Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

„Giấc mộng Trung Hoa“ và ba đặc khu kinh tế ven biển Việt Nam - Thời Báo


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trong 2 ngày 12 và 13-11-2017.<!>
Sơ đồ „Một vành đai, một con đường“ của Trung Quốc.

Tháng 9/2013, Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình đã công bố sáng kiến „Một vành đai, một con đường“, một dự án về cơ sở hạ tầng lớn nhất và tốn kém nhất trong mọi thời đại. Ông nói rằng sáng kiến này nhằm khôi phục lại „Con đường tơ lụa“ thời cổ đại.
Nhằm thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này, Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn 1.000 tỉ USD vào mạng lưới cơ sở hạ tầng như xây dựng các đường ống dẫn dầu, nhà máy điện, đường bộ, đường sắt, hải cảng và sân bay ở khu vực Á – Âu để củng cố ảnh hưởng của mình trên thế giới. Sau khi thực thi, sáng kiến „Một vành đai, một con đường“ sẽ kết nối Trung Quốc với 65 quốc gia, bao gồm 65% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Dự án nói trên thực ra bao gồm hai tuyến đường: Tuyến phía bắc là „Con đường tơ lụa và vành đai kinh tế“ sẽ chạy từ Trung Quốc qua vùng Trung Á, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và thủ đô Moscow của Nga tới Trung và Tây Âu. Tuyến phía nam là „Con đường tơ lụa trên biển“ kết nối thương mại Trung Quốc với vùng Đông Nam Á, Trung Đông, Đông Phi và châu Âu.
Sáng kiến „Một vành đai, một con đường“ sẽ có tác động sâu sắc tới kinh tế thế giới và làm thay đổi tương quan quyền lực ở châu Á và châu Âu. Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát được tuyến đường này sẽ mang lại lợi thế có tính chất quyết định về địa chính trị.
Nhằm thực hiện ý đồ, Trung Quốc đã sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ không lồ của mình (khoảng 3100 tỉ USD vào thời điểm tháng 3/2018 và xuất siêu hàng năm từ 40 tới 60 tỉ USD) để mua đứt toàn bộ, mua cổ phần hoặc thuê những cơ sở hạ tầng quan trọng ở nhiều quốc gia. Cho tới nay, Trung Quốc đã kiểm soát được 77 bến cảng ở hàng chục quốc gia. Thêm vào đó, Bắc Kinh cung cấp kinh phí để xây dựng đường sá ở Pakistan, xây dựng cầu ở Bangladesh, xây dựng nhà máy điện ở nhiều nước cũng như phát triển những đặc khu kinh tế ở Campuchia, Lào, Sri Lanca, Oman, Abu Dhabi, Malaysia và Myanmar. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiết lập một mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt chạy qua vùng Trung Á, Nga và Đông Nam Á cũng như việc vận chuyển hàng hóa từ niên tây và miền trung Trung Quốc tới châu Âu.
Nói tóm lại, Trung Quốc đầu tư vào một thế giới mà ở đó, mọi còn đường đều dẫn tới Bắc Kinh. Vì vậy, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, quan hệ của Trung Quốc với các nước trong dự án „Một vành đai, một con đường“ này không phải là mối quan hệ cùng có lợi, mà là nhằm mở cửa thị trường cho hàng hóa Trung Quốc, tăng cường ảnh hưởng chính trị để giành ưu thế. Viết trên báo Bưu điện Washington, ông Jonathan Hillman, Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng việc so sánh dự án „Một vành đai, một con đường“ với „Con đường tơ lụa“ thời cổ đại nghe có vẻ lãng mạn, nhưng sẽ không mang lại lợi ích chung cho các nước. Người ta có lý do để lo ngại trước các phương thức cung cấp kinh phí đáng ngờ, việc trợ cấp quá mức, nạn tham nhũng, thiếu những biện pháp an ninh cũng như xu thế dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc. Sáng kiến „Một vành đai, một con đường“ chỉ là một dự án nhằm thực hiện „Giấc mộng Trung Hoa“, theo đó Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành siêu cường vào năm 2050. Để thực hiện tham vọng siêu cường này, trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông, biến thành các căn cứ quân sự với mục tiêu trong tương lai độc chiếm Biển Đông để có thể vươn ra đại dương. Việc Trung Quốc thèm khát có được ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc ở những địa điểm trọng yếu ven biển Việt Nam chắc hẳn không nằm ngoài ý đồ thực hiện „Giấc mộng Trung Hoa“.
Kế hoạch của Trung Quốc đã làm cho nhiều nước châu Âu lo ngại. Phát biểu tại Hội nghị An ninh tháng 2/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Đức khi đó Sigmar Gabriel nhấn mạnh: Sáng kiến con đường tơ lụa mới „là việc tìm cách thiết lập một hệ thống tổng thể để khắc đậm dấu ấn Trung Quốc lên thế giới. Trong đó đã từ lâu không chỉ còn là vấn đề kinh tế: Trung Quốc đang phát triển một chế độ toàn diện để thay thế cho chế độ phương Tây, nhưng không như mô hình của chúng ta là dựa vào tự do, dân chủ và quyền con người“.
Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức chỉ trích việc thiếu minh bạch trong phương pháp đấu thầu, nạn tham nhũng dọc theo Con đường tơ lụa, việc thiếu những yêu cầu bảo vệ môi trường cũng như không bảo đảm nhân quyền.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cảnh báo trước khả năng dự án này có thể trở thành công cụ để thống trị thế giới.
Ấn Độ coi con đường tơ lụa mới là mối nguy cơ cho lợi ích quốc gia của mình, cảm thấy như bị bao vây, vì Trung Quốc thiết lập liên minh với các nước láng giềng của Ấn Độ là Pakistan, Bangladesh, Nepal và Sri Lanca. Vì vậy, Ấn Độ đã cùng với Nhật Bản, kẻ thù truyền kiếp của Trung Quốc, thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược nhằm đối lập với con đường tơ lụa, với mục tiêu là xây dựng một „khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở“, trong đó Delhi và Tokio đóng một vai trò trung tâm.
Tại Sri Lanca đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình quyết liệt, sau khi Trung Quốc giành được 70% cổ phần ở cảng nước sâu Hambantota. Những người biểu bình lo sợ sẽ hình thành một thuộc địa Trung Quốc gây thiệt hại lớn cho nhân dân địa phương.
Tại các đặc khu Sihanoukville ở Campuchia và Boten tại Lào, những nước láng giềng của Trung Quốc thì sau mấy năm hoạt động, các vùng đất này đã trở thành như lãnh thổ Trung Hoa, các sòng bạc mọc lên nhan nhản để phục vụ du khách Trung Quốc, phần lớn các biển hiệu nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ… đều mang tiếng Trung, tiền được thanh toán là Nhân dân tệ. Chính quyền các nước này từng mong rằng các đặc khu kinh tế sẽ mang lại công ăn việc làm cho người bản xứ, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc đã mang người Hoa sang làm việc ở những nơi này. Người dân địa phương dần phải phiêu dạt đi nơi khác, vì họ không kiếm ra tiền, trong khi giá thuê nhà ngày một gia tăng.

Sòng bạc Bao Du tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia với biển hiệu Trung Quốc

Quốc Phong – Thoibao.de (theo trang Ostexperte.de)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét