Ngày 16/7/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông (BTT-TT) ra quyết định đình bản tạm thời báo Tuổi Trẻ Online trong ba tháng và xử phạt báo này 220 triệu đồng.
Quyết định này không phải là không có tiền lệ và cơ sở pháp lý. Trong năm 2017, BTT-TT đã xử phạt 55 cơ quan báo chí với hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, Tuổi Trẻ Online là một trong số những báo có thương hiệu và uy tín với bạn đọc cả nước. Số tiền phạt cũng lớn hơn các vụ việc khác. Vì thế, quyết định đình bản đã gây một số phản ứng nhất định trên mạng xã hội.
<!>
Bài viết này thử đưa ra một cách phân tích vụ việc từ góc nhìn luật pháp và phát triển.
Quyết định của BTT-TT viện dẫn Nghị định số 159/2013/NĐ-CP (NĐ 159) làm cơ sở pháp lý cho việc xử phạt. Theo đó hành vi phạm luật của báo Tuổi Trẻ Online là: (i) thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng – theo điểm a, khoản 5, điều 8; và (ii) thông tin gây mất đoàn kết dân tộc – theo điểm b, khoản 6, điều 8.
Ngôn từ không rõ ràng của quyết định này khiến người đọc đặt ra một số câu hỏi nhất định: (1) “ảnh hưởng rất nghiêm trọng” mà thông tin do báo Tuổi Trẻ đăng cụ thể là gì? Có bằng chứng nào chứng tỏ sự rất nghiêm trọng đó? (2) như thế nào là “mất đoàn kết dân tộc”? Cơ sở nào để xác định sự tồn tại của “đoàn kết dân tộc”? Nó đã bị mất đi như thế nào sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài?
Người viết thử đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này nhưng rất khó. Dường như “đoàn kết dân tộc” là một quan điểm chính trị dựa trên tinh thần dân tộc được Hồ Chí Minh cổ suý lúc sinh thời. Tuy nhiên, việc áp dụng quan điểm này để lý giải việc xử phạt bài báo của Tuổi Trẻ rất khó khăn. Hơn nữa, việc áp dụng chính trị trong thực hiện pháp luật làm giảm “quyền năng” của luật với tư cách một công cụ để tạo lập trật tự xã hội và hướng dẫn hành vi của tổ chức, cá nhân.
Những vấn đề trong vụ việc này liên quan tới ba vấn đề lớn hơn của hệ thống pháp luật, cụ thể là: (i) thiếu nguyên tắc để diễn giải luật; (ii) thiếu quy trình và sự minh bạch để áp dụng luật; (iii) thiếu nguyên tắc trong việc du nhập các khái niệm, quan điểm luật nước ngoài.
Công cụ của luật pháp là ngôn ngữ. Ngôn ngữ luôn có nhiều tầng nấc và cách hiểu trong khi luật pháp đòi hỏi tính phổ quát (universality) – nghĩa là có sự thống nhất trong cách hiểu ở phạm vi toàn xã hội. Vì thế, nguyên tắc để diễn giải (interpretation) luật được coi là xương sống của hệ thống pháp luật.
Chủ đề này luôn được các học giả với kiến thức chuyên sâu về luật pháp tranh luận và phát triển. Mặc dù các quan điểm có thể khác nhau, nhưng phần lớn thống nhất rằng yêu cầu cơ bản của việc diễn giải luật là đảm bảo tính logic và hợp lý. Quan niệm về giải thích pháp luật ở Việt Nam hiện nay không phải là diễn giải luật, do vẫn dựa trên lý luận về nhà nước và pháp luật của các nước xã hội chủ nghĩa. Nó tập trung nhiều vào việc thể hiện quyền lực và sự áp đặt của nhà nước thay vì tuân thủ những nguyên tắc của tư duy logic để đảm bảo cho xã hội có thể vận hành một cách có trật tự.
Việc diễn giải luật không tách rời khỏi luật. Để có thể mang tính phổ quát, luật và quy trình xây dựng luật cũng phải đảm bảo tính logic, hợp lý và dựa trên những nguyên tắc trừu tượng. Thuật ngữ “quy trình” hiện nay thường gây phản ứng và nghi ngờ vì thực tế nó không đảm bảo những điều kiện này.
Cụ thể, chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ từ Luật Báo chí.
Điều 1 ghi: “Luật này quy định về quyền tự do báo chí”. Điều 3 giải thích từ ngữ, nhưng trong các từ ngữ được giải thích không có “tự do báo chí”.
Điều 4, khoản 1 quy định báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội. Nếu đã là “thiết yếu” thì mọi sự ngưng trệ hoạt động của báo chí đều không tốt cho đời sống xã hội.
Điều 4, khoản 2 quy định báo chí góp phần giữ gìn “sự trong sáng” và phát triển tiếng Việt. Bản thân quy định này gán cho báo chí một nhiệm vụ không đúng với bản chất công việc của nghề này.
Luật Báo chí cũng như các luật có liên quan không tạo ra một quy trình hợp lý để báo chí có thể lựa chọn thực hiện việc khiếu nại quyết định xử phạt. Các nhà nghiên cứu lý thuyết cũng như các nghiên cứu thực địa trong khu vực châu Á đã chỉ ra rằng nếu quy trình không hợp lý và người khiếu nại có thể biết trước được kết quả (theo cách nói dân dã là “con kiến kiện củ khoai”) thì họ sẽ không khiếu nại.[1] Điều này không tốt cho việc củng cố tính chính danh của nhà nước cũng như hiệu quả của pháp luật. Nếu quy trình khiếu nại được thực hiện công bằng, minh bạch, đảm bảo cho người khiếu nại quyền/cơ hội trình bày lý do cũng như mục đích hành động thì họ vẫn có thể hài lòng chấp nhận một quyết định không có lợi.
Hiện nay báo chí cũng như người dân rất ít sử dụng Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng Hành chính để xem xét lại quyết định hành chính vì thủ tục cũng như cách vận hành của các cơ quan nhà nước và toà án không đem lại lòng tin được đối xử công bằng. Ngay trong ngày 16/7, báo Tuổi Trẻ Online đã tuân thủ quyết định xử phạt; đăng cải chính thông tin; xin lỗi Chủ tịch nước, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, bạn đọc; và đóng cửa. Việc thiếu quy trình để xem xét lại một quyết định hành chính tước đi khả năng xem xét tính hợp lý của quyết định đó.
Cải chính thông tin là một phần của hoạt động báo chí. Tuy nhiên, lịch sử báo chí hiện đại thường thấy các chính trị gia công khai xin lỗi một đối tượng nào đó trên báo chí chứ không phải điều ngược lại là báo chí công khai xin lỗi chính trị gia. Có lẽ với phần lớn bạn đọc, lời xin lỗi của Tuổi Trẻ Online được hiểu ngầm là xin lỗi mà không xin lỗi (non-apology apology).
Những vấn đề nói trên liên quan tới một vấn đề khác quan trọng hơn là thiếu nguyên tắc trong việc du nhập các khái niệm luật nước ngoài.
Lịch sử cho thấy các quốc gia (nation-state) luôn học tập lẫn nhau trong việc xây dựng các mô hình quản trị nhà nước. Quá trình toàn cầu hoá đã thúc đẩy mạnh hơn hiện tượng này. Tuy nhiên, việc du nhập mô hình đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về khái niệm gốc (concept) để từ đó điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh của địa phương.
Trong vòng 30 năm qua, rất nhiều thuật ngữ từ các hệ thống pháp luật phát triển đã được du nhập vào luật Việt Nam. Rất tiếc quá trình du nhập này thiếu nguyên tắc, thiếu hiểu biết một cách thấu đáo, và bị các quan hệ quyền lực chi phối.
Như đã nhắc tới ở trên, các khái niệm về tổ chức nhà nước và xã hội thường dựa trên các học thuyết và tư duy trừu tượng nên không dùng đến thứ ngôn ngữ “nôm na”.
Theo cách hiểu phổ biến, tự do báo chí là không có sự can thiệp từ các thiết chế bên ngoài, ví dụ nhà nước hoặc tổ chức tôn giáo, vào hoạt động của báo chí. Hiệp hội nghề nghiệp (ví dụ hội nhà báo) sẽ là tổ chức đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức cho báo chí/phóng viên, trong đó có tiêu chuẩn thế nào là thông tin sai sự thật. Luật Báo chí đã không phản ánh đúng khái niệm này. “Tự do báo chí” chỉ đơn giản là việc dịch thuật ngữ “press freedom” sang tiếng Việt. Các quy định của Luật Báo chí vẫn thể hiện rõ khái niệm “quản lý nhà nước” là một khái niệm mượn từ mô hình tổ chức nhà nước Xô-viết.
Các học giả phương Tây chuyên nghiên cứu hiện tượng du nhập pháp luật (legal transplantation) đã tổng hợp một số yếu tố nhất định ảnh hưởng tới sự thành công của việc du nhập pháp luật. Ví dụ: việc du nhập khái niệm pháp luật đòi hỏi sự tồn tại của một cộng đồng các nhà nghiên cứu cùng có khả năng tư duy trừu tượng. Quan hệ quyền lực sẽ ảnh hưởng tới việc ý tưởng nào được phép du nhập. Việt Nam hiện nay thiếu vắng cộng đồng các nhà nghiên cứu luật pháp có khả năng hiểu tư duy trừu tượng phương Tây. Nhà nước cũng dùng quyền lực của mình để quyết định ý tưởng nào có thể được du nhập.
Quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ Online có thể có tác dụng trong việc “cảnh cáo” Ban biên tập. Tuy nhiên, nó không giúp gì, nếu không nói là gây hại cho quá trình phát triển hệ thống pháp luật và xã hội Việt Nam.
Hệ thống vẫn mắc kẹt trong tư duy “không quản được thì cấm”. Trong một thế giới ngày càng liên kết sâu rộng, và thông tin luôn vượt biên giới quốc gia, không chỉ qua Internet mà còn thông qua hoạt động di trú, học tập và du lịch của con người, nhà nước không bao giờ có đủ khả năng để kiểm soát thông tin.
Những quyết định thiếu hợp lý chỉ làm tăng sự hồ nghi của xã hội đối với nhà nước và vì thế tăng sự bất ổn – thứ mà nhà nước luôn muốn kiểm soát. Việc nhà nước cần làm là mở rộng không gian cho những trao đổi, thảo luận công khai, và khuyến khích việc xây dựng các quy trình ra quyết định dựa trên tư duy lý tính. Chỉ có như vậy hệ thống pháp luật Việt Nam mới có thể mạnh lên vì lợi ích của cả nhà nước và xã hội.
Chú thích:
[1] Học giả hàng đầu trong lĩnh vực này là Tom Tylyer, người phát triển lý thuyết “công lý thủ tục” (procedural justice). Các nhà nghiên cứu thực địa tại Trung quốc, hay Nhật Bản có thể kể tới He Xin, Margaret Woo, Frank Upham.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2018/07/vu-xu-phat-tuoi-tre-va-ba-han-che-co-ban-cua-he-thong-phap-luat-viet-nam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét