Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Gọi Mèo (catcalling) - Phan Hạnh

Inline image

Nói thiệt nha, hôm trước xem tin tức trên ti vi, Chân Yếu tôi nghe xướng ngôn viên tường thuật tin là Toronto có xảy ra “catcalling” và chuyện đó có thể bị cảnh sát phạt. Cô xướng ngôn viên nhắc tới chữ “catcalling” khá nhiều lần mà tôi chẳng hiểu nó có nghĩa là gì. Tôi nghĩ thầm kể ra mình còn dốt quá, một chữ đơn giản như vậy mà làm mình bỡ ngỡ, đúng là đầu óc bình vôi. 
<!>
Tệ hơn nữa, tôi suy nghĩ theo nghĩa đen “cat” là con mèo, “calling” là gọi, vậy “catcalling” chắc có nghĩa là gọi con mèo, mà gọi con mèo là một sự vi phạm pháp luật đáng bị phạt à? Quái, chắc nó có nghĩa bóng là gì đó mà tôi chưa rõ. Tới chừng tham vấn ông Quý Kỳ (Wikipedia) tôi mới biết nghĩa bóng của nó là sự trêu ghẹo bằng cách huýt sáo, bằng lời bình phẩm vu vơ, thường là do đàn ông nhắm vào đối tượng phụ nữ.. Chừng đó tôi mới hiểu. Tưởng gì, thì ra nó là ghẹo gái, “street harassment”, quấy nhiễu ngoài đường phố. Ba cái vụ này thì tôi có lạ gì; từ hồi còn đi học tôi đã từng chứng kiến - chỉ chứng kiến thôi chớ không tham dự.
Thì ra trong văn hóa phương Tây hay phương Đông gì cũng ví con gái là mèo. Một chàng trai đi tán gái thì là đi o mèo, có bạn gái thì là có mèo, bây giờ tôi mới biết thêm ghẹo gái là gọi mèo. Mèo thì mũm mĩm, hay nũng nịu nhõng nhẽo và hay làm điệu bộ õng ẹo, mỗi lần sửa soạn chải chuốt cả giờ đồng hồ; mèo có đôi mắt đẹp với tia nhìn man dại hớp hồn; tiếng mèo kêu nghe dễ thương vô cùng; ví con gái như con mèo là đúng quá rồi. Miêu ơi miêu, meo meo, mèo ơi mèo.... Tôi gọi mèo đúng theo nghĩa đen đó.
Nhưng “catcall”, “catcalling” đã trở thành từ ngữ chính thống có trong các từ điển uy tín nhất như Oxford, Merriam-Webster chứ không thuần là một tiếng lóng như tôi tưởng. Từ điển định nghĩa “catcalling” là sự buông ra những âm thanh (chặc lưỡi, hít hà xuýt xoa, huýt sáo... ), hoặc buông lời tán tỉnh vu vơ, bình phẩm hay bày tỏ điệu bộ (búng tay, ngoắc tay, chu miệng... ) trêu ghẹo của một gã đàn ông khi một cô gái đi ngang qua ngoài phố. Nó mang tính cách không chính đáng có thể gây hại khó chịu cho đối tượng; nó được coi là một hình thức quấy nhiễu ngoài nơi công cộng không được chấp nhận.
Người Việt mình gọi đó là “ghẹo gái”, sát nghĩa với chữ “Eve teasing” (trêu ghẹo phụ nữ) rất thông dụng ở các nước Nam Á như Ấn Độ, Đông Hồi (Pakistan), Tây Hồi (Bangladesh), Nepal. Bách khoa Từ điển Mở Việt Nam định nghĩa “Ghẹo gái là trêu phụ nữ bằng lời nói hoặc cử chỉ suồng sã, chớt nhả.”
Ghẹo gái là khi người ta chẳng có quen với mình mà tự nhiên mình gọi người ta là “baby”, là “my love”, là “darling”, là “honey”, là “cô bé” là em, là “cưng” rồi khen một bộ phận nào đó trên cơ thể (ngực, mông, chân.... ) của người ta là “nice”, là “gorgeous”, là “sexy”, là “hot” và buông lời mơ ước hảo huyền (đi đâu vậy em, con gái nhà ai mà đẹp thế, muốn hun quá, muốn cắn một cái quá... ). Phải chi ghẹo gái theo kiểu ông cha ta ngày xưa thì có phải dễ nghe hơn không. Thấy một cô tóc dài đi ngang thì chàng ghẹo gái ngày xưa bảo:
Tóc ngang lưng vừa chừng em búi,
Để chi dài bối rối dạ anh.
Thấy em choàng khăn thì chàng cũng nảy ý tán một cách thanh lịch:
Ước gì anh hóa ra khăn,
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
Thấy em rực rỡ “hot” quá chàng cũng khen nịnh:
Thấy em như thấy mặt trời
Chói chang khó ngó, trao lời khó trao.
Có bị ghẹo một cách lịch sự như vậy thì làm sao cô gái phiền lòng, có khi còn thích chí đối đáp lại nữa. Thì ra ghẹo gái cũng cần có nghệ thuật để cho đối tượng không cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng ghẹo gái dường như chỉ phổ biến trong tầng lớp người bình dân “kém văn hóa” và tệ trạng này xảy ra nhiều ở những nước nghèo kém phát triển. Tại những nước tân tiến, nữ quyền được đề cao, phụ nữ hãnh tiến như đàn ông nên đàn ông cũng e dè không dám ghẹo. Nói chung, ghẹo gái, quấy rối trên đường phố, vẫn còn là một vấn nạn khá phổ biến trên thế giới và thường xảy ra đối với hầu hết phụ nữ, nhất là những cô gái trẻ đẹp mà lại đi một mình. Khi điều đó xảy ra, thật khó để biết nên phản ứng cách nào tốt nhất, có nên đáp trả với kẻ ghẹo gái (catcaller) hoặc là giả lơ mặc kệ họ?
Gặp trường hợp này, đối tượng dù có bực mình khó chịu thì tốt hơn hết nên cố dằn cảm xúc, cứ giả vờ không hay biết, cứ tảng lờ và làm nghiêm rảo bước tránh cho nhanh. Vì sao? Vì cô gái đáp ứng kiểu gì cũng chỉ có thể dẫn đến hậu quả xấu hơn mà thôi. Nếu cô gái bị ghẹo tươi cười (đáp ứng tích cực) thì chẳng khác nào đưa ra dấu hiệu cho “thằng ba trợn vô duyên” nó tưởng cô thích, được trớn nó làm tới. Nếu cô gái đáp trả lên tiếng mắng nó là “đồ vô duyên” thì có khi nó trây trúa bảo “làm sao cô biết tui vô ziên; tuì có hai ziên rõ ràng đây nè”. Hoặc nếu cô gái đáp ứng lại bằng cách đưa ngón tay giữa lên khoe (đáp ứng tiêu cực), điều đó có thể sẽ làm cho “thằng ba trợn vô duyên” nó bị chạm tự ái, nó sùng và nó hành động bậy bạ không tốt, có khi gây bạo lực chết người.
Tin tức Việt Nam ngày nay cho thấy nhiều vụ án mạng xảy ra cũng vì ghẹo gái do ghẹo nhầm gái đã có bạn trai khiến bạn trai nóng mặt xách dao đi thanh toán.. Việt Nam tuy có luật qui định về sự quấy nhiễu trên đường phố (ghẹo gái) nhưng áp dụng rất lỏng lẻo. Điểm a, khoản 1, Điều 5 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Việt Nam mô tả hành vi ghẹo gái là “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Nghị định này quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, giá trị tương đương khoảng từ 5 đến 15 Mỹ-kim, một mức phạt quá thấp. Vì người dân ít tin tưởng ở sự công minh của luật pháp nhà nước, họ có khuynh hướng tự giải quyết lấy, bất chấp hậu quả.
Thử nghĩ điều gì đã thôi thúc một người đàn ông liên can vào hành vi ghẹo gái? Tựu trung cũng chỉ vì bản năng con đực muốn chinh phục con cái đấy. Kích thích tố nam trong cơ thể của nó (nhất là lúc nó ở tuổi đang phát triển mạnh và nhất là vào mùa khí hậu nóng bức) lúc nào cũng chạy rần rật làm cho nó bức rức cứ muốn đi tìm con cái để thỏa mãn cơn dục vọng điên cuồng. Sự hiện diện của con cái lúc đó hấp dẫn nó hơn huống chi là con cái lại đẹp nên càng quyến rũ nó thêm, nhất là lúc đối tượng đi một mình không có ai để bảo vệ. Chị em bạn gái chớ có đi đêm một mình nhá, lỡ gặp ma sống thì khổ. Nếu sự việc xảy ra, nạn nhân tránh đừng phản ứng gì với kẻ quấy rối mà hãy gọi cảnh sát.
Ghẹo gái thường xảy ra ở những chỗ nào? Khỏi nói cũng biết, nó thường xảy ra ngoài đường phố ở những nơi đông người qua lại và nhiều hàng quán vỉa hè, quán nhậu lề đường, khu bình dân. Một đám con trai ngồi hút thuốc uống bia cười giỡn, một cô đẹp đi ngang qua, thằng này thách đố thằng kia hoặc một thằng muốn chứng tỏ bản lĩnh, thế là cô gái trở thành mục tiêu để ghẹo. Một khu bình dân, trong nhà nực nội, ra đứng hoặc ngồi ngoài đường hóng gió, không có chuyện gì làm, thấy gái đẹp đi ngang nên chọc ghẹo chơi giải khuyây không mất tiền. Đứa nào nhút nhát thì chỉ ngó thôi chứ đừng thốt ra lời bình phẩm gì cả là an toàn.. Con gái đẹp ra đường không được ai ngó ngàng gì hết mới là buồn.
 Inline image
Nhưng ngó gái thì cũng phải để ý chú tâm vào việc mình đang làm chứ đừng lo ra. Ví dụ đang đi xe đạp hoặc xe gắn máy mà cứ mải mê lo ra ngó gái thì có khi lủi xe lên lề tông cột đèn té lăn cù thì gái cười cho.
 Trong một cuộc khảo cứu thăm dò “xin cho biết lý do tại sao bạn có hành vi ghẹo gái”, những “thằng ba trợn vô duyên” đưa ra các trả lời như sau:
- Chẳng mất mát gì. Ghẹo vu vơ chơi mà có khi chài được cá to. Giống như mua vé số, mua hoài sẽ có ngày trúng.
- Do thói quen tự nhiên. Tại tôi đã thử mấy lần trước và có kết quả tốt..
- Tại có con gái thích được ghẹo và thích được con trai chú ý, nhất là được khen đẹp.
- Có lạ gì đâu, tại xã hội hồi xưa tới giờ nó như vậy đó mà.
- Đùa giỡn cho vui thôi mà, nhất là khi có nhóm bạn đi chung trên xe.
- Muốn chứng tỏ mình có bản lĩnh đàn ông chứ không yếu mềm như con gái.
- Tại chính quyền không cấm và công chúng không can thiệp hay đả kích.
Tùy theo văn hóa của các nước trên thế giới, tình trạng ghẹo gái xảy ra nhiều hay ít, là bình thường hay bất thường, bị lên án hay được chấp nhận. Xã hội nào quan niệm coi trọng đàn ông hơn phụ nữ thì chắc chắn tình trạng ghẹo gái thường xảy ra. Mễ Tây Cơ nói riêng và các nước châu Mỹ La Tinh nói chung xem chuyện ghẹo gái là thường. Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Phi Luật Tân cũng vậy.
Nước Pháp thì đang đề nghị ban hành đạo luật cấm ghẹo gái do bà Bộ trưởng Bình đẳng Giới tính Marlene Schiappa kêu gọi. Bà Bộ trưởng mới có 34 xuân xanh này không ưa những kẻ ghẹo gái tí nào. Bà muốn luật pháp nước Pháp nên phạt nặng tội ghẹo gái ngang với các tội trộm cắp và tội.... không hốt dọn cứt chó. Buộc tội trộm cắp hay tội không hốt dọn cứt chó của mình vừa ị ra nơi công cộng thì có vẻ dễ rồi vì có chứng cớ sờ sờ ra đấy rất khó chối cãi. Trái lại, buộc tội ghẹo gái không đơn giản. Khi bị cáo buộc vi phạm hành động ghẹo gái, “thằng ba trợn vô duyên” có thể bảo:
a) Nó có quyền tự do bày tỏ tư tưởng,
b) Nó nói khơi khơi trống không vậy đó chớ chẳng nhắm vào ai,
c) Nó đang dợt đóng vai tuồng thằng khùng cho một vở kịch tưởng tượng,
d) Nó đang bắt chước Elvis Phương huýt sáo theo bản nhạc Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang và bản nhạc chủ đề của phim The Good The Bad and The Ugly không được sao?
Tại các nước Canada, Hoa Kỳ, Tân Tây Lan, Á Căn Đình, Bỉ, Bồ Đào Nha, hành vi ghẹo gái là trái luật. Mức phạt ở Tân Tây Lan lên đến cả ngàn đô la. Mức phạt cho vi phạm này ở Hoa Kỳ thay đổi tùy tiểu bang; ở New York là 250 Mỹ-kim.
Hòa Lan sẽ áp dụng lệnh phạt ghẹo gái vào đầu năm tới. Một phụ nữ trẻ của xứ này đã tìm ra một cách khéo léo để vừa đối phó với những kẻ quấy rối cô và vừa chuyển gửi một thông điệp mạnh mẽ cho các cô gái khác trên khắp thế giới. Người đó là cô Noa Jansma, một sinh viên trẻ đẹp 20 tuổi ở Amsterdam. Sau nhiều lần trở thành nạn nhân của những vụ ghẹo gái, cô nghĩ mình phải quyết định hành động và nghĩ ra cách tố giác những kẻ vô duyên đó cho công chúng biết: cô dùng điện thoại thông minh tự chụp hình mình với kẻ ghẹo gái đang đứng ở phía sau và đăng những tấm hình của từng sự cố đó lên tài khoản Instagram riêng của cô, đặt cho nó cái tên khá mỉa mai là ‘Dear Catcallers’, những người ghẹo gái thân mến. Bắt đầu từ Tháng Chín năm 2017, chỉ trong một tháng với 30 bài đăng, tài khoản ‘Dear Catcallers’ của cô đã tích lũy được hơn 45.000 lượt truy cập theo dõi..
Inline image
Cô Noa Jansma viết khi bắt đầu lập tài khoản: "Instagram này nhằm mục đích tạo ra nhận thức về sự khách quan của phụ nữ trong cuộc sống hàng ngày. Vì nhiều người vẫn không biết bao nhiêu lần và trong bất cứ bối cảnh nào sự cố ghẹo gái xảy ra cho mình, tôi sẽ chỉ mặt những kẻ ghẹo gái đối với tôi trong vòng một tháng."
Jansma cho biết khi “bị” cô chụp hình, hầu hết những kẻ ghẹo gái đó chẳng nghi ngờ gì cả; có người còn thắc mắc sao cô này thích chụp hình ‘selfie’ thế.
Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, kẻ vi phạm hành vi ghẹo gái, quấy nhiễu trên đường phố, ở Hòa Lan sẽ bị xử phạt 190 đồng Euro, tương đương với 280 Gia-kim. Mặc dù loại vi phạm này chỉ có tính cách cảnh cáo tượng trưng, khó được nhận ra một cách rõ ràng và luật pháp sẽ khó áp đặt, Jansma nghĩ rằng dù sao đây cũng là một cách khơi động sự ý thức hiểu biết đối với vấn đề này cho công chúng; như vậy cũng tốt thôi.
 Canada là một quốc gia được tiếng tốt với dân chúng hiền hòa lịch sự, hành vi ghẹo gái chắc cũng hiếm khi xảy ra. “Thằng ba trợn vô duyên” nào không biết kiềm chế bản thân ra đường ghẹo gái bị phạt 280 Gia-kim thì ráng chịu. Có người đề nghị ngoài đường phố nên gắn các bảng ‘CẤM GHẸO GÁI’, ‘NO CATCALLING’ có ghi số tiền phạt giống như những bảng ‘cấm xả rác’ vậy. Ghẹo gái thật ra cũng là một thứ rác rưởi trong xã hội văn minh, không phải sao? Tôi e rằng sẽ có một chàng di dân mới cà rù nào đó thấy tấm bảng này lại thắc mắc “Lạ quá! Sao ở đây người ta cấm gọi mèo vậy cà”?
 Phan Hạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét