Ðại học Y khoa Minh Ðức trên đường Nguyễn văn Tráng gồm khu Trí Tri là tòa nhà ba tầng phía trước dùng làm văn-phòng, thư viện, và giảng-đường, và khu Cách Vật là tòa nhà năm tầng phía sau dùng làm Cơ thể Học viện, nơi chứa các tử thi vô thừa nhận để sinh viên tập giải phẫu, và các phòng thí nghiệm thực tập. Phòng thí nghiệm Vật lý của tôi ở lầu hai, ngay trên Cơ thể Học viện, và trên đường đi tới các phòng thí nghiệm khác.
Đầu năm học, tôi đứng trước văn phòng loay hoay gắn lịch trình thực tập mới vào bảng thông cáo là một cái tủ kính nhỏ có khóa, ba cô sinh viên năm thứ hai (học với tôi năm trước) đi ngang qua và dừng lại chào hỏi. Đi đầu là Thanh Dương, tức là ca sĩ Xuân Giang trong ban tam ca Việt Đông chuyên hát dân ca ba miền. Rụt rè đứng bên cạnh là Trí Đức dáng người mảnh mai với mái tóc cắt ngắn, đôi mắt đen láy, và má lúm đồng tiền. Cô thứ ba tôi không nhớ tên bước tới và làm ra vẻ bạo dạn,“Năm ngoái thấy thầy nghiêm quá, tụi em sợ thầy ghê lắm . . .”Câu nói chưa dứt thì tình cờ Bác sĩ Duy Khoa trưởng đi ngang qua. Ông thường hay đi rảo quanh khuôn viên trường, chăm lo từng li từng tí mọi việc từ ngoài vào trong, và rất gần gũi với sinh viên. Ông không để lỡ một dịp đùa bỡn,“Và năm nay thì y…ê…ê…u thầy ghê lắm hả?”“Học trò mà không ‘yêu’ thầy thì ‘yêu’ ai, thưa thầy?”Thanh Dương lẹ làng cứu bồ bằng lối chơi chữ: Tiếng “yêu” người Bắc (nàng và Bác sĩ Duy) thường dùng để chỉ sự yêu mến thường tình, không như tiếng “yêu” của người Nam (cô sinh viên kia) nghiêng về tình yêu trai gái. Sau vài lần ấp úng ngượng ngùng và với sự thúc giục của hai cô bạn, rốt cuộc Trí Đức nói lên điều muốn nói,“Em là em bạn con dì của chị Hương Nhã. Em xin mời thầy đến nhà em chơi với chị Thư em, chỉ cùng tuổi Tý với thầy.”Hương Nhã quê ở Tây Ninh là bạn thân của tôi thời học trung học. Nhà của Trí Đức là ngôi biệt thự lớn nằm trong một hẻm cụt ngắn trên đường Lê Lai, cách trường khoảng ba trăm thước, và chỉ có hai chị em nàng và người làm ở. Cha mẹ nàng là thương gia giàu có ở Tây Ninh, thỉnh thoảng có công việc buôn bán mới xuống Sài gòn. Mái tóc dài xõa ngang lưng, nước da ngăm ngăm, và nét mặt không đẹp mà có duyên, Thư có vóc dáng mà ngày xưa người ta gọi là “thắt đáy lưng ong” vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con, đã đậu bằng Cử nhân Luật khoa, và đang tập sự luật sư và học cao học kinh tế ở trường Luật. Nói theo ngôn ngữ của mục Tìm Bạn Bốn Phương trên báo, nàng là “đối tượng” lý tưởng cho một “tâm hồn cô đơn” như tôi.Mỗi tuần một hay hai lần, tôi đưa Thư đi uống cà-phê nghe nhạc, đôi khi đi nhậu với các bạn tôi, và ngạc nhiên khi biết tửu lượng của nàng rất cao. Chúng tôi bước qua một ngã rẽ mới khi thằng Song và thằng Lộc làm việc cho Công ty Điện lực Việt nam từ Pleiku và Đà Lạt về Sài gòn họp. Hai thằng này cùng một số bạn cũ tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện học họp mặt ăn nhậu ở quán Năm Giang trên đường Bùi Viện. Tôi hãnh diện mời Thư đi theo để “trình diện,” nàng là phụ nữ duy nhất trong bàn tiệc, và các bạn cố ý phục rượu cho tôi say để làm trò đùa. Mỗi khi bạn lớn tiếng cổ võ, tôi nghe lời nốc hết ly rượu, và Thư cũng cạn ly theo.Tiệc nhậu tan, tôi say túy lúy nhưng không chịu về nhà mà đòi đi uống cà-phê. Tới quán cà-phê, tôi gọi bia “33” và tiếp tục uống, Thư cũng uống theo, và tôi không nhớ làm sao tôi về nhà. Sáng hôm sau đi ăn sáng, thằng Song cười nghiêng ngửa,“Hôm qua tốn có mấy ngàn bạc mà được coi phim con heo đã đời! Diễn viên chính là chàng giáo gian đạo đức giả, và nàng thầy kiện đóng vai nữ lột tả cơn rạo rực thể xác.”“Tao làm gì nên tội mà chúng mày xỉ vả tới nơi tới chốn vậy?” tôi xốn xang lo lắng.“Phạm tội công xúc tu sĩ, công khai làm mất liêm sĩ, làm cho kẻ khác thẹn thùng, và phạm thuần phong mỹ tục. Hai đứa mày ôm nhau hôn hít líu lo trước mặt mọi người trong quán cà-phê,” thằng Lộc bồi thêm.Để chuộc lỗi và bày tỏ ý hướng xây dựng đứng đắn của mình, thỉnh thoảng tôi mời Thư đến nhà ăn cơm tối với các em và xem nàng như vợ sắp cưới. Cô em Nhật Lệ và chồng là thằng Khanh ở Nha Trang nghe tin, vội bay vào Sài gòn. Nàng trổ tài nấu nướng và mời Thư và Trí Đức đến ăn để ra mắt bà chị dâu tương lai. Sau bữa cơm ngon lành và vui vẻ, khách ra về, và Nhật Lệ cùng các em quây quần quanh tôi,“Vợ chồng em vào đây cốt để gặp chị Thư. Có điều em nhắc nhở anh: Ngày trước anh khuyên em lấy anh Khanh vì anh ấy yêu em nhiều hơn ai hết, nhiều hơn em yêu lại. Tại sao nay anh lại làm ngược lại?”“Sao em nói vậy, ngược lại chỗ nào?”“Bọn con gái tụi em tinh ý thấy rõ ràng Trí Đức yêu anh thắm thiết và sẵn lòng theo anh đến tận chân trời góc biển. Sao không tính chuyện trăm năm với cô ấy mà lại dính chị Thư tâm tình khô như bánh tráng?”“Chị đừng so sánh vậy mà tội nghiệp cho bánh tráng. Bánh tráng Hòa Đa ở Phú Yên ngon nhất Việt nam đó,” thằng Triết la lên, nhưng không dám phê bình thẳng.“Anh không xem đó là một giải pháp lựa chọn, tụi bây thật nhiều chuyện.”* * *Mặc dù không còn làm việc với nhau, tôi và thằng Hòa trở thành đôi bạn thân và gặp nhau luôn. Vì không những là em bạn tôi, tính tình mềm mỏng, và chiều lòng bạn bè, mà nó là dân Phú Yên chính gốc. Thật thà chất phác như tiếng “nẫu” trong và cao, cất cao lên ở cuối câu, và nghe thật dễ mến và thân thiết. Gợi nhớ những kỷ niệm ở Tuy Hòa, thành phố hiền hòa dễ thương đã lâu tôi không về thăm. Hàng tuần tôi ghé lại nhà trọ rủ nó đi chơi, có khi về khuya giữ nó ngủ lại nhà tôi.Một tối tôi đưa Thư đi ăn nghiêu bên lề đường Nguyễn Tri Phương cùng với thằng Hòa. Tôi từ tốn uống bia “33,” nhưng Thư gọi hết chai này đến chai khác và cụng ly liên tục với bạn tôi. Ăn xong, tôi có việc phải ghé nhà anh Hán ở gần đó và nhờ thằng Hòa đưa nàng về nhà trước. Anh Hán không có nhà; tôi về tới đầu ngõ nhà Thư sớm hơn dự định và bất ngờ trông thấy một cảnh tượng khó tin: Trước cửa nhà, hai người đứng hôn nhau, lưng thằng Hòa quay ra đường. Tôi lặng lẽ quành xe chạy ra Ngã Sáu Sài gòn, mua gói thuốc lá rồi trở lại đón thằng Hòa như không có chuyện gì xảy ra.Tôi và Thư vẫn gặp nhau và trò chuyện như thường, nhưng những lần thăm viếng thưa dần và cuối cùng ngưng hẳn. Cuối năm học, tôi chuyển sang Đại học Kỹ thuật (tên mới của phân khoa Khoa học Thực dụng) Minh Đức làm trưởng phòng Máy Điện, công việc thích hợp với khả năng chuyên môn của tôi hơn, và thằng Hòa thay thế tôi ở phòng thí nghiệm Vật lý. Trước khi tôi rời trường y khoa, Trí Đức ghé lại văn phòng báo tin,“Chị Thư đã nhận lời cầu hôn của anh Điền bạn học cùng lớp. Tuần sau, chỉ đi Bạc Liêu nhận chức giám đốc chi nhánh Tín Nghĩa Ngân hàng.”“Chúc mừng Thư và gia đình em,” tôi nói đẩy đưa.“Bây giờ chị Thư đi xa, khi nào thầy trở lại thăm em?” nàng lấy hết can đảm thốt lên.“Tôi chưa nghĩ tới, nhưng tại sao?” tôi lưỡng lự.“Thầy là người em quan tâm nhất trên đời này, thầy biết không?”Trong ánh mắt phục tùng chờ đợi của Trí Đức, tôi đọc được thứ tình cảm sâu đậm ngút ngàn. Nhưng cảnh Thư ôm hôn thằng Hòa hiện ra trong trí, có gì bảo đảm Trí Đức sẽ không dẫm lên vết xe đổ của cô chị? Tôi quyết định và đứng lên tiễn khách,“Chúc em may mắn trên đường học vấn; em sẽ là một bác sĩ tài ba và sẽ tận tâm tận lực phụng sự xã hội.”* * *Ba mươi lăm năm sau, chuyện xưa vùi chôn tận đáy lòng được khơi dậy trong một chuyến du lịch miền nam California. Tôi ghé thăm thằng Hòa, nó kể lại về chuyến đi về Việt nam vừa qua,“Anh còn nhớ cô Trí Đức học Y khoa Minh Đức không?”“Nhớ chứ, nó học Khóa 1 thì năm 75 vừa xong năm thứ năm; về sau nó ra sao?”“Việt Cộng vào, tụi nó đóng cửa và tịch thu tài sản viện đại học, và cổ may mắn được chuyển sang Đại học Y khoa Sài gòn học tiếp và tốt nghiệp. Sau đó, gia đình được bảo trợ di cư sang Pháp, cổ đi học chuyên môn về giải phẫu Răng Hàm Mặt. Cổ bỏ việc làm và tình nguyện về Việt nam lập đoàn ‘Giải Phẫu Tình Thương’ chỉnh hình miễn phí cho bệnh nhân bị sứt môi, hở hàm ếch, và các dị tật hàm mặt khác. Những khiếm khuyết bẩm sinh này hoành hành ở vùng quê nghèo khó, và trẻ em là nạn nhân đáng thương nhất.”Giọng thằng Hòa trầm xuống,“Tôi về Sài gòn nhằm lúc đám tang của cổ.”“Nó còn trẻ, sao chết sớm vậy?”“Sau hăm lăm năm xả thân giúp đời, cổ bị ung thư buồng trứng. Cơn bệnh ập xuống, vào nhà thương cắt bỏ phần ung thư, nhưng không đủ tiền mua thuốc hóa học trị liệu và chịu chết. Lúc cổ hấp hối, trong bài giảng ở giáo xứ Nghĩa Bình, cha xứ cầu nguyện và tôn vinh,MẹTeresa ở Calcutta và các con cái nữ tu của Mẹ âm thầm, nhẫn nại, ôm ấp những cảnh đời bị bỏ rơi. Bác sĩ Xxxx Trí Đức từ bỏ cuộc sống ở Paris, quay lưng với đồng lương hậu hỉ, trở về Việt Nam, phục vụ cho những cảnh đời bất hạnh, khổ đau còn quá nhiều ở xứ sở này.”Thằng Hòa đều đều tiếp tục,"Quàn ở nhà riêng bên Phú Nhuận, đám tang cổ lớn nhất Sài gòn từ trước đến giờ. Trong ba ngày, hàng chục ngàn người, có người lặn lội cả mấy ngày đường, sắp hàng viếng thi thể. Nhiều bà dừng lại thật lâu trước linh cữu, khóc than thương tiếc, và kính cẩn gọi cổ là ‘Mẹ Trí Đức.’”Mắt tôi cay xè, và hai má ướt đẫm lúc nào không hay. Thằng Hòa đặt tay lên vai tôi,“Bây giờ cô Trí Đức đã qua đời, tôi không còn lý do để giữ kín: Đêm hôm đó, anh thấy dzậy mà không phải dzậy. Cô Thư dàn cảnh biểu tôi đứng ngoài cửa đợi anh về tới thì đứng sát vào người cổ, quay lưng ra ngoài, và nghiêng đầu vào mặt cổ – nhìn từ phía sau tưởng chúng tôi hôn nhau.”“Tại sao Thư làm như vậy?” điều tôi băn khoăn trong lòng bao nhiêu năm qua.“Cổ thấy cô Trí Đức yêu anh quá đậm nên muốn nhường anh lại cho cô em. Không dè cổ vụng tính, và anh và cô Trí Đức không có duyên nợ với nhau.”Tôi nhắm mắt nhớ lại đôi mắt tròn xoe ngấn lệ của Trí Đức khoảnh khắc cuối cùng trước khi cách biệt. Tôi tự hỏi, nếu ngày đó tôi tiếp nhận tình yêu của nàng, liệu nàng có tìm thấy hạnh phúc trong đời làm vợ một kẻ thất phu.Nguyễn Ngọc HoaNgày 23 tháng Tám, 2017
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét