Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Việt Nam chưa bao giờ thực tâm cải cách tư phá , luật sư Lê Công Định. - Kính Hoà RFA

Luật sư Lê Công Định trả lời hãng tin AFP, tháng Tư, 2015.
Luật sư Lê Công Định trả lời hãng tin AFP, tháng Tư, 2015
Luật sư Võ An Đôn bị đoàn luật sư Phú Yên rút giấy phép hành nghề và khai trừ ra khỏi đoàn luật sư tỉnh Phú Yên, vào tháng 11 năm 2017.
Cách đây 3 năm, năm 2014, một luật sư khác là ông Nguyễn Đăng Trừng, một đảng viên cộng sản, cũng bị khai trừ ra khỏi đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.
Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, phân tích với Kính Hòa, đài Á châu tự do điều gọi là cải cách tư pháp tại Việt Nam trong thời gian 30 mươi năm qua. Trước tiên ông đánh giá sự kiện khai trừ luật sư Võ An Đôn ra khỏi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.<!>
Luật sư Lê Công Định: Tôi cho đó là sự việc rất nghiêm trọng vì ở đây, đó là quyền tự do ngôn luận, được hiến pháp ghi nhận, chứ không phải là một cách quyền bị luật pháp cấm đoán. Do đó việc nói luật sư Đôn có những phát ngôn vi phạm pháp luật Việt Nam, để rồi từ đó xóa tên ông khỏi đoàn luật sư thì đó là một dấu hiệu rất là nguy hiểm. Và từ nay nếu những luật sư Việt Nam nếu vẫn tiếp tục hành nghề, thì họ phải rất cẩn trọng trong lời nói của họ, tức là họ không được nói những điều gì mà chính quyền cảm thấy không hài lòng.
Việc chấp nhận định chế luật sư, cho phép các luật sư hành nghề, là ở tình thế bắt buộc mà đảng cầm quyền không có sự lựa chọn mặc dầu họ không muốn.
-Luật sư Lê Công Định.
Vai trò luật sư trong nền tư pháp rất quan trọng, luật sư là một định chế bổ trợ tư pháp. Bổ trợ tư pháp có nghĩa là nền tư pháp vận hành theo cái hướng là đi đến công lý cho mọi công dân trong xã hội, trong đó tòa án đóng vai trò chính, những ngành liên quan đến tư pháp phục vụ cho việc xét xử, mang đến công lý thì đều được nhìn là bổ trợ tư pháp. Không những tòa án độc lập mà những nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, cũng đòi hỏi có sự độc lập, đặc biệt là nghề luật sư.
Chúng ta thấy rằng những trường hợp như luật sư Trừng, luật sư Đôn, tuy khác nhau về sự việc nhưng đều giống nhau ở chổ là cả hai người đều bày tỏ sự không phục tùng sự chỉ đạo của đảng cầm quyền. Ông Trừng thì không muốn có sự sắp đặt của đảng bộ ở Sài Gòn, muốn ông phải thôi chức vụ, bởi vì theo ông luật sư phải độc lập, và cái tổ chức luật sư ở Sài Gòn phải độc lập để bầu ra người lãnh đạo cho nó. Ông đã phản ứng lại việc ép ông không ra ứng cử nữa.
Trường hợp luật sư Đôn cũng vậy, ông không thể hiện sự phục tùng đảng cầm quyền. Họ luôn muốn ông là phải có những phát ngôn không phương hại đến địa vị cầm quyền của họ. Ông làm mất đi điều mà họ muốn bảo vệ trước mặt công chúng. Luật sư Đôn là người bộc trực, nói thẳng ra những vấn đề mà đảng cầm quyền không vừa ý.
Kính Hòa: Đối với ngành tư pháp của Việt Nam từ khi những người cộng sản lên cầm quyền, có lẽ chúng ta cũng phải công nhận là từ chế độ  bồi thẩm nhân dân, cho đến chấp nhận luật sư tranh luận ở tòa, thì những nhà cầm quyền ở Việt Nam cũng đã thực hiện cải cách tư pháp, vậy ông có thấy là sự việc luật sư Võ An Đôn là chỉ dấu cho thấy Đảng Cộng sản muốn trở lại chuyện muốn kiểm soát hoàn toàn ngành tư pháp hay không?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta phải thấy là việc chấp nhận định chế luật sư, cho phép các luật sư hành nghề, là ở tình thế bắt buộc mà đảng cầm quyền không có sự lựa chọn mặc dầu họ không muốn.
Nếu chúng ta đi ngược lịch sử đến năm 1945, khi ông Hồ lên cầm quyền thì ông có một sắc luật liên quan đến việc tổ chức nghề luật sư trở lại. Nhưng cái việc tổ chức đó chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, rồi ngay sau đó định chế luật sư bị lãng quên, và người ta xét thấy rằng là việc cai trị bằng luật pháp là không cần thiết mà bằng chỉ thị nghị quyết của đảng mà thôi. Cho nên là vai trò của tòa án còn bị coi nhẹ huống hồ gì là luật sư.
Người ta xét thấy rằng là việc cai trị bằng luật pháp là không cần thiết mà bằng chỉ thị nghị quyết của đảng mà thôi.
-Luật sư Lê Công Định.
Mãi đến khi Việt Nam cải cách kinh tế, mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài vào năm 1986, thì họ thấy cần thiết phải có định chế luật sư, tạo bộ mặt dân chủ cho chính quyền, đồng thời giúp nâng niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài, nên nghề luật sư được chấp nhận trở lại. Chúng ta thấy là dù họ không muốn, nhưng phải đánh giá đó là bước tiến triển của ngành tư pháp Việt Nam. Từ khi có pháp lệnh về luật sư từ năm 1987 đến giờ thì quả là một giai đoạn phát triển vượt bậc của nghề luật sư tại Việt Nam.
Nhưng khi những đòi hỏi dân chủ ngày càng phát sinh nhiều, và nhà cầm quyền không thể kiểm soát sự phát triển của những luật sư độc lập, không chấp nhận sự chỉ đạo, chỉ thị của đảng cầm quyền nữa, ngay lập tức họ quay ngược trở lại là muốn siết chặt việc kiểm soát các luật sư. Chúng ta thấy rằng đầu tiên là việc sửa đổi bộ luật hình sự với điều 19, khoản 3, liên quan đến việc tố giác thân chủ của mình của các luật sư, nó cho chúng ta chỉ dấu rằng nhà cầm quyền ngày càng muốn giới hạn phạm vi hoạt động của các luật sư, và họ tìm mọi cách để các luật sư phải cúi đầu chấp nhận sự chỉ đạo và kiểm soát của nhà cầm quyền. Bước thứ hai rất tệ hại là xóa tên luật sư Võ An Đôn ra khỏi đoàn luật sư Phú Yên. Điều đó cho thấy luật sư bây giờ nếu ngoan ngoãn nghe lời, chỉ biết kiếm tiền mà thôi thì sẽ được để yên để làm việc đó. Còn nếu họ có những phát ngôn mà nhà cầm quyền cảm thấy không hài lòng thì ngay lập tức họ sẽ có vấn đề.
Chúng ta thấy rằng nổ lực cải cách tư pháp của nhà cầm quyền Việt Nam từ xưa đến giờ chưa bao giờ đặt ra sự độc lập của hệ thống tòa án, sự độc lập của định chế luật sư.
-Luật sư Lê Công Định.
Kính Hòa: Vậy trong tình hình hiện nay, những nổ lực cải cách nền tư pháp Việt Nam theo hướng độc lập, thỏa mãn những gì cần có cho một công dân trước công lý, thì phải làm như thế nào?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta thấy rằng nổ lực cải cách tư pháp của nhà cầm quyền Việt Nam từ xưa đến giờ chưa bao giờ đặt ra sự độc lập của hệ thống tòa án, sự độc lập của định chế luật sư, mặc dù trong luật nói là các tòa án xét xử độc lập, tuy nhiên đó chỉ là những lời nói trên giấy, ở trong luật mà thôi. Trên thực tế tòa án Việt Nam chưa bao giờ xét xử độc lập, Định chế luật sư cũng vậy. Trong chương trình cải cách tư pháp của họ, họ chỉ tạo ra cái vẻ bề ngoài là có dân chủ ở tòa bằng cách khuyến khích sự tranh luận công khai trong các phiên tòa, cả về hình sự lẫn dân sự thương mại. Tuy nhiên trong thực tế chúng ta biết rằng trong thực tế hoạt động của các phiên tòa là hoàn toàn phản dân chủ.
Chỉ trong những vụ kiện hoàn toàn không liên quan đến chính trị mà chỉ là tiền bạc giữa các công dân với nhau thôi thì may ra tòa còn lắng nghe luật sư tranh luận. Nhưng thực ra mà nói việc quyết định một bản án trong những vụ kiện dân sự như vậy nó cũng không phản ánh nhiều lắm sự tranh luật giữa các luật sư tại tòa mà đa phần là dựa trên sự phán đoán nhận xét riêng của thẩm phán, mà chúng ta cũng biết sự tham nhũng cũng len lỏi trong những quyết định đó như thế nào.
Trở lại vấn đề cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp ở Việt Nam đã được nói đến từ năm 1987 đến nay. 30 năm nhìn lại chúng ta thấy có sự tiến triển nào chưa? Tôi cho là hoàn toàn không có. Thậm chí với điều 19.3 của bộ luật hình sự lẫn dự thảo nghị định về việc kiểm soát sự phát ngôn của luật sư trên mạng xã hội, nơi công cộng, cho thấy là có sự phát triển thụt lùi chứ không phải là đi tới của ngành tư pháp Việt Nam.
Kính Hòa: Xin cám ơn luật sư Lê Công Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét