TT - LTS: Ngay sau khi đọc câu chuyện đau lòng nữ sinh bị làm nhục vì hai cuốn truyện, nhà văn Lê Văn Nghĩa gửi đến Tuổi Trẻ đoạn trích trong cuốn sách của ông: Mùa hè năm Petrus như một chia sẻ và mong muốn cách hành xử đau lòng trên không còn tái diễn. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Vừa đi ra khỏi quầy sách nó chợt giật nảy mình. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai nó. Một người đàn ông trung niên, mặc áo dài tay bỏ trong quần y như một công chức vỗ vai nó, nói nhỏ: “Chú có chuyện này muốn nói với con một chút. Con đi theo chú”...
<!>
Người đàn ông dẫn nó đi lên lầu trên. Ông ta dẫn nó đến bàn một ông đang ngồi tính toán sổ sách gì đó. Ông này trán cao, tóc chẻ hai ngôi, răng hơi hô với đôi chân mày rậm. Ông hỏi bằng giọng Nam, nhỏ nhẹ: “Cậu ăn cắp sách hả?”.
Thằng Mai cúi gằm mặt, khoanh tay, nói lí nhí: “Dạ”.
“Đâu, cậu lấy quyển gì vậy, đưa tôi xem”.
Nó thò tay vào bụng, lấy quyển sách ra. Ông ta cầm quyển sách, ngắm nghía: “Chà... Muốn trở thành nghệ sĩ hả? Làm nghệ sĩ thì tốt nhưng sao lại đi ăn cắp sách?”.
“Dạ, tại con không có tiền, ông tha cho con lần đầu, lần sau con không tái phạm nữa”.
“Cậu có biết ăn cắp là xấu không?”.
“Dạ biết”.
Ông ta lấy tờ giấy trắng trên bàn, đưa cho nó: “Cậu ngồi đó, làm một tờ khai tên tuổi, học trò trường nào...”.
“Dạ, ông đừng báo về trường. Báo về trường chắc con bị đuổi học”.
“Cậu học trường nào?”.
“Dạ... dạ...”.
Ông nhìn vào ngực áo thằng Mai, rồi kêu lên: “Học sinh Petrus Ký à? Học sinh Petrus Ký sao lại đi ăn cắp?”.
Thằng Mai xấu hổ muốn độn thổ. Tại sao nó lại không gỡ cái phù hiệu khi ra khỏi trường, làm cho trường bị mang tiếng oan. “Dạ, con ăn cắp không có liên quan gì trường con hết. Tại con muốn trở thành kịch sinh Trường Quốc gia âm nhạc”.
“Không có trường nào dạy cậu ăn cắp hết. Thôi viết tên tuổi, lý do ăn cắp sách, trường học rồi đưa cho tôi. Ngồi ở cái bàn đó...”.
Khi thằng Mai bắt đầu ngồi viết thì ông Trương, chủ nhà sách Khai Trí, chợt nhớ lại ngôi trường mà mình đã học. Lâu quá, lo bận bịu kinh doanh ngành sách ông đã quên mất ngôi trường của mình. Cậu bé ăn cắp sách đã giúp ông nhớ lại ngôi trường mà cậu bé Nguyễn Văn Trương hằng ngày ngồi cắm cúi đọc những quyển sách mượn từ thư viện hay nhịn quà sáng để mua mang vào lớp học. Đôi lúc, trong giờ học vì mải mê đọc sách nên đã bị các giáo sư bắt chép phạt nhiều lần.
Ăn cắp là một tội nhưng ăn cắp sách lại là một tội nhỏ dễ tha thứ. Những người ăn cắp sách chỉ là những người muốn hiểu biết, nhưng trong hoàn cảnh nào đó người ta không có tiền mua. Thằng bé này không phải là người đầu tiên. Từ năm 1952, những ngày đầu tiên ông mở nhà sách tại số 62 Bonard rồi Lê Lợi này, nhân viên của ông đã bắt nhiều người ăn trộm sách. Nhiều nhất là bọn du thủ du thực sống chung quanh vỉa hè Lê Lợi, khu Cầu Muối vào ăn cắp sách để bán lại cho những hàng bán sách “xôn” ngoài vỉa hè. Với bọn này, ông Trương thẳng tay giao cho cảnh sát vì bọn họ chỉ cần tiền chứ không cần sách. Còn những người là học sinh, sinh viên, thậm chí những trí thức vì một lý do gì đó ăn cắp sách, ông chỉ cho viết một bản cam kết “không ăn cắp sách” để ngăn ngừa họ tái phạm lần thứ hai rồi cho về, bởi họ là những người ăn cắp sách vì cần chữ.
Thằng Mai viết xong bản cam kết rồi đưa cho ông Trương: “Dạ, thưa ông, con lỡ dại một lần ông tha cho. Xin đừng báo về trường con...”.
“Lần này tôi tha cho cậu, không báo về trường, lần sau...”.
“Dạ, con xin thề, không có lần sau. Nếu vào nhà sách này con sẽ mua...” - nó láu táu nói vì mừng. “Dạ thưa ông, con đi về”.
Khi nó vừa bước ra cửa, ông Trương gọi nó lại. Nó giật nảy mình. Ông chủ nhà sách đổi ý rồi chăng?
“Dạ, ông kêu con?”.
Ông Trương cầm quyển sách hướng dẫn làm nghệ sĩ đưa cho nó: “Nè, tôi cho cậu quyển sách. Khi nào trở thành tài tử nổi danh nhớ diễn cho tôi xem...”.
LÊ VĂN NGHĨA
(trích từ quyển Mùa hè năm Petrus)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét