Andy
Từ
Đông Hà, thị trấn cực bắc lãnh thổ miền Nam, Đường số 9 bắt đầu chạy về
hướng Tây qua những vùng đồi Cam Lộ, Hương Hóa, Lao Bảo để cuối cùng
đến Khe Sanh với tiền đồn Làng Vây, sát biên giới Lào-Việt. Qua biên
giới, con đường tiếp tục đi dọc sông Tchépone một đoạn dài khỏang 40 cây
số, giao tiếp với đường Hồ Chí Minh tạo nên vùng hậu cần quan trọng
thuộc hệ thống Binh Trạm 604, 611 (lưu ý các phiên hiệu 604; 611- Có
nghĩa, cơ sở đã thành hình từ những năm 60, 61- Thời điểm dựng bảng hiệu
Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 19/12/1960) của đường dây chuyển vận
Bắc-Nam, nguồn huyết mạch sinh tử đối với binh đội cộng sản. Thế nên Bộ
Tổng Quân Ủy Miền Bắc quyết chiếm giữ, duy trì vùng tiếp vận quan yếu
nầy bằng mọi giá trong suốt cuộc chiến tranh xâm nhập, lật đổ Miền Nam.<!>
Tổng
Công Kích đợt I Mậu Thân đầu năm 1968, miền Nam đã có hơn 19,000 người
chết gồm dân và lính (số chính xác là 4,959 quân nhân VNCH tử trận và
14,300 thường dân thiệt mạng) Và đến năm 1970, toàn bộ sào huyệt hậu
cần, từ chiến khu C, D miền Đông Nam Bộ đến Trung Ương Cục Miền Nam trên
đất Miên bị phá vỡ… Giới chức Mỹ-Việt ước đoán tiềm lực xâm lược miền
Nam của phía cộng sản phải có dấu hiệu đình hoãn, hoặc suy giảm, và
chiến dịch đánh qua đất Lào (đầu năm 1971) được hình thành để thực hiện
quan niệm: Cắt đứt đường tiếp vận Bắc – Nam với tên thường gọi, Đường
mòn Hồ Chí Minh. Nhưng không đúng với thực tế, bởi đã là một hệ thống
đường có khả năng để chiến xa hạng nặng di chuyển với ống dẫn dầu, hệ
thống tiếp liệu, tiếp vận quan trọng bố trí dày đặt tại điểm sinh tử
Tchépone để đổi lấy một số thời gian an toàn đủ hoàn thành các đợt rút
quân; ký kết Hiệp Định Paris trên thế lợi, tiếp rút khỏi Đông Dương như
ứng cử viên tổng thống (tháng 10/1968) Nixon đã từng hứa hẹn với cử tri
Mỹ.
Sự
thật không xẩy ra như ước tính và hy vọng (!), dù với tỷ lệ khả thể nhỏ
nhất. Để yểm trợ cho những mặc cả chính trị tại Hội Nghị Ba-Lê đang đi
vào thời điểm quyết định (mà sau nầy sẽ thấy rõ hơn ở năm 1972), phía Hà
Nội lại chuẩn bị cho lần xâm lược mới qua việc thành lập Quân Đoàn 70B
chỉ huy hành quân ba sư đoàn 304, 308 và 320 – những đơn vị phụ trách
toàn vùng Nam Lào, bao gồm khu Phi Quân Sự, lãnh địa cực Nam của Miền
Bắc. Tướng Võ Nguyên Giáp từ Tháng 10/1970 đã ra chỉ thị cho những đơn
vị trên chuẩn bị kế hoạch phản công trường hợp quân đội miền Nam tiến
đánh vùng Nam Lào qua việc thiết lập những vị trí pháo, khu vực phục
kích, những vùng trực thăng (có thể) đổ quân.. Có nghĩa: Phía Bắc quân
đã chuẩn bị kế hoạch phản công từ khi chưa có lệnh Hành Quân Lam Sơn 719
trước những bốn tháng!
I. Lam Sơn 719, Như thế nào? Để làm gì?
Kế
hoạch Hành Quân Lam Sơn 719 được thiết lập và Ngày 8 Tháng Hai, 1971,
chiến dịch bắt đầu với vùng hậu cần Tchépone là mục tiêu cần phải đánh
chiếm, giữ vững trong một thời hạn đủ để phía cộng sản phải giảm mức tấn
công tại Miền Nam (do thiếu tiếp vận, yểm trợ chuyển đi từ Miền Bắc).
Thêm một lần, vùng địa đầu Quảng Trị “được” chọn lựa làm nơi chốn cho
cuộc huyết chiến, giao tranh. Nhưng cũng không hẳn như trên đã kể, bởi
cuộc hành quân nầy tự khởi đầu được trù định theo yêu cầu chiến lược của
phía Mỹ: Chính phủ Mỹ thiết kế chiến lược và quân Nam là nhân tố thực
hiện chiến thuật.
Từ
phòng tuyến Khe Sanh, đại quân Miền Nam được tổ chức nên thành ba lực
lượng tấn công chính với ba hướng tiến quân, lấy đường số 9 làm địa giới
trung tâm khu vực trách nhiệm. Giai đoạn thứ nhất của cuộc hành quân
khai diễn đúng ngày 8 tháng 2. Hai Tiểu Đoàn 39, 21 và Bộ Chỉ Huy Liên
Đoàn I Biệt Động; Tiểu Đoàn 2, 3 Dù và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn III Dù do Đại
Tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy được trực thăng vận xuống chiếm đóng, thiết
lập, trấn giữ những căn cứ hỏa lực từ bắc xuống nam, tả ngạn sông
Tchépone, nơi các cao điểm được đặt tên: Ranger North (39BĐQ); Ranger
South (21BĐQ); Căn cứ hỏa lực 31 (TĐ3ND); Căn cứ hỏa lực 30 (TĐ2ND) để
bảo vệ mặt bắc trục tiến quân trung phong trên Đường số 9. Từ căn cứ Hàm
Nghi, đông Khe Sanh, Lữ Đoàn I Thiết Kỵ (đặt thuộc quyền hành quân Bộ
Tư Lệnh SĐ Dù) có Tiểu Đoàn 8 Dù tùng thiết theo đường bộ tiến tới Bản
Đông, tên quân sự: Căn cứ A Lưới, do Tiểu Đoàn 9 và pháo binh Dù thiết
lập căn cứ hỏa lực; Căn cứ Béta (Bravo), hay Bắc Bình do Tiểu Đoàn 1 Dù
(sau nầy tăng cường TĐ7 Dù), bộ chỉ huy Lữ Đoàn I Dù chỉ huy tổng quát
cánh quân nầỵ
Sư
Đoàn I Bộ Binh chịu trách nhiệm cánh quân mặt Nam Đường 9, hữu ngạn
sông Tchépone, trực thăng vận các tiểu đoàn cơ hữu vào vùng, thiết lập
các căn cứ hỏa lực Hotel, Don, Delta và Delta1 để bảo vệ cạnh sườn trục
tiến quân trung tâm mà chủ yếu để nhịp tiến quân của Lữ Đoàn I Thiết Kỵ
và Lữ đoàn I Dù đến đúng mục tiêu Tchépone như đã dự liệụ. Sư Đoàn Thủy
Quân Lục Chiến làm thành phần trừ bị ở giai đoạn nầỵ
Tướng
Abrams đã thay thế Tướng Westmoreland từ giữa năm 1968, và bắt đầu áp
dụng chiến thuật “Chiếm và Giữ” thay vì “Lùng và Diệt” của Westmoreland.
Với chiến thuật mới, Abrams chỉ cần khai triển những đơn vị tương đối
nhỏ (không tập trung quân vào những chiến dịch lớn với những đại đơn vị,
như người tiền nhiệm) và quan trọng hơn hết là chuẩn bị những đợt rút
quân từ tháng 6 năm 1969, với những đơn vị vùng châu thổ sông Cửu Long,
nơi được đánh giá là tình hình an ninh tương đối ỗn định, cụ thể trong
Mậu Thân 1968, không có thành phố, tỉnh lỵ nào bị cộng sản chiếm cứ và
gây tác động tổn thất lớn như ở Huế, Sài Gòn. Ngày 8 tháng 6, 1969 kế
hoạch rút 25,000 quân chính thức được công bố với đơn vị đầu tiên, Sư
Đoàn 9 Bộ Binh rời khỏi Căn Cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho. Tiếp theo, 29 tháng 9,
quân số Mỹ ở Thái Lan rút đi 6000 ngườị Ngày 9 tháng 10, sau nhiều tính
toán đầy kịch tính, Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird công khai trình
diễn màn kịch lớn – Việt Nam Hóa Chiến Tranh – Viên đá tảng của chiến
lược Nixon.
Cũng
cần nói rõ thêm về yếu tố chính trị đã dẫn đến Hành Quân Lam Sơn 719.
Không phải đến thời điểm 69, 70 nầy, Tổng Thống Mỹ Nixon, người được
Billy Graham đánh giá và mô tả chính xác: “người được chuẩn bị kỹ nhất
để làm tổng thống nước Mỹ” đã phát hiện và xây dựng nên kế hoạch. Nhưng
đúng ra từ tháng 10, 1968, đang trong giai đoạn vận động tranh cử, Nixon
đã nhận ra “ẩn số” của vấn đề Việt Nam – Rút quân đội Mỹ khỏi chiến
trường – Lời giải phương trình nầy không do ai xa lạ làm nên, chính tổng
thống đảng Dân Chủ, Johnson đã gióng trước qua Thông Cáo Chung Manila
ngày 25 Tháng 10, 1968 (được hoàn thành với nguyên thủ các nước tham
chiến tại Việt Nam gồm Phi, Úc, Đại Hàn, Tân Tây Lan, và Thái Lan) – Với
điều khỏan trụ cột: Quân Mỹ và Đồng Minh sẽ rút hỏi miền Nam Việt Nam
cùng lần quân với Bắc Việt. Hà Nội cũng phải cam kết không xâm nhập, yểm
trợ lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam (?!)
Tuy
đánh giá kế hoạch nầy là “không tưởng” với các phụ tá trong ban tham
mưu tổ chức tranh cử, nhưng Nixon, con người với mẫn cảm chính trị tinh
tế cũng đã nhận ra giải pháp thật sự có khả năng thực hiện để giải quyết
mối rối Việt Nam – Cũng là phương cách hữu hiệu và an toàn nhất để
“tháo gỡ” mối liên kết Nga-Hoa, đánh vỡ phần cân bằng cố kết của phe
cộng sản trong chiến lược chính trị thế giớị Việt Nam Hóa Chiến Tranh
Đông Dương với sự rút đi của quân lực Mỹ là bước chiến thuật vô cùng
tinh tế lợi hại (lẽ tất nhiên phải chịu những hậu quả bất lợi cục bộ ban
đầu) để tổ chức lại, tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ ở vùng Châu
Á-Thái Bình Dương (vấn đề Miền Nam có tồn tại được hay không theo sau kế
hoạch nầy là một chuyện khác). Hành Quân Lam Sơn 719 với xương máu Lính
Việt nơi vùng heo hút Khe Sanh, Tchépone là “nền tảng ban đầu xây dựng
nên Trật Tự Thế Giới Mới” hôm nay, với sự biến mất không cơ hội hồi phục
của lực lượng cộng sản đệ tam. Qua thế kỷ 21, chúng ta có thể nói chắc
như thế mà không sợ sai lầm.
Trở
lại với chiến trận, bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị lệnh hành quân đến
ngày N của chiến dịch đã có những sự kiện “bất thường” tai hại để sau
nầy biến hành tai họa vô lường đối với các đơn vị tham chiến. Lấy lý do
bảo mật, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, cơ quan chỉ huy tổng quát cuộc hành
quân hạn chế tối đa nhân sự tham dự việc soạn thảo lệnh, chỉ gồm những
giới chức cao cấp (Phòng Ba, Hành Quân và Phòng Hai, Quân Báo), ban tham
mưu quân đoàn dưới quyền Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, có tham dự của
Trung Tướng James W. Sutherland, Tư Lệnh Quân Đoàn XXIV, đơn vị Mỹ trách
nhiệm không, pháo yểm và tiếp liệu cho chiến dịch với hậu cần ở Đông
Hà, Ái Tử, Quảng Trị, Đà Nẵng.
Điển
hình cho sự hạn chế nầy, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, đơn vị giữ nhiệm vụ nỗ
lực chính cuộc hành quân chỉ được thông báo vào “Ngày 2 Tháng Hai – Một
tuần trước khi chiến dịch khai diễn”. Sĩ quan tham mưu, chỉ huy các đơn
vị trực thuộc của sư đoàn Dù ra đến Đông Hà, chuẩn bị vào vùng hành quân
mới biết nhiệm vụ đánh qua đất Lào – Tin tức do dân chúng truyền rao!!
Nhưng thực tế, “bảo mật“ đã là một điều bi hài, sau khi chiến dịch kết
thúc, cơ quan CIA tổng kết, lượng giá kế hoạch, diễn tiến hành quân, đã
phát hiện ra điều nguy biến đầu tiên và chính yếu: Toàn bộ lệnh, phóng
đồ hành quân, những căn cứ hỏa lực dự trù, điểm đổ quân, thậm chí vị trí
hỏa tập tiên liệu, lẽ tất nhiên tọa độ phi pháo yểm (của phía Hoa Kỳ,
tùy thuộc vào mức độ thông báo từ phía Mỹ đối với bộ tư lệnh Quân Đoàn
I)… Tất cả tài liệu “bảo mật” nầy đồng được chụp lại, sao y phó bản từ
nơi in ấn lệnh hành quân!!
Cũng
không loại bỏ nguồn tin bị thất thoát từ bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn,
nơi Phủ Tổng Thống đường Công Lý. Sau 30 Tháng Tư, 1975, những điều tồi
tệ tai họa nầy đã là sự kiện đương nhiên được xác định.
Cũng
trong ý hướng bảo mật cuộc hành quân, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Mỹ ở VN- MACV
ra lệnh “cấm phổ biến” đối với báo chí, phát ngôn viên quân sự được
lệnh không đề cập đến diễn tiến cuộc hành quân. Nhưng, tất cả đã là một
“lầm lẫn vụng về”, như Kissinger mô tả về việc “cấm vận tin tức”, vì
những nguồn tin đã lan tràn khắp nơi, bắt đầu từ nhiều nguồn mối. Và khi
báo lên khuôn ở Hoa Thịnh Đốn đã có đầy đủ tin tức, kể cả tin về vụ
việc “cấm vận”. Cuối cùng, Ngày 4 tháng Hai, lệnh cấm vô ích nầy được
chính thức bãi bỏ. Thật sự, từ Ngày 2, Tháng Hai, một tuần trước “Ngày
N-Ngày Khai Diễn” của chiến dịch, tin tức và lời tố cáo “hành vi xâm
lăng Lào” đã tràn đầy trên trang nhất của báo chí Mỹ cũng như toàn thế
giới.
Dân
biểu George Aiken, Tiểu Bang Vermont, dẫu từ dưới thời Johnson vốn là
người yểm trợ chính quyền đối với sách lược thực hiện ở Việt Nam, nhưng
đối với cuộc hành quân lại đặt nên vấn đề với quốc hội “Dân Mỹ có quyền
“phải” được biết về tin tức mà cả thế giới đã biết theo như Tu Chính An
Thứ Nhất ấn định..”
Ngày
N-8 Tháng 2, 1972 Lệnh Hành Quân Lam Sơn 719 đã là một “bạch văn” phỗ
biến rộng rãi khắp thế giới, chỉ trừ những người lính đổ bộ xuống bãi
đáp đang bị pháo kích, trên Đường Số 9 dày dặt mìn chống chiến xa mà bộ
đội cộng sản đã có một thời gian lâu dài để chuẩn bị chôn dấu. Cuối
cùng, tai họa đã thực sự xẩy ra khi chiếc trực thăng chở phái đoàn báo
chí ngoại quốc có Đại Tá Phạm Vy, Trưởng Phòng 4, kiêm Tham Mưu Phó Tiếp
Vận Quân Đoàn bị bắn rơi trong tuần thứ hai khi chiến dịch đang khai
diễn – Toàn bộ hồ sơ trận liệt, diễn tiến hành quân đã bị phía cộng sản
thâu giữ – Sự kiện Lệnh Hành Quân Lam Sơn 719 bị mất không hề được báo
cáo! Thế nên vấn đề “bảo mật” của cuộc hành quân thật sự đã là một hài
kịch thảm hại, và Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà gánh hết phần
hậu quả tai họa oan khốc nầỵ
Đối
lại với kế hoạch trên của phía Việt-Mỹ, Đoàn 70B với ba sư đoàn cơ hữu
thuộc vùng giới tuyến và Hạ Lào, 304, 308, và 320; với thành phần yểm
trợ tác chiến gồm một trung đoàn pháo, một trung đoàn chiến xa, quân số
tổng cộng khỏang 36,000 người. Do có được đầu mối từ nhiều nguồn tin mật
như phần trên vừa trình bày, Hà Nội rất mực yên tâm dồn quân vào vùng
chỉ để một đơn vị, Trung Đoàn 64, Sư Đoàn 320 giữ mặt Bắc vùng phi quân
sự. Do được bảo mật tối đa, áp dụng kỹ thuật ngụy trang tinh vi, quân
cộng sản bố trí một trận địa pháo dày đặt từ cối 80, pháo tầm xa 130 ly,
hỏa tiển 122 ly theo một chiến thuật mới mẻ, “phân tán pháo binh-tập
trung hỏa lực” để khi muốn tấn công một căn cứ hỏa lực, nhiều vị trí
pháo đổ xuống cùng một lúc, phía quân Miền Nam khó lòng chỉ định mục
tiêu phản pháo.
Song
song với trận địa pháo, Bắc quân thiết lập một hệ thống phòng không
chung quanh các bãi đáp, đường tiếp cận của phản lực khi yểm trợ, hoặc
của trực thăng khi đáp xuống một căn cứ, ngoài đại liên phòng không
12ly7 thông thường, còn có những đại bác phòng không hạng trung và hạng
nặng, 23, 37 và 57 ly. Quan trọng hơn hết là chiến xa T54 lần đầu tiên
được dùng vào chiến trường Miền Nam, loại chiến xa hạng nặng nầy vượt
trội khả năng lẫn hỏa lực so với chiến xa M41 thường dùng của quân đội
miền Nam, chỉ chiến xa M48 mới có khả năng đương cự tương đương.
Đối
với T54, bộ binh miền Nam với hỏa tiển chống chiến xa M72 không thể
triệt hạ được. Thế nên sau nầy, khi trận chiến bùng vỡ, trước T54, người
lính chỉ còn phương tiện duy nhất- Dùng chính thân xác mình với lựu đạn
tay để phá hủy chúng mà thôi.
Với
chuẩn bị chiến trường chu đáo, bảo mật tuyệt kỹ, quân số vượt trội, hỏa
lực áp đảo, Bắc quân bắt đầu trận đánh với chiến thuật tập trung tấn
công từng cụm căn cứ hỏa lực theo hướng từ Bắc xuống Nam.
II. Trận chiến
Căn
cứ Ranger North của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân bị tấn công trước nhất.
Sau nhiều ngày thám sát, dò đường chung quanh căn cứ, sáng ngày 19
tháng Hai, 1971, Trung Đoàn 102, Sư Đoàn 320 (tỉ lệ 4 đánh 1) sau nhiều
giờ pháo kích bằng đại pháo tầm xa 130 ly, đến lượt sơn pháo bắn thẳng
che cho bộ binh tấn công từ mặt đông căn cứ, nơi tuyến phòng thủ mỏng
manh nhất. Vơi yểm trợ hữu hiệu của pháo binh bạn từ những căn cứ xung
quanh và phi cơ oanh tạc, tác xạ sát cận tuyến phòng thủ, Biệt Động Quân
giữ vững căn cứ qua ngày thứ hai, mãi đến đêm tối trận chiến mới tạm
chấm dứt.
Tin
căn cứ TĐ39 bị đánh bay về Sài Gòn, Tổng Thống Thiệu ra lệnh Trung
Tướng Lãm tạm đình chỉ kế hoạch tiến chiếm Tchepone như trù liệu vơi Lữ
Đoàn I Dù và thiết kỵ?! Nhưng cũng có ý kiến sáng suốt, đấy là Tướng
Abrams đã thúc dục Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên hãy ra lệnh Tướng Lãm
đừng để phí thời gian, lúc cộng sản chưa chuẩn bị đủ. Ngày 14, Abrams
quá nóng ruột, đích thân cùng Tướng Viên ra Đông Hà gặp Tướng Lãm và
Sutherland để quan sát tại chỗ và dục ông Lãm hãy khai triển gấp Sư Đoàn
I Bộ Binh trên những cao độ nam Đường 9 để bảo vệ cạnh sườn cho nhảy dù
và thiết kỵ tiến chiếm Tchépone như kế hoạch, dự liệu trong vòng ba đến
năm ngày. Tướng Lãm đã để khỏang thời gian quý giá nầy trôi qua cho đến
ngày 18, 19 như vừa nói trên.
Chẳng
hiểu quá vâng lời ông Thiệu hay không đủ tự tin, Tướng Lãm đình chỉ lực
lượng thiết giáp ngưng tiến quân, không có một quyết định, ý kiến nhỏ
về, từ thực tế chiến trường. Hơn thế nữa, mối liên hệ “không cộng tác”
giữa những viên tướng tư lệnh sư đoàn (Tướng Đống, Nhảy Dù; Tướng Khang,
TQLC) với Tướng Lãm lại là yếu tố tai hại ảnh hưởng không nhỏ đến những
quyết định quan trọng tại chiến trường.
SĐ320
cộng sản thay đổi các đơn vị cơ hữu tiếp đánh vùi TĐ39, quyết dứt điểm
Ranger North để có khí thế ban đầu. Ngày 20, trực thăng cố vào vùng để
tản thương và tiếp tế đạn cho TĐ39, xạ thủ phòng không cộng sản bắn hạ
một trực thăng tản thương, y tá Dennis Fujii phải ở lại cùng căn cứ.
Trong cái rủi có điều may, Fujii trở thành y tá của căn cứ kiêm luôn
nghiệp vụ hướng dẫn phi cơ oanh kích cận phòng. Cuối cùng, Fujii cũng
được móc ra, nhưng trực thăng chở anh lại bị trúng đạn phải đáp khẩn cấp
xuống Ranger South.
Viên
y tá trở nên là nhân chứng sống cho cuộc chiến đấu kiên cường của Biệt
Động Quân, khi sau nầy có những tay viết báo muốn khai thác khía cạnh
bất lợi đối với quân miền Nam. Đã có nhiều lúc, những phi công F4 Phi
Đoàn 40 Chiến Thuật nhìn thấy binh sĩ TĐ39 nằm trong màn lửa bom Napalm
do họ thả xuống chung quanh căn cứ. Không được tiếp tế đạn, lính TĐ39
Biệt Động phải xử dụng lại súng, đạn của kẻ địch để tiếp tục trận chiến.
Cuối cùng, chiều tối ngày 21 tháng Hai, sau hơn ba ngày đêm đương cự,
với 178 người chết và bị thương nặng, quân số Tiểu Đoàn 39 chỉ còn 107
người, kể cả bị thương nhẹ có thể chiến đấu; quân cộng sản xử dụng một
lực lượng (không phải gấp ba, bốn lần hơn như những ngày đầu trận đánh)
tới 2,000 người với vũ khí mới trang bị, để thay thế cho hơn sáu trăm
xác bỏ lại lềnh kênh quanh căn cứ (không ảnh đếm được số chính xác là
639), quyết trả hận biệt động quân.
Nửa
đêm, nương bóng tối, TĐ39 phải bỏ căn cứ rút về Ranger South. Cộng quân
không chịu mất đà, dồn nỗ lực pháo cối dập xuống căn cứ Nam (Ranger
South). Để giữ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ còn lại và đỡ gánh nặng
cho Tiểu Đoàn 21, một cuộc hành quân không vận với phối hợp chặt chẽ
giữa phi cơ chiến thuật và trực thăng võ trang, 13 trực thăng đã hoàn
tất một cuộc tải thương chớp nhoáng, lấy ra được 112 thương binh kể cả
anh chàng “tiền sát viên bất đắc dĩ” Fujii. Tiểu Đoàn 21 sau khi mất
điểm tựa phía Bắc (Ranger North), cùng thành phần còn lại của TĐ39 rút
về Đồi 31 của nhảy dù, sau đó được di tản khỏi vùng hành quân.
Chiến
sử Lam Sơn 719 đoạn đầu với Biệt Động Quân được Tướng Sutherland đánh
giá: “Một chiến thắng lớn của Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa”, cho dù có những bôi bẩn ác ý do đám phóng viên tụ tập tại Khe Sanh
khai thác hình ảnh ăn khách “lính bám càng trực thăng” trở về từ Hạ Lào
do một vài binh sĩ trong cơn hốt hỏang, nhân lần tải thương kể trên đã
bỏ trốn khỏi vùng hành quân. Ngoài ra, có một sự kiện xẩy ra nơi xa
nhưng quả thật đã ảnh hưởng trực tiếp đến chiến trường Hạ Lào – Nếu như
Tướng Đỗ Cao Trí không tử nạn máy bay (đến giờ nầy vẫn còn là một nghi
vấn) và ông có mặt tại Khe Sanh trong ngày 23 Tháng Hai – Ngày Biệt Động
Quân rời bỏ căn cứ thì có lẽ tình thế Lam Sơn 719 đã đổi khác. Bởi đã
hơn một lần, với những đơn vị biệt động như những Tiểu Đoàn 21 và 39
nầy, năm 1970, Tướng Trí đã một lần tạo nên kỳ công ở chiến trường
Campuchia. Lịch sử rất nhiều lần bị biến đổi hẳn do những nguyên nhân
rất nhỏ và bất ngờ. Bi kịch Hạ Lào tiếp diễn với lực lượng nhảy dù nơi
Đồi 31 và 30 khi mặt Bắc hoàn toàn trống trải nguy nan.
Dư
luận chính trị thế giới nói chung và riêng nước Mỹ thật không hề công
bằng đối với quân lực Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa; không phải những tiếng
lời phát xuất từ số đông quần chúng bình dân hoặc những bài báo độc địa,
xuyên tạc của đám ký giả ngoại quốc hạng nhì, nhâng nháo nơi những quán
rượu Sài Gòn; nhưng khởi động từ những nhân vật có thế lực, ảnh hưởng,
tác động đến cục diện toàn cầu như Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Than;
Trưởng Khối Đa Số Thượng Viện Mỹ, Mike Mansfield… Tất cả những nhân vật
tiếng tăm nầy đồng dấy lên chiến dịch tố cáo: “Quân đội Mỹ tấn công
chiếm đóng Lào!”, tức hàm ý cáo buộc lực lượng Mỹ của Tướng W.
Sutherland qua hành quân Dewey Canyon, yểm trợ quân đội Miền Nam thực
hiện Lam Sơn 719.
Cần
nói thêm một lần để xác định: Bộ binh Mỹ không hề vượt qua biên giới
Việt-Lào ở địa điểm Làng Vây. Lẽ tất nhiên, những lời cáo buộc trên được
lập lại nguyên bản với bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Liên Xô, Trung
Cộng và Hà Nội. Cụm từ ngữ “Chiến tranh đế quốc xâm lược Mỹ”dần trở nên
là một “thực thể” của diễn tiến chính trị thế giới – qua báo chí (cũng
nơi đất Mỹ) – thúc dục những đám phản chiến xuống đường kêu gào “hòa
bình” và “giết Nixon cùng tất cả những kẻ nào chận bước tiến (của chúng
ta) tới… tự do”. Những lời đao búa nầy của David Hilliard, thủ lãnh nhóm
Báo Đen được Washington Post tán tụng: “… Xuyên sâu những ngôn từ mạnh
mẽ hùng hồn nầy, chúng ta khám phá ra những điều kỳ lạ và đẹp đẽ biết
bao. Họ (những kẻ phản chiến) đã là hỗ trợ cho những điều tốt lành nhất
đối với đất nước!!”.
Tất
cả những cáo buộc sai lạc hàm hồ nầy được thành hình từ đầu Tháng 2,
1971, khi lực lượng VNCH còn ở trong lãnh thổ Việt Nam. Những kẻ trên
hoàn toàn không biết (do ngu muội) hoặc không muốn biết (do ác ý) sự
kiện: “Quân xâm lược thực thụ phải là đoàn quân có danh hiệu Quân Đoàn
70B của cộng sản Bắc Việt. Để sau 1975 được được chính Tổng Bí Thư Lê
Duẩn hãnh diện xác nhận: Ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, đánh cho
Liên Xô”
Nhắc
lại thêm một lần cũng không không thừa: Binh đoàn quân đội chính quy
cộng sản Bắc Việt đã thành hình và có mặt nơi đất Lào từ năm 1970. Chính
phủ Lào ở Vạn Tượng cũng không nói những gì khác và đúng hơn về những
điều gì đang xẩy ra trên đất nước họ.
Cánh
quân trung phong gồm Lữ Đoàn I Nhảy Dù với các Tiểu Đoàn 1, 8, 9 và Lữ
Đoàn I Thiết Kỵ từ căn cứ Hàm Nghi tiến chiếm những những mục tiêu
Bravo, Alpha, A-Lưới trên Đường 9 không mấy khó khăn dù hướng tiến quân
đã bị gài đặt mìn bẩy từ nhiều ngày qua. Căn cứ tiền phương A Lưới, cách
Tchépone khỏang dưới mười dặm được thiết lập vào buổi chiều ngày 8 đúng
như dự định, bộ phận bộ binh Bắc Việt giữ chốt trên Đường 9 không ngăn
nổi sức tiến quân nhanh chóng, thần tốc của nhảy dù và thiết giáp. Hơn
thế nữa những pass B52 đánh theo yêu cầu chiến thuật của lực lượng dưới
đất, dọc hai bên con đường đã hủy diệt phần lớn cánh quân phục kích nầy.
Các đơn vị nhảy dù trên Đường 9 khám phá nhiều kho tàng vũ khí quan
trọng, gồm 3,000 xe đạp mới, cũ, kho nhiên liệu xăng, dầu cặn, áo quần,
lương khô Trung Cộng, Nga lần đầu tiên được xử dụng ở chiến trường miền
Nam và hằng trăm, ngàn xác chết vương vải không toàn thây của những đơn
vị Bắc Việt.
Về
chiến trường mặt bắc Đường 9, Tiểu Đoàn 2 và 3 Dù được trực thăng vận
xuống hai Đồi 30, 31; hai căn cứ hỏa lực được thiết lập với chỉ danh của
hai cao độ nầỵ Nhưng chiến trường không hề thuận tiện như những ngày
đầu vì Bắc quân đã gióng trước với lính Dù qua máy truyền tin: “…chúng
mầy sẽ biết thế nào là trận địa pháo của quân giải phóng!” Lời đe dọa
không hề là giả thiết và cảnh địa ngục thật sự đã mở ra.
Chúng
ta hãy chứng kiến một đoạn về trận chiến nơi Đồi 31, căn cứ hỏa lực Bộ
Chỉ Huy Lữ Đoàn III Dù, cũng là vị trí đầu cầu của Tiểu Đoàn 3 Dù, dưới
quyền chỉ huy của Trung Uý Phạm Đồng (tác giả Phan Hội Yên) được lệnh
chiếm đóng trong những ngày đầu của chiến dịch. Viên Trung Úy Trung đội
trưởng Trung Đội 2, Đại Đội 33, kể lại trong tập chuyện “Hạ Sĩ Khinh
Binh”:
“Tôi
phất tay cho trung đội đồng loạt ném hết số mìn chiếu sáng về phía
trước… Tách! Tách!…Xoè…xoè… Bốp, bốp… Ngọn lửa bùng lên dữ dội rồi lan
nhanh về phía địch quân; râu tóc mặt mày chúng tôi cũng cháy nám khét
lẹt. Thế thượng phong ngàn năm một thuở… Lửa cuộn trong tiếng quân reo.
Lửa tràn lên theo cỏ tranh dòn dã, khói bốc mịt mù… Khói làm màn che cho
quân ta tiến tới. Vùng vẫy trong bão lửa, quân xông lên.
Lưỡi
lửa liếm một vòng cung, thắt gọn vị trí địch trong vùng hỏa công dữ
dội. Những căn hầm được nguỵ trang kỹ lưỡng bằng cỏ tranh tiệp màu bỗng
chốc trở thành mồi ngon cho ngọn lửa. Hầm đạn nổ tung tóa, cả vùng đồi
nhanh chóng ngập tràn biển lửa. Địch quýnh quáng tung hầm tháo chạy, có
kẻ trên lưng đang bốc khói.
Tổ
khinh binh tràn lên đỉnh đồi chiếm lĩnh trận địa, thanh toán nhanh
những ổ kháng cự yếu ớt còn sót lại.. Làm sao có thể chống cự được, khi
trước mặt là lửa táp, khói thốc theo luồng gió lùa vào mồm, mũi… Chưa
kịp dụi mắt, ngáp gió, lấy hơi, quân ta đã tiến tới, lưới đạn càn quét,
quyết liệt… Trong ráng chiều chưa tắt, nắng xuyên qua khói, lửa giải
xuống chiến trường những giải vàng lóng lánh, thấp toáng bóng quân chạy
dọc ngang trên đỉnh đồi như phút giây linh thiêng hào hùng sông núi
chuyển mình…”
Sau
khi trung đội của Trung Úy Phạm Đồng đã chiếm lĩnh được mục tiêu với
lần mất đi sinh mạng những chiến hữu thiết thân, những khinh binh Chí,
đề-lô pháo binh Tâm, và chỉ dấu thua thiệt lớn nhất: Đại Uý Lê Thành
Bôn, đại đội trưởng, tác giả của trận đánh hỏa công của đoạn viết kể
trên. Đồi 31 trở nên cảnh chết tàn khốc vào ngày 25 tháng Hai: “Sau trận
tập trung pháo kích, xe tăng địch lập tức ào ạt xung phong… Hai, ba,
năm… bảy, tất cả mười một chiếc bỏ lại bộ binh (của phía Bắc quân), cùng
lao xuống đồi về phía chúng tôi. Một chiếc đang bò ngang chông chênh
trên sườn đồi lãnh ngay một trái 105 trực xạ, hất nhào xuống vực thẳm.
Nhưng đoàn xe tăng vẫn tiếp tục vừa bắn vừa tiến và chiếm dần bãi trực
thăng.
Hạ
sĩ nhất Chính và tiểu đội khinh binh lãnh nhiệm vụ đón đánh đợt đầu khi
tăng tiến qua bãi đáp, tiến vào yên ngựa hẹp (giữa hai đỉnh đồi) trước
khi bám đánh khu vực phòng thủ trung tâm căn cứ. Chính dẫn theo Bình,
Tám, Ngôn, mỗi người thủ sẵn một cây M 72 (hỏa tiễn chống chiến xa) đã ở
vị trí chờ kích hỏa; Chuẫn úy Nghĩa, trung đội phó, đòi đi theo tổ
khinh binh; mắt anh hừng hực uất hận bởi thấm đau từ lần đụng trận đầu
tiên của đời lính, đã hiểu nghĩa tận cùng cào xé trước xác thân đồng
đội.
Mỗi
người chúng tôi quả có tâm lý của kẻ không đường trở lại, phải tiến lên
phía trước, vượt qua hèn mọn của chính mình… Mất đi ý niệm phân biệt
sống, chết. Mà có khi phải chết còn thanh thản hơn được sống!! Hai chiếc
tăng ùn ùn tiến vào khu vực trung tâm, Nghĩa nhảy phắc lên chiếc thứ
hai, thảy gọn trái M26 vào lòng pháo tháp. Anh chưa kịp nhảy xuống thì
trúng đạn, nằm chồng lên xác địch thủ. Cùng lúc, có tiếng nổ “bục” tức
tối, khói từ trong chiếc tăng bốc lên… Nhưng sao nó vẫn tiếp tục chạy!
Quờ quạng được một đoạn ngắn, chiếc chiến xa nổ tan làm hai mảnh, pháo
tháp bật ngược ra sau cùng xác Nghĩa.
Và
trận đánh kết thúc với cảnh tượng vô vàn bi tráng mà phải là người
trong cuộc mới có thể viết nên với những giòng đẫm máu như sau:
“…
Ba phần tư ngọn đồi đã nằm trong tay địch, chúng tôi (Đại đội 31 và 33)
chỉ còn giữ được một phần bộ chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn, nhưng không
còn ai trong những vị trí hầm chỉ huy cả, tất cả đã ra ngoài, sát vai
tác chiến cùng khinh binh, xạ thủ nơi tuyến đầu; hệ thống truyền tin chỉ
huy vẫn được duy trì ở cấp trung đội, dù trên thực tế, mỗi trung đội
còn không quá mười người…
Tất
cả khái niệm sống, chết đã trở thành vô nghĩa. Và cũng không còn thì
giờ hoàn cảnh để chọn lựa. Những người lính còn lại của lữ đoàn đồng hăm
hở lao lên trong cố gắng tuyệt vọng… Bắn… bắn, thụt thêm một trái M72
đi. Lựu đạn… lựu đạn… Những bóng áo rằn rì nhảy lên pháo tháp xe tăng
địch, những thân người vùng vẫy cào cấu, lắt lẻo trên thành xe, tan nát
dười lườn xích sắt. Bây giờ bộ binh địch đã phối hợp cùng chiến xa, tràn
lên căn cứ… Mặt đối mặt với lưỡi lê, báng súng, lăn xả vào nhau, bắn
giết, đâm chém… Hoặc loay hoay với những khối sắt không làm sao phá vỡ
với tay trần, với vũ khí cá nhân.
Bom
bầy, pháo lũ dội xuống… Bom của ta, pháo của địch, lưới lửa của cả hai
bên đồng chụp xuống một chỗ, lính hai bên cùng chia nhau lãnh đạn… Những
chiếc nón sắt rơi lông lốc, những đôi dép râu đứt quai nhầy nhụa trong
dòng nước đỏ ối, đậm đặc đang dần kết thành giải suối máu lăn lóc chảy
chậm xuống sườn đồi!!
Cuối
cùng, hai Đại Đội 33, 34/TĐ3ND không thể nào giữ được Căn Cứ Hỏa Lực
Đồi 31 do quân Bắc Việt tập trung toàn bộ lực lượng bộ binh của mặt Bắc
Đường 9 được pháo 130 ly yểm trợ, chiến xa T54 dẫn đầu… Những chiến xa
hạng nặng nầy cày vỡ tất cả công sự chiến đấu của Đồi 31, đè sập hầm chỉ
huy của Lữ Đoàn III nên Đại Tá Thọ đã yêu cầu pháo binh nhảy dù bắn
tiêu hủy ngay trên vị trí phòng thủ. Trung Tá William. N. Peachey, Tiểu
Đoàn Trưởng TĐ158/Không Vận Mỹ từ trên chứng kiến những giây phút bi
thảm cuối cùng của Đồi 31. Đến một lúc, lính Bắc Việt không cần phải nổ
súng bởi những chiếc T54 chỉ việc đè lên những người lính nhảy dù trấn
giữ đồi 31.
Cuối
cùng, toàn bộ sĩ quan Lữ Đoàn III, Tiểu Đoàn 3 Dù, Tiểu Đoàn 3 Pháo
Binh gồm Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Trung Tá Trần Văn Châu, Thiếu Tá Trần
Văn Đức, Đại Úy Lê Đình Châu và nhiều sĩ quan trung cấp, hạ sĩ quan,
binh sĩ bị bắt sống, phần đông đã bị thương, mất năng lực chiến đấu, hết
đạn, vũ khí không còn xử dụng vào những ngày trước khi căn cứ bị tràn
ngập.
Lực
lượng nhảy dù quả đã hẳn ưu thế chiến đấu khi bị bó chặt nhiệm vụ trên
những cao độ không còn được yểm trợ liên hoàn, do để trống mặt Bắc khi
các Tiểu Đoàn Biệt Động 21, 39 phải rời bỏ căn cứ như đã trình bày ở
đoạn trên. Sự kiện mất căn cứ Đồi 31 cũng có nguyên do là đoàn chiến xa M
41 thuộc Thiết Đoàn 17 Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ có hai đại đội Tiểu Đoàn 8 Dù
từ căn cứ A Lưới được lệnh di chuyển tăng cường cho Đồi 31 đã không đến
kịp điểm hẹn. Toán quân nầy lại bị phục kích vào ngày sau khi trên
đường tiến gần mục tiêu, cuối cùng nhờ B52 đã can thiệp hiệu quả bằng
cách dội bom tiếp cận đội hình tiến quân, phá vỡ trận địa phục kích của
Bắc quân. Sau hai pass B52, chiến trường hoàn toàn yên lặng, người sống
sót nằm ngất trên mặt đất bị đào xới tung tóe lầy nhầy thịt xương người
của các đơn vị bộ đội thuộc Sư Đoàn 320. Tổng số 800 xác chết là số
lượng đếm được về đơn vị cộng sản bị giết bởi B52.
Căn
cứ Đồi 31 thất thủ, Đồi 30 do Tiểu Đoàn 2 Dù trấn giữ còn lại trơ trọi
suốt một vùng mặt Bắc Đường 9, và biến thành điểm lửa của toàn bộ hệ
thống hỏa tập Bắc quân. Nhưng kỳ diệu thay, do bản lĩnh riêng của viên
tiểu đoàn phó và sĩ quan hành quân, Thiếu Tá Nguyễn Văn Mạnh, Đại Úy
Trần Công Hạnh, tiểu đoàn đã cầm cự được suốt một tuần sau và chỉ rời bỏ
căn cứ khi Hotel (danh hiệu truyền tin của Đại Úy Hạnh) trực tiếp liên
lạc với phi hành đoàn của các phi cơ yểm trợ chiến thuật và trực thăng
Mỹ để tác xạ trực tiếp và dội bom lên ngay tuyến phòng thủ đơn vị…
Nương
theo khe hở sống chết nầy, Tiểu Đoàn 2 rút khỏi vòng vây với quân số
chỉ bị tổn thất tương đối. Hơn thế nữa, đơn vị nầy trên hướng di tản
khỏi căn cứ còn mở đường cứu vây Tiểu Đoàn 7, đơn vị vào tăng cường cho
TĐ1 và TĐ 8, hai tiểu đoàn nầy cũng đã bị tổn thất nặng trong tuần lễ cố
giải vây cho Lữ Đoàn III Dù ở đồi 31 (Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Phan
tử trận; hai tiểu đoàn phó, Trần Đăng Khôi, TĐ7; Đào Thiện Tuyển, TĐ8 bị
thương nặng, phải di chuyển khỏi vùng hành quân). Cuối cùng, lệnh tiến
chiếm Tchépone như dự trù với lực lượng nhảy dù và thiết kỵ trên đường 9
không hề được thi hành. Lời thúc dục, khuyến cáo của Tướng Cao Văn
Viên, Abrams với Tướng Lãm tại Đông Hà ngày 16 tháng Hai về việc thực
hiện quan niệm hành quân trên đã không hề được quan tâm. Nghi án sự chậm
trễ và thay đổi kế hoạch điều động các đơn vị đến nay vẫn còn là một ẩn
số chưa có lời giải thích thỏa đáng.
III. Tchépone, Chiếc bẫy sập đóng lại
Khi
lực lượng nhảy dù và thiết kỵ bị cầm chân ở A-Lưới thì việc tiếp tục
tiến chiếm Tchépone với bộ binh chỉ còn là một “mục tiêu bề mặt”, cốt để
biện hộ một cách tai hại về một ước tính quân sự sai lầm, nhằm mục đích
yểm trợ cho một sách lược chính trị. Sách lược ấy được nhận ra, khi Toà
Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn báo cáo về Hoa Thịnh Đốn một nội dung khả thể, đêm 7
tháng 4 Tổng Thống Nixon có thể nói cùng dân chúng Mỹ: “Đêm nay tôi có
thể báo cáo rằng chính sách Việt Nam Hóa đã thành công!!”, nhằm trấn an
những nhóm biểu tình phản chiến, đòi cải thiện chế độ an sinh xã hội cho
người da đen ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ.
Ngày
3 tháng Ba, hai Lữ Đoàn A, B Thủy Quân Lục Chiến từ Khe Sanh được đưa
vào thay thế các đơn vị Sư Đoàn I Bộ Binh thuộc vùng trách nhiệm hai căn
cứ Delta và Hotel. Như thế, mặt trận Hạ Lào chỉ còn một lữ đoàn TQLC
làm thành phần trừ bị; cũng có nghĩa tương tự đối với toàn bộ lực lượng
quân sự miền Nam. Những tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư Đoàn I rời bỏ vùng
vừa bàn giao, tiến sâu về phía Tây, lập các căn cứ hỏa lực Sophia, Liz
và LoLo trên các cao độ 748, 690, và 723, Đông-Nam mục tiêu Tchepone.
Lolo thực sự chỉ là một bãi đáp chứ không hẳn là một căn cứ hỏa lực.
Ngày
6 tháng Ba, một phi đội khổng lồ gồm 120 trực thăng Huey được trực
thăng võ trang Cobra và phản lực chiến đấu yểm trợ bao vùng đổ quân bộ
xuống bãi đáp Hope, bốn cây số Đông-Bắc Tchépone, sau khi B52 đã trải
thảm dọn sạch khu rừng rậm hằng trăm năm không dấu vết người chung quanh
bãi đáp. Cuộc không vận được xếp hạng là một trong những hành quân
đường không lớn nhất chiến sử Đông Dương; năm 1954, lực lượng không quân
vùng Tây-Bắc của Tướng Cogny chỉ có đúng hai trực thăng Alouette cho
Chiến Dịch Castor để chiếm đóng Điện Biên Phủ.
Cuộc
không vận đưa Tiểu Đoàn 4/Trung Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 2 vào
vùng lửa Tchépone, đây là hai đơn vị ưu tú nhất của Sư Đoàn I do Trung
Tá Lê Huấn và Trung Tá Trần Ngọc Huế chỉ huy; cả hai cùng Khoá 18 Trường
Võ Bị Đà Lạt và được đánh giá là những sĩ quan xuất sắc của khoá. Nhưng
dù hai tiểu đoàn trên có gồm những người lính can trường, được chỉ huy
bởi những sĩ quan xuất chúng bao nhiêu, cứ điểm Hope mà hai đơn vị có
nhiệm vụ đổ bộ xuống để rồi sau đó làm đầu cầu đột kích trong im lặng
tuyệt đối vào “thị trấn Tchepone” đã là một nơi hoang vắng với những
thây chết rải rác cũng có nghĩa “Kế Không Thành” mà Bắc quân giương ra
đã hoàn tất.
Toàn
bộ các bãi đáp, địa điểm nầy đã là những “điểm hỏa tập tiên liệu“ của
pháo, cối, hỏa tiễn diện địa của bộ đội cộng sản. Kết quả bi thảm đương
nhiên xẩy đến, Tiểu Đoàn Trưởng Lê Huấn tử trận, Trần Ngọc Huế bị bắt
sống… Hai tiểu đoàn tan vỡ như những mảnh vụn của những khẩu pháo 105
thả xuống ở các căn cứ Hope, Sophia, Liz… Có những khẩu chưa hề bắn được
một viên đạn, vì những lưới đạn quả thật chưa hề được thả xuống kịp
trước khi các căn cứ tan vỡ. Ông Thiệu ra lệnh “rút quân” sau “chiến
thắng Tchepone”, bất chấp lời khuyến cáo từ phía Tướng Abrams – Tăng
cường Sư Đoàn 2 Bộ Binh cho mặt trận Hạ Lào và giữ chặt nút chận
Tchépone để hoàn thành mục tiêu chiến lược – Cắt đứt đường tiếp vận
Bắc-Nam của quân đội cộng sản.
Cuộc
rút quân không chuẩn bị tất nhiên biến thành lần tháo chạy, khi các căn
cứ lần lượt bị đánh vỡ, mất hẳn thế “yểm trợ liên hoàn – viên đá tảng
cột trụ của chiến thuật Căn Cứ Hỏa Lực”. Sau Sư Đoàn Nhảy Dù của giai
đoạn đầu, Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở giai đoạn hai, tiếp theo, đến lượt Sư Đoàn
TQLC chịu lần phanh thây trên những đỉnh núi trần trụi dưới cơn mưa lũ
đại pháo của Bắc quân được chuẩn bị từ một năm trước, năm 1970.
Lực
lượng Thủy Quân Lục Chiến nhận vùng trách nhiệm, bố trí các tiểu đoàn
theo hướng Bắc-Nam. Tiểu Đoàn 4, 7, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn A có pháo binh
Tiểu Đoàn 2 Pháo yểm trợ. Căn cứ hỏa lực chính được Tiểu Đoàn 2 “Trâu
Điên” bảo vệ, đồng thời làm thành phần trừ bị. Phía Nam, Lữ Đoàn A, hai
tiểu đoàn 3, 8, có nhiệm vụ phá thế trận cộng sản bao vây, chia cắt.
Nhưng tất cả phối trí chiến thuật nầy đã trở nên bất khả dụng, bởi phe
cộng sản đã chuẩn bị đủ cho chiến trường, từ quốc tế đến quốc nội, với
biểu ngữ của đám biểu tình phản chiến ở Mỹ đến Dinh Độc Lập ở Sài Gòn.
Cụ
thể nơi mặt trận Hạ Lào, quân cộng sản đã bắn không trật một viên đạn
ra ngoài các căn cứ hỏa lực. Và sau khi các căn cứ nhảy dù ở mặt Bắc bị
tràn ngập; Sư Đoàn I Bộ Binh phải rút bỏ sau cái gọi là “chiến thắng
chiếm đóng Tchépone”; vùng trách nhiệm của TQLC gánh khối nặng còn lại
của trận chiến vô lý bi thảm nầỵ. Lữ đoàn A TQLC với Tiểu Đoàn 2 “Trâu
Điên” của Tiểu Đoàn Trưởng, “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc trở nên thành
tụ điểm tất cả nguồn lửa lớn của chiến trường.
Tiểu
Đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói với Đạt, chỉ huy trưởng pháo binh, đơn
vị pháo còn lại duy nhất của trận địa: “Ông khỏi yểm trợ cho ai nữa, hạ
nòng súng xuống, “cua” nó lên con nào, ông nướng con ấy cho tôi”.
“Cua”,
Phúc dùng chữ với ý khinh miệt hơn nghĩa khối hài để nói về những chiến
xa của Bắc quân. Và đến lúc cuối cùng, Phúc hét lớn qua máy truyền tin:
”Khỏi cần hỏi lệnh tôi, còn bao nhiêu đạn ông cứ chơi hết bấy nhiêu…”
Hai Tiểu Đoàn 4 và 7 ở vùng ngoài căn cứ vùng vẫy tuyệt vọng giữa đám kẻ
thù say máu như con hổ trọng thương bị loài kên-kên rúc rỉa. Phúc hướng
dẫn từng phi tuần từ hạm đội bay vào cứu bạn. Những viên phi công Mỹ
dần quen với giọng nói của “Foxtro” (ám danh đàm thoại không-lục của
Phúc với phi công Hạm Đội 7), để đến một đêm… Đêm hỏa ngục lật ngược để
bày ra trên trần gian nguồn lửa lênh láng hung tàn không hề cạn. Lửa
rùng rùng lay động suốt dãy núi rừng ầm vang tiếng nổ. Tiếng nổ của đại
pháo, hỏa tiễn bắn từng đợt, từng tràng một lần mười, hai mươi trái, từ
bốn, năm vị trí. Trong chuỗi âm động quái dị ấy, súng tay dì đẹt nhỏ
nhoi như một loại pháo lép và cuối cùng với những đợt bom. Bom ném một
lượt từ ba phi tuần phản lực nối cánh nhau như cảnh tượng trong các phim
chiến tranh. Phi cơ Mỹ bao vùng suốt từ sáng sớm, Đà Nẵng, Thái Lan,
Hạm Đội 7, Guam qua chiều vào đêm, bay đến…
Đêm
đến, Bắc quân từ hang ổ, đường thông thủy, giao thông hào, điạ đạo theo
xe tăng tấn công lên đồi tiêu diệt Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn A, Tiểu Đoàn 2
Pháo qua hàng rào phòng thủ của “Trâu Điên”. Và Tiểu Đoàn 2 TQLC quả
thật là một con trâu điên đơn độc đương cự giữa bầy sài lang nanh vuốt.
Phúc đã theo dõi và thấm hiểu nổi đau những lần thất thủ của các đơn vị
bạn, những Tiểu Đoàn 37 Biệt Động, Tiểu Đoàn 2, 3, Lữ Đoàn III Dù… Hai
tiểu đoàn 4, 7/TQLC ngoài căn cứ chỉ còn một đường liên lạc qua hệ thống
truyền tin của Tiểu Đoàn 2. Phúc hướng dẫn phi cơ Mỹ thả trái sáng để
hai đơn vị nầy lần đường về phía Nam, nơi các tiểu đoàn 3 và 8 đang đợi
“bắt tay”. Bộ chỉ huy lữ đoàn hoàn toàn tê liệt, pháo binh cũng chỉ còn
những viên đạn cuối cùng, Đạt báo cáo với Phúc… “Tuị nó tràn ngập vị
trí, tôi phá súng!!”
Và
cuộc hỗn chiến trong đêm bắt đầu. Tiếng súng lớn đồng im bặt, tiếng
súng nhỏ cũng không còn, chỉ âm động của da thịt người bị xé rách, đâm
nát, vỡ nhầy dưới xích xe tăng. Trong bóng tối chập chờn tàn lửa, nghi
ngút khói của những trận pháo càn từ bao ngày qua, từ giờ trước…Những
bóng người nhào vào nhau, tìm đường chạy hoặc cách giết người hiệu quả
để được lần sống sót. Phúc hằng tiên liệu rõ tình huống tuyệt vọng gớm
ghê nầy, nên anh đã ra lệnh cho toàn đơn vị “tay áo phải xắn cao, tay áo
trái thả dài xuống”, làm dấu hiệu nhận bạn giữa đêm tối, vượt nỗi chết.
Và từ vũng sâu cảnh điạ ngục trần gian kia, người ta nghe rõ tiếng hét
lớn lập lại nhiều lần… “I’m crazy buffalo battalion commander, đ..m..
.tao ground chief… go ahead, do it please…”
Bầu
trời, mặt đất cùng bị vỡ tung, những quả bom chạm nổ ngay khi vừa rời
khỏi cánh tàu bay. Phúc nương theo đợt dội bom, hứng đủ trận bom, bảo vệ
bộ chỉ huy lữ đoàn, tiểu đoàn 2 pháo và đơn vị rút khỏi căn cứ. Trong
bản ghi dữ kiện của máy bay, toạ độ Phúc yêu cầu dợi bom cũng là toạ độ
của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn A TQLC mà Hạm Đội 7 đã yểm trợ từ bao ngày qua.
Bốn
giờ sáng, Phán, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ8 TQLC từ trên đỉnh ngọn Cô-rốc,
đỉnh núi cao nhất vùng, nhìn suốt hai bên sường Đông, Tây Trường Sơn,
lắng nghe tiếng nói khẽ, đứt khúc của Phúc… “mầy… mầy thắp đèn cầy (trái
sáng), tao dẫn tụi thằng 4, 7 và con cái tao về…”.
Chín
giờ sáng hôm sau, Phán xuống núi, Phúc đang dìu Đại Tá Thông bước chập
choạng. Giữa đám quân tan tác, Phúc là người nhỏ, thấp, gầy nhất. Nhưng
quả tình anh là người cao, bền hơn hẳn. Như Người Lính không hề chết. Và
nếu họ có mất đi hình hài cũng chỉ để Tổ Quốc hằng muôn thuở tồn sinh.
Tổng
kết trận Hạ Lào, Trung Tá Pháo Binh Nhảy Dù Bùi Đức Lạc nhận xét: “Máu
của Người Lính đã đổ xuống Hạ Lào, thịt xương họ không vun trồng màu mỡ
quê mẹ mà làm tươi tốt cho đồng, rừng xứ người. Nhưng đau thấm thía, lâu
dài hơn khi trận Hạ Lào bị cơ quan truyền thông ngoại quốc che mờ bằng
màn khói bại trận, lại được tô son chuốc lục bởi phóng viên người Việt
với màu tang trắng quê hương…”
Hậu Từ
Hôm
nay, kể từ buổi binh đao tàn khốc kia, Thắng, Bại; Công, Tội của những
bên lâm chiến đã được lịch sử chứng minh. Chỉ riêng Người Lính – Những
Người Lính không trở về – Những Người Lính sống sót cùng Nỗi Đau không
hề chấm dứt với khổ nạn Quê Hương. Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy
Dù Nguyễn Văn Thọ là một trong những người lính phẫn hận kia.
Sau
lần sống sót dưới cơn bão dữ đạn bom của cả hai phía, Đại Tá Nguyễn Văn
Thọ, Trung Tá Trần Văn Châu, Thiếu Tá Trần Văn Đức, các Đại Úy Lê Đình
Châu, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Quốc Trụ… thuộc bộ chỉ huy Lữ Đoàn 3,
Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh ND được lệnh di chuyển ra Bắc với chân trần, trên
thân người vết thương còn tươi máu. Tại Hà Nội, họ được đưa ra trình
diện báo chí (của miền Bắc và khối cộng sản) để làm cớ chứng: Quân đội
Mỹ-Ngụy tấn công lãnh thổ của nước Lào (gọi là) trung lập. Đồng thời
viên cán bộ chính trị cao cấp điều hành buổi họp báo cũng lên tiếng:
“Cực lực bác bỏ lời tố cáo của báo chí miền Nam: “Cộng sản Bắc Việt xâm
lăng miền Nam qua ngã Lào (!!)” Đài phát thanh Hà Nội lớn tiếng rêu rao:
“Trận chiến Đường 9 Nam Lào là một đòn sấm sét của lực lượng nhân dân
yêu chuộng hòa bình của ba nước nước Đông Dương đã đoàn kết chiến đấu,
đập tan âm mưu của tập đoàn thực dân mới Mỹ nhằm mưu định chiếm đóng
Đông Dương mà ngụy quyền Sài Gòn là tay sai đắc lực nhất.”
Lời
cáo buộc được cả thế giới “tin cậy” nên từ Hội Nghị Paris (1968-1973)
trở về Hà Nội, bí thư Xuân Thủy được Đức Giáo Hoàng Paul VI tiếp kiến do
những nổ lực gọi là “tái lập hòa bình ở VN” của y ta đại diện cho Hà
Nội tại bàn hội nghị. Chưa hết, thế giới lại “rất sáng suốt” trao giải
Nobel (gọi là) Hòa Bình cho Lê Đức Thọ. Đây cũng là viên bí thư chiến
dịch Hồ Chí Minh lần tiến chiếm Sàigòn (4/1975) với 16 sư đoàn bộ binh
cộng sản Bắc Việt như lời than vãn của Kissinger, kẻ đồng nhận giải
Nobel Hòa Bình với Thọ.
Trong
chiều hướng “tin cậy đối với cộng sản Bắc Việt”, Hiệp Định Ba Lê ký kết
ngày 27 Tháng 1, 1973 đã long trọng xác nhận “Hai bên miền Nam Việt Nam
trao trả cho nhau những nhân viên quân sự được bắt giữ… ” Với định
nghĩa nầy, toàn bộ các sư đoàn bộ binh, khối lượng vũ khí khổng lồ gồm
xe chiến xa, đại pháo của cộng sản miền Bắc nơi mặt trận Hạ Lào đồng
được “hóa không” để trở thành “quân đội giải phóng Lào yêu nước” hoặc
của “lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam”! Và hệ quả tiếp theo là:
“Không có tù binh VNCH nào của mặt trận Đường 9 Nam Lào trong danh sách
trao trả theo Nghị Định Thư về Tù Binh của Hiệp Định Paris 1973.”
Văn
bản được long trọng ký kết trước cộng đồng thế giới, được 13 nước ký
Định Ước Bảo Đảm Thi Hành bao gồm Liên Xô, Trung Cộng! Màn dối gạt ngang
ngược vô liêm sĩ đối với thế giới tiếp tục hiện thực trong Ngày 30
Tháng 4, 1975 với sự đồng thuận của chính phủ Mỹ. Cuối cùng, chỉ một năm
sau, 1976, nhóm người tù miền Nam trong một buổi đi ra Đoàn (Đoàn 776) ở
Yên Bái để lãnh gạo. Chúng tôi nhận ra người tù Hạ Lào: Đại Tá Nguyễn
Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, Trung Tá Trần Ngọc Huế, Tiểu
Đoàn Trưởng TĐ2/2/SĐ1BB và nhiều anh em tù binh khác thuộc các binh
chủng TQLC, BĐQ, BB, Thiết Kỵ, đông đảo nhất là những Biệt Kích Quân,
tổng số của những tù binh VNCH rơi ra ngoài danh sách trao trả theo Hiệp
Định Paris. Đại Tá Thọ giữ nhiệm vụ chăn nuôi, Trung Tá Huế dầm suối
chuyển cây gỗ… Chúng tôi đứng nghiêm chào kính: Chào Đại Tá! Ông trầm
giọng buồn phiền: Các em cố gắng nghe! Vâng, tụi em cố gắng!
Năm
1996, người viết qua Úc, nói chuyện ở Sidney, gặp lại Người Lính Nhảy
Dù không mệt mõi, đến góp tiếng với “thằng em”. Tôi khám phá ra một điều
cao thượng bất biến: Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8; Lữ Đoàn Trưởng Lữ
Đoàn 3 ND; Tù Binh Hạ Lào; Người già tỵ nạn nơi đất Úc… Tất cả luôn ở
trong một tình trạng “cố gắng”.
Nhảy Dù Cố Gắng! Đích Thân về cõi Phật bình an (*).
(*) Đích thân: Người Chỉ Huy – Ám danh đàm thoại của các đơn vị tác chiến nhảy dù.
Thiếu Úy Phan Nhật Nam
Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, KBC 4919
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét