Căng tin của BV nay thành phòng bệnh |
- Thấy con nóng sốt, nôn ói nhiều, người mẹ trẻ ở miền Tây ra tiệm thuốc tây mua hạ sốt cho con uống, nhưng cứ hết thuốc, bé bị lại. Qua 3 ngày, sức khỏe bé yếu dần, người mẹ mới đưa đi cấp cứu.
Phòng căn tin ở tầng trệt bệnh viện Nhi đồng 1, trước đây dành cho nhân viên y tế và thân nhân người bệnh, thì nay được cải tạo lại thành 3 phòng bệnh 117, 118 và 119 của khoa Nhiễm – thần kinh để có chỗ điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng.
<!>
Trong khi phòng bệnh 119 nằm gọn phía trong, thì 2 phòng 117 và 118 chỉ cách tấm kính chắn. 3 phòng này đang có 50 trẻ điều trị và còn có thể kê thêm 50 giường nữa, nếu như số trẻ nhập viện tăng lên.
Bệnh nhi và thân nhân trải chiếu nghỉ ở trước khoa Nhiễm - thần kinh |
Đây là cách ứng phó của bệnh viện Nhi đồng 1 khi số ca mắc tay chân miệngtăng đột biến, 150 giường bệnh của khoa Nhiễm – thần kinh đã quá tải.
Cầm chiếc quạt giấy quạt cho cháu ngủ, bà Lê Thị Nam (60 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú ở huyện Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ, sau 2 ngày bị sốt cao, mệt, ói nhiều, gia đình vội đưa vào bệnh viện khám. Bác sĩ khám, cho uống thuốc và các triệu chứng của bé đỡ nên được cho về. Tuy nhiên khi về nhà các triệu chứng cũ lại xuất hiện.
“Chúng tôi đưa cháu vào cấp cứu bác sĩ bảo mắc tay chân miệng, cần nhập viện điều trị. Tới hôm nay đã là ngày thứ 2, bé đỡ hơn, nhưng giờ lại đi ngoài phân lỏng và nổi nốt đỏ ở tay, chân và miệng” – bà Nam chia sẻ.
Bà Nam liên tục quạt để giúp cháu ngủ |
Bà Nam và con gái thay nhau chăm sóc cháu. Khi bé ngủ, người mẹ cũng tranh thủ chợp mắt ngay cạnh con.
Có con đang nằm ở chiếc chiếu giữa nền nhà phòng 117, chị Nguyễn Thị Rớt (24 tuổi, ngụ xã Tân Hội, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, sau 5 ngày điều trị, con gái 14 tháng tuổi được bác sĩ cho xuất viện. Giường bé nằm, nhường lại cho một bé gái khác mới nhập viện.
Khi con bị tay chân miệng, chị Rớt tự mua thuốc tây về cho bé uống nhưng không hết, phải đưa đi cấp cứu |
Chị Rớt kể, vào ngày 25/9, thấy con gái có biểu hiện nóng, sốt, đau đầu, nên ra tiệm thuốc tây mua thuốc hạ sốt về cho bé, nhưng cứ hết thuốc, bé sốt lại. Tình trạng kéo dài 3 ngày, tới ngày thứ 4, đưa bé tới BV Nhi đồng 1 thăm khám. Lúc này mới biết bé mắc tay chân miệng.
Cách đó không xa là giường của bé gái 9 tháng, con của anh Hoàng Hữu Thuấn (44 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM). Anh Thuấn vốn là người làm nghề quảng cáo, còn vợ công tác ở cơ quan nhà nước. Trong thời gian vợ đi làm, anh trông con ở bệnh viện. Con gái anh Thuấn đã điều trị ở khoa Nhiễm – thần kinh ngày thứ 5.
“Thấy con gái sốt cao, quấy khóc rồi nằm ly bì 2 ngày, gia đình lo lắng nên đưa bé vào bệnh viện Nhiệt đới thăm khám. Qua 5 ngày điều trị ở đây, bác sĩ cho về, nhưng 2 ngày sau, bé lại có triệu chứng cũ, chúng tôi đưa vào BV Nhi đồng 1 cấp cứu” – anh Thuấn nói và chia sẻ rằng, theo lời bác sĩ, con anh bị chân tay miệng do chủng virus EV71.
Anh Thuấn chăm con gái ở BV |
Lúc đang nói chuyện, con gái anh Thuấn lại khóc và đi ngoài phân lỏng. Anh vội lấy giấy, khăn lau cho con. Cả tuần nay, anh tạm ngưng công việc để chăm con bị bệnh.
Chị Nguyễn Thị Khánh Chi (37 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) đang xin nghỉ công việc ở cơ quan nhà nước để chăm con bị tay chân miệng 3 ngày nay.
“Bé sốt cao, nôn ói liên tục, ăn gì vào được chút là lại ói ra hết, uống sữa cũng ói. Thấy con ốm như vậy, tôi xót lắm, phải nghỉ việc ở nhà mà chăm con mới an tâm” – chị Khánh Chi chia sẻ.
Các phòng bệnh ở khoa Nhiễm - thần kinh luôn chật kín |
Bác sĩ phải thăm khám ở hành lang cho bệnh nhi |
Theo BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, hiện khoa đang chữa trị cho 140 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 20 - 30 ca nặng, phải thở máy. Mỗi ngày có hàng chục ca mới nhập viện, đặc biệt có ngày tới 90 trẻ.
"Tính theo chu kỳ bệnh tay chân miệng, đây đang là thời điểm bắt đầu của mùa dịch tay chân miệng, trường hợp làm tốt công tác phòng ngừa thì số ca bệnh sẽ không tăng lên nữa. Tới giữa tháng 11 sẽ giảm xuống và đầu tháng 12 lại tăng lên" - BS Khanh nói và cho biết, còn nếu làm không tốt thì dịch sẽ tăng lên, tới khi tất cả các em bé đều bị bệnh thì mới hết.
Theo ghi nhận từ Trung tâm y tế dự phòng, số ca mắc bệnh sởi ở TP có từ 15-20 ca bệnh mỗi tuần và hiện đang có dấu hiệu tăng lên. Số ca bệnh tích lũy từ đầu năm đến nay là 111 trường hợp và tất cả 24 quận huyện của TP đều có trẻ mắc sởi. Các quận huyện có nhiều ca mắc là Thủ Đức, quận 12, Tân Phú, Bình Tân.
Nói về nguyên nhân bệnh sởi tăng cao, dù đã có vắc xin chích ngừa, BS Trương Hữu Khanh cho hay là do lỗ hổng chích ngừa.
Lỗ hổng chích ngừa xuất phát từ việc lệch thời gian giữa chích ngừa sởi ở chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.
Theo BS Khan, trong khi chích ngừa vắc xin sởi ở tiêm chủng dịch vụ là từ 12 tháng tuổi thì ở chương trình tiêm chủng mở rộng là 9 tháng, mà đúng ra ở Việt Nam là phải chích ngừa khi trẻ 9 tháng. Một số người theo tiêm chủng dịch vụ mà bác sĩ ở đây không nhắc tiêm khi 9 tháng.
Ngoài ra, mũi 2 ở tiêm chủng mở rộng là 18 tháng, trong khi tiêm chủng dịch vụ là 4-5 tuổi.
“Việc lệch thời gian này khiến trẻ bỏ mũi chích lúc 9 tháng và mũi thứ 2 chích quá trễ. 2 yếu tố này hình thành cùng lúc sẽ tạo ra lỗ hổng miễn dịch” – BS Khanh phân tích.
BS Khanh nói thêm những bà mẹ giai đoạn 8x, 9x ít có bà mẹ nào chích đủ 2 mũi, khi đó hệ miễn dịch yếu. Người lớn mắc sởi thì tốc lộ lây lan nhanh vì họ di chuyển nhiều.
Để khắc phục “lỗ hổng chích ngừa”, BS Khanh cho biết cần sự phối hợp tốt giữa bác sĩ của tiêm chủng mở rộng và bác sĩ của tiêm chủng dịch vụ.
“Nếu phụ huynh nào theo tiêm chủng dịch vụ, thì phải kiếm nơi có chích sởi lúc 9 tháng cho bé. Nếu không kiếm được, thì tới tiêm chủng mở rộng chích mũi khi trẻ 9 tháng. Thiếu mũi 9 tháng là đã tạo ra lỗ hổng.
Trường hợp chích mũi 12 tháng (đã qua thời gian chích mũi 9 tháng) thì đừng bao giờ chờ chích mũi thứ 2 khi 4-5 tuổi, vì thời gian rất dài, trong khi Việt Nam dịch tễ sởi rất nhiều, trẻ rất dễ mắc bệnh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét