Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Quan chức Mỹ đồng loạt lên tiếng về Biển Đông - VOA


Tàu khu trục USS Stethem của Hải quân Mỹ từng khiến Trung Quốc phản ứng giận dữ năm 2017 khi thực thi "quyền tự do hàng hải" ở Biển Đông. Các quan chức hàng đầu về tình báo, quốc phòng và lập pháp của Mỹ cùng lên tiếng nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.Một chuyên gia về châu Á của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói rằng việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo ở Biển Đông cũng giống như chuyện Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.
<!>
Ông Michael Collins nói rằng các hành động của Trung Quốc đã biến tuyến hải lộ chiến lược thành “Crimea của vùng viễn Đông”.
Việc Moscow cưỡng chiếm lãnh thổ của Ukraine năm 2014 đã khiến nhiều nước lên án, nhất là các quốc gia phương Tây.
Ông Collins, Phó Trợ lý Giám đốc CIA về Đông Á, nói tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, Mỹ, hôm 20/7, rằng Bắc Kinh không muốn gây chiến, theo AP.
Tuy nhiên, ông nói rằng chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang âm thầm trên nhiều mặt trận để gây tổn hại tới Hoa Kỳ theo cách khác với các hoạt động của Nga mà báo chí đăng tải nhiều.
Quan chức tình báo này nói rằng Bắc Kinh dường như đang tiến hành “Chiến tranh Lạnh” với Mỹ.
Ông Đỗ Bá Tỵ trong cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan hôm 23/7.
Ông Đỗ Bá Tỵ trong cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan hôm 23/7.
Trong khi đó, tại cuộc gặp ở Lầu Năm Góc hôm 23/7 với ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và từng là Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan đã “tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
"Hai nhà lãnh đạo đã đạt đồng thuận về mối quan hệ đối tác Mỹ - Việt vững mạnh và toàn diện trong các lĩnh vực hợp tác quốc phòng, thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu và phát triển kinh tế, trong đó có Biển Đông”, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cùng ngày, theo tờ The Australian, một nhà lập pháp kỳ cựu của Hoa Kỳ kêu gọi Australia tự thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ông Joe Courtney, đồng chủ tịch của nhóm Những người bạn của Australia ở Quốc hội Mỹ nói rằng ông hiểu là “hơi đáng sợ” cho Australia để thực hiện bước đi đó, nhưng điều sống còn là phải phát một thông điệp cho Bắc Kinh về quyết tâm của các đồng minh Mỹ trước các hành động phi pháp của Trung Quốc.
Lời kêu gọi này được đưa ra nhân chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, và theo tờ Financial Review của Úc, bà Bishop đã bác bỏ chuyện đơn phương thực hiện những hành động như Mỹ, vốn từng làm Trung Quốc phản ứng mạnh. 

Trước đó, nhân chuyến thăm Anh, bà Bishop cũng đã thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về kế hoạch đưa hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh tới khu vực Thái Bình Dương để hỗ trợ tàu chiến Australia trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.

Một cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Philippines tại khu vực nhìn ra Biển Đông.
Một cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Philippines tại khu vực nhìn ra Biển Đông.
Theo nhận định của giới phân tích, con số các cuộc diễn tập hải quân của các đồng minh phương Tây gia tăng ở Biển Đông trong năm nay đã kiềm chế Trung Quốc mở rộng hoạt động thêm nữa ở vùng biển tranh chấp này.
Một bài viết của VOA News cho biết rằng các tàu bè của Úc, Pháp, Nhật Bản và Mỹ đã đi qua 3,5 triệu km vuông năm 2018.

Bài viết dẫn lời các chuyên gia nói rằng các cuộc diễn tập của hải quân nước ngoài, các chuyến hải hành và các chuyến cập cảng cùng với việc một máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay ngang qua Biển Đông đã khiến Trung Quốc không còn mở rộng các hòn đảo nhân tạo.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, người dân của Philippines, một quốc gia tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này, mới đây đã đổ về lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila để biểu tình.
Họ đốt quốc kỳ của Trung Quốc để phản đối các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cuộc biểu tình với sự tham gia của hơn 100 nhà hoạt động cánh tả còn dẫn tới cuộc đụng độ giữa người biểu tình và chính quyền.
Tháng trước, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khi quan chức này tới thăm quốc gia đông dân nhất thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ một tấc đất, ám chỉ tới chủ quyền đối với Biển Đông cũng như Đài Loan.
Ông Mattis từng có các tuyên bố mạnh mẽ về điều Washington coi là việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Hồi tháng Năm, Lầu Năm Góc đã rút lại lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia có tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) ở Hawaii vì các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hành động của Trung Quốc ở vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền “trái với các nguyên tắc và mục đích của RIMPAC”.
Hải quân Mỹ cho biết rằng “RIMPAC mang lại cơ hội huấn luyện độc đáo nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính sống còn để bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét