứ nên bớt thì giờ học môn Vạn Vật mà nên chú tâm đến Toán Lý Hóa vì các môn này không những khó mà các thầy phụ trách môn Toán Lý Hóa lại càng khó thêm!
Sau ba tháng hè, ngày tựu trường lại đến.
Tôi lên Đệ Tứ, vẫn học "xuất" sáng như năm ngoái. Ba tôi hưu trí. Anh cả tôi bắt đầu đi làm nên có tiền mua cho tôi một cây viết máy khác để thay cho cây viết máy cũ cứ chảy mực hoài, làm túi áo sơ mi nào tôi mặc cũng bị lem mực!
Nói về áo sơ mi trắng đồng phục, năm nay tôi được 3 cái: một cái mới má tôi mua cho tôi năm ngoái để thay cho cái bị rách và cái bị dính mực đầy áo mà bà không tẩy ra hết, cộng với cái áo cũ của ông anh kế để lại! Lớp đệ tứ 4P1 chúng tôi bây giờ nằm ở trên lầu một.
Bàn ghế thật sự cũng không khá gì hơn bàn ghế tôi ngồi năm ngoái, chỉ được chỗ là tương đối ít lem mực hơn! Nhưng bù lại, tôi thấy nhiều hình trái tim có mũi tên rướm máu khắc rải rác trên các mặt bàn hay trong hộc bàn chỗ để tập vở!
Trong mấy tháng đầu đệ tứ, quả thật Toán Lý Hóa, các môn chính của chương trình Ban "B" mà tôi đang theo, khó hơn hồi còn đệ ngũ, đúng như lời ông bạn Thành nói năm ngoái. Tuy nhiên, đối với môn Vạn Vật, môn phụ trong ban B, tôi vẫn say mê học hỏi không xót chữ nào để không phụ lòng cô giáo!
Năm đệ tứ, chán nhất là giờ Sử Ký, hay nói đúng ra là ông giáo già phụ trách môn này! Mỗi lần học giờ Sử, tôi đều mong cho hết nhanh để đổi qua giờ Vạn Vật! Nhiều thằng bạn ghiền giờ Vạn Vật đến nỗi có đứa ước gì cô giáo dạy Vạn Vật phụ trách luôn hết tất cả các môn học trong trường!
Một hôm, trong giờ Sử, đến đoạn thầy giảng trên bảng về quân Mông Cổ man rợ đang xâm lấn tàn phá bờ cõi nước Nam, tôi chợt nhớ đến ông bạn Thành cũ cũng ngang ngược không kém gì quân Mông Cổ! Rồi bỗng dưng tôi thấy nhớ nhớ trò chơi viết thơ trong hộc bàn với Thành năm ngoái! Từ đó tôi nảy ra ý định chơi lại trò này với người đang ngồi cùng chỗ với tôi vào buổi chiều!
Tôi nghĩ, năm ngoái không may gặp phải ông bạn Thành phách lối, biết đâu chừng năm nay sẽ gặp người bạn mới lịch sự hơn, biết điều hơn? Vả lại nếu họ viết lách đàng hoàng thì mình chơi tiếp, nếu không thì thôi, đâu có gì thiệt hại!
Nghĩ là làm. Tôi xé một mảnh giấy nhỏ rồi viết vội vài dòng:
"Chào anh, tôi tên là Nguyễn Văn Hà, học lớp Đệ Tứ 4P1. Còn anh tên gì ?"
Sáng hôm sau, vừa vào lớp, tôi vội vã thọc tay vào hộc bàn, hồi họp xem có ai viết gì trả lời không!
Thật vô cùng thích thú khi tôi nhận được mảnh giấy với một câu trả lời rất nhã nhặn:
"Chào Hà. Tôi tên là Lâm Quí Trung, đang học lớp Đệ Nhất 1A2. Rất vui được làm quen với bạn. Mong sẽ có nhiều dịp viết thơ trao đổi với bạn!"
Phía dưới, anh Trung còn viết thêm "Tái Bút":
"Tên bạn giống nhạc sĩ Lê Hựu Hà mà tôi rất ái mộ!"
Đọc vài dòng vắn tắt của anh Trung, tôi thấy hài lòng và có cảm tình lập tức với anh bạn mới này, chả bù với ông nội Thành xất xược năm ngoái!
Hơn nữa , qua một câu tái bút ngắn gọn, anh Trung xóa đi nổi mặc cảm về tên con gái của tôi khi anh đưa ra thí dụ về người nhạc sĩ nổi tiếng mà giới sinh viên, học sinh khắp Việt Nam đều hâm mộ lúc đó. Thật là một sự trùng hợp thích thú khi người nhạc sĩ tài hoa này có cùng tên với tôi!
Đến giờ Sử sau đó, trong lúc trên bảng, giặc Tàu đang hung hăng tràn qua biên giới phá hoại thành trì nước ta, tôi cũng cắn bút suy nghĩ không biết nên viết gì để cám ơn lòng tốt của người bạn mới.
Đến khi tôi viết xong câu trả lời, thì trên bảng, thành Thăng Long cũng vừa thất thủ!
Trong những bức thơ sau, chúng tôi viết về những chuyện cá nhân của mình. Anh Trung cho biết, anh là anh cả trong một gia đình 4 anh em, mà 3 đứa em kế toàn là con gái! Anh thích nhạc, triết và thơ văn hơn Toán Lý Hóa!
Sau một thời gian ngắn, thơ từ của chúng tôi qua lại như giửa hai người bạn thân, mặc dù chúng tôi chưa từng gặp mặt nhau bao giờ.
Có một lần tôi bạo dạn viết hỏi:
"Anh có thích cô Ngọc Anh dạy Vạn Vật mấy lớp nhỏ không?"
Tôi cũng ngạc nhiên cho chính mình là mặc dù không có cảm tình với cha nội Thành lắm, nhưng không hiểu sao, tôi bắt chước viết thư kiểu Thành như đúc!
Anh Trung viết trả lời, rất thành thật:
"Lúc tôi còn học Vạn Vật với cô Anh, cô là thần tượng duy nhất của tôi! Mấy năm nay không còn học Vạn Vật, tôi thấy nhớ ánh mắt và nụ cười của cổ quá! Nhưng...thú thật với bạn, hiện giờ tôi đang làm quen với một người con gái. Cô đó là bạn thân cùng lớp với em gái tôi, học ở trường nữ Lê Văn Duyệt cạnh bên! "
Từ hôm đó, tôi không ngờ tôi trở thành nhân chứng bất đắc dỉ cho mối tình của một người thanh niên mới biết yêu lần đầu!
Trong những thư sau, anh Trung say mê viết kể lại về những buổi hẹn hò, những cảm giác êm đềm khi anh và cô bạn gái Lê Văn Duyệt của anh thề trăng hẹn biển! Thơ của anh càng ngày càng dài. Anh viết như để trút hết những nổi lòng thầm kính của mình, để kể lể, để tâm sự hơn là để trao đổi gì với tôi. Vả lại lúc đó tôi chỉ mới 13 tuổi, biết gì mà trao đổi!
Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng đóng góp được vài điều hửu ích cho anh. Có lần anh muốn làm một bài thơ viết về người yêu của mình để tặng cho cô ta, nhưng bí vài câu!
Anh cho tôi đọc thử và hỏi thăm ý kiến.
Tôi đem bài thơ viết chưa xong đó bàn với tụi bạn xem có thể giúp gì được cho ảnh.
Trong giờ ra chơi hôm đó, chúng tôi ngồi trong lớp, hình dung lại nét đẹp và nụ cười của cô giáo Vạn Vật rồi viết lại bài thơ thật tình tứ, lãng mạn tả về cô nữ sinh Lê Văn Duyệt, người yêu dấu của anh!
Anh Trung kể lại là sau khi người yêu của anh đọc xong bài thơ của chúng tôi, anh đã được cô ấy thưởng bằng những nụ hôn nồng cháy!
Một lần khác, anh cầu viện cấp cứu vì người yêu đang giận không muốn hẹn hò với anh nửa! Sau khi bàn với nhau, có thằng bạn về nhà lục một xấp nhật trình tìm trang "Gở rối tơ lòng" của bà Tùng Long để tham khảo cách giải quyết!
Lần đó, anh Trung viết thơ cám ơn rối rít về kết quả khả quan khi anh làm theo ý kiến của "tôi"!
Rồi ngày tháng qua nhanh.
Trong một giờ Sử gần cuối năm, trên bảng lúc quân Nam tan rã hàng ngũ trước sức mạnh bạo tàn của quân Nguyên xâm lược, thì anh Trung cho biết mối tình của anh với cô nữ sinh Lê Văn Duyệt yêu kiều cũng vừa xụp đổ!
Nghiêm trọng hơn nữa là suốt một năm Đệ Nhất của anh, anh chỉ lo làm thơ, chơi nhạc, tâm hồn bị lôi cuốn vào mối tình vô vọng, nên không chú tâm vào chuyện học hành.
Kỳ thi Tú Tài Hai sắp đến rồi mà trong đầu anh hoàn toàn không có một chữ nào để thi cả! Mà trong thời buổi chiến tranh lúc đó, thanh niên Việt Nam "hỏng Tú Tài là phải đợi ngày đi!"
Trong bức thơ cuối cùng anh gởi cho tôi trước ngày bải trường, anh viết:
"Cuộc tình của tôi đã tan vỡ. Cả năm trời không học hành gì nên chắc kỳ thi Tú Tài Hai này sẽ rớt! Có lẽ tôi sẽ bị động viên. Mà thật sự tôi cũng muốn bỏ đi xa để quên đi cuộc tình vô vọng! Có lẽ tôi sẽ xin vào Trung Tâm Huấn Luyện Sĩ Quan Thủ Đức!"
Sau cùng, anh chúc cho tôi may mắn trong những năm học sắp tới lúc tôi lên "Đệ Nhị Cấp"!
Đó là lần cuối cùng tôi liên lạc với anh!
o O o O o O o
Sau 3 tháng hè, tựu trường năm nay tôi lên Đệ Tam, năm đầu tiên của chương trình Trung Học Đệ Nhị Cấp. Tôi thấy hãnh diện chẳng khác nào như học Karate từ đai trắng được thăng lên Huyền Đai Đệ Nhất Đẳng!
Lớp Đệ Tam của tôi bây giờ nằm trên dãy lầu hai. Năm nay lên Đệ Tam rồi nên tôi không thèm xài viết máy nửa mà bắt đầu xài viết "nguyên tử" cho "xứng đáng với địa vị mới của mình"!
À, mà năm nay tôi bắt đầu đổi qua học xuất chiều. Như vậy có nghĩa là tôi có thể có cơ hội gặp được mặt ông bạn Thành (bây giờ chắc đang học Đệ Nhất), để "trao đổi" nổi niềm uất ức với anh ta mà tôi đã nhịn nhục đằng đẵng suốt 2 năm trời!
Thỉnh thoảng trong giờ ra chơi, tôi cũng đảo mắt nhìn vào nhóm Đệ Nhất, xem có ai có nét ngổ nghịch giống Thành không. Nhưng đa số thấy mấy anh Đệ Nhất mặt mày ai cũng có vẻ nghiêm trang, mẫu mực.
Có lẽ họ đang lo lắng chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài Toàn Phần cuối năm! Bất giác, tôi nhớ đến anh Trung.
Chắc giờ này ảnh đang cầm súng "bò hỏa lực" tập trận trong Quân Trường Thủ Đức! Hy vọng mối tình thứ hai của anh sẽ khả quan hơn!
Ông giáo già dạy Sử Địa đã về hưu. Năm nay thầy phụ trách môn Sử Địa mới được chuyển về, còn trẻ, nhiều năng lực nên giảng bài rất sống động.
Mỗi khi thầy giảng về nước Nam bị giặc giả xâm lăng, chúng tôi ai cũng thấy khích động muốn đứng lên dựng cờ khởi nghĩa!
Năm nay, thực dân Pháp bắt đầu đô hộ nước ta. Nước An Nam bắt đầu chuyển sang một trang sử mới!
Nhưng nếu nước An Nam đang đổi qua trang sử ngoại xâm mới thì quyễn sách lòng tôi cũng đang chuyển qua chương sách đau lòng mới! Giờ Sử dù có sống động cách mấy, tôi vẫn thấy đi học buổi chiều không còn thơ mộng như hồi còn buổi sáng Đệ Nhất Cấp, vì từ nay chương trình học không còn môn Vạn Vật yêu dấu nữa!
Niên học năm nay thời tiết thay đổi thất thường quá. Buổi chiều vào lớp học trời cứ đổ mưa tầm tã. Ngồi trong lớp nhìn ra cửa sổ, thấy chim chóc ủ rũ đứng trú mưa, tôi cũng thấy lòng xao xuyến như vắng đi một hình bóng nào!
Có lúc tôi cũng muốn chơi lại trò viết thơ bỏ ngỏ dưới hộc bàn như hai năm trước để "hù" lại mấy đám đàn em Đệ Nhất Cấp cho đỡ buồn, nhưng rồi thôi vì không còn hứng thú nữa!
Rồi lại có lúc tôi thầm ước sao cho trường tôi đổi chương trình để học sinh Đệ Nhị Cấp được tiếp tục học môn Vạn Vật cho đến hết Trung Học!
Và thời gian cứ lững thững trôi đi.
Tôi giờ cũng học xong Đệ Tam.
Những năm Đệ Nhị, Đệ Nhất tôi không dám xao lãng việc học vì anh cả tôi thay mặt ông già kèm tôi sát vào khuôn khổ học hành kỹ luật để chuẩn bị thi hai kỳ Tú Tài! Sử Địa những năm Đệ Nhị, Đệ Nhất càng ngày càng hấp dẫn.
Nhưng cứ mỗi lần ngồi trong lớp nhìn thấy chim chóc ủ rũ trú mưa ngoài cửa sổ, tôi cứ không dằn được niềm nhớ thương môn Vạn Vật. Có lẽ cô giáo môn Vạn Vật đang mỉm cười đâu đó!
Buổi học chót trước khi bãi trường để chuẩn bị thi Tú Tài Hai, lũ bạn trong lớp lăng xăng ồn ào ôn lại đề thi, viết lưu bút cho nhau hay bàn tính chuyện tương lai. Chỉ có tôi thẫn thờ ngồi yên, lơ đãng nhìn ra sân trường.
Bất chợt tôi chép miệng như muốn nói khẽ với ai một mình:
“Cô ơi, em lại sắp sửa vào đại học đến nơi rồi! Cuối năm em sẽ rời xa trường, không biết ngày nào mới gặp lại cô!"!
Ngoài sân, mưa rào tháng sáu vẫn đổ từng cơn tầm tã...
Trên khung cửa sổ, con chim nhỏ vẫn đứng buồn ủ rũ kêu chim chíp, thiết tha, không ngớt...
Nguyễn Văn Hà
(Cựu Học Sinh Hồ Ngọc Cẩn 63 - 70)
Em xin chân thành kính tặng cô Ngọc Anh dạy môn Vạn Vật ở trường nam trung học Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định vào thập niên 60's.
Nụ cười hiền hòa của cô đã gây dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn ngây thơ của một đứa học trò đệ nhất cấp vừa mới lớn!
Nguyễn Văn Hà, HNC 63 - 70
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét