Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Tệ nạn trong công nghiệp dược phẩm: Tạo khan hiếm giả để đội giá

Inline image
Tình trạng hết thuốc cần thiết để trị bệnh ung thư hay hết kháng sinh đặc trị đang trở thành mối lo ngại cho giới bác sĩ điều trị. Một số bác sĩ Pháp đã lên tiếng báo động, và đòi chính quyền phải có biện pháp can thiệp. Tạp chí Pháp L’Express số ra tuần này đã vạch trần nguyên do tình trạng khan hiếm : Đó là vì một số tập đoàn dược phẩm ngưng sản xuất thuốc không mang lại lợi nhuận cao hay đã cố tinh tạo nên sự khan hiếm để rồi sau đó nâng giá sản phẩm lên gấp bội để kiếm lợi, bất chấp nguy hiểm tính mạng đối với các bệnh nhân !<!>
Một ví dụ cụ thể đầu tiên đã được bác sĩ giải phẫu Yann Neuzillet, chuyên khoa niệu học nêu bật : Đó là trường hợp của thuốc Immucyst, dùng để ngăn không cho ung thư bàng quang (bọng đái) tái phát. Từ năm 2012 cho đến cuối 2017, loại thuốc này chỉ được cung cấp nhỏ giọt ở Pháp. Hậu quả là nhiều bênh nhân không được chữa trị đúng liều lượng và bệnh tái phát.
Theo số liệu của Hiệp Hội Niệu Học Pháp (Association française d'urologie), có gần 700 bệnh nhân bị rơi vào tình trạng thiếu thuốc và phải mổ lại, có cả 100 người đã phải chịu hậu quả rất bi thảm, bị cắt bàng quang với tất cả những hệ quả kèm theo. Loại thuốc này mới chỉ có trở lại ở Pháp gần đây thôi, nhưng các bác sĩ được cảnh báo rằng thuốc có thể bị khan hiếm trở lại trong vòng một năm tới đây.
Số thuốc bị gián đoạn cung cấp tăng cao chưa từng thấy
Theo L’Express, Immucyst không phải trường hợp cá biệt. Số liệu chính thức năm 2017 của Cơ Quan Quốc Gia Pháp về An Toàn Dược Phẩm ANSM, vừa mới được củng cố lại, đã xác nhận lời báo động mà giới bác sĩ và dược sĩ trong môi trường bệnh viện đã tung ra: Số lượng thuốc bị gián đoạn cung cấp, vốn đã rất cao từ năm 2013, vào năm ngoái đã tăng vọt, đạt mức chưa từng thấy từ trước đến nay.
Theo ông Patrick Maison, giám đốc bộ phận phụ trách giám sát của ANSM, đây là mối quan ngại rất lớn. Cơ quan nhận được trung bình 400 thông báo về tình trạng thiếu hụt thuốc. Bây giờ con số này lên đến khoảng 500.
Tình hình càng đáng lo hơn vì Cơ quan ANSM chỉ chú ý đến những loại thuốc gọi là « sống còn » cho công việc điều trị, tức là những dược phẩm mà nếu thiếu, có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót của bệnh nhân, hay làm mất cơ may chữa trị cho bệnh nhân.
Bà Muriel Duhan, phụ trách vấn đề dược phẩm tại Viện Ung Thư Quốc Gia Pháp rất lo lắng trước hiện tượng này: « Chúng tôi luôn bị ảnh hưởng do việc không được cung cấp các loại thuốc hóa trị cơ bản. Hiện giờ chúng tôi được báo là sẽ không được cung cấp thuốc 5FU cần thiết cho việc điều trị ung thư đường ruột và vú, vì hàng đã hết. 15 ngày trước đây là loại gemcitabine và cisplatine, còn cách đây không lâu là vincristine, mùa hè vừa qua là bléomycine. Còn melphalan là thường xuyên... »
Các giải pháp của giới chuyên môn
Vấn đề này ngày càng khó giải quyết. Cơ quan ANSM có một số giải pháp, trong đó có việc nhập số thuốc mà kế hoạch ban đầu là dành cho những nước khác. Nhưng điều này vẫn không thỏa đáng.
Một cách khác là sử dụng các phân tử (molecule) gần như có cùng hiệu năng để thay thế. Có điều, như giải thích của Giáo sư Alain Astier, thuộc Viện Hàn Lâm Dược Học Quốc Gia Pháp (Académie nationale de pharmacie), « tuy giống nhau nhưng có thể gây tác dụng phụ khác nhau, hay không hiệu quả bằng. »
Là người còn chịu trách nhiệm về thuốc ở bệnh viện Henri Mondor ở Créteil, ngoại ô Paris, giáo sư Astier nhắc lại rằng không phải chỉ riêng thuốc về ung thư bị thiếu hut, mà nhiều loại khác, từ các loại gây tê, gây mê, vaccin, thuốc trị động kinh, cho đến rất nhiều loại kháng sinh, cũng đều bị thiếu và đặt ra những vấn đề nan giải.
Nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm đó đến từ việc giới sản xuất đã đánh giá là một số thuốc không mang lại đủ lợi nhuận để họ tiếp tục sản xuất. Đây là những loại thuốc được tung ra thị trường từ lâu và bán với giá thấp.
Theo nhà huyết học Jean Paul Vernant « giới sản xuất thấy không được lợi nữa thì họ ngưng sản xuất và quay sang những molécule mới mà việc chế tạo mang lại cho họ những khoản lợi nhuận to lớn, thay vì chú ý đến các loại thuốc ra trước, cho dù các thuốc này vẫn rất cần thiết cho người bệnh ».
Hiện nay thì thuốc gia công sản xuất ở ngoài rất nhiều, gần 80% hoạt chất, tức là thành tố chính, của các loại thuốc, đều nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ những nơi giá thành rẻ và không có quy định chặt chẽ về môi trường như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Theo ông Bruno Bonnemain, một dược sĩ kỳ cựu hiện là viện sĩ Viện Hàn Lâm Dược Học Pháp, việc gia công này cũng gây trở ngại vì khi người ta phát hiện một điều gì đấy bất ổn khi kiểm tra một nhà máy, hay một nhà cung cấp nào đó đột ngột thay đổi khách hàng, thì nhà sản xuất ở Pháp phải mất một thời gian tìm người gia công khác.
Ngưng cung cấp để gây sức ép tăng giá
Bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến sản xuất khiến cho thuốc thiếu hụt, còn có áp lực đến từ tình trạng nhu cầu trên thế giới tăng mạnh lên, khiến cho các nước không ngần ngại cạnh tranh nhau, sẵn sàng mua giá cao hơn, nhất là những loại thuốc ra trước đây mà giá vẫn rẻ trên thị trường như ở Pháp.
Trong tình hình này, nhiều người e ngại tình trạng ngưng cung cấp trở thành một phương thức để các viện bào chế gây áp lực hầu tăng giá một cách quá đáng.
Đây là phương thức thường áp dụng ở Mỹ, nhưng chỉ mới được ghi nhận một lần ở Pháp. Đây là trường hợp của thuốc carmustine, dùng để hóa trị, thoạt đầu được bán ra với giá 38 euro một lọ. Thế nhưng sau đó thuốc này không còn được cung cấp trong vòng 1 năm, để rồi xuất hiện trở lại với giá 900 euro một liều. Và theo giáo sư Astier, sau vài lần khan hiếm khác, carmustine hiện được bán ra với giá 1.405 euro một lọ.
Chính phủ Pháp đã không khoanh tay ngồi nhìn mà cố tìm phương thức đối phó với nạn thiếu hụt này.
Một ví dụ là đạo luật thông qua vào năm 2016, buộc các nhà sản xuất phải có « kế hoạch quản lý khả năng thiếu hụt » và gởi lên cho cơ quan chính quyền để xét duyệt lại. Tuy nhiên một số người hoài nghi hiệu quả của luật đó.
Trong tình hình nói trên, giới chuyên gia đang vặn óc tìm giải pháp : phải cần một kế hoạch táo bạo hơn. Hiện nay, cơ quan ANSM đã tập hợp một nhóm chuyên gia, hoàn thiện một số đề nghị đưa lên bộ Y Tế.
Trong những hướng đang suy nghĩ có việc lập kho dự trữ an toàn, đa dạng hóa các cơ sở sản xuất trong trường hợp đó là thuốc độc quyền, và nhất là khuyến khích đưa cơ sở sản xuất trở về Pháp, hay ít ra là về Châu Âu, đối với những sản phẩm quan trọng nhất. Một số viện bào chế đã được tiếp cận theo chiều hướng đó, nhưng đây là một việc làm dài hơi.
Các nhà thuốc Tây ở thành phố Pháp lập kế hoạch
Theo phóng sự điều tra của L’Express các nhà thuốc tây trong các thành phố Pháp đã lập kế hoạch ứng phó với nạn khan hiếm.
Ngay từ năm 2013, để thông tin lưu chuyển dễ hơn giữa các tác nhân trong dây chuyền : hiệu thuốc, giới bán sỉ, giới sản xuất, Hội Dược Sĩ Pháp đã thiết lập một hệ thống tự động thông báo sự thiếu hụt của một sản phẩm. Chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ là sẽ có tín hiệu báo động gởi đến công ty dược phẩm có liên can và giới chức trách y tế.
Nhưng điều này giúp tìm giải pháp trong trường hợp thuốc tạm thời bị thiếu hụt nơi hãng bán sỉ cho nhà thuốc.
Hiện nay thì một nửa trong số 22.000 nhà thuốc tây tại Pháp đã kết nối vào hệ thống này, và kết quả khá tốt.
Tại Mỹ, nơi mà nạn thiếu hụt thuốc cũng thường diễn ra, L’Express cho biết là gần 300 bệnh viện vừa thông báo quyết định tập hợp lại để thành lập viện bào chế thuốc của riêng mình, không chạy theo lợi nhuận, để sản xuất các loại thuốc đã có từ lâu đó.
Đức đứng đầu thế giới xuất khẩu dược phẩm năm 2016.
Theo số liệu do trang web Mỹ Howmuch vừa công bố liên quan đến tình hình xuất khẩu thuốc tây năm 2016, thì châu Âu vẫn đứng đầu với Đức chiếm đến 48,6% thị trường, Thụy Sĩ thứ 2 với 39,9%.
Pháp, Anh kém hơn, chỉ khoảng 22%, còn thua cả Bỉ 26,5%. Hoa Kỳ với 22,5%, đồng hạng với Anh và Pháp.
Các nước Châu Á thua xa các quốc gia phương Tây. Nước xuất khẩu quan trọng nhất là Ấn Độ cũng chỉ chiếm 11,6% thị trường, trong lúc Trung Quốc lẹt đẹt phía sau, chỉ được 2,8% mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét