Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Mahathir dám đối đầu Tập Cận Bình - Ngô Nhân Dụng


Thủ Tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad. (Hình: Toshifumi Kitamura/AFP/Getty Images) 
Năm ngày trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, thủ tướng Malaysia cho thấy ông dám đương đầu với chiến thuật xâm lấn bằng tiền của Cộng Sản Trung Hoa trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Ngày Thứ Ba vừa rồi, Bác Sĩ Mahathir bin Mohamad đã chấm dứt hai vụ đầu tư lớn của các công ty Trung Hoa tại xứ ông, một dự án xây dựng đường xe lửa tốn $20 tỷ, và một dự án $2.5 tỷ làm đường ống dẫn dầu. Ông Mahathir nêu lý do thực tế: Chúng tôi không thể có tiền trả nợ, mà thật ra chúng tôi cũng không cần.
<!>
Trong ngày hôm trước, tại đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, sau khi gặp Thủ Tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường, ông Mahathir tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi không muốn một tình trạng ‘thuộc địa kiểu mới’ diễn ra!”
Ông thủ tướng Malaysia đã đánh trúng tim đen của ông Tập Cận Bình! Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là một bộ mặt giả để che đậy thủ đoạn “Viễn Giao, Cận Công” của giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc.
Vào thế kỷ thứ ba Trước Công Nguyên, nước Tần đã dùng kế của Phạm Thư, “Giao thiệp với nước xa, tấn công nước ở gần” để thôn tính lục quốc, thống nhất thiên hạ. Thiên hạ là tất cả đất đai dưới bầu trời. Bây giờ đối với Cộng Sản Trung Quốc, thiên hạ là cả thế giới.
Ông Tập Cận Bình áp dụng kế của Phạm Thư: Giao hảo với các nước ở xa – Mỹ, Châu Âu, cho đến Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi; trong khi xâm lấn các nước Đông Nam Á.
Ngày nay, hoàng đế Trung Hoa có thể tấn công mà không cần dùng quân lính. Họ chỉ dùng tiền cũng đủ rồi, coi hiện lành lại đỡ tốn kém! Chỉ có ông Mahathir đã nói thẳng: Một hình thức chiếm thuộc địa kiểu mới.
Dân Việt Nam đã tỉnh thức đúng lúc khi nổi lên chống dự luật “Đặc Khu Kinh Tế,” cái tên hiền lành chứa đựng âm mưu thâm hiểm.
Người Việt Nam có thể mường tượng cảnh nào sẽ xảy ra ở Bắc Vân Phong, Vân Đồn nếu Luật Đặc Khu thành hình, bằng cách nhìn vào hành động “thực dân mới” Trung Cộng tính làm tại thị xã ven biển Kuantan, Malaysia.
Năm năm trước, ông thủ tướng cũ Najib Tun Razak đã thỏa thuận cho một công ty ở Quảng Tây lập một hải cảng nước sâu và một khu kỹ nghệ. Bên cạnh đó là một trạm ngừng cho con đường xe lửa do Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng của Trung Cộng cho vay tiền.
Trong thời gian đó, chính phủ Najib cũ đang bị khủng hoảng vì vụ tai tiếng thất thoát tiền bạc khổng lồ của ngân hàng 1MDB. Ông Najib đã chạy qua Tàu vay tiền và được thỏa mãn ngay. Một công ty Năng Lượng Nguyên Tử và một công ty Đường Xe Lửa của Trung Quốc đã đổ tiền vào giúp. Dự án đường xe lửa được tính với giá $20 tỷ; nhưng sau này thủ tướng Mahathir cho mọi người thấy một công ty của Malaysia đã tính chỉ tốn $13.4 tỷ cũng làm được!
Bộ trưởng Tài Chánh tân nhiệm Lim Guan Eng, một người gốc Hoa trong chính phủ Mahathir, mới trình bày trước quốc hội, nói rằng nước Malaysia sẽ không đủ tiền để trả số tiền $20 tỷ.
Nhưng điều khiến nước Malaysia lo lắng nhất không phải chỉ là mang nợ các công ty quốc doanh Trung Cộng. Trong kế hoạch xây dựng, các công ty Trung Cộng còn tính sẽ làm bốn hòn đảo nhân tạo ngoài khơi hải cảng.
Bốn hòn đảo này diện tích tổng cộng hơn 10 triệu mét vuông, sẽ đủ cho hơn 700,000 người sinh sống. Trước khi thành hình, các đảo này đã được quảng cáo trong nước Tàu để mời mua các chúng cư, làm nhà nghỉ mát. Người nào có tiền để mua các căn phòng trong những chúng cư đó? Một viên chức địa phương cho biết giá các căn chúng cư đó được định giá cao vượt trên khả năng tài chánh của dân Malaysia. Ông đã trả lời: Chỉ có người từ Trung Quốc sẽ tới mua!
Nhưng các công ty Trung Cộng còn đưa công nhân của họ qua làm việc trên các hòn đảo nhân tạo này. Những người đó sẽ trở thành dân cư sống tại đó khi hoàn thành! Cộng thêm các người Tàu đến mua nhà, họ sẽ sống hoàn toàn theo lối Tàu, sẽ biến mấy hòn đảo nhân tạo giầu nhất nước Malaysia thành một phần của nước Tàu.
Thủ Tướng Mahathir, trong lúc tranh cử, đã nói thẳng: “Đây không phải là một khu đầu tư của người Tàu mà là một khu định cư (của những người khai thác thuộc địa).” Đó là chưa kể một công ty điện lực Trung Cộng tính xây dựng hải cảng nước sâu có khả năng cho các hàng không mẫu hạm cập bến trong khi Malaysia không có ý mua hàng không mẫu hạm nào cả.
Nếu những dự án trên tiến hành, nước Malaysia sẽ thành một con nợ của các ngân hàng Trung Cộng. Bộ Trưởng Tài Chánh Lim Guan Eng đã đem so sánh với tình trạng diễn ra ở Sri Lanka. Một công ty Trung Cộng xây nên một hải cảng nước sâu, cuối cùng không có đủ tàu bè quốc tế ghé bến, chính phủ Sri Lanka thua lỗ, trong khi các món nợ không trả được. Sau đó, chính phủ Sri Lanka ăn hối lộ của Trung Cộng bị dân đuổi về vườn, nhưng chính phủ mới vẫn gánh nợ. Chính phủ mới muốn khất nợ phải chịu cho Trung Cộng làm chủ khai thác hải cảng, mở khu công nghiệp và du lịch, với thời hạn 99 năm – đúng con số đã làm dân Việt Nam phẫn nộ.
Người Mã Lai lo rằng một dự án mở lại hải cảng ở thị xã Malacca, Malaysia, cũng có thể rơi vào dây thòng lọng của Trung Cộng như vậy, chỉ chờ ngày bị thắt cổ. Dự án này được tính tốn $10 tỷ, với một công ty điện lực và hai công ty xây cất của Trung Cộng tham dự. Nhưng sau khi khởi công có thể sẽ được các công ty trúng thầu và ngân hàng Trung Cộng tính lại, đưa tới những món nợ khổng lồ mới. Một dân biểu vùng Malacca nói: “Ai sẽ hưởng lợi nhờ các dự án này? Người Mã Lai hay người Tàu?” Và ông nói đến mối lo chủ quyền quốc gia bị đem bán.
Thủ Tướng Mahathir đã tranh cử bằng cách vạch ra mối nguy “bán nước” của ông thủ tướng cũ. Trước đây ông Mahathir đã từng làm thủ tướng từ 1981 đến 2003, với chính sách độc đoán, đàn áp báo chí, ngăn cản các người có ý kiến độc lập, ngay cả các cộng sự viên của mình. Năm ngoái, 92 tuổi, ông trở lại chính trường, ra tranh cử chống lại người kế vị cùng đảng với mình. Ông đắc thắng, ngày 9 Tháng Năm, 2018, khi vạch ra nước Malaysia đang nghẹt thở vì nợ $250 tỷ các công ty và ngân hàng Trung Cộng. Ông tố cáo âm mưu xâm lăng bàng tiền bạc, gây ra nạn tham nhũng khắp chính quyền.
Ông Mahathir đã can đảm chống lại âm mưu nô lệ hóa bằng “tiền đầu tư” của Cộng Sản Trung Quốc. Điều có thể khiến ông hối hận là trong hơn 20 năm cai trị Malaysia, ông chỉ lo củng cố quyền lực của đảng mình mà không thiết lập các định chế kiểm soát lẫn nhau trong guồng máy quốc gia. Chính bộ máy đảng trị do ông xây dựng đã đẻ ra Thủ Tướng Najib độc tài và tham nhũng. Nước Malaysia còn may mắn vì các cuộc bầu cử vẫn tự do, cho nên ông Mahathir có cơ hội trở lại quét những nhơ vẩn do chính ông để lại. Việc đầu tiên ông làm là ân xá cho một đối thủ chính trị cũ đã bị ông bỏ tù, mời tham gia nội các.
Trong tuần qua, Bắc Kinh đã cố gắng vuốt ve phỉnh phờ, trải thảm đỏ tiếp ông Mahathir. Chính ông Tập Cận Bình mở quốc yến đãi ông, trong khi theo thường lệ việc tiếp đón một thủ tướng nước ngoài là việc của Thủ Tướng Lý Khắc Cường.
Người dân các nước khác trên con đường bành trướng Nhất Đới Nhất Lộ, từ Sri Lanka tới Djibouti, Myanmar và Montenegro, đã bắt đầu thức tỉnh và “tẩy chay tiền Trung Cộng!” Khi một công ty Trung Cộng nắm đầu dự án, họ sẽ chỉ cho các công ty Trung Cộng khác trúng thầu xây dựng, với giá cao hơn thực tế, rồi họ đem công nhân của họ đến tràn ngập các công trường. Khi cả công trình thất bại vì không sinh lợi, họ sẽ thúc giục trả nợ rồi tìm cách chiếm quyền làm chủ dài hạn, tới 99 năm!
Không chỉ có các nước nhỏ và yếu mới lo ngại trước các hành động xâm nhập của Trung Cộng. Tháng trước, chính phủ Đức cũng phủ quyết việc bán một công ty Đức cho công ty Trung Cộng. Quốc hội Mỹ cũng làm luật chặn bớt Trung Cộng mua các công ty kỹ thuật cao của Mỹ. Khắp thế giới đang lập thêm hàng rào ngăn cản Trung Cộng đầu tư trong đủ các lãnh vực, từ chất bán dẫn tới dịch vụ tài chánh.
Các công ty Trung Cộng sẽ là đạo quân xâm lược trong chiến thuật “Viễn Giao Cận Công” của ông Tập Cận Bình. Bây giờ Trung Cộng đang vuốt ve ông Mahathir nhưng họ sẽ vòn tiếp tục chính sách xâm lăng bằng tiền, không bao giờ bỏ.
Malaysia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á mua bán nhiều nhất với nước Tàu. Sau khi ông Mahathir đứng dậy đối đầu, Malaysia sẽ chấm dứt vai trò. Nước giao thương nhiều thứ nhì ở vùng Đông Nam Á sẽ lên thay trong địa vị đứng hàng đầu. Đó là nước Việt Nam! Chín chục triệu dân Việt Nam phải lo lắng! 

(Ngô Nhân Dụng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét