HoangsaParacel: Một câu chuyện rất cảm động,đầy tình người và tình quê hương của một sĩ quan Hải Quân đi du học Mỹ đã bị sống lưu vong sau ngày 30/4/1975. Anh đã nói lên tâm trạng tiêu biểu cho một lớp quân nhân QLVNCH không bao giờ khuất phục bạo quyền cộng sản.<!>
CHƯƠNG 1: MƯỜI ĐÊM NGÀ NGỌC - NĂM NĂM TRÂN QUÝĐời người ai cũng có một thời gian mà chúng ta nhớ mãi. Có người sẽ không quên được một quá khứ nếu quá khứ ấy có quá nhiều đau khổ và mất mát. Có người sẽ nhớ mãi về những ngày tháng cũ hoặc một thành phố đã mang lại nhiều kỷ niệm vui hoặc buồn. Có người nhớ mãi mật ngọt của mối tình đầu mà cho dù bao năm qua vẫn không quên. Nhà văn Mai Thảo có một truyện ngắn với nhan đề Mười Đêm Ngà Ngọc để kể về một tình yêu của hai người đã có gia đình
. . Chàng, với vợ con. Nàng, với người chồng hay vắng nhà - thương, mà không yêu, sống với nhau vì nghĩa hơn là vì tình.. . Họ gặp nhau tình cờ, vài lần. . Sau đó, chàng dẫn con lên Đà Lạt nghỉ mát. . Nàng cũng lên đó thăm chồng bị tai nạn. . Định mệnh đưa họ đến gần nhau. . Và đến tình yêu. . Một tình yêu mà luân lý và đạo đức thông thường của xã hội không chấp nhận. Nhưng cả hai đều chợt nhận ra họ đã tìm hơn nửa đời bây giờ mới gặp tình yêu đích thực và hiễu thế nào là yêu thực sự. Họ ngã vào vòng tay nhau để yêu như chưa bao giờ yêu, bỏ mặc những ràng buộc về bổn phận và trách nhiệm. Thời gian thật ngắn ngủi. Chỉ mười đêm nhưng đó là tình yêu của cả một đời người. Và đấy là Mười Đêm Ngà Ngọc. Cả hai người đã tìm được The Other Half.Nếu Mai Thảo có Mười Đêm Ngà Ngọc thì tôi có Năm Năm Trân Quý. Đối với tôi thì năm năm trời sống trong quân ngũ phục vụ Hải Quân Việt Nam là những ngày tháng đẹp nhất mà tôi sẽ trân quý thời gian này suốt đời. Gia nhập quân đội để phục vụ tổ quốc làm nhiệm vụ của trai thời loạn. Vào Hải Quân để thực hiện mộng hải hồ phiêu du đây đó cho phỉ chí tang bồng. Tôi đã gặp những người bạn cùng chí hướng cùng nhau nhập học khóa 23 SQHQ Nha Trang và đã có biết bao nhiêu là kỷ niệm từ ngày đầu tiên vào trại Bach Đằng II, học căn bản quân sự ở Quang Trung. Kế đến là ngững ngày thực tập trên HQ500 trưóc khi ra Nha Trang. Lên tàu được sĩ quan đàn anh khóa 20 dạy dỗ thật chu đáo biết thế nào là chạy rùa, gõ sét, sơn nhôm và những hình phạt giáo đầu của quân trường Nha Trang như chông Koon, móc giò, thăng thổ. Sau khi tốt nghiệp được gởi đi thực tập trên US 7th Fleet cùng Trịnh Hòe với những bến cảng xa lạ của Đông Nam Á và gặp gỡ những người con gái đẹp như tiên xinh như ngọc. Rồi những ngày đi biển trên HQ612 đã cho tôi thấy nhiều nét đẹp của quê hương trong những chuyến công tác tuần dương trên khắp miền duyên hải. Tiếp nối là thời gian học Anh Ngữ ở trường Sinh Ngữ Quân Đội với ca sĩ mignon Thanh Mai qua nhanh đến ngày đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ vào tháng 2-1975. Sau vài tháng tu nghiệp đến ngày đinh mệnh 30-4 đứt gánh nửa đường. Khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ có 5 năm nhưng đó là thời gian đẹp nhất đời mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là Năm Năm Trân Quý. Những hình ảnh cũ đã làm tôi nhớ về một khoảng thời gian tuyệt đẹp xảy ra gần nửa thế kỷ. Một thời gian thật dài. Năm mươi năm. Đời ta có được mấy lần năm mươi năm? Chỉ một lần. Bời vậy tôi muốn viết lại những giòng hồi ký của thời gian này khi còn nhớ được thứ tự trước sau. Để năm mười năm sau khi trí đã mòn, tim đã mỏi thì tôi vẫn có thể mở ra để đọc lại, nhớ về một thời đã qua mà chúng ta đã một lần có với nhau một thời gian thật đẹp và hào hùng.Phần đầu của thiên hồi ký sẽ kể về hai năm đầu ở trên đất Mỹ. Sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, tôi và những quân nhân tu nghiệp ở Hoa Kỳ như một con thuyền đang trôi giữa giòng nước bỗng bị mất tay lái, dập dìu trên sóng không định hướng bơ vơ trên đất khách quê người. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng cố phấn đấu để vượt qua những trở ngại và sống còn vì Chỉ Có Tinh Thần Là Quan Trọng.CHƯƠNG 2: TÁM TUẦN LỄ - HAI KHÓA HỌCĐã bao năm qua nhưng tôi vẫn nhớ về một mùa xuân năm 1975, mùa xuân đầu tiên trên đất Mỹ. Với tôi thì hai năm đầu tiên 1975 và 1976 mang nhiều nét đậm trong tiềm thức mà mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ được nhiều chi tiết.Sau khi đi thực tập Đệ Thất Hạm Đội về, tôi được lệnh trình diện HQ612, Tuần Duyên Hạm Thái Bình. Sau hơn hai năm hải hành từ Vùng 1 đến vùng 4 Duyên Hải dạn dày trong sóng gió đại dương, tôi về Sàigòn để học Anh Ngữ bổ túc ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội trong lúc chờ đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Khi đến trình diện Phòng Quân Huấn ở BTL/HQ, tôi gặp thêm 3 sĩ quan 23 nữa là Nguyễn Văn Kỳ, Lê Đinh Đức và Lý Văn Năm. Thế là bốn Đệ Nhị Bảo Bình, 2 Cơ Khí, 2 Chỉ Huy hop khóa hàng ngày vui như tết.Chúng tôi mỗi ngày hai buỏi cắp sách đi học, sáng nghe lecture, chiều nghe tape. Trong lớp có các quân nhân của các quân binh chủng, và đặc biệt là có vài sĩ quan của các binh chủng thiện chiến như Nhảy Dù, TQLC, BDQ và các vị SQ này có dip là kể chuyện tác chiến nổ như bắp rang. Lúc rảnh rang Lý văn Năm biểu diễn nhảy đầm "phăng" và dạy lại cho cả lớp. Phải công nhận là Lý Văn Năm nhảy những bước đào rất nhuyễn.Trưa thứ bảy có văn nghệ sống do nhà trường tổ chức với ca sĩ của cục Tâm Lý chiến. Trong số này tôi còn nhớ sự góp mặt của nữ ca sĩ mignon Thanh Mai. Nhắc đến Thanh Mai, trong một lần đi Orange County, Kỳ và tôi đã có dịp gặp lại người ca sĩ khả ái này. Hiện Thanh Mai đang làm chủ một nhà hàng kế Phước Lộc Thọ. Thanh Mai bây giờ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn còn giữ được dáng vẻ dễ thương như thơì còn ở Việt Nam. Cách đối đãi với khách rất lịch thiệp và hòa nhã dịu dàng. Thời gian học ở trường Sinh Ngữ Quân Đội thật là thần tiên và đôi lúc tôi có mặc cảm tội lỗi khi thấy mình quá được ưu đãi trong khi bạn bè đang phấn đấu với sóng gió biển khơi hoặc đối đầu với hiểm nguy trong các Giang Đoàn ở miên Tây.Cuối năm 1974 tôi và Kỳ được gọi trình diện Phòng Quân Huấn BTL Hải Quân để làm thủ tục đi tu nghiệp ở San Diego, Hoa Kỳ. Cùng đi có thêm 3 Trung Úy nữa là Linh từ khóa 25 Võ Bị Đà Lạt, Lập và Bé từ OCS. Trước ngày khởi hành, chúng tôi được lệnh vào trình diện HQ Đại Tá Bùi Hữu Thư, trưởng khối Quân Huấn HQ. Đại tá Thư nhắn nhủ cố gắng học hành để tốt nghiệp về phục vụ cho Hải Quân và nhất là phải nhớ mỗi quân nhân đi du học là đại diện cho cả màu cờ sắc áo của Hải Quân nói riêng và quốc gia Việt Nam nói chung. Có ngờ đâu rằng chuyến đi này cũng là một chuyến đi của vĩnh biệt quê hương thân yêu, của nghìn trùng xa cách.Chúng tôi rời Sàigòn vào đúng ngày mồng 2 Tết Ất Mão tức ngày 13/2/1975. Máy bay nghỉ ở Honolulu tiểu bang Hawaì vài tiếng đồng hồ rồi sau đó tiếp tục vượt biển về phía California. Máy bay đáp xuống thành phố San Francisco vào khoảng 6 giờ chiều cùng ngày 13/2/1975 vì nước Mỹ đi chậm lại một ngày so với Việt Nam. Đón chúng tôi ở phi trường là một Đại úy HQ Hoa Kỳ. Chúng tôi được đưa về tạm trú ở Travis AFB (Travis Air Force Base) và tiếp tục hành trình đi San Diego vào hôm sau. Còn nhớ khi bước chân ra khỏi máy bay tôi đã được chào đón bằng một cơn gió buốt lạnh thổi vào mặt. Vốn là dân sống ở miền nhiệt đới nên khi lần đâù tiên bị một cơn gió mùa đông Bắc Mỹ đã để lại trong tôi một cảm giác thật khó quên. Tôi thầm nhủ " Thì ra đây là mùa đông của đất Mỹ. Sau này tôi mới biết San Diego của tiểu bang California nằm ở phía Nam của Hoa Kỳ nên mùa đông ở đây không bằng một phần của những tiểu bang ở miền Bắc như Minnesota, Wisconsin, New York. Sau này khi làm việc cho Curtiss Wright trong những lần đi công tác tại Kanata, một thành phố gần thủ đô Ottawa của Canada thì mới biết cái lạnh nơi đây mới đáng được gọi là chúa lạnh vì dầu đã đội mũ nỉ che tai nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hai vành tai mình đã bị rụng đâu mất. Tôi còn nhớ là hàn thử biểu trong xe cho biết là ngoài trời đang lạnh -5° C. Trời đang mưa và nưóc mưa rơi xuống mặt đường bị đông thành đá. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là Freezing Rain.Từ phi trường chúng tôi được vị sĩ quan liên lạc đưa về BOQ (Bachelor Officer Quarter) ở gần Point Loma. BOQ của US Navy San Diego là hai dãy nhà ba tầng lầu rất khang trang nằm sát bờ biển trong Naval Training Center. Năm người chúng tôi mỗi người một phòng riêng có phòng khách, phòng ngủ riêng biệt đầy đủ tiện nghi với TV, tủ lạnh, máy điều hòa không khí.
Trung uý Linh có một người bạn là Bằng đang du học ở San Diego State University và Linh đã liên lạc được với Bằng ngay hôm sau tức mồng ba Tết Nguyên Đán. Bằng cho biết có hội Tết do các sinh viên Việt Nam tổ chức tại khuôn viên trường đại học và rủ cả bọn đi du xuân. Không bao lâu Bằng đến đưa chúng tôi đi chợ Tết xem văn nghệ. Thời gian ấy người Việt ở San Diego gồm một số it sinh viên Việt Nam và các quân nhân Hải Quân đang tu nghiệp. Ngoài ra còn có một số phụ nữ Việt kết hôn với quân nhân Mỹ theo chồng sang định cư tại San Diego vì thành phố này là một quân cảng lớn nhất của Mỹ trên bờ Thái Bình Dương. Tôi phỏng đoán dân số người Việt lúc đó không quá 300 người.. Khi biết chúng tôi mới từ Việt Nam đến, họ nói chuyện với chúng tôi rất cởi mở thăm hỏi tíu tít.Tối hôm đó cả bọn về nhà Bằng và ngủ đêm tại đây. Chúng tôi nằm ngủ ngay dưới thảm. Sáng hôm sau tôi còn đang mơ màng thì bỗng nghe tiếng nhạc từ phòng khách vọng ra. Một người em của Bằng đã có nhã ý cho khách thưởng thức điểm tâm với âm thanh của quê hương. Cám ơn thật nhiêù. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên cảm giác lúc bấy giờ dù đã hơn 40 năm qua. Đó là bài Tà Áo Cưới của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Tôi không nhớ tên ca sĩ nhưng có thể là Giao Linh. Vẫn nằm trong chăn, tôi nghe hết bài nhạc mà lòng nghe lâng lâng khó tả. Thật là tuyệt vời. Tôi cũng không hiểu tại sao mình vẫn nhớ mãi khoảng thời gian chỉ có vài phút phù du mà mấy chục năm sau vẫn chưa mờ phai trong ký ức. Chưa bao giờ tôi thấy bài Tà Áo Cưới hay đến thế mà những lần sau khi nghe lại bài này tôi không còn được cái cảm giác năm xưa khi nằm trong chăn ấm và âm thanh nghe thật ngọt ngào làm sao. Tôi cảm thấy lòng rung động dạt dào nhớ quê hương, nhớ gia đình giờ đã ở bên kia bờ Thái Bình Dương xa thẳm mù khơi. Có thể vì tôi là một người dễ xúc cảm. Đọc một truyện buồn, nghe một bài nhạc hay là đủ để tôi thấy lòng mình xao động.Tà Áo Cưới - Giao Linh thâu thanh trước 1975Cùng học chung lớp với chúng tôi là các sĩ quan HQ của các nước đồng minh của Hoa Kỳ gồm hai trung uý HQ Thailand, hai trung uý HQ Indonesia, một đại úy HQ Taiwan và một thiếu uý HQ Columbia. Chúng tôi thân nhau rất nhanh, chuyện trò thoải mái có lẽ cùng một màu áo trắng và cùng một sở thích bềnh bồng sóng nước.Chuyến tu nghiệp được dự trù chỉ có 8 tuần lễ gồm có hai lớp huấn luyện. Lớp thứ nhất 4 tuần có tên là Combat Information Center (CIC) Officer Watch được giảng dạy tại Fleet Combat Training Center Pacific ở Point Loma. Chúng tôi có dịp ôn lại những bài toán Vận Chuyển Chiến Thuật đã học ở Nha Trang do Trung Úy Hòa đã dạy. Điểm khác biệt là ở Nha Trang chỉ dạy về lý thuyết nhưng không có thực hành. Còn ở đây chúng tôi có dịp thực hành trong một căn phòng lớn được đặt trên một hệ thống hydraulic để rập theo chuyển động của một chiến hạm đang hải hành trên biển. Hệ thống CIC Simulator với đầy đủ radar, echo thực sự và phòng CIC Simulator này cũng thực sự xoay chuyển theo hướng hải hành của chiến hạm. Vì vậy nên chúng tôi có cảm tưởng như đang ở trên một con tàu đang di chuyển thật sự, cũng lắc lư hoa sóng dâng đầy như trong bài Hoa Biển của Anh Thy.
Chúng tôi được học cách giải những bài toán vận chuyển hóc búa khi các chiến hạm di chuyển theo đội hình, căn cứ vào vận tốc của tàu mình và tàu bạn cùng với bù trừ của hướng gió và nước để giữ một khoảng cách an toàn tối thiểu.. Khi hạm đội ra lệnh đổi hải trình hoặc vận tốc hải hành thì SQ đương phiên CIC phải tính toán thật nhanh để chuyển lên SQ trưởng phiên trên đài chỉ huy những thay đổi mới.Điều quan trọng nhất được các giảng viên nhấn mạnh là an toàn của hạm đội nói chung và của chiến hạm cơ hữu nói riêng. Ship Collision Shall Never Happen. Vì thế trách nhiệm của Sĩ Quan CIC thật nặng nề trong khi hải hành chiến thuật. Do đó tôi rất ngạc nhiên khi thấy gần đây có hai chiến hạm lớn của Hoa Kỳ đụng với những tàu dân sự ở biển Nhật Bản và Singapore. Tôi đã từng là SQ phụ tá CIC trong thời gian thực tập HQ3 sau khi ra trường Nha Trang trong thời gian chờ đi Đệ Thất hạm Đội nên đã có ít nhiều kinh nghiệm nên biết rằng chuyện đụng tàu rất khó xảy ra nếu không nói là Impossible vì trong HQ ai cũng biết là mỗi phiên hải hành đều có những nhân viên làm công việc quan sát (Look-out: A lookout or look-out is a person on a ship in charge of the observation of the sea for hazards, other ships, land, etc.). Trang bị với một ống dòm cực mạnh của hải quân, mỗi người đứng ở một vị trí đã định sẵn nhìn chằm chằm trên mặt biển. Hễ thấy chuyện lạ là các quan sát viên báo cáo vào đài chỉ huy cho SQ Trưởng phiên. Trừ khi nào mấy ông thần này ngủ gục hoặc say sóng thì không kể. Khóa 23 chúng ta không it người được chỉ định giữ nhiệm vụ quan sát khi đi phiên trước khi nhập học Nha Trang. Rất đông người ôm sô cho chó ăn chè vì chưa quen độ lắc sóng của chiến hạm, nhất là những chiếc Dương vận Hạm và Hải vận Hạm.Sau 4 tuần lễ học hành chăm chỉ chúng tôi được phát chứng chỉ tốt nghiệp và một tấm plaque kỷ niệm.Khóa học thứ hai là Instructor Course được giảng dạy ở San Diego Naval Training Center. Khóa học này có thêm nhiều quân nhân Hoa Kỳ tham dự nên lớp bây giờ khá đông. Chúng tôi được học cách soạn bài học, cách giảng sao cho lôi cuốn để các học viên không buồn ngủ và buồn chán. Một trong những cách làm cho lớp học sống động là đặt ra những câu hỏi và khi có ai trả lời đúng thì phải khen bằng những sáo ngữ thật đẹp, thật kêu như "That's wonderful" hay là "Excellent". Và phải khen càng nhiều càng tốt vì lời nói đâu mất tiền mua như ông bà ta đã dạy.Thi tốt nghiệp cuối khóa là mỗi người tự chọn một đề tài, tự soạn thảo và chế tạo các học cụ và thực tập trong phòng học theo giờ giấc của riêng mình. Ngày thi từng người lên trình bày về đề tài mình cho cả lớp nghe trong khi sĩ quan huấn luyện và ban giám khảo ngồi ở dãy bàn sau cùng quan sát và chấm điểm. Nói thì đơn giản nhưng khi làm mới biết không dễ. Ngay cả với những học viên người Mỹ mà vẫn lắp bắp, toát mồ hôi ướt áo vì không phải ai cũng có tài thuyết giảng trước đám đông khi hàng trăm cặp mắt đang chăm chú nhìn mình. Áp lực còn nặng hơn với các sĩ quan ngoại quốc như chúng tôi vì Anh ngữ không là tiếng mẹ đẻ và dù có giỏi đến đâu cũng có lúc vấp váp. Ngoài ra nếu bị đánh rớt thì sẽ bị mất mặt sĩ quan HQVN nên ai cũng cố gắng hết mình. Sau cùng rồi chuyện gì cũng qua. Cả bọn năm người đều bảng hổ đề danh. Mọi người chúc mừng lẫn nhau rằng " HQVN chứ bộ giỡn sao" rồi cười vui vẻ. Riêng tôi và Kỳ nói với nhau câu thần chú của 23: Chỉ có tinh thần là quan trọng.Chính phủ Mỹ rất chu đáo. Trong thời gian học chúng tôi được HQ Hoa Kỳ cho đi thăm Disneyland, San Diego Sea World.Mỗi người được giới thiệu một gia đình tư nhân Mỹ. Cuối tuần họ đón về nhà ăn uống và chở đi xem các thắng cảnh của San Diego.Tôi được một gia đình Mỹ ông bà Wilson đón về nhà chơi. Ông bà có dịp tìm hiểu thêm về văn hóa Việt và ngược lại tôi cũng có cơ hội học hỏi nếp sống của một gia đình Mỹ. Ông Wilson từng là cựu sĩ quan US Navy nay đã về hưu. Ông chưa từng qua Việt Nam nên ông rất thích nghe chuyện về HQVN. Nhớ lời dặn dò của đại tá Thư trước ngày lên đường là mình đang đại diện cho quốc gia Việt Nam, tôi không bỏ lỡ cơ hội đánh bóng một dân tộc có nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên ở xứ sở có bốn ngàn năm văn hiến. Ông bà chở tôi đến thăm Cabrillo National Monument. Đây là một thắng cảnh của San Diego. Tọa lạc trên một mỏm núi cao có tên là Point Loma trông xuống vịnh Coronado, ta có thể thấy các thuyền bè ra vào hải cảng tấp nập. Cũng chính nơi đây, một nhà thám hiểm đại diện cho vương quốc Tây Ban Nha tên Juan Rodríguez Cabrillo là người đầu tiên đã đặt chân lên bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ vào ngày 28 tháng 9 năm 1542. Đây là một mốc dấu của lịch sử vì là điểm phát xuất của lãnh thổ miền Tây của Hoa Kỳ trong những năm về sau. Point Loma là một đỉnh cao nhất của San Diego và một ngọn hải đăng đã được đặt tại đây để soi sáng cho thuyền bè ra vào hải cảng San Diego vào năm 1855. Hải đăng này đã thôi hoạt động vào năm 1891 và trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch từ khắp thế giới thăm viếng và ký vào sổ nhật ký hải đăng. Tôi cũng ký vào sổ nhật ký này với dòng chữ " Ensign Phúc Nguyễn of South VN Navy was here. March-5-1975".Cũng trong thời điểm này chúng tôi quen với một cựu quân nhân Mỹ đã từng tham chiên ở Việt Nam. Đã lâu nên tôi không nhớ được tên anh chàng này nhưng hãy cứ tạm gọi anh chàng này là Dan. Chúng tôi đặt cho Dan một nickname là Ông Mỹ Mập vì dáng dấp cao lớn mập mạp. Dan rất có cảm tình với chúng tôi. Ngày cuối tuần Ông Mỹ Mập đến BOQ chở cả bọn đi chơi vòng vòng San Diego. Cả bọn 5 người với Dan là sáu chen chúc trên chiếc xe Sport Jaguar 12 xi-lanh. Thời ấy chưa có luật seat belt nên không có anh cảnh sát nào làm phiền. Chúng tôi ai cũng mến Dan vì hắn rất dễ thương.
Chúng tôi cũng quen vài phụ nữ Việt đang cư ngụ ở San Diego. Thỉnh thoảng họ mời về nhà đãi chúng tôi những món ăn Việt như phở, chả giò, canh chua cá lóc. Thật tuyệt vời khi được thưởng thức những món ăn đượm tình quê hương vì chúng tôi ăn hàng ngày những món ăn Mỹ ở Officer's Mess Hall đã chán đến tận cổ. Với những phụ nữ này, chúng tôi là những hình ảnh của một quê hương yêu dấu mà họ đã đứt ruột xa rời khi theo chồng về xứ lạ.
CHƯƠNG 3: QUÊ HƯƠNG ĐÀNH BỎ LẠI SAU LƯNGVào khoảng giữa tháng 3/1975 chúng tôi bắt đầu nhận được những tin không mấy tốt từ Việt Nam. Tình hình chiến sự sôi bỏng ở cao nguyên rồi nối tiếp là cuôc di tản chiến thuật vĩ đại từ miền Trung. Mỗi tối chúng tôi theo dõi truyền hình rồi bàn bạc đến nửa đêm. Đến đầu tháng 4/75 thì các tỉnh miền Trung bắt đầu mất vào tay Cộng Sản. Đà Nẵng, Huế, Nha Trang. Quân lực Viêt Nam Cộng Hòa rút về cố thủ ở Phan Rang. Rồi có tin phòng tuyến này cũng bị vỡ. Chúng tôi bàng hoàng sửng sốt. Sao lại có thể như thế được. Chuyện xảy ra như một cơn ác mộng và đôi khi tôi không tin ở mắt và tai mình và nghĩ rằng truyền thông Mỹ bóp méo sự thật.Nhưng sau đó có lệnh tập họp tất cả các quân nhân Việt Nam đang tu nghiệp và chúng tôi bị đặt trước một sự thật phũ phàng. Chính phủ Hoa Kỳ cho chúng tôi hai chọn lựa. Một là lên đường về nước và hai là ở lại với tư cách tị nạn chính trị. Và phải có quyết định trong 48 tiếng đồng hồ. Chúng tôi nhìn nhau sững sờ không tin vào chính mình.. Vậy là hết. Việt Nam quê hương ngạo nghễ bây giờ ra sao? Tôi còn nhớ lúc đó là khoảng trung tuần tháng tư 1975.Chúng tôi đang đứng ở giữa ngã ba đường. Về nước hay ở lại Mỹ? Cả hai con đường đều bấp bênh không định hướng, không sáng sủa. Khi chính phủ Hoa Kỳ đưa ra quyết định này có nghĩa là miền Nam sắp rơi vào tay Cộng Sản, sắp bị nhuộm đỏ. Sau này chúng ta mới biết chiến thuật di tản chiến thuật miền Trung là do tổng thống Thiệu muốn làm áp lực với Hoa Kỳ để bắt họ phải thi hành Hiệp Định Paris 1973. Theo Paris Accord 1973 thì Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng võ lực nếu Cộng sản miền Bắc vi phạm những điều khoản trong hiệp định này như xâm lăng miền Nam. Nhưng sự thật đã chứng minh ngược lại. Nixon đã quay mặt làm ngơ. Ông Thiệu đã thua một ván xì phé mà ông đã tố xả láng bằng cả số phận quân dân miên Nam.Chúng tôi như những con kiến trên chảo nóng. Chạy loanh quanh nhưng không biết phải làm sao cho đúng. Tôi đánh điện tín về Sàigòn hỏi ý kiến gia đình. Ba tôi trả lời vỏn vẹn 3 chữ: CON Ở LẠI. Sau đó một tuần lễ tôi nhận được một lá thư do ông viết rằng tôi có trở về cũng không giúp gì cho gia đình có khi còn làm liên lụy cho gia đình. Ba tôi đã cho thiêu hủy tất cả những gì liên quan đến tôi. Bằng cấp tốt nghiệp SQHQ, hình ảnh, quân phục đều bị đốt hết. Tôi đã biến mất trong chính gia đình đã sinh ra mình vì nghĩ rằng sẽ có một cuộc lùng bắt trả thù những quân nhân còn tại ngũ khi Cộng Sản chiếm được Sàigòn. Thư viết rằng trong khi ở Sàigòn có rất nhiều người đang tìm đủ cách để rời Việt Nam vì vậy tôi nên ở lại và nếu có bề gì thì gia đình vẫn còn một người sống sót. Trời ơi sự thật có thể lại thê thảm và phũ phàng đến thế sao? Tôi tin vào lời khuyên của ba tôi vì trước kia ông cũng đã từng là quân nhân và đã tu nghiệp Hoa Kỳ năm 1958-1959. Ngoài ra ba tôi cũng có kinh nghiệm với Cộng Sản trước khi đem gia đình di cư vào miền Nam năm 1954.Sau hai ngày dài đằng đẵng nhóm chúng tôi 5 người đã có quyết định. Hai trung úy OCS Lập và Bé sẽ trở về vì không nỡ bỏ lại vợ con gia đình bơ vơ. Cao quý thay tình vợ chồng và trách nhiệm gia đình. Tôi, Kỳ và Linh ở lại vì cả 3 còn độc thân. Ngày tiễn Bé và Lập ra phi trường trở về Việt Nam thật buòn thảm. Ai cũng thấy trời đang nắng mà mắt mình như có nước. Nhìn hai người bạn bước lên máy bay trở về quê nhà mà lòng quặn đau vì có thể sẽ không bao giờ gặp lại. Họ sẽ sống trong lao tù hay bị mất mạng trong cuộc tắm máu của Cộng Sản. Có ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Họ là những Kinh Kha thời đại đang đi vào lãnh thổ của bạo chúa Tần Thủy Hoàng nhưng vẫn kiêu hùng dấn bước. Mãi hơn 40 năm sau tôi và Kỳ mới có dịp gặp lại Lập do một tình cờ Lập cũng quen biết với Trịnh Hòe. Sau đó chúng tôi đã gặp nhau ở Santa Ana trong năm 2016. Một cuộc hội ngộ thần kỳ. Lập cho biết đang sống ở Canada. Sau ngày trở về Việt Nam năm trong tháng tư 1975 Lập đã mất liên lạc với Trung Úy Bé. Vài lời nhắn Trung Úy OCS Võ văn Bé từng đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ trước tháng tư 1975. Nếu anh đang sống ở một vùng đất tự do thì chúng tôi xin chia vui với anh. Ngày anh và Lập rời Hoa Kỳ trở về Việt Nam chúng tôi ba người ở lại đã cầu nguyện thật nhiều cho hai người vì biết rằng cả hai đang đối đầu với nhiều bất trắc hiểm nguy.Trở về từ phi trường tôi thấy lòng nặng trĩu sầu muộn. Tôi pha cho mình một ly cà phê đốt một điếu thuốc và ngồi trấm tư suy nghĩ mình phải làm gì trong những ngày sắp tới. Chính phủ Hoa Kỳ thộng báo cho những quân nhân quyết định ở lại sễ được hưởng quy chế tị nạn chính trị nhưng chúng tôi không có một khái niệm về quy chế này có nghĩa là gì.. Họ cũng cho biết chúng tôi sẽ được ở lại trong BOQ thêm một tháng rôì phải dọn ra và tự lực cánh sinh. Your government exists no longer. Chính phủ của các anh không còn nữa.. Ôi cái hiện tại thật là phũ phàng. Chúng tôi nhìn nhau nghẹn ngào mà lòng tan nát. Thế là hết. Có nghĩa là đường binh nghiệp từ đây đứt gánh nửa chừng, giã từ vũ khí trong khi còn quá trẻ và tràn đầy sinh lực. Từ đây sẽ phải từ bỏ những mong ước khi gia nhập Hải Quân: đến những bến bờ xa lạ, hải đảo thần thoại với những nàng mỹ nhân ngư và ước mơ sau cùng vẫn là được đeo bánh lái hạm trưởng trên ngực áo để tự hãnh diện là mình đã thực hiện được giấc mơ của đời trai thời chinh chiến. Tất cả đã mất hết. Tôi sẽ là người thủy thủ đã mất tàu và mất cả đại dương. Rồi đây đời mình sẽ ra sao? Có bao giờ được trở về quê nhà bước trên đường xưa lối cũ, gặp lại cha mẹ và các em thân yêu và bạn bè và người yêu bé bỏng? Dù chỉ là những suy tưởng viển vông xa vời không ai biết được Cộng Sản sẽ làm gì khi chiếm được miền Nam nhưng đó vẫn là một hy vọng. Một hy vọng thật xa vời và không tưởng.Những người bạn đồng minh học cùng lớp với chúng tôi cũng đang sửa soạn về nước. Họ nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại nhưng tôi đã đọc được sự cảm thông. Tuy mới gặp nhau nhưng chúng tôi cũng từng chia sẻ với nhau những chuyện vui, nụ cười cũng như kinh nghiệm về hải nghiệp.Tối hôm đó ông đại úy HQ Đài Loan gõ cửa vào phòng tôi nói chuyện. Ông nói rằng chúng tôi quyết định ở lại Hoa Kỳ là đúng. Ông nói xứ sở ông cũng phải lo chống lại CS Trung Quốc nên ông cũng được học hỏi nhiều về lý thuyết Cộng Sản. Ông nói ngày mai ông lên đường về nước và chúc chúng tôi ở lại được nhiều may mắn trên vùng đất tự do. Tôi cũng chúc ông lên đường bình an. Thấy người lại nghĩ đến mình mà buồn. Xứ sở của họ không có chiến tranh trong khi quê hương Việt Nam chưa được một ngày thanh bình kể từ sau 1960.CHƯƠNG 4: TA RA ĐI NAY MẤT LỐI QUAY VỀNgày 30-4-1975, theo dõi tin tức trên truyền hình chúng tôi biết rằng dân chúng ở Sàigòn đang đứng ngồi không yên vì mặt trận Xuân Lộc đã vỡ vì không chịu được sức ép của Cộng quân. Phi trường Tân sơn Nhất bị pháo kích khiến một số phi cơ bị hư hại nặng. Tổng thống Trần văn Hương bàn giao chính phủ lại cho Đại Tướng Dương văn Minh vì nghe nói phe CS chỉ muốn nói chuyện với ông Minh. Khi nghe tin ông Minh ra lệnh cho quân đội buông súng chúng tôi ba đứa nhìn nhau không nói, sững sờ. Ông tổng thống một ngày đã thực sự bóp chết Việt Nam Cộng Hòa. Có người cho rằng ông làm thế để cứu Sàigòn thoát khỏi một cuộc tắm máu. Người thì cho rằng ông Minh đã được dàn xếp để Cộng Sản chiếm được thủ đô mà không tốn một viên đạn. Tôi không có tư cách để phê phán hành động của ông Minh là đúng hay sai vì đó là vai trò của những người viết sử. Nhưng chỉ biết rằng từ đây tôi đã mất lối quay về. Khi lên đường đi du học tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là một chuyến đi không trở lại. Những kỷ niệm thời đi học, mới lớn, những mối tình lớn và nhỏ đều phát xuất từ bên kia Thái Bình Dương và ở lại vùng trời thương yêu đó và biết đến bao giờ tôi mới tìm lại được nếu không còn đường quay về đường xưa lối cũ?Đời Sống MớiTrước khi rời Việt Nam chúng tôi được phép mang theo một số Mỹ Kim đổi theo hối xuất chính thức. Khi đến Hoa Kỳ, chúng tôi được phát lương hàng tháng mỗi ngày $8.00. Chúng tôi đã xài khá nhiều tiền trong viêc mua quà cho gia đình và dĩ nhiên là có phần của người yêu.Khi nhìn những gói quà lòng tôi quặn thắt xót xa vì không biết đến bao giờ tôi mới được gặp lại những người thân thương.Vào khoảng tháng 5/1975 chúng tôi được tin có một số lớn dân tị nạn Việt Nam được chính phủ Hoa Kỳ cho tạm trú ở Camp Pendleton của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cách thành phố San Diego 60 miles về phía Bắc. Tin này làm xôn xao cộng đồng dân Việt Nam lưu vong ở đây. Chúng tôi dò hỏi đường đi nước bước, xem bản đồ (lúc bấy giờ chưa có GPS hay Smart phone nhé các bạn) và ba đứa tôi đi chung với một số bạn bè đến trại tị nạn. Phải nói là nhìn đâu cũng thấy những lều trại dựng kế nhau san sát. Tôi đoán chừng phải đến mấy ngàn người tị nạn Viêt Nam sống ở đây, Tent City. Tôi rảo bước vào từng lều hy vọng tìm được gia đình có thể thoát đi vào phút chót nhưng đi mỏi chân mà vẫn không gặp ai quen chứ đừng nói là thân nhân hay bạn bè.Thật là “triệu người quen có mấy người thân"Vì chưa có xe nên chúng tôi phải đi chung xe với bạn bè. Đến lúc về thì cả ba đứa đều bị kẹt lại vì xe này tưởng xe kia chở chúng tôi. Thế là cả 3 người chúng tôi trở nên lạc lõng trong trại tị nạn hàng ngàn người. Trên người chúng tôi chỉ có căn cước quân nhân mang từ Việt Nam và căn cước quân sự của Hoa Kỳ cấp khi đi du học. Chúng tôi tìm gặp những giới chức có thẩm quyền và được giới thiệu một nhân viên của Sở Di Trú Hoa Kỳ. Sau khi nghe trình bày tự sự và kiểm soát giấy tờ chứng minh, ông này liền đề nghị chúng tôi ở lại trại để làm Thông Dịch viên với tư cách tình nguyện. Chúng tôi đồng ý ngay vì có cơ hội giúp người đồng hương và biết đâu gặp được thân nhân gia đình thì thật là nhất cử lưỡng tiện. Mỗi người được cấp một ID badge và được ưu tiên ra vào các văn phòng dịch vụ Di Trú Hoa Kỳ.
Sau vài tuần chúng tôi không ai gặp được người thân và cũng đã đến lúc sắp phải trả phòng lại trong BOQ cho chính phủ Mỹ nên cả 3 đành từ giã các nhân viên US Immigration. Họ cấp cho chúng tôi giấy chứng nhận đã từng làm Thông Dịch cho Sở Di Trú để lưu vào hồ sơ tị nạn cá nhân.Tôi nghĩ tấm giấy này có thể đã có ảnh hưởng 5 năm sau khi tôi thi vào quốc tịch Hoa Kỳ. Sau khi đọc hồ sơ của tôi, nhân viên di trú chỉ hỏi tôi 2 câu như sau:
Nếu anh được phép gia nhập US Navy và phục hồi chức vụ thì anh nghĩ sao?Sau vài giây suy nghĩ tôi trả lời không đắn đo:
Thưa ông tôi sẽ từ chối gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Tại sao? Có thể cho biết lý do? Thưa ông, tôi gia nhập Hải Quân Việt Nam là để bảo vệ tự do cho dân tộc và nền độc lập của miền Nam. Chúng tôi bị đặt vào một tình thế bắt buộc phải tự vệ trước cuộc xâm lăng của Cộng Sản miền Bắc với sự hổ trợ đắc lực của Cộng sản quốc tế là Sô Viết và Trung Cộng. Tôi sẵn sàng đổ máu hoặc hy sinh mạng sống cho một đất nước duy nhất đó là Việt Nam Cộng Hòa mà thôi.Người nhân viên sở di trú hỏi câu thứ hai:
Nếu ông được gia nhập công dân Mỹ và nếu có chiến tranh gìữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì ông chiến đấu bên nào?Tôi trả lời không cần suy nghĩ:
Thưa ông còn tùy. Nếu Việt Nam vẫn còn là một quốc gia Cộng Sản thì tôi sẽ chiến đấu dưới lá cờ của Hoa Kỳ. Cũng vì những con ngưới Cộng sản đó mà tôi trở thành một tị nạn chính trị không còn quê hương, mất đi tất cả những gì tôi đã gầy dựng bao nhiêu năm qua. Rất nhiều đồng bào tôi đã ra đi trong tháng 4-1975 khi Sằigòn thất thủ chỉ vì không châp nhận sống chung với Cộng Sản. Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sống chung với họ hay thở chung một bầu không khí với họ thì nói chi đến việc chiến đấu cùng họ. Còn nếu Việt Nam là một sứ sở tự do không Cộng Sản thì tôi sẽ trở về Việt Nam để chiến đấu cho quê hương tôi.Trả lời xong tôi cầm chắc là bị đánh rớt nhưng tôi biết rằng tôi đã trả lời với sự thành thật của lòng mình và hãnh diện vì điều này. Không nhập tịch cũng chẳng sao. Nhưng không ngờ sự thật lại ngược lại sự suy nghĩ của tôi khi người phỏng vấn bắt tay và nói với tôi: Chúc mừng ông. Có lẽ ông ta cũng tôn trọng sự thành thật của tôi vì biết ông đã đặt hai câu hỏi khó trả lời và tôi cũng có thể trả lời ngược lại nhưng tôi đã không làm thế.Nay chỉ còn ở free trong BOQ 30 ngày nên 3 người không ai bảo ai tự động lo tiết kiệm cho những ngày bất định sắp đến. Chúng tôi dẹp mục đi ăn ở Câu lạc bộ SQ và thay vào đó là cuốc bộ đến chợ VONS cách BOQ khoảng 1 mile mua cánh gà, mì gói và một cái bếp điện và từ đó mì gói làm chuẩn. Thuở đó chưa quen lắm với những tiệm Fast Fod của dân Mỹ như Mac Donald. Những ngày đầu tiên ở Mỹ khi xe chở đi học tôi ngắm đường phố và rất làm lạ khi thấy một tiệm ăn mang bảng hiệu Jack In The Box với một chú hề thò đầu ra từ một cái hộp vì không hiểu ở đó bán món ăn gì.. Thắc mắc mà không dám hỏi ai vì sợ bị chê là cù lần. Sau này mới biết tiệm này bán Hamburger và khoai chiên. Nói về Hambuger thì tôi chạy món này vì người Mỹ họ bỏ đủ thứ hầm bà lằng: rau xà lách, cà chua, một lát cheese chung với một miếng thịt nghiền. Nhưng tôi lại chịu món khoai chiên. Thơm và lạ miệng nên vào tiệm tôi chỉ ăn khoai chiên. Sau này khám phá tiệm Kentucky Fried Chicken chuyên bán gà chiên và ngay lập tức tôi trở thành khách hàng thường xuyên của ông già tóc bạc. Còn về thức uống thì chúng tôi không lạ gì với các loại soda như Cocacola, Pepsi nhưng khi uống cà phê Mỹ lần đầu tiên thật là muốn nhổ ra ngay lập tức. Cà phê gì mà chua thế tôi tự hỏi.Chúng tôi bảo nhau phải lo an cư trước khi thời hạn 30 ngày hết hạn. Ba chúng tôi lo đi tìm Appartment để mướn. Vấn đề là tìm ở đâu để tiền mướn rẻ. Cuối cùng chúng tôi chọn vùng Imperial Beach tuy hơi xa trung tâm thành phố khoảng 20 miles về phía Nam nhưng được cái gần biển nên khí hậu dễ chịu. Tôi tự an ủi ta đã mất tàu nhưng vẫn còn biển làm bạn nên không hoàn toàn mất hết. Imperial Beach (IB)là một thành phố nhỏ ở về phía cực Nam của San Diego gần biên giới Mễ nên giá cả mướn ở đây khá rẻ nếu so sánh với những khu khác như Ocean Beach (OB), Pacific Beach (PB), University City. Chúng tôi ở cái appartment trên đuờng Calla Avenue một thời gian khoảng hơn một năm.
The First JobÔng Mỹ Mập đến thăm và chỉ chúng tôi cách đi tìm việc làm trong mục Help Wanted trên báo địa phương. Sau cùng cũng chính hắn giới thiệu cho chúng tôi tìm được việc làm đầu tiên trên đất Mỹ. Đó là làm Housekeeper ở một khách sạn tên là Posada Inn ở Shelter Island với tiền lương là $2.10 một giờ. Thời đó giá sinh hoạt còn khá rẻ và để các bạn so sánh một dozen trứng giá $0.35. Xăng thì $0.30 một gallon. Vì vậy lương $2.10 một giờ cũng cò thể xoay sở để sống được vì chúng tôi chia nhau tiền nhà căn appartment 2 phòng với gia thuê là $600 một tháng. Lúc này Linh đã có bạn gái nên hai người họ chiếm phòng master. Kỳ và tôi ở chung căn phòng nhỏ hơn nhưng tiên nhà chia đều làm 4 nên cũng không đến nỗi nào chật vật. Chúng tôi chia đều tiền chợ và vì có người đàn bà trong nhà nên nhà cửa gọn ghẽ và được ăn cơm nóng canh ngọt đều đều.Hotel này cách chỗ chúng tôi cư ngụ khoảng gần 20 miles. Ngày đầu tiên đi làm chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gọn ghẽ. First Impression is very important. Ông Mỹ Mập dặn dò chúng tôi như vậy. Chúng tôi được giới thiệu với người Supervisor là một bà Mỹ cũng mập không kém gì ông bạn Mỹ Mập tôi thàm nghĩ.Chúng tôi được chỉ dẫn cách làm giường, chùi cầu tiêu, lau phòng tắm, hút buị, lau bàn ghế. Ba đứa chúng tôi nhìn nhau. Đang là những SQHQ oai phong lẫm liệt mà một sớm một chiều phải đi làm bồi phòng. Thật là một sự đổi đời. Tôi nhớ những ngày thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội ở chung phòng với một thiếu uý HQ Mỹ, hàng ngày có lính làm giường và quét dọn phòng ngủ. Bữa ăn chúng tôi được phục vụ chu đáo đến tận răng. Truyền thống HQ là các sĩ quan phải vào phòng ăn trước hạm trưởng 5 phút trừ những ai đang đi phiên. Khi hạm trưởng vào mọi người đứng dậy đợi ông ngồi xuống rồi tất cả cùng ngồi. Sau đó hai người lính tiếp vụ mới bắt đầu serve mọi người dĩ nhiên bắt đầu từ hạm trưởng. Rất nhà nghề một tay họ ôm khay thức ăn, tay kia gắp đồ ăn như steak, chicken vào đĩa từng người một rất nhẹ nhàng mặc dầu tàu đang hải hành trên biển. Khi serve nước uống thí dụ như cà phê, một tay cầm bình cà phê, tay kia để sau lưng, hơi cúi mình và rót vào tách cà phê đang để trên bàn. Sau đó hai anh lính này đứng ở hai đầu bàn nếu có ai cần gì thì sẽ phục dịch. Nghe những tiếng Sir và Aye Aye Sir nhàm cả tai. Vậy mà bây giờ thì sao? Thi phải vậy chứ sao. Thôi ta đành mượn một câu nói của Ngô Thời Nhậm đời Tây Sơn: Gặp thời thế, thế thời phải thế. Một thời huy hoàng nay còn đâu.Posada Inn là một khách sạn thuộc hạng khá sang trọng. Vùng Shelter Island là một bến cảng với những du thuyền đủ kiểu và là một nơi mà du khách thích đến để ngắm cảnh dạo phố và mua sắm. Thành phố San Diego là một trong những thành phố hấp dãn khách du lịch từ khắp nuớc Mỹ do khí hậu hiền hòa nhờ ở sát bờ biển. Thành phố này còn được khách du lịch tặng cho một danh hiệu thật đẹp là American Finest City. Và cũng chính vì thế mà những khách sạn ở đây rất đắt khách vào mùa hè nên họ cần tuyển dụng thêm người dọn phòng. Đó cũng là lý do chúng tôi được nhận vào làm việc vào mùa hè năm 1975.Một toán hai người chịu trách nhiệm một tầng lầu có khoảng 30 phòng ngủ. Chúng tôi đẩy một cái xe trên đó có đủ đồ nghề clean up và máy hút buị loại heavy duty. Ngoài ra còn có đủ các loại supply như khăn tắm, xà bông, toilet paper etc. Trước khi vào phòng, chúng tôi gõ cửa rôì lên tiếng: House Keeping. Nếu không có ai lên tiếng có nghĩa là khách đã đi khỏi. Dùng master key chúng tôi mở cửa và bắt đâù dọn dẹp.Ba người chúng tôi bị tách ra và mỗi người được làm chung với một người khác để được "dạy dỗ" thêm. Làm xong phòng nào thì bà Supervisor đi kiểm soát. Thấy có gì sơ sót là bà quát tháo ầm ĩ. Chúng tôi cắn răng chịu đựng. Tôi và Kỳ bảo nhau trong giờ nghỉ ăn trưa câu thần chú của khóa 23: Chỉ có tinh thần là quan trọng. Riêng Linh thì xuống tinh thần thấy rõ. Bề gì thì chàng cũng xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt, một quân trường nổi tiếng bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ với niềm kiêu hãnh vô biên. Những mong đường binh nghiệp được rực rỡ thăng tiến vậy mà một sớm một chiều đã mất hết. Tôi thấy đôi mắt Linh long lanh ngấn lệ. Đến bây giờ tôi mới thấy thấm thía về sự mất mát to lớn của mình khi nhìn thấy Linh và tôi cũng thấy hình ảnh của chính tôi.Ngày đầu tiên về đến nhà chúng tôi mệt muốn đứt hơi. Ăn uống qua loa, tắm rửa vội vàng là lăn quay ra ngủ. Sáng hôm sau ông Mỹ Mập đón đi làm lúc 7:30 và cứ tiếp tục như vậy khoảng một tuần lễ. Trong tuần lễ này chúng tôi tìm hiểu cách đi xe bus, nghiên cứu thời biểu từng chuyến xe để đi cách nào thì đến được nơi làm việc. Chúng tôi cám ơn lòng nhiệt thành giúp đỡ của Mỹ Mập và nói rằng không muốn làm phiền hắn thêm nữa vì dầu sao chúng tôi cũng phải tự lập cánh sinh.Chuyện đầu tiên chúng tôi khám phá là vì thuê nhà rẻ nên nơi ở khá xa trung tâm thành phố. Chúng tôi phải đi 3 chuyến xe bus và phải dậy từ 5:30 sáng đi xe bus xuống down town San Diego. Từ đây phải chạy bộ khoảng 1/2 mile đến một trạm bus khác để kịp lên xe bus đi Shelter Island và vào làm việc trước 8:30 am. Nếu trễ chuyến xe này thì phải chờ nửa tiếng đồng hồ mới có chuyến sau và sẽ phải nghe những lời cằn nhằn của bà Mỹ Supervisor khó chịu mà chúng tôi đặt tên là Bà Già Giết Giặc. Lúc về thì đi ngược lại và về đến nhà đã hơn 8 giờ tối. Ăn uống tắm rửa xong là 10 giờ đêm. Một ngày đã hết. Một ngày mới sẽ lại bắt đầu vào ngày hôm sau.Sang đến tuần thứ hai thì tôi và Kỳ đã quen và đã có thể một mình một dãy lầu. Nhưng Linh đã quyết định xin nghỉ vì đã tìm được một việc làm khác ở một warehouse. Cũng là công việc khuân vác nặng nhọc nhưng ít ra không phải chùi phòng tắm và cẩu tiêu và phải thấy bản mặt khó thương của Bà Già Giết Giặc, Linh nói thế.Tôi và Kỳ tiếp tục làm ở khách sạn này khá lâu cho đến mùa đông 1975 thì bị cho nghỉ vì mùa đông ít khách du lịch. Cũng cần nói thêm là công việc ở đây có nhiều làm nhiều, có ít làm ít nhưng trung bình thì 6 tiếng đồng hồ một ngày. Hôm nào may mắn dọn phòng thì được khách bỏ lại tiền tip trên dresser. Lúc thì 25 cents, lúc thì 50 cents. Ít nhiều gì chúng tôi cũng hốt bỏ túi và hát bài Có Còn Hơn Không. Có những ngày làm hết sớm thì chúng tôi đi quét parking lot. Công việc này đơn giản nhưng nhiều khi vừa quét xong thì chỉ cần một cơn gió là lá mùa thu lại rụng xuống và phải chạy theo nhặt lên. Tôi chợt nhớ đã đọc ở đâu đó một bài thơ có hai câu:Đố ai quét sạch lá rừng,Để ta khuyên gió gió đừng rung câyTôi chỉ mong ông thần gió đừng chơi tôi nữa để lá mùa thu thôi rụng xuống cái parking lot tôi vừa quét sạch.Những ngày ít việc chúng tôi bị cho nghỉ sớm và thế là tiền lãnh ra tháng ấy giảm sút. Đôi khi chúng tôi trốn trong thang máy, nhấn nút đi lên đi xuống cho đủ 15 phút vì đồng hồ bấm thẻ tính theo mỗi ¼ giờ. Nếu đi ra lúc 1:10' PM thì đồng hồ chỉ tính đến 1:00 PM thay vì 1:15 PM. Vậy thì hai đứa chui vào thang máy tiêu khiển cho đúng 1:15 PM rồi ra bấm thẻ giờ. Vì 15 phút cũng là 52 cents chứ đâu ít ỏi gì. Khi mình nghèo thì một đồng 5 cent cũng không dám phí huồng chi là 52 cents. Thời 1975 còn có các trạm điện thoại của Pacific Bell dựng ở các nơi công cộng như chợ, bưu điện và giá một cú điện thoại local là 5 cent. Đôi khi chúng tôi làm sang bỏ 25 cent vào bàn bida trong Hotel lounge để chơi đỡ buồn và vài lần tổ đãi khi bỏ tiền vào mà máy từ chối không nhận thì chơi free mà cũng vì thế chúng tôi
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét