Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Không hiểu sao họ vẫn “tại vị”? - But Danh

TP HCM “than” thiếu” người làm công tác quy hoạch
Cả một hệ thống chính trị với đầy đủ cơ sở pháp lý và bộ máy hành pháp hùng hậu (nếu không nói đến dư thừa), vậy mà đụng đến việc gì lãnh đạo địa phương, sở/ngành cũng kêu, than khó không làm được. Không hiểu sao họ vẫn “tại vị”, không bị thay thế?
<!>
Tại “Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức cách đây không lâu, ông Sử Ngọc Anh – Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM làm “nóng” dư luận bằng những phát ngôn thể hiện “tầm nhìn xa 0km” của người làm lãnh đạo, rằng:
“Đội ngũ làm quy hoạch của TP.HCM không nhiều, vừa qua, chúng tôi làm 2 – 3 quy hoạch nhưng đều thất bại. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) làm về quy hoạch quá ít. Nếu địa phương phải làm quy hoạch của tỉnh phù hợp quy hoạch quốc gia, vùng thì lấy đâu nhân sự để làm, rất khó cho chúng tôi”. Thậm chí, vị Giám đốc Sở này cũng nêu vấn đề quan trọng hiện nay đặt ra là quản lý quy hoạch. Ông lấy ví dụ những ngành kinh doanh như karaoke, massgae… pháp luật không cấm nhưng vẫn chưa có quy hoạch để cơ quan chức năng quản lý.
Loay hoay với quy hoạch
Thời gian qua, không ít địa phương, đặc biệt là các TP lớn, việc lạm dụng thay đổi quy hoạch diễn ra không ít và rất trầm trọng. Điều đáng chú ý là, việc thay đổi quy hoạch diễn ra hầu hết theo hướng các quỹ đất công cộng, cây xanh bị biến thành các cao ốc. Dù rằng, khi thay đổi quy hoạch chi tiết các dự án, các lý do đưa ra đều “tốt đẹp” và “đúng quy trình”.
Riêng, TP HCM là TP trực thuộc Trung ương lớn nhất cả nước từ năm 1975. Sau thời điểm trên, có 3 đồ án quy hoạch chung xây dựng TP HCM được lập và phê duyệt:
Lần 1: “Quy hoạch tổng thể xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010” (gọi tắt là Quy hoạch 1993), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20-TTg ngày 16 tháng 01 năm 1993.
Lần 2: “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” (gọi tắt là Quy hoạch 1998) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998.
Lần 3: “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025” (gọi tắt là Quy hoạch 2010) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010.

Ông Sử Ngọc Anh nêu 3 áp lực của Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM.

Đáng chú ý, trong nỗ lực phát triển chung của TP, nhìn lại các dự án phát triển đô thị “treo” mới thấy hầu hết các dự án này đều có một điểm chung là “rất khả quan”, nhưng thiếu tính khả thi do công tác quy hoạch không gắn liền với năng lực thực tế của TP.
Có những dự án “treo” gần 20 năm như bán đảo Thanh Đa, có những khu đô thị Thủ Thiêm, được kì vọng sẽ đẹp, sẽ hiện đại như Singapore giờ “nát bét”, có những khu đất vàng ngay trung tâm TP chỉ để làm bãi giữ xe… tất cả đều do những bất cập trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.
Hoặc, dọc quốc lộ 22 trên địa bàn huyện Củ Chi, hiện đã có hơn 20.000 hộ dân mắc kẹt trong vùng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc rộng 5.000 ha, Khu công nghiệp Bàu Đưng 175 ha, Khu viện trường y tế 105 ha và Khu công nghiệp hóa dược 220 ha..v..v. Tình trạng này không chỉ gây khổ sở cho người dân trong vùng quy hoạch mà còn gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách.
Rất nhiều nguyên nhân được lý giải cho sự “quá tải”, bất cập trong quy hoạch phát triển của TP. Thế nhưng, dư luận cảm thấy khá thất vọng với lời ca thán trên của của vị giám đốc Sở KH&ĐT TP HCM.
Lời khó nghe của vị Giám đốc sở ở TP HCM.
Nói thẳng, lời của ông Sử Ngọc Anh rất khó nghe. Chẳng lẽ chỉ có đội ngũ GS.TS mới làm được công tác quy hoạch? Và lâu nay chúng ta thường nói về quy hoạch là chủ yếu là quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị có phân khu chức năng (dịch vụ, du lịch…), chứ không ai quy hoạch karaoke hay massage.

Và chỉ người có bằng giáo sư, tiến sĩ mới làm quy hoạch tốt?

Có lẽ vì thế nên dưới góc nhìn của một chuyên gia, GS.TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cũng thấy khó hiểu: “Cả thành phố lớn như ở TP.HCM mà bảo khó quản lý được những ngành kinh doanh dịch vụ như karaoke, massage thì rất khó hiểu”.
Hơn nữa, người dân đang than phiền về chất lượng của GS.TS rồi lo lắng xảy ra tình trạng “lạm phát tinh hoa” thì đội ngũ GS.TS làm quy hoạch lại thiếu. Mà không hiểu tại sao cứ phải GS.TS mới làm tốt được quy hoạch. Khi thực tế GS.TS nói chung giỏi về lý thuyết quy hoạch, nhưng đây là lĩnh vực rất tổng hợp, đa ngành, rất cần có kinh nghiệm thực tế.
Điều này cũng có nghĩa, để làm tốt công tác quy hoạch, không nhất thiết phải là đội ngũ GS.TS. Việc này chỉ cần những kỹ sư hay nhà quy hoạch có kinh nghiệm là có thể làm được. Người có trình độ, có tài ở Việt Nam rất nhiều chứ không phải không có, sao TP không thử tuyển dụng nhân tài?
Hay là, sở/ngành mà ông có trách nhiệm cao nhất cũng nằm trong cái guồng quay của cái gọi là “lợi ích nhóm” trong quy hoạch, thiết kế. Dù cho quy hoạch nhằm mục đích tối thượng là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dân, cho đất nước.
Cá nhân người viết có thể thông cảm về một trong những cái “khó” mà ông than thở. Bởi vì ở Việt Nam chúng ta có quá nhiều lợi ích nhóm, chúng đan xen nhau ràng buộc nhau. Mà xét cho cùng toàn đồng chí của nhau cả thôi, toàn là “sân trước, sân sau” cả thôi. Và sẽ chẳng có GS.TS nào dám đụng vào “quy hoạch lợi ích”, nó bùng nhùng u ám, “lợi ông này hại ông kia” cả.
Theo đó, chúng ta vẫn cứ mãi loay hoay giải bài toán “minh bạch”. Chúng ta cứ hô hào vận động tri thức người Việt ở nước ngoài về Việt Nam đóng góp cho quê hương. Nhưng, thiết nghĩ ở trong nước có rất nhiều người tài, cứ tạo được môi trường cho người tài trong nước phát triển đã là tốt lắm rồi.
Vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước mà TP vẫn loay hoay với quy hoạch, quả thực là điều khiến không ít người phải lo ngại. Đành rằng phải chờ sự thống nhất trong thực hiện quy định luật, nhưng không nên đổ cho việc thiếu nhân lực. Thiếu gì địa phương đã chi tiền để thuê chuyên gia nước ngoài về quy hoạch, như lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã tuyên bố không tiếc tiền để thuê chuyên gia góp ý, điều chỉnh lại quy hoạch đó là gì.
Ngạc nhiên đến thất vọng ở chỗ, cả một hệ thống chính trị với đầy đủ cơ sở pháp lý và bộ máy hành pháp hùng hậu (nếu không nói đến dư thừa), vậy mà đụng đến việc gì lãnh đạo địa phương, sở/ngành cũng kêu, than khó không làm được. Không hiểu sao họ vẫn “tại vị” mà không bị thay thế?
Trong khi, xin được nhắc lại một lần nữa rằng, đất nước chúng ta không thiếu người tài trong mọi lĩnh vực. Chỉ là vì một lý do mà từ xưa tới tận bây giờ nhân dân đành “tặc lưỡi” chỉ 3 chữ: Tại cơ chế! Nên họ lại ít được trọng dụng, ít được nhìn nhận?
Thành thử, câu chuyện của TP HCM mà vị Giám đốc Sở KH&ĐT nói ra chưa biết là ý kiến cá nhân hay tập thể. Có điều, nó cho chúng ta thấy được một thực tế đó là, cái tâm , cái tầm về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn của một bộ phận quan chức địa phương rất đáng lo ngại!
Nguồn: Bút Danh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét