Nhà báo độc lập - blogger Phạm Đoan Trang.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 27/2 lên án Việt Nam đã đàn áp nhà báo Phạm Đoan Trang và gia đình bà, đồng thời kêu gọi quốc tế gây áp lực lên chính quyền Hà Nội.Nhà báo độc lập, blogger Phạm Đoan Trang bị an ninh Việt Nam bắt đi thẩm vấn vào cuối tuần trước trong lúc bà về nhà ăn Tết với mẹ. Nội dung thẩm vấn liên quan đến cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” mà nhà báo này viết và xuất bản vào năm ngoái. Bà Phạm Đoan Trang đã được thả về nhà sau 23 giờ làm việc nhưng bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia và đối diện với nhiều nguy cơ sẽ bị bắt chính thức trong những ngày tới.
<!>
Vụ thẩm vấn xảy ra chỉ hai tuần sau khi bà Phạm Đoan Trang được một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Prague, Cộng hòa Sec, trao giải thưởng nhân quyền Homo Homini vào ngày 24/2.“Việc bắt giữ một người như bà Phạm Đoan Trang, người được quốc tế ca ngợi vì lòng can đảm và phẩm chất các bài viết của bà, cho thấy một mức độ mới trong chính sách đàn áp các nhà báo độc lập và các blogger của chính quyền Việt Nam”, ông Daniel Bastard, trưởng văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói.
Tổ chức bênh vực nhà báo quốc tế cũng đề cập đến trường hợp của blogger Hoàng Đức Bình, người vừa bị kết án 14 năm tù hôm 6/2 vì đăng các video về các cuộc biểu tình chống Formosa lên mạng xã hội.
RSF kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt đàn áp các nhà báo độc lập và các blogger, đồng thời kêu gọi Nghị viện châu Âu đóng băng việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, dự kiến sẽ được thông qua trong những tháng tới và có hiệu lực vào cuối năm nay.
Tuần rồi, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Hà Nội phóng thích các nhà hoạt động bị phạt tù vì biểu tình chống Formosa, công ty Đài Loan gây ra thảm họa môi trường lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, gây thiệt hại trực tiếp đến nguồn sinh kế của người dân các tỉnh miền Trung.
Việt Nam lâu nay vẫn nằm gần cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí của RSF. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia có mặt trong bảng xếp hạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét