Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Dù thực phẩm biến đổi gien được 109 người đạt Nobel bảo vệ, nhưng hãy để người tiêu dùng Việt tự lựa chọn! - Tiến sĩ Trần Bắc Hải, từ Australia

Dù thực phẩm biến đổi gien được 109 người đạt Nobel bảo vệ, nhưng hãy để người tiêu dùng Việt tự lựa chọn!
Ngô biến đổi gien đang được trồng rộng rãi ở Việt Nam. Trong ảnh là một cánh đồng ngô biến đổi gen ở Tuyên Quang. Ảnh: Nông nghiệp VN

Nông nghiệp biến đổi gien là phương thức cứu cánh hay một thử nghiệm khổng lồ mà hậu quả lâu dài còn chưa rõ?

109 nhà khoa học được giải Nobel không dẹp nổi hoài nghi
<!>
Dân số trái đất đang tăng nhanh trong khi diện tích đất nông nghiệp không tăng, thậm chí giảm. Muốn có đủ lương thực thực phẩm cho tất cả mọi người, nhu cầu tất yếu là phải phát triển nông nghiệp dựa vào những giống vật nuôi cây trồng có hiệu suất hơn.
Trong cuộc chạy đua này, các nhà khoa học đã tìm ra cách biến đổi gien ở sinh vật và đã tạo ra được nhiều giống cây trồng mới có các đặc tính như kháng thuốc, chịu bệnh, chịu hạn, chịu mặn, tăng hàm lượng vitamin v.v…
Đó là những thành tựu khoa học lớn, là cơ hội lớn mà nền nông nghiệp đặc biệt là ở các nước đang phát triển khó có thể bỏ qua.
Tuy nhiên, tác động lâu dài của thực phẩm từ cây trồng biến đổi gien đối với con người hiện nay vẫn còn chưa rõ.
Việc canh tác những cây trồng này bị cho là có thể ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Câu hỏi rằng gien di truyền đã bị biến đổi, ví dụ như một gien kháng thuốc, có thể truyền giữa các loài khác nhau hay không cũng chưa có trả lời.
Đó là chưa kể đến sự thật là hầu như mọi loại hạt giống cây biến đổi gien đều do một số ít các tập đoàn tư bản giữ bản quyền. Do vậy, nông nghiệp biến đổi gien khiến người nông dân có thể bị chèn ép bởi các nhà tư bản nếu như quốc gia của họ không có pháp luật minh bạch bảo vệ người dân.
Và nếu không có chính sách tốt, thậm chí cả một quốc gia trung bình cũng có thể đánh mất chủ quyền an toàn lương thực vào tay các tập đoàn tư bản khổng lồ. 
Các nhà khoa học cho biết, cho đến nay họ vẫn chưa tìm thấy bất kỳ một bằng chứng xác thực nào cho thấy thực phẩm biến đổi gien có hại cho sức khỏe con người.
Phần đông giới khoa học ủng hộ nông nghiệp biến đổi gien vì cho rằng đó là cứu cánh cho nạn thiếu lương thực.
Cuối tháng 6 năm ngoái, 109 nhà khoa học được giải Nobel đã ký chung một lá thư kiến nghị tổ chức Hòa bình Xanh ngừng tấn công vào việc quảng bá nông nghiệp biến đổi gien, đặc biệt là vào giống lúa Golden Rice giàu vitamin A có thể giúp chống lại nạn thiếu vitamin A ở các nước đang phát triển.
Nhưng uy tín của các nhà khoa học vẫn không đủ dẹp hết nỗi hoài nghi của quần chúng, rằng chúng chúng ta đang đứng trước một cuộc thử nghiệm khổng lồ có khả năng để lại hậu quả lâu dài.
Do vậy mà phần lớn thực phẩm biến đổi gien hiện nay mới chỉ được dùng trong ngành chăn nuôi. Lịch sử y học có nhiều ví dụ cho thấy các nhà khoa học đã từng tin chắc ở một chân lý nào đó, nhưng sau rất nhiều năm họ mới biết rằng chân lý ấy có thể bị vượt qua.
Có thể nói, công nghiệp biến đổi gien và thực phẩm biến đổi gien vẫn sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề gây tranh cãi quyết liệt trong xã hội trong nhiều thập kỷ tới.
Australia không đứng ngoài cuộc
Australia cũng không đứng ngoài cuộc tranh luận về nông nghiệp biến đổi gien và thực phẩm biến đổi gien.
Theo Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia & New Zealand thì tất cả các thực phẩm biến đổi gien được bán tại 2 nước này đều được coi là an toàn.
Australia đang đứng thứ 12 thế giới về diện tích canh tác cây trồng biến đổi gien (xem bản đồ dưới đây). Có 2 giống cây được chấp nhận canh tác đại trà là cây bông và cây cải dầu (canola, cây cải lấy hạt để ép dầu).
Dù thực phẩm biến đổi gien được 109 người đạt Nobel bảo vệ, nhưng hãy để người tiêu dùng Việt tự lựa chọn! - Ảnh 1.
Một cánh đồng cải dầu ở Australia. Ảnh: ABC News.
Ian Godwin, giáo sư nông học và thực phẩm ĐH Queensland lý giải rằng cây cải dầu được biến đổi gien để chịu được thuốc diệt cỏ, và nhờ dùng thuốc diệt cỏ, ruộng cải hầu như không có cỏ dại, nên sau khi thu hoạch, nhà nông tiết kiệm được xăng dầu và công cày lật đất để diệt cỏ.
Và vì rễ cải nằm lại trong đất nên dư lượng thuốc trừ sâu bị trôi theo nước mưa xuống sông sẽ ít đi, hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên GS Godwin cũng thừa nhận rằng việc dùng hóa chất trong nông nghiệp cũng như chạy đua vũ trang.
Cỏ dại và sâu bệnh có thể thích nghi, tăng sức đề kháng và nhà nông có thể phải thay đổi các loại thuốc khác nhau để đáp ứng lại (Emma Reynolds. The truth about genetically modified food. News.com.au 8/9/2015).
Trái lại, Stephen Leeder, giáo sư danh dự về y tế và y học cộng đồng ĐH Sydney nói rằng để trừ cỏ dại, các giống cây biến đổi gien được "thiết kế" với độ chịu thuốc trừ cỏ gấp 10 lần thông thường, trong khi thuốc trừ cỏ chứa các chất có thể gây ung thư.
Được hỏi vậy thì thực phẩm từ cây biến đổi gien có an toàn cho sức khỏe hay không, GS Leeder cho rằng đây là câu hỏi chưa có câu trả lời, và rằng "Chẳng ai có thể tự tin nói rằng có an toàn hay không." (Emma Reynolds, nguồn đã dẫn).
Dù thực phẩm biến đổi gien được 109 người đạt Nobel bảo vệ, nhưng hãy để người tiêu dùng Việt tự lựa chọn! - Ảnh 2.
Bản đồ phân bố nông nghiệp biến đổi gien trên thế giới. Australia đứng thứ 12 với diện tích canh tác 700.000ha, có 2 giống cây được trồng đại trà là bông và cải lấy dầu.
Trên đây là 2 ví dụ ý kiến tiêu biểu của các nhà khoa học, vậy dân chúng thì sao?
Ở Australia, luật quy định các thực phẩm biến đổi gien phải in rõ trên nhãn là "GM food" (genetically modified food). Có thể đây là một cách "phân biệt đối xử" mà các ông chủ của nông nghiệp biến đổi gien không thích thú.
Nhưng ở một đất nước dân chủ, người dân có quyền được thông tin và quyền lựa chọn cách hành xử dựa trên thông tin đó.
Với người tiêu dùng Australia, có lẽ vấn đề không chỉ giới hạn ở việc thực phẩm biến đổi gien có an toàn cho bản thân họ và gia đình họ hay không.
Bà Heather Bay, nghiên cứu viên trưởng của ĐH Adelaide cho rằng "người dân cần thông tin thực phẩm có biến đổi gien hay không, vì họ quan tâm đến các vấn đề xã hội và kinh tế.
Nhiều người không muốn dính dáng đến cái tên Monsanto (tập đoàn sản xuất giống cây biến đổi gien - TBH), không muốn ủng hộ cái hệ thống làm ra thực phẩm đó. Vấn đề là sự minh bạch, là niềm tin, chứ không phải là bằng chứng khoa học".
Nông nghiệp biến đổi gien làm hai người bạn thời niên thiếu tuyệt giao
Năm 2015 xảy ra một vụ kiện ở tiểu bang Tây Australia liên quan đến nông nghiệp biến đổi gien. Steve Marsh và Michael Baxter là chủ của hai trang trại trồng cải dầu cạnh nhau, nhưng ông Marsh canh tác hữu cơ còn ông Baxter lại trồng giống cải biến đổi gien do Monsanto cung cấp.
Khi ông Marsh bị mất giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho 70% diện tích canh tác của mình, ông bèn kiện ra tòa rằng phần diện tích này đã bị nhiễm giống cải biến đổi gien từ trang trại của ông Baxter và đòi số tiền bồi thường thiệt hại là 85 ngàn AUD.
Hội đồng bồi thẩm gồm 3 người, một bà bỏ phiếu cho ông Marsh, hai ông bỏ phiếu cho ông Baxter. Kết quả là ông Marsh bị thua kiện, không những không đòi được tiền bồi thường mà còn chịu thêm án phí 804 ngàn AUD.
Phía bên ngoài tòa án, ông Marsh được Đảng Xanh và các tổ chức môi trường ủng hộ. Quỹ Thực phẩm An toàn (Safe Food Foundation) thậm chí còn đứng ra quyên góp để giúp ông trả án phí.
Trong khi đó ông Baxter được Hiệp hội Nông gia (PGA) ủng hộ về tinh thần và công ty Monsanto yểm trợ tài chính. Hai ông láng giềng, vốn là bạn từ thiếu thời, nay tuyệt giao.
Có thể nói vụ kiện nổi tiếng này đã rơi đúng tâm điểm cuộc tranh cãi quyết liệt giữa hai phe ủng hộ hay là chống nông nghiệp biến đổi gien ở Australia.

Bạn có thể lựa chọn tương lai với giá cao hơn một chút
Từ 2013, tiểu bang Nam Australia chính thức cấm canh tác đại trà cây trồng biến đổi gien. Tiểu bang Tasmania cũng có quy định tương tự. Có lẽ vấn đề xuất phát từ các nguyên nhân kinh tế-xã hội hơn là khoa học thuần túy.
Nông nghiệp biến đổi gien tiêu tốn ít hơn, cho ra sản phẩm rẻ hơn, rõ ràng là có lợi cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng với niềm tin vào "môi trường xanh" vẫn tiếp tục sẵn lòng trả giá cao hơn cho thực phẩm không biến đổi gien thì cuối cùng hiệu quả kinh tế của một nền nông nghiệp không biến đổi gien vẫn là tương đương hay vượt trội?
Người đứng đầu ngành nông nghiệp của tiểu bang Nam Australia Leon Bignell nói rằng, một nền nông nghiệp phi biến đổi gien (GM-free) làm tăng sức cạnh tranh kinh tế của Nam Australia, vốn có uy tín quốc tế về thực phẩm xanh và sạch, trên các thị trường then chốt như Nhật Bản.
Khi khách hàng trả giá cao hơn 50 AUD mỗi tấn, thì cái lợi của việc cấm nông nghiệp biến đổi gien là vượt trội thiệt hại mà lệnh cấm có thể mang lại (ABC News, 7/11/2013).
Tôi có người bạn là tiến sĩ về nông học cho biết, Trường ĐH Adelaide có chương trình nghiên cứu lúa mỳ và lúa mạch biến đổi gien tại trang trại Glenthorne ở O’Halloran Hill từ nhiều năm nay, với kinh phí hoạt động từ nhiều nguồn bao gồm của trường, của chính phủ và của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Tuy nhiên chương trình đang gặp nhiều khó khăn. Ông Daren Arney, CEO của Hội Sản xuất Ngũ cốc Nam Australia (GPSA), nói rằng việc cấm nông nghiệp biến đổi gien bị trả giá bởi sự nản lòng của các nhà đầu tư nghiên cứu và sẽ làm các nhà khoa học phải chuyển đi sang các tiểu bang khác.
Mặc dù Chính phủ tiểu bang tuyên bố rằng chính sách không nông nghiệp biến đổi gien làm tăng uy tín của tiểu bang về thực phẩm và rượu vang cao cấp và lệnh cấm nông nghiệp biến đổi gien sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2019 mới được xem xét lại, nhưng hẳn là các doanh nghiệp ngũ cốc sẽ vẫn tiếp tục cuộc vận động của mình.
Ông Daren Arney từ GPSA tuyên bố rằng của ông có quan hệ tốt với Bộ trưởng Nông nghiệp Liên bang, và rằng hội của ông sẽ "vận động hành lang" với các nhà lập pháp liên bang để đưa công nghệ canh tác biến đổi gien vào tiểu bang này (ABC News 15/1/2015).
Như vậy, cuộc "tranh đấu" giữa hai phe chống và ủng hộ nông nghiệp biến đổi gien ở Nam Australia hẳn sẽ còn giằng co lâu dài. Và tương lai tiểu bang này có còn là xứ sở nông nghiệp phi biến đổi gien hay không hẳn sẽ phụ thuộc vào chính những người dân.
Họ lựa chọn tương lai ấy khi đứng trước thùng phiếu bầu cử nghị viện. Họ có thể lựa chọn ngay cả trong siêu thị, rằng sẽ trả như bình thường cho các thực phẩm bình thường hay giá rẻ hơn để mua thực phẩm mang nhãn biến đổi gien.
Trung Quốc và Việt Nam
Năm 2014, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ phải "chiếm lĩnh các đỉnh cao về công nghệ canh tác biến đổi gien". Và trên thực tế thì nước này đang đứng thứ 6 toàn cầu về diện tích nông nghiệp biến đổi gien.
Nhưng có thể ít người biết rằng ngay cả trong một quốc gia toàn trị như Trung Quốc, trào lưu bảo vệ môi trường vẫn có thể thắng thế tại một địa phương.
Tháng 10/2016, 91.5% người tham gia một cuộc điều tra tại tỉnh Hắc Long Giang trả lời rằng họ phản đối nông nghiệp biến đổi gien. Dựa theo ý dân, chính quyền tỉnh này đã ban hành lệnh cấm nông nghiệp biến đổi gien trong vòng 5 năm.
Nói thêm về tầm ảnh hưởng của hành động này, tỉnh Hắc Long Giang đang dẫn đầu China về sản lượng đậu tương và chiếm 1/10 sản lượng ngũ cốc toàn quốc (Tian Xuefei, Nhân Dân Nhật Báo, 9/2/2017).
Với Việt Nam, khái niệm nông nghiệp biến đổi gien và thực phẩm biến đổi gien dường như còn chưa được chú ý nhiều, mặc dù trong thực tế có thể chúng ta đang vô tình hàng ngày ăn các thực phẩm biến đổi gien mà hoàn toàn không được biết.
Một cuộc điều tra tại TPHCM đã phát hiện một số lượng lớn các thực phẩm bao gồm đậu nành, bắp (ngô), gạo, cà chua, đậu Hà Lan… dương tính với chỉ thị biến đổi gien. (Huỳnh Phan & Phương Trang, VNexpress, 12/4/2010).
Và cũng như ở đa số các nước khác, các nhà khoa học Việt Nam là những người đầu tiên đứng ra bênh vực nông nghiệp biến đổi gien.
Dù thực phẩm biến đổi gien được 109 người đạt Nobel bảo vệ, nhưng hãy để người tiêu dùng Việt tự lựa chọn! - Ảnh 5.
Ngô biến đổi gien tại tỉnh Sơn La. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
GS Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học nói: "Cả thế giới đang sử dụng các sản phẩm chuyển đổi gien mà có vấn đề gì đâu!" GS Bình cũng công nhận rằng nước ta chưa có văn bản quy định nào về nhãn mác cho sản phẩm biến đổi gien (nguồn đã dẫn).
Có lẽ đối với Việt Nam, hãy còn khá sớm để ra luật cho phép hay cấm canh tác đại trà cây trồng biến đổi gien, nhưng đã là khá muộn để cho người dân biết thông tin về công nghệ này và các thực phẩm từ đó. Cần có quy định về những thực phẩm biến đổi gien ở Việt Nam.
Suy cho cùng, sự lựa chọn nông nghiệp và thực phẩm biến đổi gien là một chính sách lớn, ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình.
Lựa chọn ấy phải đến từ người dân chứ không phải do một nhóm người, cho dù là các nhà khoa học có tiếng. Những chính sách lớn mà không có "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích.
Nguồn: http://soha.vn/du-thuc-pham-bien-doi-gien-duoc-109-nguoi-dat-nobel-bao-ve-nhung-hay-de-nguoi-tieu-dung-viet-tu-lua-chon-20170424073737454.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét