Nguồn: www.nationaldefensemagazine.org/articles/2018/11/16/darpa-pushes-mosaic-warfare-concept |
Cơ quan DARPA trực thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1958 để đáp ứng với sự ra đời của vệ tinh Sputnik của Liên Xô. Nhiệm vụ mà DARPA được giao phó: Duy trì ưu thế tuyệt đối về mặt kỹ thuật của quân đội Hoa Kỳ.
Một số công trình nổi tiếng của DARPA là Internet, GPS, Google Maps , Stealth aircraft ... Gần đây DARPA đã thành công trong việc thử nghiệm bắn đạn thật của súng trường có khả năng tự điều chỉnh để tìm mục tiêu (self-guided bullets). Có thể nói DARPA là một trong những tổ chức nghiên cứu và phát triển kỹ thuật quan trọng nhất trên hành tinh.<!>
Đặc San Lâm Viên xin giới thiệu đến quý vị một nhiệm vụ mới của DARPA qua phần chuyển sang Việt ngữ của bài viết DARPA Pushes ‘Mosaic Warfare’ Concept (1) của Stew Magnuson đăng trên National Defense Magazine ngày 16/11/2018.
Thy Trang chuyển ngữ
Cơ quan DARPA (The Defense Advanced Research Projects Agency: Cơ quan nghiên cứu các dự án cao cấp quốc phòng) thường được biết đến qua việc phát triển các hệ thống vũ khí và kỹ thuật dẫn đầu cho quốc phòng. Nhưng đến lần kỷ niệm 60 năm ngày thành lập cơ quan này tại một hội nghị lớn được tổ chức tại National Harbor, Maryland, vào tháng 9, thì điều mà các nhà lãnh đạo của cơ quan này muốn nói đến chỉ là một khái niệm.
Quân đội có thể bỏ rất nhiều thời giờ ra để chế tạo những vũ khí nhanh hơn một chút, được bảo vệ nhiều hơn một chút hoặc tàn hại hơn một chút so với vũ khí của các đối thủ, nhưng cuối cùng rồi thì kẻ địch vẫn sẽ tìm ra một thứ gì đó để đối phó được với các vũ khí này, theo Timothy Grayson, giám đốc phòng kỹ thuật chiến lược của DARPA.
"Chắc chắn, chúng ta có thể bỏ thêm nhiều tiền và áp dụng kỹ thuật cao cấp cho các hệ thống vũ khí của chúng ta và cố gắng đi trước kẻ địch, nhưng cuối cùng thì đó vẫn sẽ là một đề án (proposition) bị thua lỗ", ông nói tại hội nghị. “Càng ngày mỗi bước tiến trong cuộc thi đua này càng trở nên phức tạp hơn, khó khăn hơn, tốn kém hơn và tốn nhiều thời gian hơn so với bước tiến trước đây.”
Thay vào đó, quân đội Hoa Kỳ phải tận dụng những gì đang có và đem ra ứng dụng theo những cách thế sáng tạo để áp đảo kẻ địch, đẩy họ rơi vào những tình trạng khó giải quyết và "len lỏi vào bên trong và làm gián đoạn tiến trình tạo ra quyết định của các nhà lãnh đạo của kẻ địch," ông nói.
Các nhà lãnh đạo của cơ quan DARPA đang gọi điều này là “mosaic warfare" (Người dịch: xin giữ nguyên văn). Từ ngữ ‘mosaic warfare' này được sáng chế bởi Thomas J. Burns, cựu giám đốc phòng kỹ thuật chiến lược, và vị cựu phó giám đốc của ông là Dan Patt.
Sau khi Burns nghỉ hưu, thì Grayson lên thay thế và ông ta đã chính thức trở thành một "trưởng giáo" của "môn phái" mosaic warfare. Grayson đã xem những thứ vũ khí hiện đại cũng tương tự như những miếng nhỏ được dùng trong trò chơi ráp hình. Mỗi miếng nhỏ của trò chơi này rất tinh tế. Chỉ có thể gắn miếng nhỏ đó vào đúng một chỗ trong bức ảnh, và nếu chỉ bị mất đi một miếng, thì bức ảnh đó sẽ không hoàn hảo.
Một vuông gạch nhỏ (tile) trong khuôn mẫu (mosaic) là một phần của bức tranh lớn hơn. "Nếu bạn mất một vuông gạch nhỏ, thì cũng chẳng có gì là to chuyện cả," Grayson nói. Theo phép ẩn dụ này, một vuông gạch nhỏ tương đương với một vũ khí cá nhân.
Một phần của khái niệm này là "lấy các vũ khí mà ngày nay chúng ta hiện đang có và đem kết hợp chúng lại bằng những phương cách mới mẻ và tân kỳ," Grayson nói. Chìa khoá ở đây sẽ là hợp lại hai thành phần chiến đấu – có người và không người điều khiển (manned-unmanned teaming), có khả năng tách rời (disaggregating capabilities), và để cho các cấp chỉ huy có thể liên tục gọi yểm trợ từ biển, đất liền hoặc không trung tùy theo tình hình và không cần biết đến việc các đơn vị hỏa lực đó trực thuộc quyền điều động trực tiếp của lực lượng nào hay quân binh chủng nào.
Khái niệm về cuộc hành quân theo hình thái 'mosaic warfare' của DARPA - Nguồn: www.defensedaily.com/darpa-seeks-mosaic-warfare-approach-future-conflicts/ |
Một thí dụ là trên không trung có thể có một loạt các máy bay không người lái (drones) đi kèm với một đội hình chiến đấu điển hình với bốn chiến đấu cơ. Sẽ có một trong những máy bay yểm trợ (wingmen) được robot điều khiển chuyên dùng để gây nhiễu sóng radar hoặc sử dụng các dụng cụ chiến tranh điện tử khác. Môt máy bay yểm trợ khác có thể chỉ mang theo vũ khí. Chiếc thứ ba có thể trang bị các sensor và chiếc thứ tư có thể được dùng để đánh lạc hướng (decoy), Burns đã cho biết như trên trong một bài viết được phân phối tại hội nghị.
Thành thử thay vì chỉ thấy bốn điểm sáng nhấp nháy trên radar, thì kẻ địch lại nhìn thấy tám, và kẻ địch hoàn toàn không biết chút gì đến khả năng mà mỗi chiếc có thể cung ứng.
"Kẻ địch không thể dự đoán được chúng ta sẽ làm điều gì kế tiếp," Grayson nói.
Ở một thí dụ khác, một đơn vị của Lực Lượng Đặc Biệt, đang ở phía sau phòng tuyến của kẻ thù, xác định được một vị trí hỏa tiễn phòng không mà trước đây không biết. Đơn vị này báo về trung tâm hành quân vị trí của dàn phóng và hệ thống chỉ-huy-và-kiểm-soát (command-and-control system) sẽ tự động đi tìm các phương tiện tốt nhất để tiêu diệt mục tiêu. Có thể là một lữ đoàn bộ binh ở gần đó, hay một tàu ngầm hoặc một máy bay chiến đấu đang đi tuần. Lệnh tấn công được gửi đi và đơn vị nào thích hợp nhất sẽ được gọi đến để triệt hạ mục tiêu.
Vấn đề khó khăn là mỗi đơn vị của các quân binh chủng khác nhau đó hiện nay đều được hình thành để thi hành nhiệm vụ riêng biệt của nó. Gửi ra các lệnh tấn công như trên không phải là chuyện trơn tru không bị trở ngại mà sẽ mất một thời gian dài, ông nói.
Một khó khăn khác, Dan Patt cho biết trong một bài viết được phân phối tại hội nghị, là làm sao cho nhiều phần nhỏ đa dạng và lưu chuyển sẽ cùng hoạt động với nhau được. "Làm thế nào bạn có thể làm cho tất cả những phần nhỏ này vào hàng ngay ngắn để cùng thực hiện một mục tiêu chung mà khả năng thông tin liên lạc lại không được tuyệt hảo và mọi sự cũng không được dự liệu trước?" ông đặt câu hỏi.
Vấn đề nằm ở chỗ quân đội vẫn đang chế tạo các loại vũ khí bí mật riêng rẽ (stovepiped weapons), theo lời của Tướng Hawk Carlisle, cựu tư lệnh của Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Đấu, và hiện là chủ tịch kiêm CEO của Hiệp Hội Kỹ Nghệ Quốc Phòng (National Defense Industrial Association).
Lockheed Martin F-22 Raptor |
“Đây là điều cần nghĩ đến: chúng ta đã chế tạo hai chiếc máy bay tàng hình từ cùng một nhà thầu sản xuất nhưng lại không liên kết được các dữ liệu vì không tương hợp (incompatible data links),” ông nói tại hội nghị của DARPA, đề cập đến trường hợp của chiếc F-22 Raptor và F-35 Joint Strike Fighter cùng do hãng Lockheed Martin chế tạo.
Lockheed Martin F-35 Joint Strike Fighter |
Khi ông còn ở Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Đấu, điều đó được gọi là "fusion warfare."
Từ ngữ "mosaic warfare“ tương tự như các từ ngữ hay gây chú ý (buzzwords) thường được nêu ra khi đề cập đến các việc như hoạt động của "các hệ thống kết hợp" (systems-of-systems) hoặc hành quân liên kết đa lãnh vực (joint multi-domain operations).
Dù có mang tên gọi là gì đi nữa, “thì đó thực sự là nơi mà chúng ta cần phải đi tới,” ông Carlisle nói.
Cựu Đô Đốc Hải Quân Scott Swift, cũng là cựu tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho biết tại hội nghị rằng trong xung đột ở tương lai, việc thông tin liên lạc sẽ bị suy thoái (degraded).
"Những cánh cửa của thông tin liên lạc sẽ đóng mở thật nhanh trong một khoảng thời gian thật ngắn mà không một vị chỉ huy nào có thể kiểm soát được," ông nói. Đó là lý do tại sao việc tự quyết định (autonomy) và phần chiến đấu không cần người điều khiển (unmanned piece) trong mosaic warefare lại trở nên quan trọng. Các hệ thống phải có khả năng hoạt động độc lập khi chúng bị cắt đứt không liên lạc được với các trung tâm hành quân cấp cao hơn, ông nói.
Đối với Hải quân, mosaic warfare có thể gồm có các tàu, máy bay trinh sát và các phương tiện đi lại dưới mặt nước và trên bờ không có người điều khiển (unmanned underwater and surface vehicles), John Waterston, viên quản lý chương trình của phòng kỹ thuật chiến lược và là một sĩ quan trừ bị Hải quân, cho biết trong một bài viết được phân phối tại hội nghị.
Khái niệm này sẽ đưa đến cho các đối thủ nhiều phức tạp hơn, khi nó kết hợp được nhiều lãnh vực tác chiến khác nhau bao gồm cả không trung, đất liền, biển và dưới mặt nước, ông nói.
"Chúng ta tiếp tục chế tạo những máy bay chiến đấu tàng hình tuyệt diệu, hoặc tàu ngầm tân tiến hơn, và các hệ thống không có người thì càng ngày càng tốt hơn," ông nói. “Điều cần suy nghĩ là: tại sao chúng ta không lấy các hệ thống đơn giản hơn và đem chúng kết nối lại với nhau, rồi cho chúng chia sẻ, cộng tác - tự nhận biết thế giới của chúng theo cách riêng của chúng – và rồi đem gộp chung các thứ này lại?"
Đem tất cả các hệ thống khác nhau này cột chung lại để làm việc với nhau với một sự thông tin liên lạc được bảo mật, liên tục là vấn đề rất khó của DARPA mà cơ quan này phải giải quyết nếu họ muốn làm cho mosaic warfare trở thành một thực tại (reality). Phòng kỹ thuật chiến lược (strategic technology office) đang làm việc trên nhiều chương trình - tập trung vào software cần có để làm cho công việc có thể thực hiện được - trong khi đó, phòng kỹ thuật chiến thuật (tactical technology office) đang phát triển hardware, điển hình là các hệ thống tự điều khiển rất cần cho các khái niệm máy bay hỗ trợ (wingman concepts), theo như giới chức của DARPA cho biết.
Cựu Tướng Bộ Binh David Perkins, cũng là cựu Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện và Học Thuyết, cho biết khi ông còn ở trung tâm huấn luyện, khái niệm chiến trường đa lãnh vực (multi-domain battle concept) đã bị kêu là " bình mới, rượu cũ" (“old wine in a new bottle”) hoặc "chiến trường không-địa được thổi phồng (air-land battle on steroids)."
“Tôi đã chống trả lại điều đó,” ông nói tại hội nghị. "Trong suy nghĩ về vấn đề này, chúng tôi đã không định nghĩa điều đó cho được đúng đắn và chúng tôi cũng đã không định nghĩa điều đó cho được đầy đủ vào lúc ban đầu," ông nói.
“Cũng còn phải kể đến những khía cạnh văn hóa nữa, đặc biệt là khi đưa những việc này đến các nhân viên cấp thấp hơn. Có những người không cảm thấy thoải mái khi họ phải từ bỏ quyền kiểm soát hệ thống của họ. Bạn phải học cách giao quyền cho mọi người,” ông nói.
Trong khi đó, Không quân và Bộ binh đang đẩy mạnh tới với học thuyết mới được gọi tên là "hành quân đa lãnh vực" (multi-domain operations) hoặc "hành quân liên kết đa lãnh vực" (joint multi-domain operations).
Không quân thì đang đi từng bước để giúp các cấp chỉ huy để họ dần dần hiểu thêm khái niệm phức tạp mới. Khoảng trước đây hơn một năm, Không quân đã thành lập một nhóm gồm các thành phần lấy ra từ nhiều đơn vị chỉ huy-và-kiểm soát (command-and-control) của nhiều lãnh vực khác nhau và có khả năng phối hợp như của một công ty lớn. Nhóm này được đặt dưới sự điều động của Chuẩn Tướng Không quân Chance Saltzman, giám đốc hành quân hiện tại và còn là phó tham mưu trưởng hành quân.
Trong chiến trường ngày nay, vấn đề chỉ huy và kiểm soát rất phức tạp, nhưng bây giờ lại đem cộng thêm các lãnh vực không gian và điện toán mạng (Cyber ), thì lại còn trở nên phức tạp nhiều hơn nữa, ông nói với các phóng viên tại Hội nghị của Hiệp hội Không trung, Không gian và Điện toán Mạng của Không quân (Air Force Association’s Air, Space and Cyber Conference) tại National Harbor, Maryland.
Không quân đang tổ chức một loạt các “lượng định” nổi mặt để giúp trả lời một số câu hỏi chính yếu. Ông nhấn mạnh là những lượng định này không phải là trò chơi chiến tranh hay bài tập chiến tranh mà những lượng định đó sẽ nhằm tìm kiếm các cấu trúc thích hợp cho việc chỉ huy và kiểm soát để có thể cho phép Không quân hữu hiệu tiến hành các cuộc hành quân đa lãnh vực. Những cuộc hành quân này được dự trù sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng Mười Một.
Các chiến trận đa lãnh vực (multi-domain battles) cũng được hình dung như là sẽ được hợp tác nhiều hơn và Saltzman cho biết nhóm trách nhiệm vẫn thường xuyên liên lạc với các đơn vị của quân binh chủng khác cũng như là với văn phòng bộ trưởng bộ quốc phòng về các cuộc hành quân đa lãnh vực.
Với các cấp lãnh đạo chỉ huy hiện thời của Bộ binh Hoa Kỳ, họ cũng gọi học thuyết mới của họ là “hành quân đa lãnh vực” (“multi-domain operations”).
Trong diễn văn tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Bộ binh của Hoa Kỳ họp tại Washington, DC, Tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Bộ binh Hoa Kỳ, đã mô tả một điều gì đó rất gần với mosaic warfare mà không bao giờ dùng đến từ ngữ này.
Milley nói: “Hành quân đa lãnh vực là để chiến thắng - chiến thắng trong chiến trường của ngày mai bằng cách cùng một lúc đạt được ưu thế áp đảo nơi chiến trường và vượt qua kẻ địch trong tất cả năm lãnh vực chiến tranh (five domains of warfare).” [Người dịch chú thích: Five domains of warfare = Land (Đất liền), Sea (Biển), Air (Không trung), Space (Không gian), Information (Tin tức).]
Nhân sự trong Lãnh Vực Thứ Năm: Infomation - Nguồn: www.fifthdomain.com/dod/2017/08/14/darpas-mosaic-warfare-concept-turns-complexity-into-asymmetric-advantage/ |
"Chúng ta có ý định nắm giữ và duy trì sáng kiến này, để đạt được các vị trí có ưu thế, và phá vỡ các lớp phòng thủ vào tận sâu bên trong bằng cách vận dụng những loại vũ khí được kết hợp từ tất cả các lãnh vực và tấn công với tốc độ nhanh hơn xa tốc độ mà kẻ thù có thể phản ứng", ông nói. Mục tiêu là "làm gián đoạn, thâm nhập, làm tan rã và khai thác các hệ thống chống truy cập (anti-access) và làm tê liệt các lực lượng của địch ngay trên trận địa."
Nhưng, khi phóng viên hỏi một nhóm các cấp chỉ huy cao cấp của Bộ binh Hoa Kỳ, gồm có cả Tướng John Murray, Chỉ huy trưởng Trung tâm Hiện đại hóa Chỉ huy (Futures Command’s Commander), Ryan McCarthy, Thứ trưởng Bộ binh (Undersecretary of the Army) và Bruce Jette, Phụ tá Bộ trưởng Bộ binh về Thu nhận, Tiếp vận và Kỹ thuật (Assistant Secretary of the Army for Acquisition, Logistics and Technology), về khái niệm mosaic warfare của DARPA, thì không ai trong số những vị trên đã từng nghe nói về khái niệm này.
Thy Trang chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét