Tiệm bánh Mr. Burger của “Ngài Đánh Rơi” Đỗ Quốc Huynh. (Hình: Pháp Luật TP.HCM) BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Người ta thường gọi chủ quán Mr. Burger với tên rất ngộ nghĩnh “Ngài Đánh Rơi” do anh này đã hàng chục lần nhặt được tài sản đều thông báo rộng rãi rồi trả lại tận tay cho người bị mất, gồm du khách Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Nam Hàn… lẫn khách Việt Nam.
<!>Gọi là quán Mr. Burger cho oai chứ thật sự đó chỉ là quầy bánh nhỏ nằm ở bờ kè Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Anh Đỗ Quốc Huynh vừa là chủ quán vừa là đầu bếp tự tay chế biến, nướng thịt kẹp vào bánh và phục vụ tận bàn, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Sáng 1 Tháng Hai, sau khi nhặt được chiếc bóp của một du khách người Nam Hàn, anh Huynh nhờ một người bạn đăng lên Facebook để tìm khổ chủ. Trong bóp có 1.2 triệu đồng (khoảng $52) và rất nhiều giấy tờ như bằng lái xe, thẻ sinh viên, thẻ tín dụng… đều mang tên Lee Jae Hyun. Theo những thông tin này thì anh Lee là sinh viên của Trường Đại Học Hoseo, Nam Hàn.
Sau vài giờ đồng hồ, anh Lee được nhiều bạn bè thông báo và tìm đến quán Mr. Burger để nhận lại. Cả hai trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Sau khi kiểm tra trong bóp còn đầy đủ tài sản và giấy tờ, chàng trai người Nam Hàn rút ra tờ 20,000 đồng (khoảng $1) tặng anh Huynh.
“Ngài Đánh Rơi” tốt bụng, anh Đỗ Quốc Huynh. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Tuy nhiên, anh Huynh lắc đầu từ chối. Tưởng ông chủ quán chê hậu tạ ít, anh Lee lấy thêm tờ 100,000 đồng (khoảng $5) dúi vào tay ân nhân. Lập tức Huynh anh đỏ mặt nói: “Nếu tôi chê ít hay nhiều thì khi nhặt được chiếc bóp này tôi đã lấy hết tiền rồi ném vào sọt rác chứ không thông báo rộng rãi cho bạn tìm đến đây.” Anh Lee Jae Hyun đã cúi đầu thật thấp để xin lỗi và luôn miệng nói cảm ơn.
Theo Lee, anh mới đến Việt Nam khoảng bốn ngày và chọn Mũi Né là điểm đến đầu tiên vì nghe bạn bè giới thiệu đây là vùng biển tuyệt đẹp và độc đáo. Tối hôm trước khi đi chơi cùng các bạn trong nhóm, anh Lee đánh rơi bóp lúc nào không hay.
Có lần, một người khách Việt ở Sài Gòn đánh rơi giấy tờ và hơn 15 triệu đồng (hơn $660) cũng được anh Huynh nhặt trả lại. “Nhiều lúc cũng buồn vì bóp bị kẻ xấu lấy hết tài sản ném lại, mình nhặt được thông báo cho người mất đến nhận, có người còn tỏ vẻ nghi ngờ. Sau khi nghe giải thích họ mới hiểu,” anh kể.
Mỗi tối, khách Tây đến quán của anh rất đông bởi vì món burger anh làm hợp khẩu vị, ngon miệng, chủ quán lại nói tiếng Anh giọng Mỹ khá tốt, hài hước và tốt bụng.
Anh Lee Jae Hyun rất vui khi nhận được tài sản, giấy tờ. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Câu chuyện của anh và Vova, một du khách người Nga, hơn ba năm rồi nhưng nhiều người ở đây vẫn nhớ. Đợt đến Mũi Né lần đầu, khi đi ngang qua tiệm bánh burger của anh, Vova lúc nào cũng chê là quầy hàng bé tí không xứng với tay chơi như anh ta và không bao giờ vào ăn dù bạn bè lôi kéo.
Khoảng nửa tháng lưu trú ở đây, Vova bất ngờ gặp trục trặc, thậm chí không có tiền để ăn uống hằng ngày. Không còn “sang chảnh” như trước, một hôm Vova quyết định đến tiệm bánh của anh Huynh gạt bỏ xấu hổ, nói thẳng rằng có thể cho anh ta ăn thiếu một tuần vì những quán khác đều không chấp nhận.
Anh Huynh vui vẻ gật đầu. Gần một tuần thiếu nợ, người nhà ở Nga chuyển tiền sang cho Vova thanh toán và về nước. Trước khi từ giã Mũi Né, Vova hỏi thẳng với Huynh: “Vì sao mày lại cho tao ăn thiếu, vì sao mày có thể giúp tao vô điều kiện như thế trong khi tao là người đáng ghét?” Huynh cười và trả lời gọn lỏn: “Vì tao tin mày!”
Một năm sau, Vova quay lại Mũi Né và kết nghĩa anh em với Huynh. Và giờ đây cả hai rất thân thiết.
Anh Huynh cho biết dù văn hóa khác biệt nhưng khi có niềm tin là đã tìm được tiếng nói chung, vượt qua mọi rào cản. “Du khách ở đây thích quán Mr. Burger nói sao bán vậy, không ‘chặt chém,’ không lừa lọc họ,” anh chia sẻ bí quyết của mình.
Nếu đến du lịch Mũi Né, đi qua khu vực bờ kè Hàm Tiến thấy quầy bánh burger có một thanh niên 27 tuổi mang tạp dề chế biến thì đó đúng là “Ngài Đánh Rơi.” (TS)
Bếp ăn “Quê Hương” cưu mang người nghèo Đồng Tháp
Cụ ông 82 tuổi ở An Giang 19 năm làm từ thiện
AN GIANG, Việt Nam (NV) – Ở tuổi 82 thay vì nghỉ ngơi, an hưởng, nhưng mỗi ngày một ông cụ ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, vẫn tất bật lo cho nhà ăn tình thương với hàng trăm phần ăn cho người nghèo.
Đó là cụ Võ Văn Tuần, tổ trưởng Tổ Từ Thiện xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Kể với báo Thanh Niên, cụ Tuần cho biết, cụ tham gia công việc từ thiện từ năm 1999, đến nay đã 19 năm. Thời gian đầu, cụ vận động các mạnh thường quân đóng góp tiền của, vật liệu để xây nhà cho những gia đình nghèo; đồng thời góp tiền, quần áo, lương thực hỗ trợ các gia đình bị thiên tai bão lụt. Tính đến nay, cụ đã đồng hành cùng các nhà thiện nguyện ở địa phương xây cất trên 80 ngôi nhà tình thương, mỗi căn trị giá 35 triệu đồng (hơn $1,541) cho người nghèo khắp nơi.
Ngoài việc cất nhà, cụ Tuần còn vận động nhiều người mua vật liệu vá đường, nâng cấp đường nông thôn, bắc nhiều cây cầu kiên cố như cầu Mười Cai, cầu Xẻo Ông Trăng ở địa phương, với kinh phí mỗi cây cầu trên 300 triệu đồng (hơn $13,209).
Tuy nhiên, điều cụ rất quan tâm là những học sinh nghèo, hiếu học. Để giúp đỡ những em học sinh nghèo, cụ Tuần đã vận động các nhà hảo tâm tặng xe đạp, sách vở và cấp học bổng cho nhiều em. Đặc biệt, một trong những việc làm mà cụ tâm đắc nhất là tổ chức được nhà ăn tình thương, mỗi ngày cung cấp 300 phần ăn giúp cho học sinh và những người lao động nghèo ở các xã thuộc huyện Thoại Sơn và huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, có được bữa cơm ấm lòng.
Tuy là nhà ăn tình thương nhưng rất rộng rãi, khang trang; bàn ghế, chén đũa luôn tươm tất, sạch sẽ. Tại đây, các học sinh ăn xong có giường chiếu và võng để nghỉ ngơi, ôn bài trước khi đến lớp buổi chiều.
“Nếu không có nhà ăn tình thương chắc em đã nghỉ học từ lâu rồi, bởi nhà em quá nghèo lại ở xa trường. Có cơm ăn miễn phí, có chỗ nghỉ trưa nên việc học của em rất thuận lợi,” em Nguyễn Thị Kim Loan, học sinh lớp 8, Trường Trung học Vĩnh Trạch, xúc động nói.
Để nhà ăn tình thương được duy trì, cụ Tuần đã vận động nhiều nhà thiện nguyện, các gia đình khá giả, các gian hàng rau củ quả… đóng góp tiền, gạo, thức ăn, rau xanh, củi đốt. Những năm qua, bình quân mỗi năm cụ Tuần vận động trên 2 tỷ đồng (hơn $88,062) cho các hoạt động từ thiện tại địa phương, trong đó chi phí cho nhà ăn tình thương khoảng 570 triệu đồng (hơn $25,097).
Từ khi nhà ăn tình thường mở cửa, ngày càng có nhiều mạnh thường quân ủng hộ. Đáng trân trọng nhất là ông Đào Văn Do đã hiến luôn 2,000 mét vuông đất của gia đình để xây dựng nhà ăn và làm bãi giữ xe miễn phí cho các em học sinh. (Tr.N)
Những ‘Hai Lúa’ ở Sóc Trăng nổi tiếng xây cầu từ thiện
SÓC TRĂNG, Việt Nam CS (NV) – Một nhóm nông dân chân chất, mộc mạc ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, vì thương quý đồng bào mình nên chỉ trong 3 năm đã dồn tâm sức, tiền bạc vận động xây dựng 47 cây cầu bê tông thay cầu khỉ.
Nói với báo Thanh Niên ngày 16 Tháng Tám, ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ (54 tuổi), xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, người khởi xướng phong trào xóa cầu khỉ, xây cầu bê tông thiện nguyện, cho biết: “Nhóm chúng tôi có 13 người ra đời từ năm 2015. Do Tân Long là xã vùng sâu vùng xa của tỉnh, sông rạch chằng chịt, người dân đi lại vô cùng khó khăn, nhất là các cháu học sinh phải đi học bằng ghe, xuồng, qua những cây cầu tạm bợ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn chỉ mong có được cây cầu vững chãi để đi nên anh em mới chung tay làm.”
Theo ông Nhỏ, do gia cảnh kinh tế còn khó khăn nên những người trong nhóm ai cũng tranh thủ vừa làm ruộng, vừa vận động kinh phí và trực tiếp xây cầu. Tất cả đều làm việc không công, không đòi hỏi bất cứ một ưu đãi nào.
Cây cầu đầu tiên được nhóm xây dựng bắc qua kênh Sáu Hằng, ấp Long An, ngay tại xã, dài 28 mét, rộng 2 mét, kinh phí trên 70 triệu đồng. Ban đầu, để có tiền xây cầu, mỗi người trong nhóm tự nguyện đóng góp rồi vận động thêm tài trợ và người dân trong xóm. Khi có tiền, anh em tự đo đạc, thiết kế rồi tìm mua vật tư, dụng cụ “đồ nghề” để xây cầu.
Từ đó, tiền xây cầu mỗi người góp một ít, phần lớn còn lại là của các nhà hảo tâm. Còn công xây cầu chủ yếu là do nhóm thực hiện với sự hỗ trợ của người dân địa phương. Tuy làm từ thiện, nhưng trước khi làm, nhóm đều có đơn xin phép chính quyền địa phương, có bản vẽ thiết kế phù hợp với địa hình như độ thông thuyền, độ cao cầu, chiều dài, rộng… nhằm có chiếc cầu đảm bảo, không cản trở giao thông đường thủy của ghe tàu.
Ðến nay, sau 3 năm hoạt động, nhóm nông dân xây cầu từ thiện Tân Long đã vận động xây dựng được 47 cầu bê tông cho quanh vùng từ thị xã Ngã Năm đến các xã vùng xa của huyện Thạnh Trị, với kinh phí từ 70-100 triệu đồng/cầu.
Hiện nhóm đang tích cực xây dựng thêm 4 cây cầu ở xã Tân Long. “Mỗi khi cầu xây xong chúng tôi mừng lắm. Thấy bà con đi lại thuận tiện, các cháu học sinh chạy xe đi học dễ dàng, ai cũng vui, nhiều đêm về vui quá ngủ không được,” ông Nhỏ cho biết thêm. (Tr.N)
Nữ sinh viên lập nhóm từ thiện, giúp người nghèo hàng chục triệu đồng
QUẢNG NAM (NV) – Lấy việc làm từ thiện là niềm vui cho mình, cũng như chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, cô sinh viên quê Hội An đã vận động lập nhóm từ thiện giúp người nghèo.
“Làm từ thiện cũng như việc mình đang theo đuổi một công việc nào đó, chỉ khi yêu thích nó, thì mới có thể dùng tâm sức, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và tấm lòng chân thành của mình,” Đỗ Thị Thu Hiếu, 19 tuổi, quê Hội An, sinh viên năm 1, trường đại học sư phạm Đà Nẵng mở đầu câu chuyện với phóng viên báo Thanh Niên, hôm 3 Tháng Mười Một.
Những ai từng gặp qua Hiếu đều bị thu hút bởi gương mặt dễ thương. Thoảng nhìn, không ai nghĩ một cô gái 19 tuổi như Hiếu lại có thành tích làm từ thiện với số tiền vận động lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Em sinh ra trong một gia đình vốn kém may mắn, lớn lên là một đứa trẻ không cha, họ hàng bên nội không công nhận. Cuộc sống vốn gặp nhiều khó khăn nên em rất đồng cảm và mong muốn làm một công việc gì đó có thể chia sẻ cho những mảnh đời kém may mắn giống như mình,” cô sinh viên nói.
Khởi đầu cho việc làm từ thiện, Hiếu đã viết những dòng tâm sự của mình, cùng với đó là những lời kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ. Chỉ sau một ngày em đã nhận được rất nhiều lương thực, thực phẩm, quần áo cùng với đó là số tiền gần 3 triệu đồng từ bạn bè và các nhà hảo tâm ủng hộ cho các em nhỏ thiếu may mắn.
“Khi trao tận tay những phần quà và tiền do mình quyên góp được cho các em nhỏ ở chùa, thấy những nụ cười của các em khi được nhận những phần quà nhỏ ấy trong lòng em tự nhiên thấy ấm áp hạnh phúc vô cùng. Em chưa từng nghĩ đến một ngày nào đó mình lại có thể làm việc từ thiện một cách thuyết phục và tạo được lòng tin từ nhiều người như lúc này,” Hiếu tâm sự.
Bây giờ đi làm từ thiện đã trở thành công việc mà Hiếu rất yêu thích. Một công việc hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng chân thành. Và mới đây, cô đã đứng ra thành lập nhóm từ thiện. Để có tiền, nhóm đã đi bán trà chanh, bút viết… để gây quỹ giúp đỡ những học sinh đang gặp nạn vì tai nạn giao thông, hay bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại bệnh viện.
Theo Hiếu, đến nay nhóm đã vận động quyên góp được gần 30 triệu đồng. Riêng với bản thân Hiếu, thông qua trang mạng xã hội quyên góp được 80 triệu đồng và đã trao tận tay số tiền quyên góp được cho những mảnh đời bệnh tật, khó khăn.
Khi nói về những dự định trong thời gian tới, Hiếu cho biết, sẽ tiếp tục chia thời gian học hợp lý, để thực hiện những chuyến từ thiện cùng bạn bè và sẽ không ngừng kêu gọi, phát động những chương trình gây quỹ từ thiện ở khắp Việt Nam để giúp đỡ cho nhiều người kém may mắn khác. (Tr.N)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét