Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

NHỮNG NGÀY XA XƯA VỚI THIẾU TƯỚNG TRẦN BÁ DI - Anh Phương Trần Văn Ngà


LỜI NÓI ĐẦU:
Thiếu Tướng Trần Bá Di - một trong những tù nhân chánh trị của chánh thể Việt Nam Cộng Hòa, ra khỏi trại tù cải tạo cộng sản sau cùng (1975 - 1992). Qua 17 năm khổ sai lao lý, vừa qua đời tại thành phố Orlando - Florida sáng sớm ngày 23.3.2018, hưởng đại thọ 87 tuổi.
Nhớ lại những ngày xa xưa Thiếu Tướng Trần Bá Di ở Miền Tây cũng là để tưởng niệm một Niên Trưởng gương mẫu đáng kính, luôn tâm niệm : Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm trên hết, từ khi có chức có quyền, đến khi vào tù khổ sai cộng sản, kể cả định cư ở hải ngoại qua tư cách tác phong gương mẫu làm cho đàn em luôn kính phục. Người viết từng biết tiếng nghe danh Niên Trưởng Di ở Trung Đoàn 33 Bộ Binh và cương vị Tỉnh Trưởng Phong Dinh, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4 & Vùng 4 Chiến Thuật tại Cần Thơ, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung gần Thủ Đô Sài Gòn..
<!>.
Niên Trưởng Trần Bá Di thường bảo anh em chúng tôi gọi là "Anh Ba" không gọi cấp bậc Thiếu Tướng. Với Anh Ba dù xuất thân từ quân trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt - hiện dịch - nhưng, Niên Trưởng luôn nhiệt tình ủng hộ, ưu ái thân thương với những chiến hữu đàn em thuộc Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Tôi rất hân hạnh gặp lại Niên Trưởng Trần Bá Di trong 2 Đại Hội của Tổng Hội Thủ Đức ở New Orleans - Louisiana, cách nay 8 năm và 2 năm sau tại Atlanta - Georgia. Tôi cũng có dịp đi Orlando - Florida gặp Niên Trưởng Trần Bá Di thêm 4 lần nữa, trong tiệc họp mặt với Hội Thủ Đức Orlando, tại nhà một cựu sĩ quan Thủ Đức và gần đây nhứt tại tư gia của anh Ba, tháng 6 năm 2017. Lúc nào gặp tôi, Anh Ba Di cũng nhắc đến Trung Đoàn 33 Bộ Binh làm tôi càng kính trọng Anh Ba vì tôi đã ghi đậm kỹ niệm đáng yêu đầu đời quân ngũ tại đơn vị này (năm 1963 - 1964).
Kính chúc anh Ba Di thượng lộ Bình An
NHỮNG NGÀY XA XƯA THÂN ÁI
Thiếu Tướng Trần Bá Di với vóc dáng khỏe mạnh cao lớn  (có thể gần 1 mét 80), xứng hợp với một quân nhân "Đa Hiệu" bản lĩnh, đầy ấn tượng, thu hút thuộc cấp và kể cả người khác phái.
Những ngẫu nhiên trùng hợp dễ nhớ: Thiếu Tướng Trần Bá Di sanh ngày 20.7 (1931) trùng hợp với ngày Hiệp Định Genève ra đời 20.7 (1954), chia đôi đất nước Việt Nam (chỉ có khác năm). Ngày Thiếu Tướng Di sang định cư tại Hoa Kỳ đúng ngày đau buồn Quốc Hận 30.4 (1993) mất nước Việt Nam Cộng Hòa đúng ngày 30.4 (1975). Những điều trùng hợp khác khá độc đáo đối với cá nhân tôi, tháng 4 năm 1993 cũng là tháng và năm tôi đến định cư tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ có khác ngày (7.4.1993 - HO16 và 30.4.1993 của ông Tướng Di).
Chưa hết, những sự ngẫu nhiên ngộ nghĩnh khác đối với tôi và Thiếu Tướng Di như là trò chơi "cút bắt". Thiếu Tướng Trần Bá Di Trung Đoàn Trưởng 33, Sư Đoàn 21 Bộ Binh (cấp bậc Thiếu tá). Tôi tốt nghiệp khóa 13 Thủ Đức được thuyên chuyển về phục vụ đơn vị đầu tiên trong đời binh nghiệp là Trung Đoàn 33 BB, tháng 1 năm 1963. Thiếu Tá Trần Bá Di vừa rời Trung Đoàn 33 BB bàn giao lại Thiếu Tá Nguyễn Văn Thanh cũng tháng 1.1963, về đảm nhận chức vụ Tỉnh Trưởng Phong Dinh.  Tôi "chạy theo" Thiếu Tá Di về Phong Dinh (Cần Thơ) năm 1964, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 & Vùng 4 Chiến Thuật (QĐ4 & V4CT). Với chức vụ Trưởng Ban Phát Thanh Quân Đoàn 4 ( sau này, kiêm luôn Trưởng Ban Thông Tin Báo Chí QĐ4 & V4CT). Tôi có đến dự buổi tiệc "rửa lon" Trung Tá của Thiếu Tá Trần Bá Di - tháng 6.1964 tổ chức tại Tòa Hành Chánh tỉnh, thực hiện phóng sự cho chương trình phát thanh Tiếng Nói Vùng 4 Chiến Thuật trên đài phát thanh Ba Xuyên.
* Tháng 3.1968, Đại Tá Trần Bá Di - Tư  Lệnh Phó Sư Đoàn 9 BB về lại Cần Thơ với chức vụ mới Tham Mưu Trưởng QĐ4 & V4CT, sau Tết Mậu Thân, thời Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng Tư Lệnh thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Mạnh.
* Khi Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng Tư Lệnh QĐ4 & V4CT (3 - 4 tháng ngắn ngủi) được thay thế bởi Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh và Đại Tá Trần Bá Di được thuyên chuyển về lại Sư Đoàn 9 Bộ Binh mà trước đó, ông đã từng giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng (Trung Tá) và Tư Lệnh Phó (Đại Tá). Nay về Sư Đoàn 9 BB với chức vụ Tư Lệnh - từ tháng 7.1968 cho đến 26.10.1973 bàn giao lại cho Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc (hiện đang định cư tại Thủ Phủ Sacramento - California). Có thể nói rất hiếm trong Quân Đội, một vị chỉ huy cao cấp "đóng chốt" tại một đơn vị lâu như Thiếu Tướng Trần Bá Di - từ năm 1966 đến năm 1973, 7 năm phục vụ tại Sư Đoàn 9 BB, Bộ Tư Lệnh đặt tại Sa Đéc.
Nhiều lần, tôi tháp tùng theo vị Tư Lệnh QĐ4 & V4CT đến thăm viếng Sư Đoàn 9 BB tại Sa Đéc hay tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân, gặp lại Thiếu Tướng Trần Bá Di (từ năm 1968 - 1970).
Tháng 12.1973, Thiếu Tướng Trần Bá Di trở về lại Cần Thơ lần thứ 4 trong chức vụ Tư Lệnh Phó QĐ4 &V4CT, lúc đó tôi đã thuyên chuyển về Tổng Cục Chiến Thanh Chánh Trị ở Thủ Đô Sài Gòn, không còn là sĩ quan Thông Tin Báo Chí QĐ4 & V4CT.
Tại  Tây Đô Cần Thơ (tỉnh Phong Dinh thời Đệ I và Đệ II Việt Nam Cộng Hòa), Đại Uý Trần Bá Di với chức Phó Tỉnh Trưởng Nội An kiêm Chỉ Huy Trưởng cơ quan quân sự tỉnh Phong Dinh, thuộc Quân Khu V, từ năm 1959 đến năm 1961, Đại Úy Di được vinh thăng Thiếu tá từ tháng 7 năm 1961.
* Đến tháng 9.1961, Thiếu Tá Di được cấp trên bổ nhiệm chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh (Bộ Tư Lệnh đóng trong tỉnh lỵ Bạc Liêu). Đến tháng 1.1963, Thiếu Tá Trần Bá Di được bổ nhiệm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh. Trước cuộc đảo chánh 1.11.1963, các ông Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, dưới quyền có 3 phụ tá: Hành Chánh - Nội An - Quân Sự (chỉ huy lực lượng Bảo An và Dân Vệ). Thiếu Tá Trần Bá Di đến phục vụ tại tỉnh Phong Dinh 2 lần từ Phó Tỉnh Trưởng Nội An đến Tỉnh Trưởng Phong Dinh, từ Đại Úy lên Trung Tá tháng 6 năm 1964.
* Suốt năm 1965 và nửa năm đầu năm 1966, thời gian Trung Ta Trần Bá Di không phải mặc đồ trận và kè kè khẩu súng colt bên hông trong các cuộc hành quân ở tỉnh Phong Dinh hay các tỉnh vùng sông Hậu (Khu 41 Chiến Thuật thuộc Vùng 4 Chiến Thuật), từ Cần Thơ đến Cà Mau trong chức vụ Trung Đoàn Trưởng của Trung Đoàn "lưu động" 33 BB. Có dịp được "dưỡng quân", Trung Tá Trần Bá Di mặc quân phục số 2 - quân phục làm việc tại các đơn vị yễm trợ, hậu phương...theo học khóa Anh ngữ chuẩn bị xuất ngoại Hoa Kỳ, theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu ở tiểu bang Kansas (thời gian khá dài, kể như gần trọn 1 năm du học, từ tháng 5.1965).
* Đến tháng 6.1966, Trung Tá Trần Bá Di được bổ nhiệm chức vụ Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 9 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn 4 - Vùng 4 Chiến Thuật ( trách nhiệm giữa sông Tiền và sông Hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long), thay thế Trung Tá Khưu Ngọc Tước. Sau gần 1 năm trong chức vụ Tham Mưu Trưởng SĐ 9, tháng 3.1967, Trung Tá Trần Bá Di được giữ chức vụ Tư Lệnh Phó thay thế Trung Tá Đặng Đình Thụy, với chức vụ mới này, sau hơn 6 tháng tại chức, được vinh thăng Đại Tá nhiệm chức - tháng 1.1968.
* Từ Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Đại Tá Trần Bá Di được thuyên chuyển về Cần Thơ (lần thứ 3) giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4 & Vùng 4 Chiến Thuật, tháng 3 năm 1968. Đến tháng 7, từ Nhiệm chức thăng Đại Tá Thực thụ và Đại Tá Trần Bá Di "châu về hợp phố", trở lại Sađéc với chức vụ mới Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh.
Như vậy, tại đơn vị SĐ 9 BB, Đại Tá Trần Bá Di từ Trung Tá Nhiệm Chức tiến lên Thực thụ và vinh thăng lên đến hàng Tướng Lãnh QLVNCH sau đó. Đại Tá Trần Bá Di được vinh thăng Chuẩn Tướng Nhiệm chức, tháng 4.1970 - Chuẩn Tướng Thực thụ từ tháng 4.1971, đến tháng 1.11.1972 thăng Thiếu Tướng Nhiệm chức. Cả 3 lần thăng cấp tướng đều được vinh thăng gắn lon tại mặt trận - một vinh dự lớn của người chiến sĩ là được vinh thăng cấp bậc tại mặt trận đang còn vương khói súng.
* Ngày 26.10.1973, Thiếu Tướng Trần Bá Di bàn giao chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bô Binh lại cho Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc (tốt nghiệp Khoá 3 Thủ Đức - khóa Đống Đa - cùng khóa với Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam - Tư Lênh QĐ4 & QK4 - tuẩn tiết anh hùng ngày Quốc Hận 30.4.1975 tại văn phòng - Bộ Tư Lệnh ở Cần Thơ).
Thiếu Tướng Trần Bá Di về lại Cần Thơ lần thứ 4 với chức vụ mới là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4 & QK 4, tháng 12.1973 thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hoàng, và thăng Thiếu Tướng Thực  thụ ngày 1.4.1974.
THIẾU TƯỚNG TRẦN BÁ DI VỚI BƯỚC NGOẶT MỚI - RỜI MIỀN TÂY
ĐẢM NHẬN PHÒNG THỦ VÒNG ĐAI PHÍA TÂY THỦ ĐÔ SÀIGÒN
 CHỈ HUY TRƯỞNG TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN QUANG TRUNG
Ông Tướng Di vốn sanh trưởng trong cái nôi thân yêu Miền Tây, gạo trắng nước trong - tỉnh Mỹ Tho (Định Tường), học trung học Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu sau này) và Lycée  Chasseloups Laubat - Sài Gòn (sau đổi là trường Jean Jacques Rousseau và Lê Quý Đôn) tốt nghiệp tú tài toàn phần và tình nguyện vào trường Võ Bị Đà Lạt lúc 20 tuổi..
Sau khi tốt nghiệp Khóa 5 Hoàng Diệu - Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (sau này  đổi là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt), tháng 5 năm 1952. Thiếu Úy Di được về phục vụ tại Tiểu đoan 61 Việt Nam, đồn trú ở Đức Hòa (sau này thuộc tỉnh Hậu Nghĩa). Từ năm 1953 đến giữa năm 1956 với các chức vụ Chi Trưởng Chi Khu Chợ Gạo - Mỹ Tho và là Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 582 thuộc Trung Đoàn Địa Phương 134, kiêm Tiểu Khu Trưởng TK Gò Công.
Từ những chức vụ đầu đời binh nghiệp đóng quân ở Đức Hòa, Phân Khu Mỹ Tho, Chợ Gao, Gò Công. Với những chức vụ này, từ Thiếu Úy thăng lên cấp Đại Úy , chắp cánh  cho ông bay xa về Cần Thơ, Sa Đéc và các tỉnh vùng đồng bằng Hâu Giang...với biết bao chiến công và kỷ niệm sống của đời một quân quân luôn chiến đấu ngoài trận với vài lần bị thương và nhiều lần được  vinh thăng tại mặt trận cho đến lên cấp Thiếu Tướng.
Đến tháng tư đen 1975 với những đám mây mù đang phủ kín toàn cõi miền Nam vô cùng ngột ngạt. Là một chiến sĩ chỉ biết phục cho Tổ Quốc và chiến đấu cho tới hơi thở cuối. Hơn nữa, Thiếu Tướng Trần Bá Di là một tướng giỏi tại mặt trận chỉ có chiến thắng chưa hề nếm mùi chiến bại với cộng quân từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn và Sư đoàn. Vì vậy, Bộ Tổng Tham Mưu và Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng chánh phủ rất tin tưởng khả năng chỉ huy của một tướng tài, dù với đội quân dưới quyền không tinh nhuệ, đang thụ huấn. Nhưng, với số lượng đông, tương đương quân số cấp Sư Đoàn cũng có thể đảm bảo an ninh trật tự tại phía Tây của Thủ Đô. Thiếu Tướng Trần Bá Di nhận nhiệm vụ Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung từ Thiếu Tướng Phạm Văn Phú - ngày 1.11.1974 và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú được bổ nhiệm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2.
Sau khi tỉnh Ban Mê Thuột bị thất thủ từ tháng 3.1975 và các tỉnh miền Trung tan rả, các đơn vị chủ lực của Quân Đoàn 2 chạy về Miền Nam. Để giúp cho các đơn vị thiện chiến còn lại từ miền Trung di tản về, có cơ hội tái phối trí chiến đấu tại các mặt trận không xa Thủ Đô Sài Gòn. Đang là một quân trường gần Thủ Đô Sài Gòn - Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, trở thành một cứ địa phòng thủ then chốt, sát nách các cơ quan trung ương của chánh phủ và QLVNCH, từ tháng 11 năm 1974 đến 30 tháng 4 năm 1975.
Trong lúc chánh thể Việt Nam Cộng Hòa đang gặp muôn vàn khó khăn, cộng sản Bắc Việt xua hàng mấy chục sư đoàn chánh quy của chúng, bỏ ngõ miền Bắc "bôn tập" quyết tâm xâm lược đánh chiếm miền Nam VN có chủ quyền có Hiệp Định Paris bảo vệ... Như vậy, cộng sản Bắc Việt đã công khai xé bỏ Hiệp Định Đình Chiến và Tái Lập Hòa Bình Paris đã ký kết từ tháng 1.1973. Tác gỉả chánh của Hiệp Ước này là anh khổng lồ Mỹ và CSBV, thế mà Mỹ "ngậm miệng" không có phản ứng nào chống lại sự vi phạm Hiệp Ước Paris một cách trắng trợn thô bạo. Trong khi chánh thể Việt Nam Cộng Hòa đang hấp hối lại bị chánh phủ Mỹ cắt hết mọi viện trợ , không tiếp cứu chính thể VNCH được sống còn.
Trong cảnh dầu sối lửa bỏng này, chánh quyền Việt Nam Cộng với quan niệm "còn nước còn tát". Vâng lệnh thượng cấp, Thiếu Tướng Trần Bá Di xin Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Chiến Tranh  Chính Trị và Biệt Khu Thủ Đô tiếp sức với Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung  "rèn cán chỉnh quân" bằng cách nâng cao tinh thần chiến đấu của các tân binh tại Trung Tâm Quang Trung. Chúng ta phải giảng giải cho các tân binh hiểu rõ nội dung Hiệp Định Paris 1973 nhằm cung cấp sự  thật của Hiệp Định này để các tân binh "vì nước quên mình" bảo vệ Tổ Quốc trước sự vi phạm thô bạo của cộng sản Bắc Việt xâm lược miền Nam Việt Nam.
Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị ủy nhiệm cho Khối Chiến Tranh Chánh Trị Biệt Thủ Đô, soạn thảo tài liệu và đúc kết thành bài thuyết giảng thật dễ hiểu để cho các tân binh dù học ít cũng có thể hiểu được. Khối Chiến Tranh Chánh Trị Biệt Khu Thủ Đô có tổ chức một buổi thuyết giảng "nháp" dưới sự chủ tọa của Đô Đốc Cang Tấn Cang, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô kiêm Tổng Trấn Sài Gòn Gia Định, với sự tham dự đông đủ từ Chuẩn Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô Lý Bá Hỷ, Đại Tá Tham Mưu Trưởng Cổ Tấn Tinh Châu và các phòng ban, của Biệt Khu Thủ Đô, văn phòng Tổng Trấn Sài Gòn  và Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn cũng cử đại diện tham dự.
Sau buổi trình bày đầu tiên, tôi có thực hiện những bản vẽ như phóng đồ hành quân của phòng nhì. Phòng Tâm Lý Chiến, tôi làm Trưởng Phòng, chuyên phân tích các dữ kiện "tình báo" - tạm gọi là tình hình địch, có trong nội dung của bản Hiệp Định Paris, tôi nghiên cứu rất kỹ như học thuộc lòng toàn văn Bản Hiệp Định Paris. Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngạc, Trưởng Phòng Chính Huấn Biệt Khu Thủ Độ, như là phòng 3 và Khối Chiến Tranh Chánh Trị của đơn vị, nhằm cổ động tinh thần yêu nước, bảo vệ Hiến Pháp, bảo về sự độc lập, vẹn toàn lãnh thổ của Miền Nam VN như Hiệp Định Paris nói rõ.
Khi toán giải thích nội dung Hiệp Định Paris và trấn an tinh thần các chiến sĩ của Biệt Khu Thủ Đô được thành lập, có văn thư phổ biến đến các đơn vị đồn trú trong Biệt Khu Thủ Đô. Chúng tôi, gồm có 3 người: Trung Tá Hoàng Thọ - Trưởng Khối Chánh Trị BKTĐ, Trưởng Ban, Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngạc Trưởng Phòng Chính Huấn, như Trưởng Ban 3 & CTCT và tôi, Trần Văn Ngà - Trường Phòng Tâm Lý Chiến, như là Trưởng Ban 2.
Đến bất cứ đơn vị nào thuộc phạm vi Biệt Khu Thủ Đô, mời chúng tôi đến thuyết trinh về tình hình chính trị và nội dung bản Hiệp Định Paris. Trung Tá Hoàng Thọ nói phần mở đầu về tình hình chánh trị ngột ngạt hiện tại và nhu cầu mọi quân nhân cần quan tâm đến học tập chánh trị và chiến đấu dũng cảm phải hiểu rõ nội dung Bản Hiệp Định Paris 1973. Và Trung Tá Thọ giới thiệu tôi và Thiếu tá Ngạc lần lượt lên trình bày nội dung bản Hiệp Định và những gì các quân nhân phải làm và chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm của một quân nhân trong thời chiến một mất một còn như lúc bấy giờ.
Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung gởi văn thư mời phái đoàn thuyết trình của Biệt Khu Thủ Đô đến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung giảng giải về Hiệp Định Paris dưới sự chủ tọa của Thiếu Tướng. Tham dự hôm đó, có đến cả ngàn quân nhân các cấp, trong đó có nhiều vị Đại Tá đảm trách các chức vụ then chốt của TTHL Quang Trung. Tôi may mắn gặp lại Đại Úy Lê Ngọc Đây TĐT Tiểu Đoàn 3/33 năm 1963, nay là Đại Tá, vừa rời chức Tỉnh Trưởng Phong Dinh về phục vụ dưới quyền Thiếu Tướng Trần Bá Di. Lúc bấy giờ, ở Cà Mau năm 1963 - 1964, Đại úy Đây ở tiểu đoàn 3, tôi đang là Trưởng Ban 5 -  Chiến Tranh Tâm Lý kiêm Trưởng Ban An An Ninh Trung Đoàn 33 Bộ Binh.
Sau buổi thuyết trình, Thiếu Tướng Di bắt tay tôi khen "toa" soạn tài liệu kỹ, trình bày dễ hiểu, không biết, Thiếu Tướng có khen lấy lòng đàn em cũng thuộc lò Trung Đoàn 33 BB và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 - Cần Thơ như Thiếu Tướng Di...
Tổng kết lại những niên trưởng năm xưa mà tôi quen biết như Đại Tá Lê Ngọc Đây, Đại Tá Nguyễn Ngọc Diệp thuộc Trung Đoàn 33, Trung Tá Nguyễn Văn Thanh nhận bàn giao Trung Đoàn Trưởng 33 từ Thiếu Tá Trần Bá Di đều đã ra ra đi.
Còn ở Biệt Khu Thủ Đô tham dự buổi thuyết trình nội dung Hiệp Định Paris 1973 và biện pháp thi hành và đối phó với cộng sản, như Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Chuẩn Tướng Lý Bá Hỉ, Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh (Quân Vụ Thị Trấn Trưởng Thủ Đô Sài Gòn), Trung Tá Hoàng Thọ, Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngạc cũng đã giã từ vũ khí, về với cát bụi. Nay, còn lại trên thế gian vào hàng U90: Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu (Tham Mưu Trưởng BKTĐ - đang định cử ở quận Cam) và tôi ở Sacramento, còn những vị khác, không thân nhiều nên tôi không được rõ.
Ngày 23.3.2018, tôi nhớ lại ngày 23.3 cũng là ngày tôi vào trường Thủ Đức, Khóa 13 - Khóa Ấp Chiến Lược, đã khai giảng từ ngày 15.3.196. Đúng 56 năm sau cũng ngày 23.3, tôi tiển đưa và cầu nguyện Niên Trưởng Trần Bá Di về với Chúa trên nước Thiên Đàng miên viễn bình an.
VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ CỦA NIÊN TRƯỞNG THIẾU TƯỚNG TRẦN BÁ DI
Thiếu Tướng Trần Bá Di sanh ngày 20.7.1931 (Ất Mùi) tại Mỹ Tho (Định Tường). Thân phụ là  cụ Trần Văn Vạng, nhà giáo (Tổng Giám Thị Trung Học Nguyễn Đình Chiểu  Mỹ Tho, về hưu năm 1965). Thân mẫu, cụ Trần thị Thạnh .
Phu nhân của Thiếu Tướng Di là bà Đoàn Thị Bé, hai ông bà sanh được 4 người con: Trần Minh Trí - Trần Quế Hương - Trần Thiện Toàn - Trần Đoàn Minh.
Từ năm 1944 - 1949- học sinh collège Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu và 1949 - 1951 - học sinh của Lycée Chasseloups Laubat Sài Gòn - sau đổi tên thành trường Jean Jacques Rousseau - Lê Quý Đôn). Ông đậu Tú Tài Toàn Phần. Tình nguyện vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt lúc 20 tuổi, năm 1951 và tốt nghiệp Thiếu Úy Thực Thụ hiện dịch năm 1952  - với tên khóa là Khóa 5 Hoàng Diệu.
* Đơn vị phục vụ đầu tiên: Trung Đội Trưởng thuộc Tiểu đoàn 61 VN, đồn trú tại Đức Hòa thuộc Chợ Lớn.
* Tháng 10.1952 - Huấn Luyện viên Khóa 8 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.
* Tháng 6.1953 - Chỉ Huy Phó kiêm Trưởng Ban 3 Chi Khu Biệt Lập Mỹ Tho. Thăng Trung Úy tháng 4.1954 - Đại Đội Trưởng Liên Đội 4, Trung Đoàn 2 Vệ Binh Nam Việt
kiêm  Chi Khu Trưởng Chi Khu Chợ Gạo - Chi Khu Biệt Lập Mỹ Tho. Tháng 8.1954 thăng Đại Úy - Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 582 thuộc Trung đoàn Địa Phương 134., kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Gò Công thuộc Phân Khu Mỹ Tho.
* Năm 1956 và năm 1957 - Đại Úy Phó Trưởng Phòng 3 và lên Trưởng Phòng 3 Đệ Nhất Quân
   Khu.
* Tháng 10 năm 1957, du học Hoa Kỳ: Khóa Bộ Binh Cao Cấp tại Fort Benning - Georgia.
* Tháng 4 năm 1958 - Trưởng Phòng 3 Liên Quân Khu I - V và Thủ Đô Sài Gòn. Tháng 9.1959
   Phó Tỉnh Trưởng Nội An tỉnh Phong Dinh kiêm Chỉ Huy Trưởng Quân Sự tỉnh Phong Dinh.
   Tháng 7. 1961, vinh thăng ThiếuTá và tháng 9 nhận chức Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn  33
   BB thay thế Thiếu Tá Đặng Đình Thụy.
* Tháng 1.1963, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh thay thế Thiếu Tá Lê Văn Tư.
   Tháng 6. 1964, thăng Trung Tá.
* Tháng 5.1965 du học Hoa Kỳ tại trường Chỉ Huy và Tham Mưu (Command & General Staff
   College) Fort Leavenworth, thuộc tiểu bang Kansas.
* Phục vụ tại Sư Đoàn 9 BB lần đầu: năm 1966 Tham Mưu Trưởng (Trung tá) - năm 1967 Tư
   Lệnh Phó Sư Đoàn. Tháng 1.1968 thăng Đại Tá Nhiệm chức.
* Tháng 3.1968 đảm nhiệm chức Tham Mưu Trương Quân Đoàn 4 & Vùng 4 Chiến Thuật.
   Tháng 7 thăng Đại Tá Thực thụ, về lại Sa Đéc lần 2, đảm nhận Tư Lệnh Sư Đoàn 9 BB thay
   Thiếu Tướng Lâm Quang Thi về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
* Tháng 4.1970, thăng Chuẩn Tướng Nhiệm chức, đặc cách tại mặt trận.
   Tháng 4.1971, thăng Chuẩn Tướng Thực thụ, đặc cách tại mặt trận.
* Ngày 1.11.1972, thăng Thiếu Tướng Nhiệm chức, đặc cách tại mặt trận.
   Ngày 26.10.1973, bàn giao Tư Lệnh SĐ 9 BB lại Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc - Tham Mưu
   Trưởng Quân Đoàn 4 Vùng 4 Chiến Thuật. Tháng 12.1973 trở lại Cần Thơ lần thứ 4 với chức
   Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4 & Vùng 4 Chiến Thuật thay Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hoàng.
* Ngày 1.4.1974, vinh thăng Thiếu Tướng Thực thụ. Đến ngày 1.11.1974 giữ chức vụ Chỉ Huy
   Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thay Thiếu Tướng Phạm Văn Phú về đảm
   nhiệm Tư Lệnh Quân Đoàn II & Quân Khu II
** Năm 1975: Sau ngày 30.4, bị tù cộng sản cho mãi đến 5.5.1992 được ra khỏi nhà tù.
*** Năm 1993: Ngày 30.4, đoàn tụ với gia đình tại Orlando - Florida và mất ngày 23.3.2018
       cũng tại Florida, sau 24 năm quân ngũ - 17 năm tù cải tạo và định cư tại Mỹ 25 năm.
HUY CHƯƠNG: Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng - Croix de Guerre của Pháp và
                              nhiều huy chương Quân Sự và Dân Sự.
Anh Phương Trần Văn Ngà (viết theo trí nhớ và tài liệu: Lược Sử QLVNCH & Wikipedia.)

TƯỞNG NIỆM NIÊN TRƯỞNG TRẦN BÁ DI - MỘT CẤP CHỈ HUY ĐÁNG KÍNH                                                                      

                                                                                            Anh Phương TRẦN VĂN NGÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét