Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Văn hóa ‘nhanh chân’ - Huy Phương

luuthong vn
Nhiều người ví von xã hội Việt Nam giống như đi ra đường, nghĩa là "mạnh ai nấy đi." (Hình minh họa: Getty Images)
Sau bốn vụ tai nạn xe lửa xảy ra chỉ trong vòng bốn ngày ở Việt Nam, trong đó có hai vụ xảy ra tai nạn vì xe tải, xe bồn chạy qua đường sắt trong khi tàu đang đến gần, và một vụ vì tàu vượt đèn đỏ, đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng đã nói đến một thứ văn hóa khá lạ tai như sau: “Nhiều người nói Việt Nam có thứ văn hóa rất lạ là văn hóa… nhanh chân…”<!>
Đây không phải là thứ văn hóa của người dân tộc H’Mong “vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh” khiến cây cầu treo rơi xuống vực như lời của Trần Duân, giám đốc Công An tỉnh Lai Châu khẳng định năm 2014.

Hai xe ben, xe bồn đều nghĩ là mình có thể “nhanh chân” chạy qua đường tàu trước khi xe lửa tới, trường hợp kia thì xe lửa cũng muốn nhanh chân nên vượt đèn đỏ gây nên cảnh hai chuyến tàu đối đầu trong một tai nạn thảm khốc.

Cuộc đời thật là quá ngắn ngủi. Trong tình yêu, Xuân Diệu đã từng gọi: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, Em, em ơi, tình non đã già rồi!”

Lúc còn trẻ, trong chúng ta, ai cũng muốn nhanh, học nhanh, kiếm tiền nhanh, làm giàu nhanh, thành đạt nhanh…

Trong cuộc sống tất bật hằng ngày nhất là ở trong một thủ đô lớn, ai cũng muốn làm việc nhanh, đi nhanh, về nhanh, kể cả chuyện ăn nhanh, uống nhanh vì thời gian không cho phép nhẩn nha. Bởi vậy Tây Âu mới có chuyện ‘thức ăn nhanh,” ngày thường tất bật, không phải kéo ghế ngồi xuống, so đũa, mời mọc rồi mới ăn. Có người trang điểm, đọc báo vội vàng trên xe. Không “nhanh chân” thì mất việc hay mất món hàng sale trong ngày “Black Friday!”

Ở xứ mình, ngay trong câu chuyện ở bãi rác Nam Sơn Hà Nội, người nhặt rác cũng phải tranh nhau đợi ở cổng mỗi ngày vào lúc 2 giờ sáng, để khi cửa mở, sấn tới, nhanh chân xô đạp, tranh giành nhau từng mẫu rác có thể đổi thành tiền để sinh tồn.

Trong cuộc sống thường, vì muốn nhanh, người ta tiện tay vứt rác qua nhà hàng xóm, chạy xe leo lên lề dành cho người đi bộ, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc lực để được đến chỗ làm sớm nhanh, rồi lại tranh giành trở về nhà nhanh, tạo ra cảnh gây gổ, đụng chạm, dùng vũ lực với nhau giữa đường phố, để được chết… nhanh!

Không cam phận, mọi người đều muốn làm giàu nhanh, thăng quan tiến chức nhanh. Bởi vậy mới có chuyện tranh giành địa vị, lo lót, chạy vạy, có khi nếu cần bán vợ dâng con để được lên những chức vụ mới bề thế, dễ kiếm ăn hơn. Muốn làm giàu nhanh để có biệt phủ nghìn tỷ đô la chất đống thì quan chức phải đủ mánh khoé làm giàu, bất chấp đạo lý, cương thường, tổ quốc, quê hương. Có đảng tịch rồi, phải chạy nhanh vào Trung Ương Đảng, có Trung Ương Đảng rồi phải nhanh chân vào Bộ Chính Trị, rồi bây giờ, phải nghĩ đến chuyện “hạ cánh an toàn” nhanh để cứu vớt sự nghiệp tài sản cuối đời.

Người không có đảng phái, thế lực chống lưng, muốn làm giàu nhanh thì phải chụp giật, làm ăn phi pháp, chấp nhận chuyển vận ma túy, hay cướp của, giết người.

Phụ nữ muốn giàu sang nhanh thì dùng nhan sắc và thể xác của mình làm phương tiện bán thân, làm gái gọi hay bồ nhí cho đại gia, dù họ là con nhà tử tế, sinh viên, hoa khôi hay người mẫu. Trong một xã hội mà cơ chế viên chức đảng có cơ hội làm tiền nhanh, giàu có nhanh, háo sắc, họ chở theo cả một thế hệ đi kèm là thế hệ đàn bà “lên giường!”

Nhanh chân đã thành thói quen của xã hội, chúng ta cứ nhìn những dòng người chờ mua vé ở nhà ga, bến xe đò, chờ đổ xăng, chờ qua phà, lúc nào cũng có người muốn chen ngang vào hàng. Đường rộng xe ít mà vẫn bị đụng chạm vì ai cũng muốn nhanh chân đi trước. Nhanh chân trở thành lối sống! Nhanh chân không cần tài năng, trí tuệ hay lao động cật lực, cũng không cần bỏ nhiều công sức, chỉ cần biết nhanh chân những lúc cần đến, nơi cần đến để đạt kết quả.

Cái nhanh tiến bộ, văn minh là cái nhanh trong trật tự, chứ không phải cái nhanh đạp lên nhau mà sống. Cái nhanh chân trong trật tự làm cho xã hội có sự tiến bộ đồng đều, như một dòng xe cùng tốc độ trên một con đường. Nếu có một nhân vật lạng lách, muốn qua mặt, vượt lên đám đông, đương nhiên sẽ gây hỗn loạn cho dòng người.

Nhưng một cách khác, trong một xã hội chưa trưởng thành, người nhanh chân vẫn là người dễ thành công, có khi dùng đường tắt, vượt qua những người “đường đường, chính chính.” Họ hãnh diện là người khôn ngoan, biết nhanh chân hơn người khác.

Người Việt Nam quả là người nhanh chân, nhưng là những bước chân vô trật tự, lụp chụp, bon chen, không vượt qua nỗi những bước dài tiến bộ, không nói đến nhân loại, mà chỉ dám so sánh với hàng xóm, láng giềng ngày trước.

Những người ưu tư với đất nước muốn chặn đứng “văn hóa nhanh chân?” Nhưng chúng ta làm gì được trong một xã hội mà mọi hoạt động kinh doanh không minh bạch, trong một mớ luật rừng, và người ta giải thích luật có lợi cho đường lối của kẻ cầm quyền.

Chúng ta làm gì được trong một xã hội mà người dân không có quyền, điều gì cũng phải xin, phải được cho phép.

Chúng ta làm gì được trong một xã hội mà mọi thông tin về chính trị, thương mãi, kinh tế đều bị bưng bít, để dành món lợi đúng thời kịp lúc cho một thiểu số. Và cuối cùng tham nhũng vẫn là kẻ thù lớn cho sự tiến bộ của một đất nước.

Hai chữ “nhanh chân” mới nghe có vẻ lạ lẫm, như sự thật ngày nay ở nước ta đã trở thành một thứ thói quen, nếp sống, được gọi là “văn hóa… nhanh chân!” Phải chăng, trong lúc chờ “ngày mai Trời lại sáng,” thì hẵng cứ “nhanh chân” lên đã!

Chúng ta đã chẳng nghe “trâu chậm uống nước đục” hay sao! Ai chẳng chọn trong hơn là chọn đục! 
(Huy Phương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét