Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Bệnh Viện và Nghĩa Trang - Trần Mộng Tú

Chị thì thầm vào tai anh:
“Còn mấy hôm nữa là rằm tháng Giêng chắc mình phải về nhà chứ.”
 Anh kéo chiếc mền mỏng lên ngang ngực, chiếc mền ngắn quá, lòi cả nửa ống chân ra ngoài. Anh nhìn chung quanh một vòng, ngượng ngùng co chân lại.
  “Về sao được em, phải chờ chứ, còn nước còn tát, mấy hôm nay thằng bé cũng thấy khá hơn một chút.”<!>
   Hai vợ chồng đang nằm ngủ ngay trước cửa Bệnh Viện Ung Thư, con trai họ 12 tuổi kiếm được một chỗ nằm chung một giường với một đứa trẻ khác bên trong, (sau khi anh chị đưa cho y tá trực ở đó hai lần hai cái phong bì.) Dưới gầm giường thì có bố mẹ của đứa bé kia rồi, không còn chỗ cho anh chị nữa.  
 Họ lên đây từ trước Tết, đợi mãi mới tới phiên con được khám. Trong khi chờ thì cứ ngồi, nằm, ngay ở hành lang bệnh viện. Anh chị không phải là cặp vợ chồng duy nhất ngủ ở ngoài này. Số người chờ khám cho thân nhân hay chờ khám cho chính mình nhiều hơn số giường của bệnh viện có, nên người chờ đợi, ăn, ngủ, tràn lan ra tới hành lang. 

Nằm Chờ Khám Bệnh
  Trời mưa lụt, nước tràn ngập cả trong phòng đợi, người ngồi, kẻ nằm trên những chiếc ghế nhựa trông thật thảm thương. Ngày khô thì chiếu trải la liệt dưới đất. Bệnh Viện mà trông như trại tỵ nạn. 

Nước lụt trong phòng chờ ở Bệnh Viện Ung Thư-Hà nội 

Bệnh Viện Ung Thư Hà Nội
  Anh chị từ Hòa Bình mang con về Hà Nội chạy chữa, thằng bé 12 tuổi đang đi học bỗng ngã bệnh, chữa mãi Bác Sĩ tỉnh nhà không khỏi, thử máu, chụp hình mới biết là bị ung thư màng óc.
  Chị lại thì thầm: “Tết mình đã không có mặt ở nhà để cúng ông bà, thì Rằm cũng phải về cúng Phật chứ anh. Hay em ở lại với con, anh về mấy hôm đi.”
  “Anh về cũng chẳng an tâm được. Mấy hôm ngủ ngoài sương thấy em đã bắt đầu ho.Thôi, Trời Phật cũng thông cảm cho mình.”
   Chị im lặng một lúc, lại ngập ngừng nói: “Thôi anh cứ yên tâm về đi, còn bà nội thằng Tí ở nhà nữa, anh về đi kẻo mẹ trông, em biết là mẹ mong anh về lắm.”
  Người chồng ngồi hẳn dậy, co hai chân lên vòng tay ôm qua đầu gối, thở dài.
  “Ừ, chắc anh nên về, em nói đúng, bà nội thằng Tí đang mong tin lắm. Anh đã chia tiền ra từng gói nhỏ để em tiện chi tiêu. Tiền trả cho Bệnh Viện chữa trị, tiền đưa bác sĩ thì anh để riêng, tiền đưa y tá, tiền lao công anh cũng để riêng.”
  Người vợ ngồi hẳn dậy, quấn lại cái chăn cho gọn, thu xếp mấy cái túi đựng cả một gia đình lưu động của mình. Chị nhìn chung quanh một vùng bao quát, trong ánh nắng sớm mai yên tĩnh mọi người chưa thức dậy hết. Họ nằm ngang, nằm dọc, hay xoay chân ngược chiều nhau. Những bàn chân gầy gò, và những cái đầu xơ xác tóc, họ đang ngủ hay đã thức rồi mà vẫn còn nằm im lo lắng bất an. Mặt trời sẽ lên, thêm một ngày chờ đợi, đến bao giờ mới tới phiên mình, hay phiên của người thân mình. Số tiền mang trong túi, cài hai ba cái kim cho chặt, liệu có đủ trả tiền chạy chữa, tiền thuốc và tiền phong bì không?
  Nói đến phong bì chị bỗng nhớ, hỏi anh: “Tiền anh lo đủ rồi nhưng anh quên chưa mua phong bì cho em. Đưa thẳng tiền mặt ra ai đứng gần cũng nhìn thấy, không tiện đâu.”
  Anh ngẩn người ra, ừ nhỉ mấy hôm nay bận quá, cứ lo chỗ ăn chỗ ngủ cho con bên trong bệnh viện, cho hai vợ chồng ngoài hành lang, anh quên hẳn việc phải mua sẵn một lố phong bì. Anh nhìn trước nhìn sau thấy một xấp báo còn mới, ai đó vứt sang chỗ anh chị nằm. Anh nhặt lên nói với chị: “Báo còn mới, em cứ lấy con dao, rọc vuông vức rồi gói tiền vào đó cũng được. Nhưng phải nhớ để riêng vào túi trong, túi ngoài, kẻo nhầm của người này lại đưa cho người kia.”
  Chị cười nhẹ: “Anh đừng lo, tiền thì em cẩn thận lắm.”
  Chị đón xấp báo còn mới trong tay anh, báo trong tay thì dĩ nhiên là chữ trước mắt, chị đọc qua một chút trước khi đi tìm dao rọc. Sau mấy phút chị ngẩn người ra, để rơi tờ báo xuống lòng. Anh thấy lạ hỏi: “Tin gì vậy em?” Chị không nói, đưa tờ báo cho anh.
  Báo chí trong nước cho hay, chính quyền thành phố Hà Nội hôm 1/2 công bố quy hoạch được thủ tướng phê duyệt về xây nghĩa trang “phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước”.
  Tin cho hay, nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 cây số về phía Tây, giáp Vườn Quốc Gia Ba Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình; phía Nam giáp đồi núi và khu dân cư.
  Tổng diện tích nghĩa trang là 120 hécta, gồm khu an táng 72 hécta, với 2,200 – 2,500 ngôi mộ, mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25-35 mét vuông và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 hécta, có sức chứa 5,000 người.
  Nguồn vốn dự kiến hơn 1,430 tỷ đồng (hơn $63 triệu) sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng.
  Anh đọc tiếp ở một trang khác:
  Vẫn theo các báo, với tổng diện tích 120 hectare, tương đương một phường lớn ở nội thành Hà Nội, dự án có vị trí ở huyện Thạch Thất, dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 kilomet về phía tây. Thông tin từ bản quy hoạch cho thấy sẽ có 105 hộ dân phải di dời để nhường chỗ cho dự án.
  Anh đọc xong nhìn sang chị, thấy chị vẫn thẫn thờ nhìn mông lung ra một nơi xa lắc xa lơ nào đó. Anh hỏi: “Sao vậy em, nhà nước xây nghĩa trang thì dính dáng gì tới mình mà em buồn quá vậy?”
  Chị quay lại nhìn chồng, hai mắt mở to:
“Sao mấy ông lớn không nghĩ đến việc xây thêm mấy cái bệnh viện cho người đau ốm, xây thêm trường học cho trẻ em? Họ bỏ ra tới 1,400 tỷ đồng để lo “chôn “ những người chưa chết. Rồi lại thêm 105 gia đình phải mất nhà mất cửa cho họ thêm chỗ. Anh nhìn đi, cả bao nhiêu năm nay bệnh nhân cũng như người thân của bệnh nhân nằm màn trời chiếu đất trước cửa bệnh viện. Trẻ con nghèo không đủ cơm đã đành ngay cả trường lớp cũng thiếu thốn. Có ông lớn nào quan tâm tới không?”
  Anh nhìn vợ với cặp mắt thương hại, nói nhỏ:
“Thế bây giờ em định làm gì, em cầm biển ngữ đi biểu tình đòi nhà nước xây bệnh viện, trường học thay vì xây nghĩa trang cho các ông lớn hả. Em có muốn vào tù vì tội chống phá nhà nước, trong khi con em đang bị ung thư không?”
  Chị nhìn anh một lúc, không trả lời. Hai con mắt chị ánh lên một nét giận dữ, chị mở tung những cái giỏ ra tìm con dao, chị nín thở rọc tờ báo ra từng miếng nhỏ để làm những cái phong bì, chị dằn mạnh từng nhát dao đi qua những hàng chữ: “nghĩa trang, “phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước” “Nguồn vốn dự kiến hơn 1,430 tỷ đồng (hơn $63 triệu) sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.” “105 hộ dân phải di dời để nhường chỗ cho dự án.” 

 Mô hình nghĩa trang cho các cán bộ cao cấp
  Chị cắt ngang, cắt dọc tờ báo tưởng như cắt đứt được những dự án làm chị uất ức. Chị cắt được hơn mười cái phong bì, chia ra bốn túi khác nhau, cho bác sĩ, y tá và lao công. Chị biết, muốn cứu con chị thì không thể nào tránh né được cái khoản chi trả thêm này.
  Chị nhìn anh đang thu xếp về nhà với mẹ để kịp cúng Rằm. Thật ra chị biết, cúng Rằm chỉ là phụ, việc chính là anh về nhà chạy thêm tiền, số tiền anh chị đem theo được so với số tiền sẽ phải dùng tới cách xa nhau nhiều quá. Nghĩ đến những món nợ sẽ phải trả, chị thấy như có một khối đá đè lên ngực.
  Hai con mắt chị vẫn còn ánh lên những tia giận dữ, cái giận dữ của một người hoàn toàn bất lực trước một việc xấu mà sức mình không làm gì được. Một khu nghĩa trang 5000 huyệt mộ. Quan chức cao cấp Đảng ở đâu mà nhiều thế? Chắc chắn các đại gia sẽ có phần mộ ở đây. Có khi cả ca sĩ nổi tiếng có tiền cũng dọn vào. Chưa chắc các danh nhân và anh hùng tử sĩ đã có chỗ, vì phần đông gia đình họ nghèo và họ đã tắt tiếng nói (may ra có một tấm bia chung).
  Chị kêu thầm trong ngực. “Bệnh Viện, Trường Học và Nghĩa Trang. Một cái cho người sống, một cái cho kẻ (chưa) chết. Cái nào cần thiết hơn.” Nước mắt chị ứa ra.
  Có ai trả lời cho chị không? 
 
tmt Ngày 2/25/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét