Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Hình bóng xưa của chợ Kim Biên - Trang Nguyên




“Chợ Kim Biên ngày nay khác xưa nhiều lắm, đến đỗi không còn nhận ra, dù thời gian chỉ mới thoáng qua gần nửa thế kỷ. Người ta ví von, đó là “ngôi chợ của thần chết” buôn bán hoá chất không rõ nguồn gốc. Những chất đó là hương liệu, là bột màu, phụ gia thực phẩm thơm ngon và cả các loại axít có thể bào mòn, hủy hoại cuộc sống con người. Và đâu chỉ có ngôi chợ Kim Biên kỳ lạ nhất thành phố bày bán các chất độc hại này. Từ nơi đây, hóa chất theo dòng người mua sỉ bán lẻ lan tỏa khắp nơi. Mối nguy hại lại càng nguy hại hơn”.<!>
cho-kim-bien3
Chợ Kim Biên nhìn từ mặt sau nơi khi xưa có Cầu Ba Cẳng. Ảnh: Internet
Ông bạn lớn tuổi của tôi nhận xét như vậy sau bốn mươi năm lần đầu tiên trở về thăm lại chốn xưa nơi có căn nhà gạch mái ngói của gia đình ông bên bờ kênh Bãi Sậy gần Cầu Ba Cẳng. Chợ Kim Biên từ thuở ông biết khi còn là một ngôi chợ nhỏ mới cất lên hồi năm 1973 buôn bán các loại máy móc dân dụng, phụ tùng nông ngư cơ và một vài hàng bán buôn bột hóa chất đánh bóng lư đồng, bình điện xe hơi, xe gắn máy cùng chất axít loãng dùng để châm bình ắc quy.
Quy mô buôn bán những mặt hàng đó không nhiều, có thể chấp nhận được do nhu cầu của người dân. Thế nhưng người dân sống quanh khu vực chợ Kim Biên lại không muốn có một ngôi chợ như thế xây cất trên phần đất công trước đó là tiểu đảo phân cách giữa đường Vạn Tượng và Kim Biên. Ngôi chợ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hai con đường này từng có.
Sở dĩ giữa hai con đường này có dãy tiểu đảo trồng cỏ và hai hàng cây xanh là do ngay ngã ba kênh Hàng Bàng, kênh Bãi Sậy và kênh thoát nước thông ra kênh Tàu Hủ khi xưa đã có một cây cầu rất đẹp mang tên Pont des 3 Arches (Cầu Ba Cánh Cung) nhưng dân chúng vẫn quen miệng gọi là Cầu Ba Cẳng. Cây cầu do công ty xây dựng Brossard et Mopin cất lại bằng tài trợ của vợ chồng cô em của ông Trương Văn Bền chủ hãng Xà bông “Cô Ba” sau khi cây cầu bằng sắt lót ván bị sập do thiên hạ bu đen xem trận hỏa hoạn xảy ra trên đường Gia Long (sau này là Trịnh Hoài Ðức).
https://i0.wp.com/baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/12/cho-kim-bien1.jpg
Bản đồ Chợ Lớn năm 1970, chỉ rõ khu vực Cầu Ba Cẳng và tiểu đảo ở giữa hai con đường Kim Biên – Vạn Tượng. Nguồn: Bản đồ Sài Gòn xưa
Cây cầu mới rất đẹp, có bậc cấp đi lên từ ba cánh cung họp lại điểm giữa chia ba ngã xuống đường Bãi Sậy, Trịnh Hoài Ðức và tiểu đảo đường Kim Biên – Vạn Tượng. Cây cầu trở thành điểm nhấn cuối dãy tiểu đảo xanh rì (xây sau khi Pháp rút khỏi Sài Gòn), phía mặt ngoài kết nối với đường Hải Thượng Lãn Ông cũng có xây tiểu đảo ở giữa từ hồi thời Pháp thuộc, tạo thành một góc công viên cho dân chúng quanh khu vực mỗi chiều dạo chơi, ăn uống hàng quán lưu động bán dọc theo đường Kim Biên và Vạn Tượng.
Hồi đó, trên đường Kim Biên vẫn còn con kênh nhỏ dẫn từ kênh Tàu Hủ vào trước hãng Xà bông Trương Văn Bền, sau này lấp đi xây tiểu đảo. Phần kênh còn lại kết nối với kênh Bãi Sậy thông thương ghe thuyền có thể đến được sau lưng chợ Bình Tây để lấy hàng. Ðến năm 1961 thì phần kênh dưới cầu Ba Cẳng được lấp đi do phát triển đô thị, nhà cửa khi xưa ở các bờ kênh được xây cất lại khang trang. Nhiều năm sau đó, kênh lấp hoàn toàn nhưng vẫn chừa một phần năm sáu chục mét lộ thiên thông ra kênh Tàu Hủ với mục đích thoát nước. Cầu Ba Cánh Cung vẫn còn giữ lại như một công viên vòng xoay. Nghe nói đến năm 1990 cây cầu này mới bị phá bỏ hoàn toàn để xe cộ lưu thông dễ dàng không vướng tầm nhìn. Phần phía đầu Chợ Kim Biên ngó ra đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn giữ bãi cỏ của tiểu đảo như một dấu tích còn lại trên đường Kim Biên – Vạn Tượng ngày trước.
Ông bạn già tôi mơ tưởng về cái ngày xa xưa ấy. Ngày ông còn là một cậu thiếu niên cùng gia đình vừa mới chuyển về từ trại tạm cư dành cho dân di cư miền Bắc căng lều bạt sống trong sân trường đua Phú Thọ. Cha mẹ ông tậu căn nhà gỗ trên bờ kênh Bãi Sậy để dễ mua bán làm ăn sinh sống.
Ðúng ra gia đình ông về khu Ông Tạ mua nhà sống gần những người đồng hương. Do tiền bạc eo hẹp, nên tìm về khu đất kênh rạch, nhà cửa còn rẻ đủ sức tạo lập cuộc sống mới ở vùng Chợ Lớn.
https://i0.wp.com/baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/12/cho-kim-bien2.jpg
Cầu Ba Cẳng, một chiếc cầu đẹp trong vùng Chợ Lớn. Ảnh: Manhhaiflicks
Về khu vực Chợ Lớn định cư, ông có ấn tượng ngay với những sinh hoạt hằng ngày quanh chân Cầu Ba Cẳng. Ông thích nhất đứng trên nền cầu bê tông nhìn xuống những chiếc ghe con tụ tập dưới chân cầu buôn bán. Một hình ảnh thôn quê rất dung dị giữa thành phố Sài Gòn náo nhiệt hàng quán hai bên phố thị dọc theo bờ kênh. Từ mặt cầu muốn xuống đường nào cũng được, mỗi chiều đi học về, đi ngang qua cầu, ông đều dừng lại nhìn xuống tiểu đảo trên đường Kim Biên rồi tự hỏi, sao lại có một tên đường Kim Biên lạ hoắc giữa những tên đường toàn là danh nhân lịch sử.
Ông còn nhớ thuở ông mới về khu vực này sinh sống, tên đường Rue de Cambodge do người Pháp đặt được gắn biển tên mới Kim Biên. Ðúng ra phải gọi là Cao Miên. Nhưng có lẽ, hồi trước dân chúng không thích cái tên này, tự nhiên ở giữa Chợ Lớn đa phần là người Hoa lại xuất hiện một nước Cao Miên cho dù người “thổ” đã từng ở vùng này mấy trăm năm trước. Nói nghe kỳ thị nhưng chuyện đời là vậy. Không thích thì cứ nói trại ra cho khỏi mang tiếng kỳ thị, cứ gọi Kim Biên theo người dân vẫn gọi như thế. Cái tên Kim Biên nghe cũng đẹp và chắc chắn có một ý nghĩa khác, ông vẫn nghĩ như thế.
Tôi xin trích lời giải thích của học giả An Chi để tìm hiểu từ Kim Biên không tự dưng mà có:
Theo lịch sử ghi chép thì năm 1372, Campuchia bị một trận lụt lớn chưa từng thấy. Trên một ngọn đồi bên con sông chảy qua kinh đô, có một góa phụ giàu có tên Penh đã cất nhà ở. Một hôm đẹp trời, bà Penh ra sông lấy nước thì thấy giữa dòng nước chảy cuồn cuộn nổi lên một cái cây to, từ trong bộng cây phát ra ánh sáng lấp lánh của một bức tượng Phật. Bà bèn gọi thêm mấy người phụ nữ nữa đến rồi họ cùng chung sức lôi cái cây lên bờ thì thấy bên trong có bốn bức tượng Phật bằng đồng và một bằng đá. Vốn là một Phật tử sùng đạo, bà Penh cho rằng đây là món quà Trời ban; bà cùng mấy người phụ nữ kia lau rửa các tượng Phật thật sạch sẽ rồi bà kính cẩn đem về nhà mà thành kính thờ phụng. Sau đó, bà cùng với những láng giềng ra sức đắp một ngọn đồi nhỏ trước nhà và cất một ngôi chùa trên đó rồi đưa năm bức tượng vào.
cho-kim-bien
Ngoài mặt hàng hóa chất, Chợ Kim Biên còn là nơi bán dụng cụ nhà bếp. Ảnh: Internet
Ðể ghi nhớ công lao của bà, người đời sau mới gọi ngọn đồi này là Phnom Penh (Núi [bà] Penh), mà người Hoa phiên âm thành Bách Nang Bôn , âm Bắc Kinh là Băi Náng Bèn, âm Quảng Ðông là Pạc Noòng Pắn (trong Nam ghi là: Pánh). Dần dần, người Hoa vừa tôn xưng vừa tỉnh lược mà gọi là Kim Bôn , âm Quảng Ðông là Cắm Pắn (Pánh). Ở đây, kim (= vàng) hiển nhiên là một từ có tác dụng “làm đẹp” còn Pắn (Pánh), tên bà Penh vẫn được giữ lại. Nhưng với thời gian thì dân Quảng Ðông ở Phnom Penh đã biến Pắn (Pánh)   thành Pín, khiến cho Cắm Pắn (Pánh)  thành Cắm Pín  – phiên âm theo Hán Việt là Kim Biên – rồi cứ như thế mà gọi cho đến ngày nay. Từ nguyên dân gian là nguyên nhân của sự thay đổi này.
Như vậy là rõ, tên đường Kim Biên có lai lịch rõ ràng và ý nghĩa cũng không thay đổi. Nó chỉ gói gọn hơn trong phạm vi một thành phố Phnom Penh mà thôi chứ làm sao ở giữa Sài Gòn phải có cả một quốc gia Cam Bốt. Thế nhưng riêng chợ Kim Biên thì ông bạn già của tôi nghĩ thấy cần nên dẹp bỏ. Dẹp bỏ hay dời một cái chợ chuyên bán hoá chất mà không thể kiểm soát là điều cần làm ngay không cần phải bàn cãi. Nhưng điều ông muốn một khu tiểu đảo cỏ xanh cây xanh xuất hiện trở lại giữa đường Kim Biên – Vạn Tượng chỉ là chuyện cổ tích của ngày xửa ngày xưa.
Nhắc đến chợ Kim Biên dường như nhiều người rất sợ. Sợ sự tồn tại kéo dài của ngôi chợ chuyên bán mặt hàng hóa chất ăn mòn cuộc sống con người. Ông bạn lớn tuổi của tôi khi về thăm lại chốn xưa với lòng hoài vọng về hình bóng của mái nhà cha mẹ, của cây cầu, một ngôi chợ nhỏ, buôn bán những mặt hàng hóa dân sinh thiết thực. Ước mong vẫn là mong ước. Cái cũ đã mất đi thật khó mà tạo dựng lại được. Nó chỉ có thể ẩn sâu trong lòng một hình ảnh khó phai để khi có dịp kể lại cho con cháu nghe chơi cho nhẹ nỗi niềm.
TN
(diemdongquy/blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét