Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Nền kinh tế Hoa Kỳ còn tốt đẹp trong năm Mậu Tuất 2018?

Cali Today news – Ngày 20/1/2018, đúng một năm Tổng thống Trump nhậm chức, hàng triệu phụ nữ ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới xuống đường tuần hành phản đối TT Trump về quyền phụ nữ, di dân, kỳ thị chủng tộc và đồng tính luyến ái v.v.. thì TT Trump đã tweet: “Beautiful weather all over our great country, a perfect day for all Women to March. Get out there now to celebrate the historic milestones and unprecedented economic success and wealth creation that has taken place over the last 12 months. Lowest female unemployment in 18 years!”
<!>(“Thời tiết rất đẹp trên khắp đất nước vĩ đại của chúng ta, một ngày tuyệt vời để tất cả phụ nữ xuống đường vào lúc này để ăn mừng các bước lịch sử, sự thành công kinh tế chưa có tiền lệ và sự giàu có diễn ra trong 12 tháng qua. Mức thất nghiệp của phụ nữ thấp nhất trong 18 năm qua.)
Tổng thống Trump đã nói rất đúng tình trạng kinh tế Hoa Kỳ. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tiếp tục phục hồi và rất sáng lạng trong năm 2017. Các chỉ số kinh kế, từ tăng trưởng đến thất nghiệp trong năm 2017 đều là những con số tốt đẹp nhất trong vòng thời gian một thập niên qua. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tiếp tục tốt đẹp hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình chính trị, chính sách kinh tế, tài chánh, thương mại, không chỉ riêng Hoa Kỳ mà cũng bị ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Về hình chính trị, ở các nước Âu Châu chính, Tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron của Pháp chỉ mới nhậm chức được trên nửa năm và đang phải đối diện với tỷ lệ thất nghiệp rất cao, trên 9%, sự chia rẽ của quốc gia cũng rất cao. Ở Anh, bà Therasa May, lên làm thủ tướng mới trên một năm, và đang đối mặt với tình hình kinh tế khó biết sẽ như thế nào sau khi chính thức rút chân khỏi Liên Âu. Đức là cường quốc số Một ở Âu châu thì sau cuộc bầu cử ngày 24-9-2017, bà Angela Merkel vẫn chưa thể thành lập được chính phủ liên hiệp. Và khó biết tới tháng 3 năm nay chính phủ liên hiệp 3 đảng có thể được thành lập và trở thành một chính phủ ổn định hay không? Chính phủ Trump có thể nói là một chính phủ không ổn định ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, hy vọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ lại rất lớn. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã khen ngợi Luật Thuế của Tổng thống Trump, nói rằng luật thuế này giúp thúc đẩy cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF tiên đoán mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 là 3.9%, kinh tế Hoa Kỳ có mức tăng trưởng là 2.7%, tăng thêm 0.2% so với tiên đoán đưa ra trong tháng 10. Mức tăng trưởng của Liên Âu là 2.2%, Nhật là 1.2%, Anh là 1.5%, của Trung Cộng trong là 6.6%. Mức phát triển ở Trung Đông, Bắc Phi đều tăng trong năm nay, nhưng vẫn ở con số khoảng 3.6%. Trong lúc đó, nền kinh tế Châu Mỹ La Tinh sẽ suy giảm vì ảnh hưởng sụp đổ kinh tế của Venezuela.
Theo Ủy Ban Mở Cửa Thị Trường Liên Bang (Federal Open Market Committee –FOMC), tăng trưởng Tổng Sản Lượng Hoa Kỳ năm 2018 là 2.5%, xuống còn 2.1% trong năm 2019 và 2% trong năm 2020. Nạn thất nghiệp từ 4.1% trong năm 2017 sẽ xuống còn 3.9% trong năm 2018, nhưng bà Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Janet Yellen thừa nhận con số công nhân làm việc bán thời gian quá đông, cần phải tạo công ăn việc làm toàn phần, và Hoa Kỳ cần phải đưa ra con số thất nghiệp chính xác hơn. Theo Fed, lạm phát trong năm 2018 là 1.9%, và Fed sẽ tăng lãi xuất lên 2.1% trong năm 2018.
Như vậy, năm 2018 là năm nền kinh tế toàn cầu nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đều rất lạc quan. Tuy nhiên, ông Maurice Obstfeld là cố vấn kinh tế của IMF cũng cảnh báo rằng: Đây là những tin rất tốt, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị phải nhớ rằng, sự tăng trưởng phản ảnh những tình trạng không kéo dài.. Các nhà làm chính sách phải nhân cơ hội giải quyết tình trạng mất quân bằng, giảm nợ và chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng kế tiếp, có thể đến nhanh hơn sự suy nghĩ của IMF. Đang có nhiều yếu tố có thể làm nguy hại cho sự phát triển trong trường kỳ, gồm mất quân bằng, khí hậu thay đổi, bất ổn chính trị, các chính sách hướng nội đưa ra những hàng rào mậu dịch.
Trong lúc IMF và Fed đưa ra nhiều tiên đoán lạc quan, thì cũng có nhiều nhà kinh tế Hoa Kỳ cảnh báo năm 2018 là năm có thể bắt đầu cho một cuộc suy thoái mới. Tại Hội Nghị Viễn Ảnh Dịch Vụ Lương Nông 2018, Giáo sư Steven Kyle của Trường Áp Dụng Kinh Tế và Quản Trị Charles H. Dyson School nói rằng nền kinh tế đã lên mức tột đỉnh lại là lúc có thể bắt đầu đi xuống. Và ông ta không thấy điều gì có thể làm thay đổi.
Những nhà kinh tế bi quan nói rằng kỷ thuật tính Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) là dùng dữ liệu tiêu thụ, đầu tư và chi tiêu. Nếu các dữ liệu dùng tính GDP bắt đầu giảm, thì không thể nói nền kinh tế đang phát triển.
Theo các nhà kinh tế này, dịch vụ bán hàng lẻ và thực phẩm đang trở nên tồi tệ. Vào năm 2011, dịch vụ này tăng trưởng 5%, hiện giờ chỉ còn 2.5%. Chỉ số tin tưởng tiêu thụ cao, nhưng người Mỹ không còn mua sắm nhiều. Trước cuộc đại suy thoái 2007-2009, và trước cuộc suy thoái 2001, mức tiêu thụ của người Mỹ cũng đã suy giảm như vậy. Nếu theo dõi tỷ lệ hàng tồn kho (inventory) và số hàng bán ra thì rất đáng quan tâm. Hiện giờ tỷ lệ này là 1.36, là một tỷ lệ rất cao.
Và những yếu tố có thể tạo khó khăn hay làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bắt đầu suy thoái gồm:
· Số tiền công nợ quá lớn. Vào cuối tháng 10/2017, số tiền nợ lên trên 20,4 ngàn tỷ, trong lúc GDP năm 2017 chỉ trên 19 ngàn tỷ, nợ cao hơn GDP trên 100%. Nếu lấy số nợ chia cho đầu người, mỗi công dân Hoa Kỳ gánh chịu $63.000 tiền nợ. Trong năm 2018, khi luật thuế mới có hiệu lực, số tiền công nợ sẽ lên con số trên 24,1 ngàn tỷ. Khi tỷ lệ nợ và GDP lên cao, các nhà đầu tư sẽ lo ngại quốc gia khó trả tiền vay mượn, họ sẽ đòi tiền lãi cao hơn, nhu cầu đối với tín phiếu giảm, làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu tín phiếu giảm cũng tạo áp lực đối với đồng mỹ kim. Quốc hội Hoa Kỳ từ lâu cũng đã lo ngại phải đối diện với cuộc khủng hoảng nợ không biết xảy ra lúc nào.
· Nhiều người tin tưởng nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh khi nhìn tới thị trường chứng khoán. Năm 2017 là năm vàng son của thị trường chứng khoán. Lý do chính làm trao đổi chứng khoán lên cao là các nhà đầu tư tin tưởng TT Trump giảm thuế lợi tức và thuế ngày lễ (tax holiday) sẽ đem đến Hoa Kỳ hàng tỷ mỹ kim từ các nước, các công ty đã chi tiêu nhiều hơn và thuê mướn nhiều hơn. Một lý do nữa là trong lúc bỏ tiền vô quỹ tiết kiệm, hay mua chứng chỉ ký thác (certificates of deposit-CDs) với lãi xuất quá thấp, những người có tiền chỉ có một chọn lựa tốt nhất là mua chứng khoán. Tình trạng này đang làm cho thị trường chứng khoán trở thành thị trường bong bóng. Trong lịch sử, bong bóng chứng khoán đã bể nhiều lần. Mới nhất, trong giữa thập niên 1990, chứng khoán các công ty kỹ thuật lên liên tục, từng có bác sĩ nghỉ việc ở nhà chơi chứng khoán, nhưng vào đầu năm 2000, bong bóng DOT-com bắt đầu bể và đưa nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn.
· Mức thất nghiệp trong tháng Giêng/2017 là 4.8% và liên tục giảm, còn 4.1% trong tháng 10/2017, nhưng con số công nhân thất nghiệp có thể đi làm lại không đi tìm việc làm là 63.1%, cho thấy con số người không tham gia đóng góp vào nền kinh tế rất lớn.
· Tổng thống Trump là người chống toàn cầu hóa, rút khỏi TPP, điều đình lại các hiệp ước tự do thương mại nhằm giảm khiếm ngạch mậu dịch. Tuy nhiên, theo tài liệu của Census Bureau và Bureau of Economic Analysis công bố, thâm thủng mậu dịch năm 2017 tăng 12% so với năm 2016. Để giữ lời hứa, chính phủ Trump sẽ phải áp đặt hay tăng thêm các hàng rào mậu dịch và điều này có thể gặp lại sự trả đũa của các nước, có thể ảnh hưởng tới việc xuất cảng hàng hóa Hoa Kỳ.
· Chính phủ Trump là một chính phủ không ổn định. Thông thường, các tân chính phủ Hoa Kỳ, năm đầu tiên là năm nội các vững vàng nhất, mức chấp thuận của dân chúng đối với tổng thống lên cao nhất, nhưng Tổng thống Trump là vị Tổng thống có mức chấp thuận thấp nhất chưa từng có trong lịch sử trong năm đầu tiên với 38% và số người mạnh mẽ chấp thuận chỉ có 29%. Chính phủ Trump cũng là chính phủ không ổn định nhất, chỉ chưa đầy một tháng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn đã phải ra đi. Cố vấn Craig Deare bị đuổi vì chỉ trích TT. Trong tháng 5/2017, Giám đốc FBI James Comey bị cách chức. Tháng 7, Chánh Văn Phòng Reince Priebus mất chức. Trong tháng 9, Bộ Trưởng Y Tế Tom Price nghỉ việc..! Việc ban vận động tranh cử của ông Trump có liên hệ với Nga hay không và Nga nhúng tay thao túng cuộc bầu cử TT Hoa Kỳ năm 2016 như thế nào còn đang trong vòng điều tra, và cuộc điều tra này làm cho sự ổn định chính trị Hoa Kỳ trở nên khó đoán hơn. Có lẽ TT Trump cũng là vị TT có nhiều tai tiếng nhất trong năm đầu tiên, ít nhất đang có 19 phụ nữ đòi quốc hội điều tra và đưa ông ta ra tòa vì tội quấy rối tình dục (sex harrassment). Mới nhất, nhóm Common Cause cũng đã nộp đơn đòi Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang (Federal Election Commission) và Bộ Tư Pháp đòi điều tra việc một luật sư của ông Trump đã trả $130.000 cho ngôi sao phim tình dục Stephanie Clifford để cô này ký giấy cam đoan không tiết lộ việc liên hệ tình dục với ông Trump trong thời gian tranh cử!
Ổn định chính trị và phát triển kinh tế liên kết chặt chẽ như hình với bóng. Tình trạng kinh tế bất ổn có thể dẫn tới sụp đổ một chính phủ hay bất ổn chính trị. Ngược lại, bất ổn chính trị cũng sẽ đem lại nhiều hậu quả cho nền kinh tế. Giáo sư Steve Kyle nhận định: “Điều khó biết nhất là sự điều tra của ông Robert Mueller. Cuộc điều tra có thể đưa tới tình trạng khủng hoảng hiến pháp qua ít nhất 2 trường hợp: Một là TT Trump bãi chức ông Mueller trước khi cuộc điều tra kết thúc. Hai là một số dân biểu quốc hội và dân chúng không chấp nhận kết quả điều tra. Và cuộc khủng hoảng hiến pháp có thể dẫn tới suy thoái hay không, mọi người đều có thể trả lời được. Không phải chỉ có ông ta!
Mong rằng nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tốt đẹp và sự tin tưởng tuyệt đối vào TT Trump của nhiều người Việt, đang tiếp tục diễn tả ông ta là một thiên tài, một vị thần giáng trần cứu nước Mỹ, sẽ giúp VN chống Trung Cộng v.v.. hoàn toàn chính xác. Nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại. America Great Again.

Huệ Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét