Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Cái túi bùa - Nhật Tiến


Không hiểu bằng một cách nào đó, bà cụ Tám, hồi còn trẻ đã lặn lội tới tận Miếu Ba Cô ở làng Vĩnh Tràng, huyện Đất Đỏ, tỉnh Sơn Tây để xin cho được một dúm hạt rành rành có mầu đỏ rực như màu son và một mảnh giấy xuyến chỉ trên có vẽ nhằng nhịt nhưng dấu bùa và hình bát quái. Tất cả những thứ đó được bỏ vào một cái túi nhỏ bằng hai đốt ngón tay may bằng gấm Tầu và có một sợi dây đeo bện bằng thứ sợi chỉ tơ vàng óng. <!>

Bà cụ Tám gọi đó là bùa hộ mệnh do Ba Cô ban phát, và Ba Cô chỉ ban phát cho những kẻ nhất tâm kính lễ với một lòng tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của sức mạnh siêu hình. Cụ Tám hồi đó dụng công lặn lội như vậy là để cho chồng được luôn luôn bình an dù Ông Tám có vì nhiệm vụ mà phải xông pha mũi tên hòn đạn. 

Hôm tiễn chồng đi theo chiến dịch trên miền Thượng Lào trong cuộc chiến tranh chống Pháp, Cụ Tám thân hành quàng cái túi gấm kể trên vào cổ chồng và ân cần dặn dò:

- Mình cứ an tâm mà đi lo việc nước. Việc nuôi con đã có em lo. Điều hết sức cẩn trọng mà mình phải ghi nhớ, là đừng bao giờ dời ra khỏi túi bùa hộ mệnh này. Ba Cô linh ứng lắm. Ba Cô sẽ theo dõi, che chở phù hộ cho mình trước bất cứ mũi tên hòn đạn nào.

Ông Tám mỉm cười, cúi thấp đầu xuống để cho vợ choàng qua cổ mình sợi dây bện bằng chỉ tơ mềm mại. Trong thâm tâm, ông chẳng tin tưởng gì về chuyện dị đoan, nhưng chiều vợ, để cho bà Tám được an lòng cũng chẳng mất mát gì.

Sau bữa chia tay đó, ông Tám vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Đúng hai năm, bốn tháng, mười sáu ngày (bàTám đếm từng ngày như thế theo dõi từng bước chân đi của chồng yêu dấu), Ủy Ban Hành Chánh xã cử người đến thông báo cho bà được hay tin dữ. Ông Tám mất ở vùng Thượng Lào. Không mất ở chiến trường nhưng mất trong quân y viện. Bệnh sốt rét ngã nước. Người ta cũng trao lại cho bà Tám đầy đủ những đồ vật dụng của Ông Tám còn sở hữu lúc ông chết: một cái ví da nhầu nát, một mớ giấy chứng minh thư, giấy đi công tác, giấy ban khen, vài ngàn bạc tiền Hồ, một cây bút máy nội hóa và cả cái túi bùa.

Bà Tám thương chồng khóc ngất đi. Bà u sầu, ủ dột suốt mấy năm liền không khuây khỏa. Tuy nhiên lòng tin cậy của bà đối với Miếu Ba Cô vẫn không hề suy suyển. Ông Tám đâu có chết vì bom đạn. Ông chết vì bệnh sốt rét rừng. Bùa của Cô cho, biết đâu đã chẳng che chở an toàn cho ông trong biết bao nhiêu lần xông pha nơi trận mạc. Bà Tám do đó, vẫn một lòng cung kính chiếc túi nhỏ may bằng gấm Tầu, bên trong có những hạt rành rành đỏ như màu son và một mảnh giấy xuyến chỉ vẽ bùa nhằng nhịt.

Tháng sáu năm 1965, thằng Đĩnh, đứa con trai độc nhất của ông bà Tám, được lệnh đi B. Đi B là đi vô chiến trường miền Nam. Bây giờ thì bà Tám đã bước vào tuổi già. Mái tóc trên đầu bà đã ngả mầu muối tiêu, làn da cằn cõi sần sùi, khuôn mặt hom hem, xanh xám vì những khổ nhọc của đời sống, những nỗi lo âu phiền muộn hàng ngày và cả vì sự lao động cực nhọc mà yếu kém bồi dưỡng nữa. Cho nên hình ảnh tiễn chồng đi ra chiến trường gần hai mươi năm trước, đã chuyển sang đứa con đầu của bà. Vợ Đĩnh tay khoác tay nải, tay dắt đứa con trai đứng bịn rịn mãi với chồng ở trước sân ga Hàng Cỏ. 

Nàng có vẻ cứng dắn và điềm đạm hơn là chính cụ Tám đã đứng khóc sụt sùi đưa chồng đi chiến dịch hồi những năm trước. Hai vợ chồng nắm chặt tay nhau, nhưng không nói nhiều lời. Hầu như cả thế hệ phụ nữ ở thập niên 60 này đã quá quen thuộc với bầu không khí chiến tranh, thương tích, bệnh tật, và cả sự chia ly. Tất cả những thứ đó nghiễm nhiên là một sản phẩm tất yếu của chế độ mà khi một đứa trẻ sinh ra, lớn lên đã tự phải thích nghi, thấm nhuần cung cách sinh hoạt trong một môi trường đã hiện diện sẵn sàng những thứ như thế.

Cung cách biểu lộ tình cảm của bà Tám thì có khác hơn. Bà đứng lùi lại ở phía sau vợ Đĩnh một chút để cho chúng nó được tự do than thở dù chỉ là than thở qua ánh mắt nhìn nhau mà không thốt nên lời. Lòng cụ Tám thổn thức như sau bao nhiêu năm kể từ khi chồng chết, chưa bao giờ cụ thổn thức đến như thế. Cụ gợi nhớ đến ông Tám ngày xưa, cũng súng sính trong bộ quân phục màu vải Ka Ki xanh còn gần nguyên nếp hồ, cũng ánh mắt gần như nhạt nhòa vì bị che phủ bởi một màng lệ mà ông cố dằn xuống không cho nó trào ra . Điều đó làm cho cổ họng của ông như muốn tắc nghẽn lại và hai cánh mũi trở nên phập phồng. 

Thằng Đĩnh bây giờ cũng giống y chang ông Tám hồi đó. Môi nó mấp máy như muốn nói thật nhiều mà rút cục chẳng chọn được nên lời. Nó chỉ biết hết nắm tay vợ thật chặt rồi lại cúi xuống hôn thằng con trai, thằng Hải, năm ấy cũng chỉ vào lứa tuổi lên ba, lên bốn . 

Mãi tới lúc còi xe lửa rúc lên một hồi, vợ Đĩnh mới chịu lui ra một bên để cho mẹ chồng từ giã con trai. Bà cụ Tám ôm lấy vai con khóc nức nở và bây giờ bà mới nhận ra rằng số phận của bà quả là hẩm hiu: một đời người mà chịu tới cảnh hai lần tiễn chồng rồi tiễn con ra mặt trận. Bà thổn thức lấy ở trong hầu bao ra cái túi gấm nhỏ. Đạo bùa linh thiêng của Miễu Ba Cô. Bà cũng quàng lên cổ thằng Đĩnh cái túi ấy với đầy đủ những lời dặn dò như bà đã từng dặn dò ông Tám ngày trước:

- Ba Cô linh ứng lắm. Ba Cô sẽ theo dõi, phù hộ cho trước mũi tên hòn đạn .

Thằng Đĩnh tuy lòng ảo não mà cũng phải bật cười lên :

- Mẹ còn duy tâm quá. Chế độ ta là chế độ duy vật mà mẹ. 

Bà Tám phát bẳn lên :

- Tâm, vật cái con mẹ mày. Đừng có báng bổ, Cô vật chết. Cứ đeo liền vào cổ cho mẹ yên lòng.

Đĩnh chiều mẹ cúi đầu xuống và bà cụ lại một lần nữa choàng sợi dây tơ vàng óng qua cổ đứa con trai. 

Lần ra đi ấy là lần cuối cùng Đĩnh đoàn tụ đông đủ với người thân. Tin tức những người đi B vào thời kỳ đó rất mù mờ bởi chính sách của nhà nước là không bao giờ thông báo danh sách những tử sĩ ngoài chiến trường cho gia đình vì sợ tổn hại đến tinh thần chiến đấu của quần chúng .

Rút cục dư âm của Đĩnh vang vọng lại chỉ còn là những tấm phiếu mua hàng theo giá chính thức, những buổi mít tinh tuyên dương tập thể tất cả những gia đình có con em bộ đội đi B được tổ chức vào những dịp vận động những đợt mới tham gia nghĩa vụ quân sự, và sau cùng là những giấy khen, giấy chứng nhận “Gia đình Cách Mạng” qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ.

Bà cụ Tám chỉ thực sự biết tin con trai của mình đã không còn nữa khi một bạn đồng đội của Đĩnh đã trở thành phế binh, được trở về. Anh ta tên là Thái, cũng trạc tuổi với Đĩnh và bị cưa mất một giò trong chiến dịch Đông Xuân thực hiện ở mãi trên miệt Pleiku, Kontum gì đó. 

Đĩnh đã bỏ mình trong một trận đánh lớn, theo lời Thái kể lại, không phải vì bom, vì đạn, vì lưỡi lê hay dáo mác mà vì những xe tăng địch cầy nát cả một khu vực bên trong có những hầm hố ẩn núp. Thái cõng cái thân bầy nhầy máu me của bạn lê qua những đồi cỏ tranh um tùm và tới được một cánh rừng an toàn bên ngoài trận địa. Đĩnh đã chết sau đó ít phút, nhưng cũng còn đủ thì giờ gửi gấm những vật dụng cá nhân và địa chỉ của gia đình ở ngoài Bắc. Trong số những vật dụng đó có cả cái túi bùa may bằng gấm Tầu, bên trong có những hạt rành rành màu đỏ như son và một mảnh giấy xuyến chỉ vẽ những hình bát quái.

Cái túi bùa ấy, bà Tám thu hồi lại vẫn với một lòng thành kính, tin tưởng:

- Nó đâu có chết bom, chết đạn. Nó chết vì bị xe tăng cán. Âu cũng là bạc số.

Cái chết của Đĩnh đem lại cho số thu nhập của gia đình thêm được năm đồng mỗi tháng. Tiền liệt sĩ đấy ! Mà cũng chầy vẩy ra mới có, vì một đằng, Ủy Ban Nhân Dân Xã cứ chối bai bải là thằng Đĩnh còn đang chiến đấu anh dũng ngoài chiến trường, một đằng vợ Đĩnh cứ nhất quyết là chồng của chị đã hy sinh dưới làn xích sắt của xe tăng địch. Nhưng rồi cuộc tranh chấp cũng đi tới kết quả “tốt đẹp” cho gia đình cụ Tám. Chứng cớ rành rành ra đấy, ai mà ngoan cố chối cãi cho được. Chẳng lẽ khi không, vợ Đĩnh có được mớ giấy tờ tùy thân của chồng. Chẳng lẽ đến chiếc khăn tay do chính vợ Đĩnh thêu cho chồng một tuần lễ trước khi Đĩnh đi B bây giờ lại còn nằm trong tay vợ Đĩnh. Trên có bút tích của Đĩnh ghi đủ thứ địa danh mà Đĩnh đã đi qua. Đảng ủy cuối cùng phải thua cuộc, tổ chức lễ truy điệu um sùm cho liệt sĩ Đĩnh, người bộ đội anh hùng đã nêu cao truyền thống anh dũng bất khuất của nhân dân làng xã.

Trong cuộc tranh chấp không tiền khoáng hậu kể trên (với một bên nhất thiết đòi hỏi được xác nhận là chồng, con đã chết, một bên khẳng định đương sự vẫn hiên ngang, mạnh khoẻ ngoài trận địa, và bên thắng cuộc dù thương xót chồng con cách nào hẳn cũng vẫn phải mỉm một nụ cười hoan hỉ, thoả mãn), chỉ có một kẻ duy nhất hỗ trợ ngầm cho kẻ thế cô. 

Đó là đồng chí Tài, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã. Tài chưa vợ, nhưng cảm ngầm sắc đẹp gái một con trông mòn con mắt của vợ Đĩnh. Chỉ có cái mác đi B của Đĩnh là còn khiến cho Tài phải kiêng dè. Nay thì cánh cửa đã mở rộng. Liên hệ tình cảm với một thiếu phụ trẻ đã góa chồng đâu phải là một sự hủ hóa. Hơn hai năm sau, vợ Đĩnh bước đi bước nữa để thằng Hải lại cho bà cụ Tám nuôi với nguyên vẹn tiền tử tuất dành cho liệt sĩ và những tấm phiếu mua hàng giá chính thức được ban phát vào những dịp lễ lớn .

Những thứ đó coi vậy chứ chỉ là những hương hoa, không đủ bù đắp cho một nhà dù vỏn vẹn có hai miệng ăn. Bà cụ Tám phải đôn đáo chạy chỗ này, đắp chỗ kia. Niềm an ủi duy nhất của bà là “cái thằng Hải, càng lớn càng giống bố như đúc ”.

Đầu năm 1980, nhà nước mở chiến dịch đi Khu Kinh Tế Mới ở Pleiku, Kontum, cụ Tám chẳng biết những chỗ đó là ở đâu nhưng đã cảm thấy gần gũi, thân thiết ngay với những địa danh đó.Thằng Đĩnh đã chẳng hy sinh trên chiến trường Pleiku, Kon tum là gì. Một ngày đầu tháng chín, bà cháu líu ríu theo đoàn người xếp hàng chờ lên xe lửa để xuôi Nam.

Vùng định cư rõ ra là rừng xanh, núi đỏ, nhưng nhìn đâu bà cụ cũng thấy hơi hướng của thằng con trai. Biết đâu thằng Đĩnh đã chẳng đi qua khu rừng này, ngọn đồi này, con suối này. Biết đâu xác thằng Đĩnh đã chẳng chôn vùi đâu đó quanh quẩn nơi đây, những cây sồi già hay cạnh những gốc cây cao su mà nhân dân vùng kinh tế mới đem trồng .

“Nhìn hàng cây cao su thẳng tắp như đội ngũ tuổi trẻ của tổ quốc Việt Nam quang vinh, chúng ta không thể không hãnh diện về những đóng góp của nhân dân xã ta trong công cuộc góp phần xây dựng tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa.

Đó là lời mở đầu văn hoa của đồng chí Chủ Tịch xã Tân Lập trong buổi mít tinh phát động phong trào thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự.
Trong danh sách đợt đầu, thằng Hải đã có tên đi. Có cả tên mấy đứa bạn thân của Hải nữa. Mấy hôm trước ngày phải trình diện, chúng nó tụ tập nhau ở ngoài quán nước, bàn cãi công khai. Trí nói:

- Kampuchia là cái xứ chó chết nào? Tại sao mình lại phải đi đánh nhau ở đó?

Phú mỉa mai:

- Xứ nào thì xứ, vấn đề là ở chỗ chiến tranh đã trở thành nghề của các cấp lãnh đạo ta. Tao tự hỏi nếu không tiến hành chiến tranh thì các ông ấy sẽ chẳng biết phải làm cái gì hết.

Hải tự nhiên nổi giận. Nó văng tục một câu rồi nói tiếp:

- Chúng nó toan tính làm cái gì thì kệ mẹ chúng nó. Nhưng tuổi trẻ của tao phải khác với tuổi trẻ của ông nội tao, của bố tao. Tao không muốn tiếp tục trở thành những tay sai, những quân chốt thí muôn năm hết đời này qua đời khác mà chỉ để cho chính chúng nó hưởng thôi....

Thằng Hưng, đứa lớn nhất trong bọn, luôn luôn bao giờ cũng trầm tĩnh và đĩnh đạc hơn. Nó vỗ vai Hải một cái nhẹ rồi nói nhỏ:

- Muốn gì thì muốn nhưng phát ngôn bừa bãi không phải là cung cách tốt để giải quyết vấn đề. Nếu tụi mày không chịu giữ gìn lời ăn, tiếng nói thì tao bỏ!

Hải chịu là thằng Hưng có lý. Nó mỉm cười đổi giọng châm biếm:

- Nói gì thì nói chứ tuổi trẻ chúng ta bao giờ chẳng là đội ngũ tiên phong trong công cuộc chiến đấu và bảo vệ tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa.

Một đứa chen vào:

- Và nghĩa vụ quốc tế vô sản nữa chứ!

Cả bọn cũng cười rộ rồi đứng lên giải tán. Hải lững thững đi về nhà. Lòng ngổn ngang với những ý tưởng khích động trong đầu. Nó chưa thể hình dung đoạn đường sắp phải trải qua nhưng trái tim của nó đã đập rộn ràng với câu nói của Hưng thì thào trong buổi hội ý hôm nào:

- Từ Kampuchia vượt qua Thái Lan không xa lắm đâu. Nhiều lắm là hai ngày băng rừng...

Buổi sáng hôm chia tay đi trình diện, bà cụ Tám ôm lấy Hải khóc nức nở. Hải cũng ôm lấy thân hình còm cõi, nhỏ thó của bà nước mắt rưng rưng. Bà Tám nói:

- Con đi bình an và nhớ trở về với bà nhé.

Đây là lần thứ ba trong cuộc đời khốn khổ bà đã thốt lên những lời não lòng ấy, chiến tranh chết chóc, chia ly, mọi thứ hầu như không hề thay đổi trong suốt gần một nửa thế kỷ vừa qua. Duy chỉ có thân hình của bà là đã hoàn toàn suy sụp. Bà đứng trên hai chân đang run lẩy bẩy. Bàn tay nhăn nheo sờ soạng lên cổ lên vai của đứa cháu nội để cố quàng qua đầu nó chiếc túi bùa may băng một dây chỉ bện bằng những sợi tơ vàng óng. Bà thều thào:

- Đừng dời ra con nhé. Ba Cô sẽ phù hộ cho con...

Thằng Hải cúi thấp đầu xuống (như ông nội nó, như bố Đĩnh đã từng cúi xuống) để nhận cái hành động mang nặng những ân tình sâu xa của người đàn bà một đời khốn khổ.

Tự nhiên nước mắt của Hải trào ra, đồng thời lòng nó dâng lên một niềm bi phẫn. Nó thầm thì qua tai bà nội:

- Cháu không biết đến bao giờ mới trở lại được với bà. Nhưng cháu tin chắc rằng đến đời của cháu sẽ là đời cuối cũng mà bà phải trông cậy vào cả túi bùa của Ba Cô. Phải như thế không bà ?

Bà cụ Tám xiết chặt lấy cháu hơn nữa, áp đôi má còn nóng hổi nhưng giọt lệ lên ngực áo của Hải và gật đầu lia lịa.

Nhật Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét