Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

EU sẽ nêu trường hợp Blogger Mẹ Nấm trong Đối thoại nhân quyền tại Hà Nội - VOA

Liên minh châu Âu nói sẽ nêu trường hợp Blogger Mẹ Nấm và một số người khác tại Đối thoại Nhân quyền hàng năm diễn ra vào ngày hôm nay 1/12 ở Hà Nội. Trong khi đó phía Việt Nam cho rằng việc xét xử phúc thẩm nữ blogger này “theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.”
<!>
Trong một thông cáo hôm 30/11, Liên minh châu Âu (EU) nói về phiên xử phúc thẩm y án 10 năm tù đối với blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: "Việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện Phái đoàn EU và các Đại sứ quán thành viên EU tham dự phiên toà đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá tình xử án."
Thông cáo của EU còn nói thêm rằng sự việc chính quyền tỉnh Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư được gia đình cô Quỳnh thuê để bào chữa cho cô tại phiên toà và các luật sư khác chỉ được phép gặp cô một vài lần để chuẩn bị cho việc bào chữa, đã đặt ra câu hỏi về quyền lợi thích đáng mà mỗi người dân Việt Nam có quyền được hưởng theo quy định của pháp luật.
Cơ đại diện ngoại giao của EU còn nhận định gia đình của cô Quỳnh nên được phép tham dự phiên xét xử diễn ra trong phòng xử án, nhưng điều này đã không xảy ra.
Cùng ngày, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà Bärbel Kofler, hôm 30/11 đã tuyên bố như sau: “Tôi cảm thấy đau buồn và phẫn nộ về việc tuyên y án đối với blogger và nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận của mình, quyền đã được Hiến pháp Việt Nam bảo đảm, mà bà Quỳnh đã bị bỏ tù 10 năm. Bản án đã vi phạm các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.”
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng phiên xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm đã “diễn ra công khai, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.”
Hôm 27/11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị EU cần tập trung vào những người bị giam giữ vì lý do chính trị; và xem xét ba nội dung ưu tiên về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam: tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại; tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo; và nạn công an bạo hành.
Trước đó, EU cho biết rằng kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 7 năm nay sẽ là một cơ sở rất quan trọng để Phái đoàn EU tại Việt Nam báo cáo cho EU nhằm quyết định có thông qua hay không Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Hôm 21/11, trong cuộc gặp tại Hà Nội với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - cho biết việc hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững.
Cùng lúc ấy, trang Chinhphu.vn của Việt Nam lại cho biết rằng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc chỉnh sửa các nội dung hợp tác kinh tế chỉ nên liên quan tới các vấn đề về PCA chứ không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA.”
Trong một bài viết cho VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định rằng việc y án 10 năm tù đối với Blogger Mẹ Nấm cho thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nào, kéo theo EVFTA giữ nguyên trạng thái trì trệ để rồi toàn bộ chính thể Việt Nam vẫn bị “treo” ở đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét