Chị chị Hoàng Thị Vang, một trong những nạn nhân bị “bắt cóc” ngày 3/9. Ảnh: tác giả cung cấp
Theo báo cáo mới nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the defenders), nhà cầm quyền Việt Nam hiện đang giam giữ 228 tù nhân lương tâm. Tất cả những người tù này đều bị bỏ tù với các cáo buộc phạm tội qua những điều luật mơ hồ: điều 258, 88, 79 của Bộ luật Hình sự do nhà cầm quyền VN ban hành.
<!>
Cũng theo tổ chức này, hơn một năm qua, chính quyền CSVN đã bắt bỏ tù 36 người bất đồng chính kiến. Tổng số năm mà những người tù này sẽ bị giam cầm là 220 năm tù và 56 năm quản chế sau khi xong án tù. Gần đây nhất, chính quyền CSVN đã xử 4 người bất đồng chính kiến là ông Lê Đình Lượng, Đào Quang Thực, Trần Trung Trực và nhà báo tự do Đỗ Công Đương, với mức án lần lượt là 20, 14, 12, và 4 năm tù giam.
Kể từ ngày 10/6/2018 đến nay, nhà cầm quyền CSVN đã gia tăng mức độ đàn áp, bắt bớ và bỏ tù người dân một cách vô tội vạ. Ngày 10/6 là ngày nổ ra các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ tháng 4/1975. Người dân trên khắp mọi miền đất nước đã xuống đường biểu tình, phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu do chính quyền cai trị đã và sẽ thông qua.
Số người biểu tình bị bắt giữ, bị mang ra xử với những mức án tù khác nhau, ở hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận (Phan Thiết, Phan Rí) là hơn 50 người. Đầu tháng 9, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bắt giữ, chuẩn bị mang xử 7 người dân ở huyện Đức Phổ. Những người dân này đã biểu tình phản đối chính quyền sở tại xây dựng nhà máy xử lý chất thải không đúng quy định. Người biểu tình ở Quảng Ngãi, ở Đồng Nai, hay ở Bình Thuận bị bắt, đều bị xét xử cùng một tội danh “gây rối trật tự công cộng” mà chính chính quyền đã dày công dàn dựng kịch bản.
Tuy nhiên, số người bất đồng chính kiến bị bắt bớ, bị giam cầm nêu trên, không phải chỉ có bấy nhiêu. Rất nhiều trường hợp người dân vô tội bị an ninh VN “bắt cóc”, bởi họ bất thình lình bị bắt khi đang đi trên đường, rồi bị giam trong một thời gian dài, dù không có lệnh bắt hay lệnh giam giữ. Những trường hợp này, chính quyền CSVN không thừa nhận họ làm, vì chính họ đã chà đạp lên luật pháp mà họ ban hành.
Theo chúng tôi ghi nhận được, đã có 4 trường hợp bị mật vụ VN “bắt cóc” vào ngày 7/7/2018, tại Bến xe Miền Đông, thuộc Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trong số những người bị bắt cóc đó, có cả một công dân Mỹ gốc Việt, đó là anh Michael Nguyễn Phương Minh.
Trang Defend the Defenders hôm 29/7, cho biết: “Ngày 7/7, lực lượng an ninh của thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Michael Nguyễn Phương Minh, một công dân Hoa Kỳ, cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh và con trai Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi và Facebooker Thomas Quốc Báo”, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015. Trên thực tế, đã hơn hai tháng rưỡi trôi qua, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn từ chối xác nhận việc giam giữ, hay chia sẻ bất cứ tin tức gì về tình trạng của công dân Hoa Kỳ này, ông Michael Nguyễn Phương Minh.
Bên cạnh đó, còn có ít nhất 8 người khác, cũng bị “bắt cóc” tương tự bởi công an TP.HCM, từ đầu tháng 9/2018. Ông Trần Thanh Phương bị bắt tại nhà trọ ở quận Bình Tân; ông Đỗ Thế Hoá, và bà Đoàn Thị Hồng bị bắt ở quận 12, cả ba bị bắt cùng ngày 1/9. Facebooker Hoàng Thị Vang, facebooker Trần Hoàng Lan, facebooker Lê Quý Lê Lộc bị bắt vào ngày 3/9, khi đang lưu thông trên đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Ông Ngô Văn Dũng (facebooker Biển Mặn) và facebooker Nguyen Chuc đi cùng nhau, đang livestream trên một đường phố ở quận 1 vào ngày 4/9, thì bị bắt giữ.
Những người bị CA bắt giữ đã được ghi nhận này, bao gồm cả một người Mỹ gốc Việt, số phận của họ bây giờ ra sao? Không ai có thể có câu trả lời chính xác được.
Một nguồn tin khả tín cho biết, một vài gia đình có người thân bị bắt giữ đã có thể tiếp tế đồ thăm nuôi cho người thân của họ, thông qua trại tạm giam của CA TPHCM, ở số 4 Phan Đăng Lưu, Q. Phú Nhuận. Tuy nhiên, gia đình vẫn không nhận được bất kỳ một văn bản chính thức nào từ chính quyền, xác nhận người thân của họ bị giam giữ ở đây, và bị bắt giữ vì tội danh gì?!
Lê Minh Ẩn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét