Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

H.O.: Một Sự Lộng Giả Thành Chân - Đỗ Ngọc Uyển


Ngày 25-2-2010, trên báo Người Việt Online có một bài báo với tựa đề “20 Năm Chương Trình H.O.: Mọi Người Viết Về Hát Ô”. Nguyên văn đoạn mở đầu của bài báo như sau: “Kể từ số báo hôm nay, Người Việt bắt đầu đăng các tác phẩm liên quan đến đề tài Hát Ô. Chương trình này sẽ kéo dài ba tháng từ nay đến ngày 1 tháng 6, 2010.” Hưởng ứng chương trình nói trên, ngày 26-2-2010, Ông Vũ Quý Hạo Nhiên đã viết một bài báo có tựa đề “Cha đẻ chương trình H.O. không dùng chữ H.O.” được phổ biến trên Người Việt Online có đoạn mở đầu như sau:
<!>
“Ông Robert Funseth, nhà ngoại giao Hoa Kỳ được coi là cha đẻ của chương trình định cư cho cựu tù nhân chính trị Việt Nam, giật mình ngạc nhiên khi được hỏi, Ông có biết người Việt chúng tôi gọi chương trình đó là H.O. không?”
Ông Robert Funseth giật mình ngạc nhiên là đúng bởi vì:

a/ Tại sao người Việt lại đặt tên là H.O. cho một chương trình do người Mỹ chủ trương, vận động và thực hiện? Người Mỹ đã đặt tên cho chương trình của họ là Tái Định Cư Những Người Tù Chính Trị qua câu nói khẳng định sau đây của Ông Robert Funseth được trích trong bài báo trên tờ New York Times ngày 15/10/1989 của ký giả Seth Mydans có tựa đề: “The Nation; The Next Wave from Vietnam: A New Disability.”

“…Resettling this group will be a step toward closing out this nation’s debt to its Indochinese wartime allies. These people have been detained because of their close association with us during the war, said Robert Funseth, the senior deputy assistant secretary of state, who has spent most of this decade negotiating their resettlement…” (…Tái định cư nhóm người này, (những người tù chính trị), là một bước tiến tới việc khép lại món nợ của quốc gia Hoa Kỳ đối với những đồng minh trong cuộc chiến Đông Dương. Những người này đã bị giam cầm vì đã cộng tác mật thiết với chúng ta trong cuộc chiến, trên đây là lời phát biểu của ông Robert Funseth, phụ tá cao cấp của bộ trưởng ngoại giao, người đã bỏ ra gần một thập kỷ để điều đình về việc tái định cư những người tù chính trị...)

b/ Ông Robert Funseth không phải là cha đẻ của chương trình H.O. như Ông Vũ Quý Hạo Nhiên viết. Ông Funseth chỉ là người được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trao trách nhiệm điều đình với Việt Cộng để mang những người tù chính trị, cựu đồng minh của Hoa Kỳ, sang định cư tại Mỹ.

Ngày 30/4/05, đúng 30 năm sau ngày 30/4/1975, trả lời cuộc phỏng vấn của RFA do phóng viên Nguyễn Khanh thực hiện, Ông Funseth đã nói những câu nguyên văn như sau:

“Khi tôi được cử về làm việc cho Văn Phòng Đặc Trách Tỵ Nạn của Bộ Ngoại Giao (năm 1982), kế hoạch cứu tù chính trịđược đặt trong khuôn khổ của Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự và nằm dưới sự hỗ trợ của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.” Trong một đoạn khác của bài phỏng vấn, Ông Funseth nói: “Riêng cá nhân tôi, tôi không thể nào nghĩ rằng 7 năm sau ngày khó quên đó (30/4/1975), tôi lại được trao trách nhiệm đàm phán với giới lãnh đạo Hà Nội để yêu cầu thả tù chính trị và cho họ cùng với gia đình sang Hoa Kỳ định cư…”

Những câu nói và trả lời trên đây của Ông Funseth chứng tỏ rằng “kế hoạch cứu tù chính trị” để trả món nợ quốc gia của Hoa Kỳ đối với đồng minh của họ đã được hoạch định trước khi Ông Funseth được bổ nhiệm làm việc tại Văn Phòng Đặc Trách Tỵ Nạn của Bộ Ngoại Giao. Chương trình tái định cư những người tù chính trị Việt Nam tại Mỹ nằm trong chính sách ngoại giao của Tổng Thống Hoa Kỳ nhằm phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ mà bộ ngoại giao có nhiệm vụ thi hành. Ông Funseth không phải là thẩm quyền làm chính sách (policymaker) để có thể hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Do đó, Ông Funseth không phải là cha đẻ của cái gọi là chương trình “H.O.” như Ông Vũ Quý Hạo Nhiên đã viết. Ông Funseth chỉ là một phụ tá cao cấp của bộ trưởng ngoại giao đã kiên trì trong tám năm với 25 cuộc họp để hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ chính trị và ngoại giao khó khăn được giao phó. Và như Ông Funseth đã phát biểu trong bài phỏng vấn nói trên: “Ngày ký kết cũng là ngày mà tôi hãnh diện nhất trong 40 năm làm ngoại giao.” Một nhà ngoại giao được kính trọng như Ông Robert Funseth chắc cũng không muốn được tung hô quá mức vai trò thừa hành nhiệm vụ được giao phó mà bất cứ ai ở địa vị của ông Funseth cũng làm như Ông Funseth đã làm.

Những điều trình bày trên đây cũng gạt bỏ những luận điệu tung hô của một số người tâng bốc cho rằng nhờ có Bà Khúc Minh Thơ, Chủ Tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị, vận động nên Ông Robert Funseth mới đẻ ra cái gọi là Chương Trình H.O. để mang những người cựu tù chính trị sang định cư tại Mỹ, và Bà Khúc Minh Thơ là ân nhân của tập thể hàng trăm ngàn người tù chính trị. Câu chuyện hoang tưởng, mờ ám này tưởng đã chìm xuống nhưng mới đây lại được hâm nóng lại qua báo chí và truyền hình. Để làm sáng tỏ “công ơn” của Bà Khúc Minh Thơ đối với tập thể người cựu tù chính trị, cách đây hơn một năm, vào dịp Bà Khúc Minh Thơ đứng ra tổ chức cái gọi là “Ngày Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị” tại Dallas vào ba ngày đầu tháng 10/2008, tôi đã viết hai bài có tựa đề: “Người Tù Chính Trị Việt Nam: Món Nợ của Hoa Kỳ Đối Với Đồng Minh và Dự Luật H.O. của Ông Nguyễn Ngọc Bích và Bà Khúc Minh Thơ.” Hai bài viết này hiện còn lưu trữ trên một số Websites.

Trong đoạn cuối của bài báo nói trên, Ông Vũ Quý Hạo Nhiên đã viết:

“Vậy chữ “H.O.” ở đâu ra? Có tác giả cho rằng khi người cựu tù cải tạo nộp đơn xuất cảnh qua diện này, phía Sở Ngoại Vụ đánh số hồ sơ bắt đầu bằng chữ “H”. Hồ sơ số 5987, chẳng hạn, sẽ mang số “HO5987” trong đó có số không (số zero) dẫn đầu. Nhưng người nộp đơn lại đọc số không thành chữ O và từ đó đẻ ra huyền thoại “Humanitarian Operation” là một chữ mà theo Ông Funseth không có trong vụ này.” Điều này chứng tỏ rằng Ông Vũ Quý Hạo Nhiên cũng chỉ viết lại những suy đoán mơ hồ của người khác chứ không truy nguyên rõ lai lịch của cái nguỵ danh H.O..

Một cách chính thức, không có cái gọi là Chương Trình H.O. nào cả. H.O. không phải là hai chữ viết tắt của “Humanitarian Operation” mà chỉ là sự suy đoán từ các con số thứ tự của các danh sách những người cựu tù chính trị đã được Việt Cộng cấp sổ thông hành (passport) và trao cho phía Hoa Kỳ phỏng vấn để đi tỵ nạn tại Mỹ. Ví dụ như các danh sách đầu tiên mang các số thứ tự H 01, H 02, H 03… gồm có hai phần: phần mẫu tự là H và phần các con số hàng đơn vị là 01, 02, 03…, và khi đến con số hàng chục thì không còn số không (zero) nữa mà trở thành H 10, H 11, H 12….

Sau đây là một trích đoạn trong “Giấy Báo Tin” của Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh của nguỵ quyền Việt Cộng tại Hà Nội gửi cho một người cựu tù chính trị.

GIẤY BÁO TIN
…………………………………………………… ……………………………………………………
1/ Chúng tôi đồng ý cho ông cùng 03 người trong gia đình được phép xuất cảnh đến nước Mỹ.
2/ Về việc cấp hộ chiếu: chúng tôi đã cấp 04 hộ chiếu số: 28273, 28275, 28277, 28279 gửi kèm theo.
3/ Chúng tôi đã lên danh sách số H 10, số thứ tự 796, chuyển Bộ Ngoại Giao để chuyển chính phủ Mỹ bố trí tiếp xúc phỏng vấn xét nhập cảnh.
Nếu gia đình cần biết thời gian phỏng vấn tiếp xúc và kết quả duyệt xét nhập cảnh xin liên hệ chính phủ Mỹ.
Xin thông báo để ông yên tâm.
(Hiện phía Mỹ đang phỏng vấn danh sách H 05) Hà Nội, ngày 10 tháng 7 / 1990
TRƯỞNG PHÒNG X.N.C
Trần Thành
(Ký tên và ấn dấu)

Những điều trình bày trên đây đã chứng minh rằng không có cái gì chính thức gọi là “H.O.” cả. “H.O.” chỉ là một nguỵ danh đã được sử dụng một cách lập lờ để chỉ một người “tù cải tạo” nhằm xoá đi cái chính danh là người tù chính trị. Đây là trò chơi chữ đểu giả của lũ Việt Cộng bởi vì không bao giờ chúng nhìn nhận rằng chúng đã giam giữ những người tù chính trị mà chỉ đưa đi “cải tạo” những kẻ phạm tội hình sự đối với chúng. Cho nên chính danh là điều quan trọng, và phải xoá bỏ cái nguỵ danh “H.O.” trong từ vựng tiếng Việt.

Nếu dịch sang tiếng Việt, những cái tên nửa Việt nửa Mỹ như: Chương Trình H.O., các ông H.O., ông H.O. 1, bà H.O. 5, con ông H.O. 8…sẽ thành những cái tên ngô nghê, vô nghĩa như: Chương Trình Chiến Dịch Nhân Đạo, các ông Chiến Dịch Nhân Đạo, ông Chiến Dịch Nhân Đạo 1, bà Chiến Dịch Nhân Đạo 5, con ông Chiến Dịch Nhân Đạo 8….

Cái nguỵ danh H.O. đã bị lộng giả thành chân từ 35 năm nay. Trong ngôn ngữ nói hàng ngày, người ta thường tự bào chữa rằng vì “quen miệng” nên sử dụng những cái ngụy danh như: “các ông H.O., chương trình H.O., ngày giải phóng, học tập cải tạo, người tù cải tạo…”. Nhưng khi đã viết ra trên giấy trắng mực đen lại là chuyện khác, người viết phải tôn trọng độc giả và có nhiệm vụ phải truy nguyên, điều tra cho rõ sự thật và sử dụng đúng chính danh chứ không thể sử dụng cái ngụy danh lập lờ “H.O.” nếu không muốn bị coi là có âm mưu bất chánh hoặc thiếu lương tâm nghề nghiệp.

Trước đây, trên một diễn đàn điện tử, có một ông nhà văn nhà báo đã viết: “Tên H.O. thực ra như chúng ta đã biết xuất xứ từ cách đánh số của cộng sản bắt đầu từ H 01 cho đến H 09 thì trở thành H 10. Nhưng bây giờ đã thành danh thì ta cứ gọi là H.O.”. Đây là kiểu ăn nói lấy được, bất chấp lương tâm nghề nghiệp của nhà văn nhà báo là phải tôn trọng sự thật, đặc biệt là sự thật đối với lịch sử.

Việt Cộng và tay sai có thể lợi dụng cái danh xưng H.O. không chính, không thực và lập lờ này cho âm mưu đen tối của chúng để bôi đen chân dung người chiến binh QLVNCH. Cách gọi bằng những cái tên tỏ vẻ giễu cợt như: “các Ông Hát Ô, các Ông Ếch Ô” là xúc phạm đến danh dự của tập thể người tù chính trị, người lính VNCH.

Băng đảng Việt Cộng không bao giờ nhìn nhận rằng những người đã bị chúng giam cầm phi pháp là tù nhân chính trị và chúng luôn luôn tuyên bố rằng những người này là tội phạm chiến tranh vì đã cầm súng chiến đấu chống lại chúng, và chúng thả những người này ra và để họ đi định cư tại ngoại quốc là vì lý do nhân đạo chứ không phải vì lý do chính trị. Do đó, Việt Cộng và tay sai có thể tuyên truyền lếu láo rằng đảng của chúng đã tổ chức cả một chiến dịch nhân đạo (H.O., Humanitarian Operation)) để cho những người tù chính trị và gia đình họ đi định cư tại ngoại quốc. Nhưng thực tế và lịch sử đã chứng minh rằng Việt Cộng là một lũ vô nhân tính làm sao chúng có nhân ái để làm chuyện nhân đạo.

Trước đây vài năm, một tờ nhật báo tại San Jose đã đăng một loạt bài phỏng vấn với tựa đề “Cuộc Chiến Nhìn Từ Hai Phía”, trong đó có bài phỏng vấn tên Tổng Lãnh Sự Việt Cộng Nguyễn Xuân Phong tại San Francisco. Tên cộng sản này đã lợi dụng cuộc phỏng vấn để mạt sát các anh em cựu tù chính trị là vô ơn đối với đảng và nhà nước của y. Cũng tờ báo này đã xấc xược gọi Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Bắc California là Hội Tù với ý đồ bôi đen chân dung người tù chính trị Việt Nam.

Sự kiện hàng trăm ngàn người tù chính trị Việt Nam đi định cư tỵ nạn tại Hoa Kỳ là một sự kiện chính trị mang dấu ấn lịch sử. Sử dụng những cái nguỵ danh như “Hát Ô hay Ếch Ô” khi nói hay viết là thái độ cợt nhả đối với một sự kiện lịch sử. Để bảo vệ danh dự và chỗ đứng trong lịch sử của tập thể hàng trăm ngàn người tù chính trị, những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương Miền Nam thân yêu suốt 20 năm, phải loại bỏ cái ngụy danh “Chương Trình H.O.” và thay bằng cái chính danh là “Chương Trình Tái Định Cư Những Cựu Tù Nhân Chính Trị”. Đây là một chương trình do chính phủ Hoa Kỳ hoạch định và thực hiện với sự hỗ trợ của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc để trả một món nợ quốc gia của Hoa Kỳ đối với đồng minh của họ trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương và Việt Nam.

Viết để đánh dấu 20 năm một sự kiện lịch sử là điều rất nên làm. Nhưng chính danh là điều quan trọng để hậu thế biết và hiểu đúng sự thật lịch sử. Dùng cái nguỵ danh H.O. - một ám số của Việt Cộng - đã bị lộng giả thành chân để xuyên tạc một sự thật lịch sử là có tội đối với lịch sử.

Đỗ Ngọc Uyển
(Khoá 4 Thủ Đức)
Tháng 4 năm 2010
Morgan Hill, California

VẤN ĐỀ TÙ CHÍNH TRỊ VÀ SỰ CẦN THIẾT LỘT TRẦN ÂM MƯU ĐÁNH TRÁO NGÔN NGỮ CỦA BỌN NGUỴ DANH CHỦ NGHĨA
Tặng Đỗ Ngọc Uyển và các bạn tù chính trị trọng chính danh khác

Cung Trầm Tưởng
Vấn đề tù chính trị có một tầm vóc lịch sử: khoảng một triệu người miền Nam, gồm các quân dân cán chính và những người đi tìm tự do, đã bị cộng sản bắt giam, bỏ tù lâu ngày và đối xử thật tàn nhẫn. Quy mô và cường độ này đã khiến nó trở thành một vấn đề nhạy cảm, dễ lay động lòng người quốc gia mà lương tâm chưa chai đá. Trong lúc tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại đều cảm thấy se lòng khi được nhắc nhở đến nó, thì một số ít không phải là tù chính trị đã nắm lấy và khai thác nó để đánh bóng tên tuổi và tạo sự nghiệp chính trị cho bản thân hơn là để giúp những người họ nói là muốn giúp. Họ có đứng ra tổ chức rầm rộ một cuộc họp mặt của một số gia đình tù chính trị nhằm tạo cho những người này cơ hội công khai vinh danh những ân nhân của mình. 
Vở kịch diễn ra xoàng xĩnh, cường điệu, không thiếu những pha lố bịch. Với các diễn viên vỗ ngực rêu rao hết năm này qua năm khác rằng, nếu không có sự can thiệp ráo riết, kiên trì và hữu hiệu của họ với chính phủ Hoa Kì, thì đã không có sự ra đi tị nạn tại Mĩ của hàng trăm ngàn người tù chính trị và gia đình của những người này!!??

Dưới tác động của một thứ lên đồng tập thể, thể loại văn chương thậm xưng đã được sử dụng vô tội vạ. Có một ông trong một phút bốc hốt đã mượn dã sử Tầu để vật hoá bà trưởng ban tổ chức thành một “bát cơm phiếu mẫu”, tức nôm na là bát cơm của một bà mẹ giặt giũ quần áo, nhưng ở đây phải được hiểu không là bùa hộ mạng của nghề giặt mà là biểu tượng của một công ơn trời biển người thọ ơn phải ghi lòng tạc dạ và đền đáp suốt đời. Một ông khác trong một phút sảng ngôn đã đẩy sự cung kính lên tới mức siêu hình tôn giáo bằng ảo hoá bà ta thành một “bà tiên nhiệm mầu chan chứa lòng bác ái!!??” Thiển nghĩ cách tụng xưng này chỉ nên dành cho những bậc á thánh như Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ Maria.

Vẫn với cái tâm lí trịch thượng của thứ “ma cũ bắt nạt ma mới”, nhóm người ấy không hiểu rằng, sau những ngày tháng đầu bỡ ngỡ nơi đất khách quê người, người tù chính trị đã sớm lấy lại được lòng tự tin và đã tỏ ra có một khả năng hội nhập vào nếp sống mới rất cao, khiến người dân bản địa phải trọng nể. Ngoài ra, với một mối hoài nghi có được từ một thực trạng không thiếu những kẻ đầu cơ chính trị giả nhân giả nghĩa, người tù chính trị đã tỏ ra sáng suốt hơn và do đó đã phát hiện được một số hạt sạn trong bát cơm phiếu mẫu người ta đưa cho mình. Ý người viết muốn nói: đó là những kẻ trước kia đã thủ lợi chiến tranh, nay lại muốn hưởng cổ tức hoà bình (peace dividend) trên sự thống khổ của đồng bào đang quằn quại dưới gót sắt của một chế độ tham tàn chưa từng thấy trong lịch sử của đất nước.

Phải chăng thái độ huênh hoang, tự cao tự đại của nhóm người trên xuất phát từ việc họ chủ quan cho rằng, dưới tác động của tuổi tác và một hậu chấn thương gây nên bởi nhiều năm tù đày khắc nghiệt, người tù chính trị chỉ muốn an phận thủ thường và do đó sẽ im lặng để cho họ mượn danh nghĩa mình để múa gậy vườn hoang, hoặc nếu có phản ứng thì sẽ chỉ phản ứng một cách yếu ớt hay chiếu lệ thôi. Có lẽ đó là lí do tại sao họ đã tỏ ra sửng sốt và lung túng trước những phản ứng bất ngờ, mạnh mẽ, sắc bén và chững chạc từ phía người tù chính trị. Thật ra, vì trân quý tình đoàn kết giữa những người đồng hương với nhau, người tù chính trị chỉ muốn sống khiêm nhường, hoà thuận với mọi người, kể cả những người đã coi thường mình, miễn là sự coi thường này đừng vượt ngưỡng cho phép của một xử thế coi tha nhân là một nhân cách phải được tôn trọng. Tiếc rằng những người ấy đã không nhận ra được lằn ranh tinh tế này - một điều kiện cần cho một tương quan xã hội cân đối, hài hoà và văn minh - nên người tù chính trị mới phải lên tiếng.

Ở một thời buổi khi những sinh hoạt quy mô của cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cả các sinh hoạt thuộc lãnh vực bất vụ lợi như tôn giáo, cứu trợ nhân đạo và thờ phụng hương linh các tử sĩ đã vì nước hi sinh, thường hay bị lũng đoạn bởi những ý đồ chính trị không lành mạnh như hiện nay, hoài nghi chính trị là một đức tính cần thiết để tránh rơi vào những bẫy giăng trên đường đi tìm sự thật. Với hoài nghi này, người viết cảm thấy thắc mắc về việc một số người có ăn học và biết suy nghĩ đã hơn một lần gọi người tù chính trị là H.O., một mật ngữ của cộng sản. Khi ăn nói như vậy, quý vị có hiểu được cái ý đồ khuất tất núp sau mật ngữ này không?

H.O. thực ra chỉ là cách đánh số thứ tự (H 01, H 02…) trong danh sách xuất cảnh đi Mĩ của những người tù chính trị do cộng sản thiết lập chứ không phải là chữ viết tắt của cái chúng tung tin là Humanitarian Operation nhằm che đậy chân tướng việc làm của chúng. Nếu H.O. được hiểu theo nghĩa này, thì hoá ra sự đi Mĩ của những người tù chính trị và gia đình họ là do chính sách nhân đạo của cộng sản hay sao! Thực ra đây chỉ đơn giản là một nhượng bộ chính trị quan trọng của chúng để được bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kì và được Hoa Kì bãi bỏ cấm vận kinh tế đang làm cho chúng sống dở chết dở. Đây mới là nguyên nhân cốt tủy của cái gọi là Humanitarian Operation, một đánh lận con đen nhằm tạo một ấn tượng giả: một chiêu bài ngôn ngữ không hơn không kém.

Với thắc mắc về việc từ ngữ H.O. bị thâm dụng bởi những người có ăn học và biết suy nghĩ ấy, người viết xin đặt ra một câu hỏi: họ ăn nói như vậy do thói quen hay có chủ ý? Muốn trả lời chính xác câu hỏi này, ta phải biết được lập trường chính trị thực sự của đối tượng. Việc làm này không dễ bởi vì những người làm điều khuất tất thường khéo che giấu hành tung của họ. Tuy nhiên, đây trước hết là một vấn đề gọi tên, nên ta có thể dựa vào ngôn ngữ học để tìm hiểu nó.

Thoạt đầu, ta thấy có một hiện tượng ngôn ngữ là thời gian lịch đại và tần số sử dụng bào mòn con chữ và làm nó biến thể. Hãy lấy từ ngữ H.O. làm một dẫn chứng điển hình. Việc nó bị lặp đi lặp lại năm này sang năm khác với một tần số cao đã biến nó từ là tiếng lóng của một hội kín - ở đây là Sở Ngoại Vụ của công an cộng sản - thành một từ chính quy được sử dụng rộng rãi, thường xuyên và công khai trên các diễn đàn truyền thông và trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng hải ngoại. Đó là nhận xét chung chung. Muốn biết được động cơ thực sự của thâm dụng này ta phải đặt nó vào bối cảnh của khí hậu chính trị hiện thời, một khí hậu không lành mạnh.

Ở trong một môi trường như vậy, nó khó mà không là một thâm dụng có ý xấu. Nói rõ hơn, nó khó mà không là một đích ngắm của cộng sản muốn dùng những hư chiêu ngôn ngữ để tạo ấn tượng giả và qua đó tha hoá người sử dụng, dựa trên một quy luật của tuyên truyền học: tần số tạo thành thói quen, và thói quen lâu ngày hoá thành bản tính. Hãy lấy một thí dụ: sau khi nhiều lần buột miệng nói ra vì thói quen từ ngữ H.O. chẳng hạn - được thiên hạ phiên âm thành Hát Ô hay Ếch Ô - người nói đã vô hình trung bị điều kiện hoá bởi tuyên truyền của cộng sản. Nói cách khác, họ đã tự nguyện một cách không tự nguyện tham gia vào trò chơi chữ bẩn thỉu của chúng. Họ đã tự biến mình thành một cái loa vô giác cho chúng: một sự vong thân thảm hại.

Ngoài ra, trong lãnh vực tâm lí quần chúng, cộng sản đã tỏ ra lãnh hội được bài học của Adolf Hitler, một tổ sư của khoa tuyên truyền hiện đại: “Người dân thường sẵn sàng bị đánh lừa bởi những lời nói dối lớn hơn là bởi những lời nói dối nhỏ. Bởi chính họ thường hay nói những lời dối trá nhỏ… nhưng lại cảm thấy xấu hổ khi phải dùng những lời dối trá lớn. Đầu óc họ không bao giờ nghĩ đến việc tạo ra những điều giả dối vĩ đại (colossal untruths) và không tin rằng những người khác lại có thể trâng tráo bóp méo sự thật một cách đê tiện như vậy.”

Gọi bọn chủ trương đánh tráo ngôn ngữ bằng gán cho sự vật một cái tên không phải của nó, một cái tên bị xâm thực bởi những tà ý chính trị, gọi bọn này là bọn nguỵ danh chủ nghĩa. Trong từ vựng của chúng, người tù chính trị là một vô thể được khoác cho cái lốt tù cải tạo; và, tù cải tạo là tên gọi bóng bẩy của một thành phần bị coi là cặn bã của xã hội: người tù hình sự. Nói theo ngôn ngữ hình tượng, tù cải tạo là cái tốt mã, còn tù hình sự là con dẻ cùi, một loài chim phải ăn phân chó để tồn tại. Cái khốn nạn của ngôn ngữ cộng sản là như thế đó. Ở cuối vận động thoái hoá ngữ nghĩa này là sự ra đời của một định nghĩa quái gở - sự bẻ vặn ngôn ngữ - phản ánh một quan niệm pháp lí quái gở: người tù chính trị là một người tù hình sự không có án. Cách chơi chữ bằng thủ pháp đối lập này ẩn dụ một tương lai vô định, không biết bao giờ người tù chính trị mới được trả tự do để được về đoàn tụ với gia đình họ, cái phao cứu cuối cùng của đời họ.

Bây giờ ta hãy gấp quyển từ điển lại và bước vào hiện thực đòi sống. Với tội danh lấp lửng không minh văn trên và với một chính sách đối xử dựa trên quan điểm trả thù giai cấp chĩa vào họ, người tù chính trị trên thực tế đã phải hứng chịu một hình phạt nặng hơn gấp đôi sự hình phạt đối với người tù hình sự. Bởi vì ngoài hình phạt thể xác, họ còn là đối tượng của một tra tấn tinh thần với liên miên những buổi gọi là học tập và kiểm thảo chính trị mà thực chất chỉ là cái cớ để đàn hặc, nhục mạ gay gắt, quất điếng tim gan và làm chảy máu nhân cách họ. Hậu quả tổng hợp của trận đòn não cân này và nỗi lo sợ triền miên trước một tương lai mờ mịt gây nên bởi cái tội danh lấp lửng trên đã làm cho một số không ít người tù chính trị bị mất trí hoặc tự tử vì tuyệt vọng. Cần phải ghi thêm vào bản liệt kê u ám này một hình thức khủng bố tinh thần khác ác liệt hơn gấp bội: những cuộc thẩm vấn gắt gao, căng thẳng của công an chấp pháp, tức bộ phận hỏi cung chuyên nghiệp, với hậu quả là làm cho người tù chính trị bị mất ngủ thường xuyên, tăng huyết áp và héo tàn thân thể. Trong trường hợp đối tượng bị xếp vào loại tình báo chiến lược bị nghi là trước kia đã nhờ vào kế hoạch cài người mà biết được đường đi nước bước của chúng, chúng bèn sử dụng biện pháp tối hậu: khai thác xong thì thủ tiêu.

Để có một ý niệm về mức độ tội ác của cộng sản, ta hãy nghe lời kể của một chứng nhân trở về từ cõi chết. Theo anh ta, tỉ số sống sót tại trại Cổng Trời, một trại chuyên giam tù chính trị, là cứ mỗi một trăm người vào thì chỉ có mười người ra. Tỉ số kinh dị này dẫn ta trở về một chỉ tiêu kinh dị khác của bộ công an cộng sản đặt ra cho nghiệp đoàn giết người của nó: thà giết lầm mười người còn hơn để lọt một tên phản động. Vẫn lại con số 10 hắc ám đó. Con số bùa chú của bọn đồ tể đỏ, viết bằng máu đỏ của hàng trăm ngàn người tù chính trị đã bị chúng thủ tiêu mất tích. Xin xem bài viết có giá trị về vấn đề này của Đỗ Ngọc Uyển có tựa đề “Tội Ác Thủ Tiêu Mất Tích 165.000 Quân Dân Cán Chính VNCH.” hiện còn được lưu trữ trên một số Websites toàn cầu.

Dĩ nhiên thời gian mang đến đổi thay. Nhưng, cơ bản, những Ba Khe, Tân Lập, Thanh Cầm, Thanh Phong, Nghệ Tĩnh, Gia Trung, you name it, vẫn chỉ là sự tái bản với dăm ba hiệu đính của những Cổng Trời, Sơn La, Thanh Liệt, Đầm Đùn, Lý Bá Sơ trước kia. Bởi vì trại tập trung là hệ luận tất yếu của logic chuyên chế vô sản toàn trị lấy trấn áp chính trị và thủ tiêu đối lập làm tiền đề để tồn tại.

Ta hãy trở lại với việc làm của bọn nguỵ danh chủ nghĩa. Chúng là đội quân du kích trên mặt trận chữ nghĩa của cộng sản. Để tiến hành âm mưu đánh lén nhằm trục lợi chính trị này, chúng chọn những khoảng xám của không gian ngôn ngữ làm đất dụng võ. Nghề ruột của chúng là đẻ ra một thứ hạ ngôn ngữ (sublanguage), ngôn ngữ địa đạo, ngôn ngữ chữ chi, ngôn ngữ chập chờn, ngôn ngữ bóng gió, ngôn ngữ nguỵ trang, ngôn ngữ thò lò sáu mặt, ngôn ngữ ba que xỏ lá. Ngôn ngữ chợ đen của một băng đảng đỏ buôn lậu chữ nghĩa đã trên sáu chục năm rồi. Một ngôn ngữ tật nguyền, ngọng nghịu, làm thâm môi méo miệng bầy quỷ biện ngoắt ngoéo.

Tiếng súng đã tắt từ lâu. Nhưng chiến tranh văn hoá vẫn còn tiếp diễn. Thu nhỏ lại, đây là một ngữ chiến giữa người quân tử trọng chính danh và tên tiểu nhân nguỵ danh chủ nghĩa. Trận chiến giữa công khai minh bạch ngoài ánh sáng và khuất tất lập lờ trong bóng tối này chỉ chấm dứt với sự sụp đổ của cộng sản và sự lên ngôi của một chế độ tự do, dân chủ, nhân bản và trọng chính danh. Tự do tư tưởng, tự do diễn đạt, tự do sáng tạo chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu được gieo trồng và vun xới trên mảnh đất của một xã hội mở. Ở đây những hư chiêu ngôn ngữ sẽ bị nhổ đi như những cỏ dại để nhường chỗ cho những con chữ trung thực, những con chữ-sự vật, những con chữ gọi đúng tên sự vật. Gọi người tù chính trị là người tù chính trị chứ không là cái gì khác. Một người viết văn có ý thức, tự trọng và trọng chính danh hiểu rằng đây là đạo đức tự thân của ngôn ngữ học.

Minnesota, tháng 4 năm 2010

CUNG TRẦM TƯỞNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét