Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Hôm qua & hôm nay và ngày mai - Khổng thị Thanh-Hương

https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2016/07/time_is_a_river_without_banks-marc_chagall.jpg?w=242&h=300
Time is a River without Banks Marc Chagall

Một buổi tối năm nào, tôi đã vất vả ngược xuôi hơn 2 tiếng đồng hồ trên một quãng đường dài có 24 cây số để về tới nhà, khi kim đồng hồ cho thấy đã qua nửa đêm. Dù trời không mưa, những dòng nước mắt tức tưởi đã đổ ra như một tấm rèm ướt đẫm phủ mờ kính xe, khiến đường đi nhạt nhòa, khó thấy. Muộn phiền cắm ghim vào tim, vào óc. Không lối thoát, từ sau đêm đó, tôi bắt đầu ghi xuống giấy trắng mực đen. Không biết viết để làm gì, viết như là một cứu cánh, một nơi để tâm sự mà không cần ủi an? Viết để mà viết, viết không đầu không đuôi, viết như “dùi đục chấm móng cáy.” Thói quen này trở thành một nhu cầu hằng ngày không thể thiếu từ hồi nào không hay. Cho đến hôm nay tôi không còn biết mình đã trải lòng trên bao nhiêu chục cuốn tập giầy, tập mỏng “nhật ký đời tôi.”
<!>
Trong những tháng năm dài của giai đoạn thử thách tột cùng đó, khối óc tôi đã ngang nhiên chiếm thế chủ động, gạt ra ngoài lý lẽ bình thường của con tim. Những mẫu đối thoại nhuộm màu hờn ghen, hơn thua toan tính của hai người trước kia rất yêu thương nhau, nay đã biến thành kẻ lạ, cần có sự trung gian của ai khác để đạt mục đích sau cùng. Tình cảm nồng nàn cho nhau trước kia đã trôi vào dòng sông lạnh lùng buốt gía. Sự phẫn uất, như dòng dung nham ngàn độ âm ỉ trong tim, như những luồng điện xanh, điện vàng xẹt vào nhau tóe khói trong tâm tưởng, lan xuống bàn tay, truyền sang ngòi bút và làm tội làm tình, dằn vặt những trang giấy vô tội vô tri. Có những đoạn đọc lại tôi không hiểu mình viết gì, vì nước mắt nhòe nhoẹt trang giấy. Có những đoạn đọc lại, lòng vẫn không khỏi quặn đau. Rồi tự trách mình. Dù thế nào, một điều tôi rút ra từ kinh nghiệm đắng cay này là hạnh phúc hay khổ đau chỉ tương đối, chóng qua. Không có gì vĩnh viễn trên cõi đời tạm bợ này.


Hôm Qua
Một buổi chiều cuối tuần, tháng 10, năm 1987
Một người đàn ông trẻ đưa đứa con trai khoảng 7, 8 tuổi tới chơi. Mình chưa gặp cha con người này bao giờ. M. giới thiệu đó là chồng của C., một người làm cùng hãng. Mình ngạc nhiên khi thấy ông ta ở chơi khá lâu, gần một tiếng đồng hồ, qua cả giờ cơm chiều. Lạ hơn nữa là ông này nhắc nhiều về người vợ hiện đang thăm gia đình bên Tây Đức. Ông ta lập đi lập lại, “Tôi thương vợ tôi vô cùng. Tôi sẽ không thể nào sống được nếu thiếu nàng trong cuộc đời.” Lúc hai cha con ông ta ra về, mình thắc mắc hỏi M., “Ông này lạ qúa, tự dưng tâm sự chuyện gia đình với người mới quen!” M. trả lời lửng lơ, “Ai biết đâu.”


Một buổi tối đầu tháng 12, năm 1987
Hãng M. tổ chức mừng Giáng Sinh tại một khách sạn sang trọng trong vùng. Nôn nao đi dự tiệc cuối năm với chồng, mình ghé tiệm vải mua một khúc gấm mầu fuchsia rồi đem đặt may một chiếc áo xường xám viền đen nơi cổ, tay và đường xẻ dọc hai bên đùi. Vào tới phòng tiệc, M. chào người đàn ông đã ghé thăm mấy tháng trước và giới thiệu C., vợ của ông ta với mình. Bàn còn nhiều chỗ trống, mình rủ M. cùng ngồi chung với họ cho vui. M. đồng ý. Tiệc có nhạc sống. Khi ban nhạc trổi lên một bản nhạc với điệu du dương, mình thấy C. nói gì với M., rồi M. quay qua hỏi mình là M. lên nhẩy với C. được không? Dù thấy hơi khác thường vì thông thường những cặp tình nhân hay vợ chồng dành những bản nhạc loại du dương tình tứ cho nhau. Thêm nữa, thuờng thì đàn ông mời đàn bà, chứ ít khi đàn bà chủ động. Tuy nhiên, mình vẫn tươi cười, ra dấu cho M. đưa C. lên sàn nhẩy. Thế rồi sau khi bản nhạc chấm dứt và một bản nhạc Slow tiếp nối mà hai người vẫn không trở về bàn! Ngượng ngùng, mình quay sang chồng của C. nói, “Chúng ta hãy lên nhẩy với họ.” Ông này, được lời như cởi tấm lòng, liền cùng mình ra sàn nhẩy để “tách” M. và C. ra. Tiệc tàn, ai về nhà nấy.


Một buổi chiều, tháng Hai, năm 1988
M. đi làm về, đứng trong bếp, kế bên cái quạt hút khói và trầm ngâm hút thuốc. Mình lấy làm lạ về thái độ ưu tư của M. mấy lúc gần đây. M. hồi nào tới giờ vẫn ít nói. Dạo này còn ít nói hơn. Mãi sau cơm tối, M. mời mình ngồi xuống nói chuyện rồi thả một qủa bom Napalm, khiến mình tê dại toàn thân, chới với, “Có thể anh đã thương người khác!” Mình thuộc loại người phản ứng chậm, không nổ tung như những người vợ khác khi gặp trường hợp tương tự. Như sợi dây dẫn mìn gặp nước, lâu lắm mới khô. Dù tin dữ đã hút gần hết dưỡng khí, hai buồng phổi bỏng rát, lâu lắm tin động trời mới thấm vào tim, vào óc. Lúc đó nước mắt mình mới tuôn ra xối xả. Mình khóc như chưa bao giờ được khóc. Trời ơi, người yêu đầu đời của tôi, người tôi yêu bao nhiêu năm nay, bây giờ lòng đã đổi. Mình hỏi M. “Người này là ai, em có biết không?” Tối đó, M. từ chối cho biết, nhưng sau đó đã tiết lộ danh tánh người này. Mình tê điếng vì sửng sốt. Đó chính là người đã nhẩy Slow với M. hai tháng trước!


Một buổi tối, tháng Ba, năm 1988
Từ khi M. tỏ thật lòng, vợ chồng hết còn như xưa. Mắt mình luôn sưng húp. Đi làm cũng không dấu được chuyện buồn xẩy ra ở nhà, khiến mọi người không khỏi ái ngại. P. tốt bụng, đã giao cho mình công việc bursting printouts, để mình không phải tiếp xúc với ai. Cả ngày đứng trong phòng in, phân chia những programs theo tên của từng programmer, rồi bỏ vào ngăn của họ. Mình rất biết ơn P. đã để cho mình làm trong căn phòng đó. Dù ồn ào điếc tai với những tiếng xành xạch, xành xạch suốt ngày, mình tránh được những cái nhìn quan tâm thương cảm của những người trong hãng. Làm việc như cái máy. Đầu óc tê dại, không biết nghĩ gì, phải làm gì. Ngày đêm thương nhớ M.!


Bao nhiêu lần năn nỉ van xin M. trở về, M. vẫn cứ khư khư giữ ý định ban đầu. Lâu lâu mới ghé qua thăm hai con hay lấy thêm những gì cần dùng. Đau khổ qúa đỗi, mình không chịu được nữa. Một buổi chiều, khi M. tạt ngang, mình bảo M. đưa mình đi gặp cô nhân tình. M. hỏi để làm gì? Mình bảo mình không thể tiếp tục sống trong tình trạng chồng đi đi về về, lúc ở với mình, lúc với người khác. Mình muốn M. lựa chọn. M. nói đó không phải là ý kiến hay. Có lẽ M. đã biết M. muốn gì rồi. Mình nhất định đòi M. đưa lên gặp C. cho bằng được tối đó. Sau cùng thì M. cũng chiều ý mình. C. ngạc nhiên khi thấy mình. Sau khi biết ý định của mình, C. nói “Cô không thể bắt M. lựa chọn lúc này.” Vì không thể chịu được sự san sẻ tình yêu, mình nói “Tôi muốn M. phải lựa chọn ngay tối nay,” và lập lại lời đã nói với M. lúc còn ở nhà. Chập sau, M. đến trước mặt mình và hỏi, “Em có biết đường lái về một mình không?” Trái tim mình như có ai bóp nghẽn. Mình biết mình đã trở thành chiếc áo cũ, nhưng sự tàn nhẫn của M. khiến mình ngộp thở, nước mắt chực trào ra. Nhưng vì không muốn C. thấy sự yếu đuối của kẻ thua cuộc, mình giơ tay nhận chùm chìa khóa rồi như người mất hồn, lần từng bậc thang đi xuống xe.

Mình không còn nhớ những gì xẩy ra sau đó. Vì trực diện với một sự mất mát tình cảm qúa lớn, qúa bất ngờ, mình hụt hẫng như rơi xuống vực sâu. Đau khổ ê chề. Đầu óc miên man ôn lại những gì mới xẩy ra rồi bật khóc. Khóc như điên như dại. Nỗi sầu thảm như con đê vỡ, theo dòng nước mắt đầm đìa mặt mũi khiến những tên đường hay ngõ vào, lối ra xa lộ mờ mờ ảo ảo. Mình quẹo vào những con đường lạ hoắc, đưa xe vô những khu vực chỉ có những người đàn ông da mầu đứng tụm năm, tụm ba. Mình đi ngược hướng xa lộ về nhà không biết bao nhiêu lần. Phải chăng vì trong tiềm thức, mình muốn trốn tránh sự thật qúa phũ phàng của lòng người đen bạc cho nên chỉ muốn đi mãi, đi mãi, hy vọng một phép mầu nào đó đưa mình trở về con đường quen thuộc của tháng ngày hạnh phúc cũ?

Một buổi tối, tháng Năm, năm 1988
Lâu lắm M. không về nhà. Mặc mấy mẹ con muốn làm gì thì làm. Mình phải nhờ hàng xóm đón hai con sau khi tan học. Những ngày con đi tập Tae-Kwon-Do mình đưa đi, đón về. Một hôm, sau sinh nhật M., M. về nhà thăm các con. Mình mừng rỡ, chạy ra ôm ghì lấy M., M. gạt mình ra như chạm phải đỉa. Suốt buổi tối, mình lạy lục van xin M. về lại. Sau cùng, M. nói vì các con nên sẽ về.


Vài ngày sau:
M. trở về như đã hứa. Hai con vui lắm. Lăng xăng bên ba. Nhớ lại những hôm ba mẹ con đi Lễ và vẫn ngồi chỗ quen thuộc. Mỗi khi có ai đi vào từ cửa hông nhà thờ, cả hai đứa quay đầu lại nhìn, mong ước đó là người thân yêu. Mỗi lần thấy thế, mình chẩy nước mắt, vừa nhớ M. vừa thương hai con.


Khoảng một tuần sau:
Mình tặng M. một chiếc đồng hồ đeo tay nhân dịp sinh nhật M. mà sao không thấy đeo? Đã thế M. còn đeo đồng hồ “ai” khác cho. Mình nổi ghen, hỏi M. là tại sao đã trở về với mình rồi mà vẫn cứ đeo đồng hồ C. cho? M. trả lời là M. đã trở về với mình rồi, mình còn đòi hỏi gì nữa? Mình cứ cằn nhằn về cái đồng hồ, vì mỗi khi nhìn thấy nó trái tim mình lại quặn đau. Chiếc đồng hồ như khiêu khích, như nhắc lại vết thương lòng chưa lành, làm sao mình bằng an? Đêm đó, như giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước, M. bỏ đi lần cuối cùng và không bao giờ trở về nữa. Duyên nợ đã thực sự rẽ nhánh.


Tháng nào, năm 1988
Không có cách nào khác, giấy tờ ly dị phải xúc tiến. Luật sư đầu tiên là một người đàn ông. Đã nhận tiền mà không làm việc hết lòng, mình thuê luật sư khác, một phụ nữ. Bà này dậy đời mình là bà phải thế này, bà phải thế nọ. Mình mướn người thứ ba. Tốn ba cái thẻ VISA, chưa kể vô vàn đau tim, nhức óc.


Hôm Nay
21 tháng 6, năm 2016
Khoảng 2 giờ sáng, A. thức giấc, nhìn ra ngoài sân trầm trồ, “Trăng đẹp qúa,” rồi rủ mình ra đi bộ ngắm trăng. Nhỏm dậy, mình thấy trăng đã qúa rằm nhưng vẫn còn tỏa sáng nguyên cả bầu trời. Vạn vật như một sân khấu đang chuẩn bị một màn vũ với ánh đèn Néon tỏa ra từ phía sau. Những cây dừa, cây thông như được cắt ra từ giấy thủ công mầu đen, đặt trên nền trời trăng bạc. Những đám mây trôi lãng đãng trên nền trời nhuộm mầu trăng sáng hình như cũng đã được cắt khéo léo từ các tấm giấy trắng, tô điểm bằng các cụm bông gòn trắng phau. Vì sáng trăng, số lượng sao không nhiều như những đêm không trăng, nhưng bầu trời vẫn điểm nhiều viên kim cương lấp lánh. Tiếng dế phụ họa với tiếng ếch coqui giúp đêm sáng trăng thêm sống động. Bầu trời đẹp qúa, như cảnh bồng lai được trang trí bởi các Sứ Thần Thiên Quốc. Mặc dù trong lòng rất muốn có một kỷ niệm đi bộ dưới ánh trăng với A., nghĩ tới việc đi ra khỏi lớp chăn ấm, mình ngại làm sao. Hẹn lần sau.


Lúc đang ghi lại những dòng này, A. ngồi kế bên, đang đọc điều gì đó trên cái PC bên cạnh hỏi, “Tui có thể nghe chút nhạc được không?” Mình quay qua trả lời, “Được chứ, anh đâu cần phải hỏi.” Anh chàng trả lời, “Vì không muốn cưng mất sự tập trung tư tưởng.” Qủa thật. Ngay giây phút âm thanh được bật lên, luồng tư tưởng của mình bị cắt đứt ngay lập tức. Trong chương trình Story of Music – 6 parts, nàng Lady Gaga đang nhẩy như con loi choi trong bản “Poker Face”.

Nghĩ lại thời gian hai đứa biết nhau, thương nhau rồi chính thức hóa, cuộc đời mình quả là một chuỗi dài đầy những bất ngờ. Khi mới lớn, có người đã tiên đoán là mình sẽ “lấy chồng khác miền, khác tỉnh.” Mình đã không bao giờ tin, nhưng điều đó đã xẩy ra. M. người khác miền, khác tỉnh. Giờ, lập gia đình với A., ông thầy tử vi này không hề nói tới điều này. Nếu có, ông thầy cần phải thêm, “Người thứ hai không những khác miền, khác tỉnh mà còn … khác xứ nữa.” Cuộc đời! Mấy ai biết được tương lai.

Ngày Mai
Ngày … Tháng … Năm …
Trên bãi biển cát đen, một bà cụ ngồi dưới chiếc dù che nắng, chăm chú đọc sách, đầu đội chiếc mũ rộng vành, che khuất gương mặt xương xương. Ngoài cụ ra, bãi biển không một bóng người, ngoài vài con rùa biển Honu đang nằm phơi nắng đó đây. Mầu nước biển tháng Sáu đẹp lạ lùng. Hình như biển sáng nay không biết mình sẽ mặc mầu gì để trang điểm cho đời. Do đó, bao nhiêu mầu của gia đình nhà Xanh, như xanh cổ vịt, mầu chàm, xanh ngọc lam hay xanh dương …, biển đem ra diện hết. Bọt biển thì an phận thủ thường hơn, chỉ khoác lên mình một mầu trắng ngà, đùa giỡn với vỏ ốc, vỏ sò trong tiếng tanh tách như bắp rang, trước khi biến tan từ giã.


Có tiếng chim plover kêu ngang đầu. Cụ ngước mắt nhìn lên thì cùng lúc nghe tiếng chân người dẵm trên cát. Quay lại nhìn, một ông cụ đang bước tới gần. Mặc dù chưa bao giờ thấy người lạ tại bãi biển này, bà cụ thấy dáng đi của người đàn ông hơi quen quen. Khi người này tiến tới gần, bà cụ sửng sốt, không nói lên lời. Ông cụ tiến tới, hạ thấp người, nhìn cụ ngang tầm mắt. Không nén được cảm xúc, bà cụ hỏi dồn dập, “Trời ơi, M. đây sao? M. làm gì ở đây? Sao M. biết tôi ở đây?” Sau vài phút ngượng ngùng trao đổi những chuyện vu vơ, người đàn ông tuổi gần bát tuần nắm lấy bàn tay nhăn nheo, xương sẩu của bà cụ, “H. ơi, mình đến để nói với H. một điều, trước khi qúa muộn. Lương tâm mình dầy vò vì đã để H. lái xe về một mình đêm đó! Xin H. tha lỗi cho mình!” Nước mắt trào ra từ đôi mắt đã kèm nhèm, bà cụ nở một nụ cười gần như mếu, “Tôi cũng xin lỗi M., vì có câu “Điệu Tango cần có hai người!”

Sau khi đã nói những gì cần phải nói, tâm hồn hai người tuổi đã về chiều nhẹ nhàng thanh thản như bọt biển. Sóng vẫn vỗ rì rào.

Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét