Hơn nữa, chính lúc này có nhiều báo tại nhiều nơi họ đang in lại mà chẳng ai “xin phép” tôi cả. Họ cũng chẳng gửi cho tôi một bản để làm duyên...” anh Nguyên Sa cười và tiếp: “Cái đó lạ. Mà hầu như lại là một cái lệ ở làng báo Việt Nam này. Cái lệ thật tệ...” Anh vẫn chỉ cười và tiếp: "Loạt bài của anh tôi thích quá. Tôi học tiếng Việt ở bên Tây, và lúc nhỏ cứ tưởng Tây nó mới hay. Nay đọc loạt bài của anh...” Từ đó, từ giữa năm 1994 đến nay, anh Nguyên Sa cứ lâu lâu lại gọi lại, cho biết những sinh hoạt, những tin tức về bè bạn, về văn học các nơi, và anh còn nói: “Tôi đau hoài khá nặng. Nhà tôi ở Irvine, trên đường anh đi lên Santa Ana, nên rất là mong mời anh chị ghé chơi để chúng ta có cơ hội nói nhiều hơn về quê cũ, về Sơn Tây, Hà Nội ...” Tôi đã nhận lời, và nghĩ “thì cứ từ từ, hôm nào rảnh rồi sẽ lên thăm anh Nguyên Sa ...”
Lời hứa hãy bỏ đó, và thỉnh thoảng anh Nguyên Sa lại gọi tới. Qua những cuộc điện đàm, tôi được anh cho biết: “Năm 1947 thì phải, lúc tản cư khỏi Hà Nội, gia đình tôi chạy tạt về vùng Thạch Thất, quê anh đấy. Lâu quá không còn nhớ rõ. Tôi chỉ biết là có đi qua cống Đặng, qua con sông, rồi ở nhờ mấy làng ở chân núi.” Tôi lại cười và tiếp lời anh: “Cống Đặng thuộc làng Đặng Xá, làng của anh Tú Kếu – Trần Đức Uyển. Còn cái làng bên kia sông, ấy là các làng có cái tên thật hay là các làng Cần Kiệm, Phú Lễ, Phú Đa, Trúc Động, Hạ Lôi, ở quanh chân núi Câu Sơn, bên kia con sông Tích Giang ...”Tôi vừa nói đến đó thì anh Nguyên Sa vội ngắt lời: “Phải rồi, Trúc Động, tôi nhớ rồi ... Làng đầy tre. Một thứ tre to, lá lớn...” Tôi tiếp lời anh: “Đó là loại tre mai, lá to như một con cá. Thân tre to và thẳng. Đó là quê của anh Dương Nghiễm Mậu – Phí Ích Nghiễm”. Anh lại cười và nói: "Lạ thế ra nơi đó có nhiều người nổi tiếng quá nhỉ ...” Tôi tiếp: “Vâng các anh ấy nổi tiếng chứ không phải tôi”. Anh cười. Tôi tiếp: “Hạ Lôi, như một số sử liệu mới được phát giác, chính là nơi xuất phát cuộc
khởi nghĩa của hai vị nữ anh hùng Bà Trưng – Bà Triệu”. Cứ như thế, qua lại và nêu thắc mắc, Khi tôi viết về Quang Dũng và nói đến chị Hồ Điệp, thì anh lại gọi và nói: "Thế ra anh biết anh Quang Dũng kỹ quá nhỉ. Kể như cùng quê với nhau.. Từ làng anh, làng Nủa ra Phùng rất gần. Và chị Hồ Điệp nữa, người làng anh nhỉ.
Nói về chị Hồ Điệp, tôi muốn nói về quê ngoại của chị ấy và cũng là quê ngoại của chị Thái Hằng, Thái Thanh. Quê thật lắm tài... Đàn ông thì hát chèo thật hay. Đám chèo làng phải phục. Con gái thì hầu như tất cả đầu hát rất giỏi. Vì Hiệp là đất bãi, đất cát chỉ trồng mía và dâu, không thể cấy lúa được, nên đến mùa gặt, trai gái làng Hiệp (Hiệp Thượng và Hiệp Hạ) đến đất làng tôi cả làng quanh đấy để gặt thuê. Chính dân làng Hiệp trong các phiên gặt lúa ấy đã là đầu mối của các đêm hát ví tất là vui. Đó là những đêm trăng, lúc làm việc nhẹ, hoặc chờ một ngày nghỉ giữa hai ngày đi gặt, họ đã cất tiếng hát, hát đùa, hát đố các thanh niên nam nữ làng Nủa. Họ hát cho vui và còn để bày tỏ cái tài ứng đối rất văn vẻ của dân làng Hiệp. Tất nhiên thanh niên làng Nủa đâu có chịu lép. Con gà tức nhau tiếng gáy. Phải đối lại chứ. Vì thế có những đêm hát ví thật là khuya. Từ khi con trăng mới lộ ở đầu cây bưởi, cho đến khi con trăng sáng rực giữa trời, họ vẫn còn hát. Càng về đêm trăng càng như sáng hơn, tiếng hát của đôi bên hình như trong hơn. Các câu đố càng về khuya càng tức nên khó hơn và tình tứ hơn...
Tôi có nói chuyện này với anh Nguyên Sa, anh bảo: “Tiếc nhỉ. Tôi không có dịp sống ở nhà quê nhìn lúa như thế. Nhà quê thật là đẹp. Tôi đi Pháp sau khi tản cư về lại Hà Nội. Ở Pháp tôi học tiếng Việt...” Nỗi hối tiếc rất văn nghệ này của anh Nguyên Sa, tôi thông cảm được. Vì anh Nguyên Sa là con nhà giàu, rất giàu, được sinh ra giữa lúc nền cai trị của Pháp đang mạnh mẽ, muốn tiến thân các con nhà khá giả phải đi học trường Pháp. Nếu được gửi ra hải ngoại, hiểu là sang Pháp du học, là con đường chắc nhất. Học từ “chính gốc. Nói tiếng Tây như Tây..” Anh Nguyên Sa sinh vào đầu thập niên 30. Lúc nhỏ như anh cho biết là đi học trường Tây, rồi qua Tây. Nhà anh, lúc bé tôi có biết. Biết vì nhà anh rất đặc biệt, hầu như ai ở Hà Nội đều biết. Nhà anh không ở Hà Nội 36 phố phường như Hàng Đào, Hàng Vải, Hàng Đồng… ... Nhà anh ở khu phố Tây. Một khu phố bậc nhất. Tên phố ấy tiếng Pháp gọi là gì, tôi đã quên mất, nhưng tên Việt là Tràng Tiền. Nhà anh ở ngay căn đầu, ngay ngã 6, bắt đầu từ Nhà Hát Lớn nhìn ra. Phố ấy “chỉ có Tây nó ở” Các nhà hàng lớn của Tây ở đây. Nhà anh có một cái bảng hiệu thật to, vẽ một người được xếp lại bằng cái bánh xe cao su. Vì các cụ thân sinh ra anh là một trong mấy người thành công nhất Hà Nội lúc ấy. Cửa hiệu đề Establishment Trần Văn Chi. Đại diện cho hãng bán vỏ lốp xe và các vật đụng bằng cao su của hãng Michelin. Với tôi lúc bé nhìn bảng hiệu ấy mà sợ. Cửa hiệu to hơn hiệu Tây. Người ra vào tấp nập, Ai cũng mặc áo Tây, cà vạt chỉnh tề Và tất nhiên ở đấy không ai nói tiếng An Nam. Từ nhà anh hay Establishment Trần Văn Chi đi về tay mặt độ 300 thước đường rộng rợp bóng cây to, là viện Đại học Hà Nội, nơi độc nhất của toàn cõi Đông Dương sản xuất ra các quan đốc, các ông cử. Và gái Hà Nội nhìn vào đó mà có câu: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ. Anh không học ở đây ra là em không lấy”. Vẫn từ nhà anh, băng qua khu công viên rộng lớn trước nhà Hát Lớn là tới Viện Bảo Tàng, sát bờ sông. Ở đó, bên cạnh Viện Bảo tàng là bãi cát ven sông Hồng đỏ ngầu mênh mông.
Trẻ con HÀ NỘI ra đó đá bóng và tắm sông. Có lẽ anh Nguyên Sa cũng đã ra đây chơi đùa hồi nhỏ, nên anh đã viết:
Sông Hồng, tuổi nhỏ, ngút đầu
Dường như động mạch đục ngầu phù sa.
Vẫn từ cửa hiệu của nhà anh đi về phía trái chưa đầy 200 thước, gặp trên Tây, là thấy góc bờ hồ Hoàn Kiếm. Chính ở góc bờ hồ này là nơi các cô gái làng Nhật Tân đem hoa bày bán. Hoa phần lớn là bán cho Tây. Khác với các chị bán hoa quảng gánh đi giao tận nhà. Các gói hoa nhỏ gói vào lá chuối xanh, buộc cói chiếu. Trong gói có mấy cái hoa cúc, hoa lan, hoa huệ. Các hoa này được ngâm nước cho tươi rồi bày lên đĩa đặt lên bàn thờ Phật. Cũng từ nơi nhà anh Nguyên Sa, băng qua đường là nơi Tây nó từ nơi xa đến. Khách sạn sang hạng nhất, có cái cửa kính cứ quay đều đều. Đó là khách sạn Métropole. Từ ngoài đường nhìn vào chỉ thấy Tây – Đầm đi lại. Thấp thoáng có các người bồi An Nam mặc áo Tây trắng là thẳng tấp đi đi, lại lại, sách các va li cho Tây từ xe vào trong khách sạn. Tiếp tục đi là đến nhà băng Đông Dương. Một lối lên vòng như cái cầu, bên cạnh đường xe lửa là một hàng cây dừa nhỏ mọc đều... Gớm! Tây quá là Tây ở cái khu nhà anh Trần Bích Lan - Nguyên Sa ở lúc trước năm 1954.
Nhưng điều mà tôi ghi nhớ và ân hận là việc này. Chính nơi hội tụ của 6 con đường trước cửa nhà Hát Lớn này là một nơi đã diễn ra một biến cố lịch sử. Biến cố ấy đã mở đầu cho một cuộc chiến tranh dài và đau khổ của người Việt chúng ta. Chính nơi này, nếu đứng trên gác nhà anh Nguyên Sa nhìn xuống thì rõ mồn một. Hôm 18 tháng 8 năm 1945, hầu như toàn thể công chức và sinh viên Hà Nội đã có cuộc biểu tình lớn tại đây để bày tỏ lòng trung thành và ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim trong việc yêu cầu Nhật trả lại độc lập cho người Việt. Cuộc biểu tình to lớn, đã không bị lính Nhật đàn áp như nỗi lo sợ của nhiều người, vì thế hôm sau 19 tháng 8 năm 1945 vẫn thành phần trên, và được rất đông đồng bào Hà Nội ủng hộ. Họ đã kéo về đây để biểu dương lực lượng. Nhưng trước biển người hiện diện, bỗng có sự rối loạn nhỏ tại diễn đàn. Có vài phát súng lục nổ. Và bỗng từ từ lầu 2 của Nhà Hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại che kín suất cả khuôn cửa lớn của từng hai phủ xuống lầu một. Và trên diễn đàn bỗng náo nhiệt, và rồi sau là lời nói: "Đây là mặt trận Việt Minh..." Các lá cờ đỏ sao vàng cầm tay được phân phát lác đác và cả biển người thành ra cuộc nổi dậy của Việt Minh. Chính giáo sư trường Kỹ Nghệ Hà Nội, ông Nguyễn Văn Luân, người làng tôi, làng Nủa, là người đã xách cái va li đựng lá cờ ấy treo và thả xuống trước mặt tiền Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sai một li đi một dặm là ở chỗ này..
Điều này tôi chưa viết ra. Tôi định hôm nào như đã hứa, tôi sẽ lên thăm anh Nguyên Sa, tôi sẽ nói lại. Biết đâu, lúc ấy, cậu học trò 14 tuổi Trần Bích Lan, nếu đứng trên lầu nhà cậu, cậu đã thấy tất cả. Lịch sử nhờ đó sẽ được hé ra một phần. Tôi chắc là giữa chúng tôi, một thời đã ở Hà Nội, sẽ có nhiều điều nói với nhau. Đặc biệt là tháng 5 năm 1996, trong buổi ra mắt một cuốn sách Quê Nhà, 40 năm trở lại của tôi tại Philadelphia, khi gần tàn cuộc vui, tôi đi giữa các bàn để bắt tay mọi người, tôi có gặp một người. Đó là một cụ bà. Cụ đã nắm bàn tay tôi và nói: “Ông ơi, tôi đọc các bài viết của ông mà nhớ hồi tản cư quá. Chính gia đình tôi đã tản cư về làng Nủa chợ của ông. Tôi đến đây để gặp ông và cám ơn về làng Nủa... Tôi là cô thằng LAN”. Tôi xúc động và lễ phép thưa: “Dạ Lan nào ạ?” Cụ cười đáp: “Tôi là cô thằng Lan, Trần Bích Lan đấy!” Tôi “à”, và thưa "Dạ, Giáo sư Trần Bích Lan”. Khi trở lại San Diego, tôi có gọi cho anh Nguyên Sa. Anh cười ‘Vâng cô tôi đấy”.
Tôi không có thì giờ để hỏi rõ cụ bà này là thân thích thế nào với anh Nguyên Sa. Tôi cũng chưa có dịp hỏi anh Nguyên Sa thêm về thời gian anh đã tản cư qua vùng quê tôi. Có thể anh đã ghé làng tôi trước khi qua sông vào vùng chân núi. Vì làng tôi có cái chợ rất to, vùng phụ cận phải qua đây mua bán. Để hôm nào tôi lên thăm anh. Và để làm quà cho anh, tôi đã nhờ đứa cháu tại Hà Nội chụp cho tôi tấm hình Nhà Hát Lớn Hà Nội. Căn nhà đồ sộ ấy, dù chẳng muốn, chắc hẳn đã in đậm trong trí nhớ của anh. Con chim sẽ đậu trên bậu cửa căn gác nhà anh, anh mở cửa ra, con chim bay đi, có thể chỉ một cái xuôi cánh, đã lại đậu ở cái hoa văn, dù rất Tây, Nhà Hát Lớn. Tôi cũng bảo đứa cháu chụp căn nhà anh, căn nhà đồ sộ, ba tầng, xưa là cơ sở kinh doanh của cụ Trần Văn Chi. Có lẽ từ căn nhà này, sau khi tản cư từ vùng Thạch Thất, Sơn Tây về Hà Nội, cậu học trò Trần Bích Lan, đã ở trong một các căn buồng đẹp đẽ này. Và khi cậu được cho đi Pháp học, xe hơi từ nhà đưa cậu ra phi trường Gia Lâm. Đi cho nhanh, dù nhà cậu, là đi đường bờ sông, qua Cột Đồng Hồ, rồi lên cầu Long Biên, qua Gia Lâm bên kia sông. Nhưng tôi nghĩ rằng, cậu Trần Bích Lan, sau này là Thi sĩ Nguyên Sa, sẽ đi con đường khác. Từ nhà, cậu sẽ cho xe rẽ trái, đi suốt chiều dài của phố Trường Tiền, rẽ mặt ở góc bờ hồ, chỗ bán hoa, đi qua Bưu Điện, Tòa Đốc Lý, rồi lại rẽ mặt vào Hàng Đào ngập đầy tơ lụa. Tiếp đến là Hàng Ngang đầy các hiệu tạp hóa, rồi tới qua Hàng Đường ngọt thơm mùi bánh. Qua chợ Đồng Xuân, qua Hàng Giấy, đi dưới gầm cầu, rồi rẽ mặt ở Hàng Đậu. Bỏ cái nhà chứa nước rất to, trên ở đầu vườn hoa Hàng Đậu, ngang nơi tiếp giáp của đầu Hàng Than và phố Quan Thánh. Quan Thánh cái phố có hai dãy cây bàng cành đan che kín cả lòng đường. Lòng đường tuy không hẹp lắm, nhưng giữa đường có đường rầy xe lửa từ Hàng Giấy rẽ vào. Xe điện về đến đây ban tối chạy nhanh, lòng tàu rỗng không, kêu leng keng rồi mất hút về phía Thụy Khê. Con đường ven theo hồ Trúc Bạch mênh mông. Con đường gặp Cổ Ngư đầy gió mát giữa Trúc Bạch và Hồ Tây ... Xe của anh rẽ lên cầu Long Biên ở gần bến Nứa. Cái dốc cao. Cầu Long Biên cao lồng lộng gió bắc qua sông Hồng Hà đỏ quạnh phù sa. Từ trên cầu nhìn về tay phải là đường Bờ Sông, lối đi có Cột Đồng Hồ. Bên kia sông là bãi cát của huyện Gia Lâm, bao bọc bởi Hồng Hà một phía, một phía là con sông Đuống nổi tiếng qua thơ Hoàng Cầm. Tới phi trường Gia Lâm, lên máy bay để vào Nam, Saigon, trước khi qua Pháp, tôi nghĩ thế, chắc cựu học trò tài hoa Trần Bích Lan không thể không nhìn qua cửa kính máy bay để nhìn Hà Nội ở phút giã từ. Máy bay đảo một vòng. Dưới cánh máy bay phía tay phải, trước khi lấy hướng Nam, là Hà Nội của anh nằm giữa những lằn cây xanh. Hồ Hoàn Kiếm xanh có hình một quả xoài. Hồ Thiền Quan hình thang và lỗ chỗ các nền màu xanh ngọc bích của các mảnh hồ khác.. Máy bay lên cao. Hà Nội đã lấp sau làn mây trắng. Kể từ lúc ấy, sau khi tản cư về, tôi nghĩ sớm lắm cũng là năm 1948. Bây giờ là 1998, vừa tròn 50 tuổi. 50 năm bao nhiêu tang thương, đau khổ và 50 năm đó với cậu học trò Trần Bích Lan cũng đã trải qua bao chặng đường. Sinh viên du học, đi lại trên các con đường của Paris, của vườn Lục Xâm Bảo để, như nhà văn Pháp A.France, đã thấy lá vàng từng trận mưa trên vai các các pho tượng đá. Ở đây, anh đã đi chơi với Nga, để rồi có những lúc thấy
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngáy ngủ trên tay anh
Như con cá ươn sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển.
Mối tình riêng ấy, những rung cảm đầu đời ấy đã làm cho Nguyên Sa thi sĩ lừng lẫy suốt mấy thập niên qua. Đồng thời với người thơ tình lạng mạn ấy, một giáo sư triết học khó có người sánh kịp. Năm 1960 anh đã là giáo sư Triết (hay trước nữa?) của trường Chu Văn An và các trường trung học khác. Học trò năm chót trước khi vào đại học, đa số học trò chỉ thua anh vài tuổi. Có nhiều người vì hoàn cảnh chiến tranh đi học lại, thì lớn tuổi hơn "Thầy Lan" khá xa, 5, 7 tuổi là thường. Cũng thời gian ấy, đất nước mỗi lúc mỗi thêm chìm ngập trong lửa đạn, oán thù, và kéo hút theo bao nhiêu là người trai của thời cuộc, trong đó có bao nhiêu người là học trò của anh. Họ có mặt khắp nơi từ binh chủng này, binh chủng khác. Và cả chính anh, giáo sư Trần Bích Lan cũng bị gọi vào quân đội. Đi sau, anh có trên vai một cái cúc vàng còn gắn Alfa, chuẩn úy và tòng sự tại Đại đội Chung sự. Ở đây anh đã gặp lại một số học trò cũ. Gặp họ anh phải giơ tay chào vì họ đi lính trước. Và họ lại cúi đầu “Thưa thầy”. Nhưng đau đớn hơn hết, chính ở nơi này, cái bến cuối cùng của cuộc sống anh phải nhìn, lạnh ngắt và nhiều khi chỉ là một bố poncho lụn vụn thịt xương. Các thi hài ung máu đó, giữa những vật vã đau đớn của thân nhân, của nến trắng, giải khăn xô dài ai đã là học trò của anh giáo sư Trần Bích Lan.
Rồi cuộc đời sập xuống, tháng 4 năm 1975 ào đến, lớp lớp người đã đổ xô ra biển, tìm mọi cách rời khỏi Việt Nam. Trong số đó có anh, Trần Bích Lan. Trần Bích Lan trơn tru và nhẵn tay. Người thơ, người của Triết học bây giờ “Thi sĩ qua Mỹ làm Thợ Điện”:
Ta vô dòng điện hai chiều
Xẹt ngang cũng đủ cháy vèo thịt da
Chỗ đuôi con mắt đèn hoa muôn màu
Nghề thơ anh bỏ đã lâu...
“Nghề thơ anh bỏ đã lâu”, ấy là lúc đầu nghĩ thế. Sau anh trở lại với văn chương, với thơ Những bài thơ của người xa xứ. Những bài thơ vướng vất nỗi đau chung. Những bài thơ nhớ bạn bè. Và nhiều hơn hết là những bài thơ chất chứa nỗi chia lìa, bịnh hoạn, của khung cảnh nhà thương:
Cửa biển vào đầy gian phòng
Từng giọt nước mặn chạy vòng tới tim
Giọt thơ tuổi trẻ, giọt em ngày nào.
Nỗi ám ảnh ấy đầy ắp trong thơ Nguyên Sa ở tập 3 “Ta đang đi kiếm chỗ nằm. Mưa rơi nặng hạt đúng tầm sân sau”. Có lúc như ôn lại cả một cuộc đời với bao tên tuổi, anh viết:
Những tên cùng tuổi cho vèo lá bay
Vâng, thì bây giờ anh đã ra đi. Tất cả quả nhẹ nhàng như một chiếc lá. Nhưng qua những bài thơ anh để lại, tôi thấy có một sự khác biệt trong anh. Xưa anh viết những bài thơ tự do, như bài "Nga" (đã dẫn). Bây giờ anh như tìm lại cái vần điệu rất trữ tình, đầy Việt tính. Anh làm thơ lục bát rất nhiều, và bài nào cũng hay. Lời thơ nhẹ, hình ảnh đẹp và tình ý nồng nàn:
Con sông vẫn chưa có chồng
Sương hôm nay vẫn vậy, thích nằm quanh co
Ta cong mình xuống bãi xa
Con sông thấy lạnh bước qua nằm cùng
Phải chăng một người lớn lên tại Hà Nội, thành phố bốn mùa thay đổi. Sau cái nắng oi ả của tháng hè, một cơn gió nhẹ đêm qua thổi về, Hà Nội đã se lạnh. Hồ Gươm, mặt hồ đã đầy sương phủ. Sông Hồng quằn quại phù sa, một buổi Đông về, đã lưng trời mây bạc ... Những cảnh trí ấy đã tiềm ẩn nơi con người tưởng đi tìm cái mới từ cõi xa đem về, nay đã trở lại với cái hồn nắng gió của quê cũ. Năm xưa, trong tập thơ đầu tay của anh, có một đoạn thô suôi, tôi cho là Nguyên Sa nhất nếu tôi nhớ không sai như thế này:
Khi đi cũng xin đừng ai giữ
Còn nhớ, có thương, có tạc tượng bằng đá trắng đồng đen
Xin đừng bày ở sân trường đại học
Mà bày đùm ở một góc công viên
Và những người yêu nhau tình tự.
Tôi yêu mấy câu này quá. Vừa có cái cao ngạo của một người thành công trẻ, vừa có cái chất lãng mạn của người còn đang yêu. Bài thơ ấy đã có mặt tại Sài Gòn có lẽ ở những năm cuối thập niên 50 thì phải. Vâng, giờ anh đã đi xa. Anh đi lặng lẽ. Kẻ thương tiếc anh ở bốn phương cũng lặng lẽ nhớ về. Tôi được tin anh mất trong xúc động nhưng không đột ngột, vì anh bị bệnh đã lâu. Ung thư cổ. Chỉ tiếc, tiếc lắm, tôi chưa có dịp như anh mời, và tôi đã hứa, là lên thăm anh một buổi. Tôi đã có một số ảnh của Hà Nội, trong đó có ảnh Nhà Hát Lớn, và đặc biệt tấm ảnh của chính ngôi nhà anh. Vậy mà tôi đã lỡ. Dù từ nhà tôi ở lên anh chỉ có một giờ xe. Tôi tiếc mà không thể giữ anh ở lại vì anh đã có nói rồi “Tôi đi cũng xin đừng ai giữ” Anh đi nhé. Hà Nội còn giữ hẳn ở giữa lòng anh. Sông Hồng đang giữa mùa nắng đỏ. .
Thôi xin vĩnh biệt Nguyên Sa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét